Đang xử lý.....

Phương pháp đo lường mức độ trưởng thành kiến trúc Chính phủ điện tử của Ả - rập Xê - út  

Kiến trúc Chính phủ điện tử (Enterprise Architecture – EA) là nguyên tắc tổ chức cơ bản của một tổ chức, nó mô tả các lớp khác nhau của tổ chức và mối liên quan giữa các lớp này với nhau...
Thứ Tư, 03/10/2018 830
|

Giới thiệu

Kiến trúc Chính phủ điện tử (Enterprise Architecture – EA) là nguyên tắc tổ chức cơ bản của một tổ chức, nó mô tả các lớp khác nhau của tổ chức và mối liên quan giữa các lớp này với nhau. Lợi ích khi có EA là tổ chức thường sử dụng các thông tin EA này để lập kế hoạch và phát triển tổ chức theo cách thức hiệu quả hơn và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các nhân viên chính phủ… một cách tốt hơn.

Như đã giới thiệu trong các bài thuộc chủ đề về “Mô hình trưởng thành của EA” gồm: Khung đánh giá và tăng cường quản lý Kiến trúc tổng thể (EA) phiên bản 2.0 của GAO; Khung đánh giá Kiến trúc tổng thể phiên bản 3.1 của OMB; Mô hình trưởng thành Kiến trúc tổng thể của NASCIO; Khung đánh giá Kiến trúc tổng thể của Chính phủ Ghana; Khung đánh giá và thiết lập Kiến trúc tổng thể của Syntel; Tổng quan về điểm số CNTT cho Kiến trúc tổng thể của Gartner (Khung đánh giá Kiến trúc tổng thể của Gartner), mô hình trưởng thành của EA là một khung quan trọng được sử dụng để đánh giá mức độ trưởng thành của EA nhằm tăng cường khả năng thành công của EA thông qua việc xác định những điểm mạnh, điểm hạn chế của kiến trúc hiện tại, từ đó cải tiến quy trình EA. Bài viết này giới thiệu thực tiễn tốt về Phương pháp đo lường mức độ trưởng thành EA của Ả - rập Xê – út với các nội dung về mức độ trưởng thành và cách thức đo lường mức độ trưởng thành EA với các câu hỏi đánh giá tương ứng với từng mức độ.

Các mức độ của Mô hình trưởng thành

Mô hình trưởng thành EA của Ả-rập Xê-út được công bố năm 2014 bao gồm sáu mức độ trưởng thành như sau: Mức 0 - Không có EA; Mức 1 - EA bắt đầu hoặc không chính thức; Mức 2 - EA đang phát triển; Mức 3 – EA được xác định; Mức 4 - EA được quản lý; Mức 5 - Tối ưu hóa EA. Trong đó, các thành phần cần phải được đánh giá để xác định mức độ trưởng thành bao gồm 8 nội dung như sau: Quy trình kiến trúc; Phát triển kiến trúc; Liên kết về nghiệp vụ; Tham gia của quản lý cấp cao; Tuyên truyền về kiến trúc; An toàn công nghệ thông tin; Quản trị; Chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT. Bảng 1 thể hiện các mức độ trưởng thành của EA tương ứng với 8 nội dung cần phải đạt được như sau:

 

 

Mức 0 - Không có EA

Mức 1 - EA bắt đầu hoặc không chính thức

Mức 2 - EA đang phát triển

Mức 3 – EA được xác định

Mức 4 - EA được quản lý

Mức 5 - Tối ưu hóa EA

Quy trình kiến trúc

Không có Chương trình về EA

Quy trình EA là đơn lẻ và mang tính cục bộ, một số ít quy trình EA được xác định. Không có quy trình kiến ​​trúc thống nhất giữa các công nghệ hoặc quy trình nghiệp vụ. Thành công phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân.

Chương trình EA cơ bản được tài liệu hóa thành văn bản. Quy trình kiến ​​trúc đã xây dựng các vai trò và trách nhiệm rõ ràng.

Kiến trúc được xác định rõ ràng và được phổ biến tới nhóm chuyên trách CNTT, việc quản lý nghiệp vụ gắn liền với trách nhiệm của đơn vị chuyên trách CNTT. Quá trình này phần lớn được theo dõi.

