Ngày 05/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (gọi tắt là Nghị định 73/2019/NĐ-CP). Nghị định này đã bãi bỏ Quyết định 80/2014/QĐ-TTg.
Tại điểm c khoản 2 Điều 55 Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định: “Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ”.
Do đó, ngày 29/5/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BTTTT hướng dẫn xác định chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo phương pháp tính chi phí.
Hình 1: Tổng quan về thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Thông tư này áp dụng đối với dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nội dung cơ bản của Thông tư 12/2020/TT-BTTTT
Theo quy định tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin có 2 hình thức thể hiện là dịch vụ sẵn có trên thị trường và dịch vụ không sẵn có trên thị trường. Đối với dịch vụ sẵn có, thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Giá thuê dịch vụ (tính theo đơn giá của từng dịch vụ sử dụng hoặc đơn giá sản phẩm đầu ra của dịch vụ) được xác định trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm thuê dịch vụ.
Đối với dịch vụ không sẵn có trên thị trường (gọi chung là dịch vụ theo yêu cầu riêng) thì lập kế hoạch thuê trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện. Dự toán thuê dịch vụ là một trong các nội dung chính của kế hoạch thuê.
Cơ cấu dự toán thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng bao gồm: (i) chi phí thuê dịch vụ; (ii) chi phí quản lý; (iii) chi phí tư vấn; (iv) chi phí khác; (v) chi phí dự phòng. Phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ cũng đa dạng hơn so với quy định tại Quyết định 80/2014/QĐ-TTg trước đây, bao gồm các phương pháp: phương pháp so sánh; phương pháp chuyên gia; phương pháp lấy báo giá thị trường; phương pháp tính chi phí; kết hợp các phương pháp. Chủ trì thuê căn cứ vào tính chất của hoạt động thuê dịch vụ để lựa chọn phương pháp xác định chi phí thuê phù hợp và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
Thông tư 12/2020/TT-BTTTT chính là hướng dẫn cho phương pháp tính chi phí khi xác định chi phí thuê dịch vụ không sẵn có để xác định dự toán, giá gói thầu thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng.
Theo hướng dẫn tại Thông tư, chi phí thuê dịch vụ không sẵn có (dịch vụ theo yêu cầu riêng) là toàn bộ các chi phí cần thiết để thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong suốt thời gian thuê, bao gồm các thành phần:
- Chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ là toàn bộ chi phí dự tính để hình thành dịch vụ theo yêu cầu riêng, bao gồm các chi phí để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu (chi phí xây lắp; chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin; chi phí lắp đặt thiết bị; cài đặt phần mềm; kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm). Gọi tắt là Gtdv.
- Chi phí quản trị, vận hành dịch vụ là toàn bộ chi phí cần thiết để bảo đảm dịch vụ theo yêu cầu riêng được vận hành, hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn trong suốt thời gian thuê. Gọi tắt là Gv.
- Chi phí bảo trì dịch vụ là toàn bộ chi phí cần thiết cho việc bảo trì phần cứng, bảo trì, duy trì, cập nhật phần mềm và cơ sở dữ liệu để bảo đảm tổng thể dịch vụ theo yêu cầu riêng được hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn trong suốt thời gian thuê (trong đó có các hoạt động sửa đổi một phần mềm để chỉnh sửa các lỗi phát sinh, cải thiện hiệu năng hoặc các thuộc tính, chức năng của phần mềm hoặc làm cho phần mềm hoạt động tối ưu trong môi trường vận hành dựa trên việc điều chỉnh cấu hình hệ thống theo thiết kế ban đầu; không bao gồm hoạt động thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống phần mềm). Gọi tắt là Gbt.
- Chi phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ như: chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu; chuẩn hóa, chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu; thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu; chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống; chi phí lắp đặt và thuê đường truyền; chi phí đăng ký và duy trì tên miền; chi phí thuê hosting; chi phí thuê chỗ đặt máy chủ; chi phí thuê lưu trữ; chi phí tin nhắn thông báo; chi phí tổng đài hỗ trợ. Gọi tắt là Gk.
Như vậy, công thức xác định chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng (Gt) như sau: Gt = Gtdv + Gv + Gbt + Gk
Thứ nhất, hướng dẫn xác định chi phí dịch vụ.
Chi phí dịch vụ được xác định theo công thức:
Gtdv = Gdv * n
Trong đó:
- Gdv: Chi phí dịch vụ theo kỳ thanh toán được xác định theo các phương án quy định tại các khoản 2, 3 Điều 6 của Thông tư.
- n: Số kỳ thanh toán trong thời gian thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng.