Quy trình EA là một phần văn hóa của tổ chức. Chỉ số chất lượng liên quan với quy trình kiến ​​trúc.

 

Tối ưu hóa và cải tiến liên tục quy trình kiến ​​trúc.

 

Phát triển kiến trúc

 

Quy trình, các tài liệu và các tiêu chuẩn liên quan đến EA được hình thành theo cách thức rời rạc, mang tính cục bộ hoặc không chính thức.

Tầm nhìn, các nguyên tắc, sự liên kết về nghiệp vụ, dòng nghiệp vụ và Kiến trúc mục tiêu được xác định. Các tiêu chuẩn kiến ​​trúc tồn tại, nhưng không nhất thiết phải liên kết với Kiến trúc mục tiêu. Mô hình tham chiếu kỹ thuật và Khung tiêu chuẩn được thiết lập. Nhóm thực hiện EA nhận thức được Kiến trúc tổng thể của quốc gia (National Enterprise Architecture – NEA)

Việc phân tích khoảng cách và Kế hoạch chuyển đổi được hoàn thiện. Mô hình tham chiếu kỹ thuật và Hồ sơ các tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng đầy đủ. Các mục tiêu và phương pháp CNTT được xác định. Kiến trúc phù hợp với Kiến trúc tổng thể của quốc gia.

Tài liệu EA được cập nhật theo chu kỳ. Kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc thông tin, kiến trúc ứng dụng và kiến trúc kỹ thuật được xác định. Kiến trúc của tổ chức tiếp tục liên kết với NEA. Một công cụ tự động được sử dụng để cải thiện khả năng sử dụng kiến ​​trúc của tổ chức và báo cáo cho NEA.

Quy trình tiêu chuẩn được sử dụng để nâng cao cải tiến quy trình phát triển kiến ​​trúc.

 

Liên kết về nghiệp vụ

 

Hầu như không có sự liên kết với các chiến lược hay định hướng về nghiệp vụ

Đã có sự liên kết rõ ràng với các chiến lược nghiệp vụ, EA tham gia vào việc bắt đầu của tất cả các sáng kiến ​​nghiệp vụ mới.

Kiến trúc được tích hợp với kế hoạch vốn và kiểm soát đầu tư nhằm hỗ trợ phát triển chính phủ điện tử.

 

Việc lập kế hoạch vốn và kiểm soát đầu tư được điều chỉnh dựa trên phản hồi nhận được và các bài học kinh nghiệm từ EA được cập nhật. Định kỳ kiểm tra lại các định hướng nghiệp vụ.

Chỉ số quy trình kiến ​​trúc được sử dụng để tối ưu hóa và thúc đẩy liên kết về nghiệp vụ. Nghiệp vụ liên quan đến quá trình cải tiến liên tục của EA.

Tham gia của quản lý cấp cao

 

Nhận thức của nhóm người quản lý còn hạn chế hoặc ít có sự tham gia trong quy trình kiến ​​trúc.

Nhận thức về quản lý theo kiến trúc của quản lý cấp cao được tăng cường.

Nhóm quản lý cấp cao nhận thức và hỗ trợ quy trình kiến ​​trúc trong phạm vi toàn tổ chức. Việc quản lý tích cực hỗ trợ việc tuân thủ các tiêu chuẩn kiến ​​trúc

Nhóm quản lý cấp cao trực tiếp tham gia vào quy trình kiến ​​trúc

Quản lý cấp cao tham gia vào việc tối ưu hóa để cải tiến quy trình trong việc phát triển và quản trị kiến ​​trúc

 

Tuyên truyền về kiến trúc

 

Phiên bản mới nhất của tài liệu EA của tổ chức chỉ có trên trang Web. Ngoài ra, không có cách thức tuyên truyền khác về quy trình EA và các lợi ích mà quy trình có thể mang lại.

Các trang Web về EA được cập nhật định kỳ và được sử dụng để ghi lại các sản phẩm về kiến ​​trúc.

Tài liệu kiến ​​trúc được cập nhật thường xuyên trên trang Web về EA

Các tài liệu về kiến trúc được cập nhật thường xuyên phù hợp với sự phát triển kiến ​​trúc/tiêu chuẩn mới nhất

Phản hồi về quy trình kiến ​​trúc từ tất cả các thành phần của Đơn vị chuyên trách được sử dụng để thúc đẩy cải tiến quy trình kiến ​​trúc. Các tài liệu kiến ​​trúc đều được mọi người trong tổ chức sử dụng cho tất cả quyết định nghiệp vụ liên quan đến CNTT.

An toàn CNTT

 

Vấn đề an toàn CNTT mang tính cục bộ.

Kiến trúc an toàn CNTT được xác định với vai trò và trách nhiệm rõ ràng.

Hồ sơ tiêu chuẩn trong kiến ​​trúc an toàn thông tin được phát triển đầy đủ và được tích hợp với EA

Các chỉ số hiệu năng được liên kết với Kiến trúc an toàn thông tin.

Phản hồi từ các chỉ số Kiến trúc an toàn thông tin được sử dụng để thúc đẩy cải tiến quy trình kiến ​​trúc.

Quản trị

 

Không có sự quản lý rõ ràng các tiêu chuẩn kiến ​​trúc.

Có sự quản lý một vài tiêu chuẩn kiến ​​trúc và theo dõi sự tuân thủ tiêu chuẩn hiện có.

Việc quản lý phần lớn các khoản đầu tư CNTT được tài liệu hóa một cách rõ ràng.

Quản lý tất cả các khoản đầu tư CNTT đều phải rõ ràng. Các quy trình chính thức về quản lý các thay đổi cần phải được thể hiện vào EA

Quản lý tất cả các khoản đầu tư CNTT rõ ràng. Một quy trình tiêu chuẩn được sử dụng để cải tiến quy trình quản lý.

Chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT

 

Ít hoặc không có sự tham gia của người lập kế hoạch chiến lược và mua sắm trong quy trình EA, ít hoặc không có sự tuân thủ các tiêu chuẩn hiện có.

Ít hoặc không có quản lý chính thức về Chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT. Đơn vị vận hành EA có tuân thủ một số tiêu chuẩn hiện có.

Chiến lược mua sắm CNTT phải tuân thủ EA. Chi phí và lợi ích được xem xét cẩn thận trong việc xác định các dự án.

 

Tất cả các giao dịch đầu tư, mua sắm CNTT theo kế hoạch được hướng dẫn và điều chỉnh bởi EA.

Không có hoạt động đầu tư hoặc mua sắm CNTT nằm ngoài kế hoạch đã lập.

 

 

Đo lường mức độ trưởng thành

Mô hình trưởng thành EA của Ả - rập Xê – út cung cấp một ma trận gồm các câu hỏi để đánh giá mức độ phát triển của tổ chức theo 8 nội dung gồm Quy trình kiến trúc; Phát triển kiến trúc; Liên kết về nghiệp vụ; Tham gia của quản lý cấp cao; Tuyên truyền về kiến trúc; An toàn CNTT; Quản trị; Chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT, sau đó, cộng tổng điểm và chia trung bình. Điểm số trung bình thu được phản ánh mức độ hiện tại về sự phát triển EA của tổ chức. Cách thức cho điểm số ở mỗi mức độ chính là mức độ đạt được, ví dụ: mức độ 0 có nghĩa là điểm 0 trong khi mức 4 có nghĩa là điểm là 4.

Đánh giá

Điểm số

1. Quy trình kiến trúc: Đã thiết lập EA chưa?

Mức độ 0: Chưa thiết lập.

Mức độ 1: Đã có quy trình kiến trúc nhưng mang tính rời rạc, cục bộ

Mức độ 2: Quy trình EA cơ bản được tài liệu hóa. Quy trình kiến trúc đã xây dựng với vai trò và trách nhiệm rõ ràng.

Mức độ 3: Kiến trúc được xác định rõ ràng và phổ biến đến nhóm CNTT và Quản lý doanh nghiệp thuộc Đơn vị chuyên trách CNTT. Quy trình này phần lớn được theo dõi.

Mức độ 4: Quy trình EA là một phần văn hóa của tổ chức, có mối liên hệ chặt chẽ với các quy trình nghiệp vụ và CNTT cốt lõi khác. Chỉ số chất lượng được gắn với quy trình kiến trúc. Các chỉ số này bao gồm thời gian theo chu kỳ cần thiết để tạo ra bản cập nhật cho EA và để ổn định môi trường kỹ thuật, thời gian để triển khai mới hoặc nâng cấp các ứng dụng/hệ thống.