- Trường hợp chi phí dịch vụ theo kỳ thanh toán được thanh toán đều nhau vào cuối kỳ, công thức xác định như sau:
Trong đó:
- Tđ: Chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ trước thuế giá trị gia tăng (đồng). Chi phí này được tính theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về lập và quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại Thông tư 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020.
- r: Mức lãi suất cho thuê theo kỳ thanh toán (%). r được xác định:
N: Bình quân lãi suất trung bình của lãi suất huy động tiền gửi Việt Nam đồng của kỳ hạn 01 năm và kỳ hạn tương ứng với số năm thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng (trường hợp không có kỳ hạn tương ứng thì lấy theo kỳ hạn thấp hơn gần nhất với số năm thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng) được niêm yết của 03 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước có uy tín của Việt Nam tại thời điểm gần nhất trong vòng 06 tháng trước thời điểm phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng.
k: Số kỳ thanh toán trong một năm thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng.
- S: Giá trị còn lại của tài sản cấu thành dịch vụ của bên cho thuê tại thời điểm kết thúc thời gian thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng sau khi trích khấu hao theo quy định (sử dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng) (đồng).
- GTGT: Thuế giá trị gia tăng.
- Trường hợp chi phí dịch vụ theo kỳ thanh toán được thanh toán đều nhau vào đầu kỳ, công thức xác định như sau:
Thứ hai, hướng dẫn xác định chi phí bảo trì dịch vụ
Chi phí bảo trì dịch vụ được xác định trên cơ sở giá thị trường bảo đảm phù hợp với các yêu cầu cụ thể của cơ quan, tổ chức thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng.
Thứ ba, hướng dẫn xác định chi phí quản trị, vận hành dịch vụ và chi phí khác
Chi phí quản trị, vận hành dịch vụ và chi phí khác liên quan đến cung cấp dịch vụ được xác định theo một trong các phương pháp sau: (i) giá thị trường bảo đảm phù hợp với nội dung công việc của từng loại chi phí; (ii) lập dự toán trên cơ sở khối lượng các công việc thực hiện của từng loại chi phí và đơn giá, định mức theo quy định (nếu có) để thực hiện khối lượng công việc đó. Việc lập dự toán thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về lập và quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; (iii) Kết hợp các phương pháp (i) và (ii).
Nội dung công việc quản trị, vận hành dịch vụ và bảo trì dịch vụ thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về quản trị, vận hành và bảo trì đối với sản phẩm của dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cụ thể là tại Thông tư 24/2020/TT-BTTTT ngày 09/9/2020.
Một số lưu ý khác khi áp dụng Thông tư:
(1) Chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng được xác định phù hợp với việc thanh toán đầu kỳ hoặc cuối kỳ. Tùy theo điều kiện, khả năng cân đối vốn, phân bổ ngân sách, cơ quan, tổ chức thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng lựa chọn phương án xác định chi phí dịch vụ trong chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng quy định chi tiết tại Thông tư này.
(2) Hướng dẫn phương pháp tính chi phí thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng theo quy định tại Thông tư này để xác định dự toán, giá gói thầu thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng và kỳ thanh toán. Trường hợp dự toán, kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng đã được phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư này nhưng trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu có phát sinh các yếu tố phải thay đổi kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán thì cơ quan, tổ chức thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng và nhà thầu có thể đàm phán để xác định lại kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán nhưng phải bảo đảm giá thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng:
- Không vượt giá dự thầu (sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có));
- Không vượt dự toán hoặc giá gói thầu khi đưa về cùng một phương án tính chi phí dịch vụ theo kỳ thanh toán, thời điểm thanh toán được đàm phán.
(3) Trường hợp trong kế hoạch thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng dự kiến sử dụng những thiết bị hạ tầng kỹ thuật đã qua sử dụng thì chi phí xây dựng, phát triển hình thành dịch vụ được tính trên phần giá trị còn lại của thiết bị sau khi trích khấu hao theo quy định (sử dụng phương pháp khấu hao theo đường thẳng).
(4) Các hoạt động thuê dịch vụ theo yêu cầu riêng được xác định dự toán thuê dịch vụ 12/2020/TT-BTTTT có hiệu lực thi hành và đang thực hiện thì tiếp tục thực hiện theo các quy định tại thời điểm phê duyệt cho đến khi kết thúc hoạt động thuê, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đã ký kết.
Kết luận
Thông tư 12/2020/TT-BTTTT về cơ bản đã quy định, hướng dẫn chi tiết phương pháp tính chi phí khi xác định chi phí thuê dịch vụ không sẵn có trên thị trường để xác định dự toán, giá gói thầu thuê dịch vụ. Thông tư này được ban hành có ý nghĩa hoàn chỉnh các quy định pháp lý về quản lý chi phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
Trịnh Thị Trang