Mức độ 5: Tối ưu hóa và liên tục cải tiến quy trình kiến trúc

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

2. Phát triển kiến trúc: Sự phát triển và tiến trình EA của đơn vị vận hành được tài liệu hóa ở mức độ nào?

Mức độ 0: Không có tài liệu EA.

Mức độ 1: Quy trình EA, các tài liệu và các tiêu chuẩn liên quan được hình thành theo cách thức rời rạc, mang tính cục bộ hoặc không chính thức.

Mức độ 2: Tầm nhìn, các nguyên tắc, sự liên kết về nghiệp vụ, dòng nghiệp vụ và Kiến trúc mục tiêu được xác định. Các tiêu chuẩn kiến trúc tồn tại, nhưng không nhất thiết phải liên kết với Kiến trúc mục tiêu. Mô hình tham chiếu kỹ thuật và Khung tiêu chuẩn được thiết lập.

Mức độ 3: Việc phân tích khoảng cách và kế hoạch chuyển đổi đã được hoàn tất. Các tiêu chuẩn kiến ​​trúc gắn liền với Định hướng nghiệp vụ thông qua thực tiễn tốt, gắn liền với các nguyên tắc CNTT và Kiến trúc mục tiêu. Mô hình tham chiếu kỹ thuật và mô hình tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng đầy đủ.

Mức độ 4: Tài liệu EA được cập nhật theo chu kỳ thông thường. Kiến trúc nghiệp vụ, thông tin, ứng dụng và kỹ thuật được xác định bởi các tiêu chuẩn tương ứng theo quy định và theo thực tế triển khai.

Mức độ 5: Các chỉ số EA được xác định và được ghi lại để sử dụng cho việc cải tiến quy trình liên tục. Một quy trình tiêu chuẩn được sử dụng để cải tiến các quy trình phát triển kiến ​​trúc.

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

3. Liên kết về nghiệp vụ: EA liên quan đến chiến lược hay định hướng nghiệp vụ ở mức độ nào?

Mức độ 0: Không liên kết với chiến lược hay định hướng nghiệp vụ.

Mức độ 1: Ít hoặc chưa thể hiện được sự liên kết với chiến lược hay định hướng nghiệp vụ.

Mức độ 2: Liên kết rõ ràng với các chiến lược hay định hướng nghiệp vụ. EA tham gia vào việc bắt đầu của tất cả các sáng kiến ​​nghiệp vụ mới.

Mức độ 3: EA gắn liền với kế hoạch vốn và kiểm soát đầu tư. Liên kết rõ ràng với định hướng nghiệp vụ và các yêu cầu thông tin.

Mức độ 4: Việc lập kế hoạch vốn và kiểm soát đầu tư được điều chỉnh dựa trên phản hồi nhận được và các bài học kinh nghiệm từ EA cập nhật. Định kỳ kiểm tra lại các định hướng nghiệp vụ.

Mức độ 5: Chỉ số kiến trúc được sử dụng để tối ưu hóa và thúc đẩy mối liên kết về nghiệp vụ. Nghiệp vụ tham gia vào quá trình cải tiến liên tục Kiến trúc CNTT.

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

4. Tham gia của quản lý cấp cao: Nhóm quản lý cấp cao của Đơn vị thiết lập và phát triển Kiến trúc tham gia ở mức độ nào?

Mức độ 0: Chưa có sự nhận thức hoặc sự tham gia của nhóm quản lý trong quy trình kiến trúc.

Mức độ 1: Nhận thức của nhóm người quản lý còn hạn chế hoặc ít có sự tham gia trong quy trình kiến ​​trúc.

Mức độ 2: Sự tham gia của nhóm quản lý không thường xuyên hoặc chỉ mang tính chọn lọc trong quy trình kiến trúc với các mức độ cam kết khác nhau.

Mức độ 3: Nhóm quản lý cấp cao nhận thức và hỗ trợ quy trình kiến trúc trong phạm vi toàn tổ chức. Việc quản lý tích cực hỗ trợ tuân thủ các tiêu chuẩn kiến ​​trúc.

Mức độ 4: Nhóm quản lý cấp cao trực tiếp tham gia vào quy trình kiến trúc.

Cấp độ 5: Nhóm quản lý cấp cao trực tiếp tham gia vào việc tối ưu hóa quy trình và quản trị kiến trúc trong phạm vi toàn tổ chức.

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

5. Tuyên truyền về Kiến trúc: Các quyết định về thực hành EA được tài liệu hóa với mức độ nào?

Mức độ 0: Không có tài liệu.

Mức độ 1: Ít có thông tin về quy trình EA và các cải tiến quy trình EA. Phiên bản mới nhất của tài liệu EA của tổ chức chỉ có trên trang Web của Đơn vị vận hành EA.

Mức độ 2: Trang chủ của Đơn vị vận hành kiến trúc được cập nhật định kỳ và được sử dụng để lưu trữ các sản phẩm về kiến ​​trúc. Việc tuyên truyền về quy trình kiến trúc thông qua các cuộc họp,…có thể xảy ra, nhưng không thường xuyên. Rất ít công cụ (ví dụ: bộ ứng dụng văn phòng, gói đồ họa) được sử dụng để tài liệu hóa kiến ​​trúc.

Mức độ 3: Các tài liệu kiến ​​trúc được cập nhật và mở rộng thường xuyên trên trang web về kiến trúc. Có các bài giới thiệu định kỳ cho nhóm chuyên trách CNTT về quy trình, nội dung kiến ​​trúc. Các công cụ được sử dụng để hỗ trợ duy trì tài liệu kiến ​​trúc.

Mức độ 4: Tài liệu kiến ​​trúc được cập nhật thường xuyên để phát triển kiến ​​trúc/tiêu chuẩn theo phiên bản mới nhất. Có các bài giới thiệu thường xuyên cho nhóm chuyên trách CNTT về nội dung kiến ​​trúc.

Mức độ 5: Những người ra quyết định đều sử dụng tài liệu kiến ​​trúc trong việc ra quyết định.

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

6. An toàn CNTT: An toàn CNTT được tích hợp với EA ở mức độ nào?

Mức độ 0: Không đề cập đến an toàn CNTT trong EA.

Mức độ 1: Bắt đầu xem xét các vấn đề về an toàn CNTT nhưng mang tính rời rạc, cục bộ.

Mức độ 2: Kiến trúc an toàn CNTT đã được xác định với vai trò và trách nhiệm rõ ràng.

Mức độ 3: Kiến trúc an toàn CNTT được phát triển đầy đủ và được tích hợp với Kiến trúc CNTT.

Mức độ 4: Kiến trúc an toàn CNTT gắn với chỉ số hiệu năng.

Mức độ 5: Các phản hồi về số liệu Kiến trúc an toàn CNTT được sử dụng để thúc đẩy cải tiến quy trình kiến trúc.

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

7. Quản trị: Quy trình quản trị EA được áp dụng và được quản lý cấp cao chấp nhận ở mức độ nào?

Mức độ 0: Không có quản trị EA.

Mức độ 1: Việc quản trị các tiêu chuẩn kiến trúc không rõ ràng. Rất ít thỏa thuận về cấu trúc quản trị.

Mức độ 2: Có sự quản trị một vài tiêu chuẩn kiến ​​trúc (ví dụ: hệ điều hành, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu) và tuân thủ một số tiêu chuẩn hiện có. Các mức độ hiểu biết khác nhau về cấu trúc quản trị đề xuất.

Mức độ 3: Quản trị phần lớn các khoản đầu tư CNTT được tài liệu hóa rõ ràng. Các quy trình chính thức để quản lý các thay đổi về EA. Nhóm quản lý cấp cao hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn kiến ​​trúc và tuân thủ theo yêu cầu trong phạm vi toàn tổ chức.

Mức độ 4: Quản trị rõ ràng tất cả các khoản đầu tư CNTT. Các quy trình chính thức về quản lý các thay đổi về EA. Nhóm quản lý cấp cao có quyền sở hữu các tiêu chuẩn kiến ​​trúc và cấu trúc quản trị toàn tổ chức.

Mức độ 5: Quản trị rõ ràng tất cả các khoản đầu tư CNTT. Một quy trình tiêu chuẩn được sử dụng để cải tiến các quy trình quản trị

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

8. Chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT: EA ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT như thế nào?

Mức độ 0: Không quan tâm đến EA trong việc xây dựng chiến lược sắm CNTT.

Mức độ 1: Ít hoặc không có sự tham gia của người lập kế hoạch chiến lược và mua sắm trong quy trình EA. Ít hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn hiện có.

Mức độ 2: Ít hoặc không có hình thức quản trị của chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT. Đơn vị vận hành thể hiện sự tuân thủ một số tiêu chuẩn hiện có.

Mức độ 3: Có chiến lược mua sắm CNTT và có các biện pháp tuân thủ EA của tổ chức. Đơn vị vận hành tuân thủ các tiêu chuẩn hiện có. Nội dung Yêu cầu thông tin/Yêu cầu báo giá/Yêu cầu đàm phán (RFP/RFQ/RFI - Request for Information/Request for Quote/Request for Proposal) bị ảnh hưởng bởi EA. Nhân viên mua sắm tích cực tham gia vào cấu trúc quản trị EA. Chi phí và lợi ích được xem xét cẩn thận trong việc xác định các dự án.

Mức độ 4: Tất cả các giao dịch đầu tư, mua sắm CNTT theo kế hoạch được hướng dẫn và điều chỉnh bởi EA. Việc đánh giá RFI và RFP được gắn với vào các hoạt động lập kế hoạch Kiến trúc CNTT.

Mức độ 5: Không có hoạt động đầu tư hoặc mua sắm CNTT nằm ngoài kế hoạch đã lập.

Từ 0 đến 5 theo mức độ tương ứng

            Như vậy, với bảng câu hỏi và cách thức chấm điểm theo mức độ, một tổ chức có thể biết được điểm trung bình về sự phát triển EA của mình. Ví dụ, một tổ chức A có Quy trình kiến trúc ở mức độ 2; Phát triển kiến trúc ở mức độ 2; Liên kết về nghiệp vụ ở mức độ 1; Tham gia của quản lý cấp cao ở mức độ 3; Tuyên truyền về kiến trúc ở mức độ 1; An toàn CNTT ở mức độ 1; Quản trị ở mức độ 2; Chiến lược đầu tư và mua sắm CNTT ở mức độ 2, thì điểm trung bình đạt 1,75 điểm. Với điểm số này, hiện tại, tổ chức A có mức độ trưởng thành EA ở mức 1, sắp đạt đến mức 2, nghĩa là tổ chức A bắt đầu xây dựng EA hoặc đã có EA nhưng chưa chính thức. Ngoài ra, tổ chức A cũng có thể nhận thấy được những điểm mạnh ở mình như Sự tham gia của quản lý cấp cao, nhưng cũng biết được một số điểm hạn chế về Liên kết nghiệp vụ, Tuyên truyền về kiến trúc và An toàn CNTT, từ đó, tổ chức A có những chiến lược, định hướng để cải thiện những điểm hạn chế hiện tại và phát huy các điểm mạnh.

Kết luận

            Việc hiểu rõ mức độ trưởng thành của mình giúp tổ chức xác định các điểm yếu, các điểm mạnh để loại bỏ các rào cản và đặt ra các mục tiêu mới nhằm đạt được sự thành công trên con đường phát triển EA. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc tổ chức đạt được mức độ trưởng thành cao hơn không có nghĩa là quá trình phát triển EA kết thúc, thay vào đó, mức độ trưởng thành cao hơn sẽ dẫn tới những điều chỉnh chiến lược và cải tiến nghiệp vụ để mang lại hiệu quả cao hơn, do đó, quá trình phát triển EA vẫn tiếp diễn.

            Tính tới thời điểm hiện tại, rất nhiều Bộ, tỉnh/thành phố tại Việt Nam đã ban hành và đang trong quá trình triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử phiên bản 1.0 tuân thủ theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0 ban hành tại văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn về việc đánh giá mức độ trưởng thành của kiến trúc giúp các bộ, tỉnh/thành phố có thể xác định vị trí của mình trên con đường phát triển EA. Do vậy, trong thời gian tới, vấn đề về đánh giá mức độ trưởng thành của kiến trúc nên được đề cập đến trong các chủ đề liên quan đến Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam nhằm giúp các tổ chức có thể hiểu rõ mức độ trưởng thành của mình.

Đặng Thị Thu Hương

Tài liệu tham khảo

[1] National Enterprise Architecture Maturity Model v 0.2, e-Government Program (Yesser).

[2] Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0.