1. Mở đầu
Bối cảnh hiện nay là thời cơ lịch sử hiếm có mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, ngay lập tức có hành động mạnh mẽ phát triển kinh tế số. Việt Nam muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia thì phải tận dụng được cơ hội này, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Phát triển các doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số.
2. Nội dung
Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế số và doanh nghiệp sô
Theo số liệu thống kê tổng quan, tính đến hết năm 2019, cả nước có 758.610 daonh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 561 doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ lệ 0,075% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (Doanh nghiệp lớn được Tổng cục Thuế xác định có tổng số thu nộp ngân sách nhà nước năm 2019 đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019); còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp ICT Việt Nam khoảng trên 58.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7% số lượng doanh nghiệp cả nước.
Về tổng doanh thu, các doanh nghiệp ở Việt Nam tính đến ngày 31/12/2019 đóng góp khoảng 20,6 triệu tỷ đồng doanh thu cho nền kinh tế, chiếm 60% GDP cả nước; trong khi đó doanh thu ngành thông tin và truyền thông đạt khoảng 3,1 triệu tỷ đồng (135 tỷ USD), chiếm trên 15% doanh thu của các doanh nghiệp tại Việt Nam và chỉ tính riêng doanh thu của 70 doanh nghiệp công nghệ số ICT hàng đầu Việt Nam là 1,97 triệu tỷ đồng. Như vậy, có thể nói tiềm năng của các doanh nghiệp công nghệ số là không có giới hạn khi 70 doanh nghiệp này có mức doanh thu đóng góp bằng 9,5% tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Liên hệ với các hãng công nghệ (Big Tech) trên thế giới theo số liệu báo cáo từ Visualcapitalist, tổng doanh thu năm 2019 của các “gã khổng lồ công nghệ” cộng lại đạt gần 900 tỷ USD, lớn hơn GDP của 04 quốc gia G20. Điều này nói lên rằng nếu tạo lập được môi trường vĩ mô hỗ trợ, phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam được ăn nên, làm ra trở thành những BigTech, Kỳ Lân… thì mức đóng góp sẽ có nhiều tiềm năng vượt phạm vi thu nhập quốc gia.
So sánh kịch bản tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam tại Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam, hướng tới năm 2030 và 2045” có đưa ra đánh giá kịch bản tăng trưởng đến năm 2045 của Việt Nam cho nền kinh tế truyền thống, cụ thể: GDP tăng trưởng thêm 60,9 tỷ USD, tác động đến tăng trưởng hàng năm là 0,38%; trong khi đó kịch bản tăng trưởng cho chuyển đổi số hàng năm là 1,1%, đồng thời nhận định mô hình kinh tế truyền thống có mức độ chuyển đổi thấp và ngành, nghề công nghệ thông tin và truyền thông hoạt động nhỏ lẻ, do đó sẽ diễn ra quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các ngành, nghề và dịch vụ công, xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.
Như vậy, rõ ràng thấy rằng trong xu thế chuyển đổi nền kinh tế truyền thống hiện nay có ảnh hưởng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp công nghệ lớn (yếu tố công nghệ và lực lượng doanh nghiệp) tạo ra sự chuyển đổi phương thức sản xuất từ giản đơn đến phức tạo, giải phóng năng suất lao động, đề cao sự đổi mới tư duy và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Hiện nay, thị trường truyền thống ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho thị trường các sản phẩm công nghệ, nhưng lại đang chịu sự điều chỉnh lớn từ các doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu và cơ chế điều hành của Chính phủ tại các quốc gia chưa theo kịp sự biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ.
Do đó, kinh tế số sau khi đã xác định được một hệ sinh thái nền tảng sẽ đến lúc bắt đầu thực hiện vai trò điều hành của nhà nước tập trung vào các yếu tố: Nhà nước, doanh nghiệp và địa lý là 03 yếu tố cần thiết để xác định không gian thực hiện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế số.
Trong xu thế chuyển đổi số hiện nay đang diễn ra mạnh mẽ, việc thực hiện cơ chế quản lý là mô hình đã cũ, cần phải được tiếp cận theo quan điểm mới để xây dựng lực lượng, nguồn lực mạnh mẽ, bền vững mà trọng tâm là các doanh nghiệp sẽ quyết định thành công, bứt phá. Do đó, với quan điểm tiếp cận từ định nghĩa về kinh tế số, mô hình quản lý kinh tế số cần thực hiện theo phương chấm “Doanh nghiệp là nguồn lực quyết định sự phát triển của kinh tế số, công nghệ là nền tảng đổi mới và nhà nước đóng vai trò kiến tạo nên không gian phát triển kinh tế số, đồng thời giữ vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển và định hướng phương thức hoạt động trong kinh tế số”.
Nâng cao năng lực kinh tế số đối với lãnh đạo doanh nghiệp
Thành phần chủ chốt đối với sự phát triển kinh tế số Việt Nam là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quyết tâm và nỗ lực tự đào tạo về kinh tế số của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định trong việc tạo động lực triển khai và ứng dụng các thành phần kinh tế số, giúp doanh nghiệp vượt qua một rào cản rất lớn cho chuyển đổi số là trình độ cạnh tranh của Việt Nam còn rất thấp (năm 2019, Việt Nam xếp hạng 67 trong số 141 quốc gia-vùng lãnh thổ)
Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp cần phối hợp để nâng cao kiến thức và kỹ năng về kinh tế số cho lãnh đạo doanh nghiệp.
Hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ cao liên quan trong kinh tế số thường đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định để được phổ biến và được đưa vào sử dụng mới phát huy được hiểu quả như thiết kế. Vì vậy, để rút ngắn khoảng thời gian công nghệ được phổ biến và ngấm trong doanh nghiệp, việc đầu tư đào tạo, nâng cao trình độ của nhân viên, người lao động về các thành phần kinh tế số tại doanh nghiệp cần được tiến hành đồng thời (nếu không nói là đi trước một bước) việc đầu tư triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao thuộc kinh tế số.
Đầu tư đào tạo về công nghệ cao và về kinh tế số đối với người lao động cần có xu thế tăng dần theo thời gian và hoạt động nâng cao trình độ của người lao động cần được xác định như một loại lao động trong doanh nghiệp.
Phát triển hệ sinh thái kinh tế số Việt Nam
Hệ sinh thái số được hiểu là “nhóm tác nhân phụ thuộc (doanh nghiệp, con người, vật) chia sẻ nền tảng số để đạt được lợi ích”, ”đối tác số của hệ sinh thái sinh học, có kiến trúc mạnh, tự tổ chức và được mở rộng năng động để giải quyết các vấn đề phức tạp, tùy biến cao”, “sự hội tụ kết nối công nghệ trong một thị trường và hoạt động kinh doanh vì (i) người tiêu dùng mới, (ii) doanh nghiệp mới, (iii) hiệu năng thị trường và (iv) trải nghiệm người dùng”.
Trước mắt, để đạt được sự kết nối – chia sẻ nền tảng số, thương mại điện tử (TMĐT) doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B) Việt Nam cần trở thành thành phần chủ chốt trong toàn bộ hoạt động TMĐT quốc gia như tại các nền kinh tế phát triển (năm 2017, giá trị TMĐT
B2B toàn cầu đạt khoảng 25500 tỷ đô la Mỹ, chiếm 87% tổng giá trị TMĐT toàn cầu, trong khi đó, giá trị TMĐT B2C đạt khoảng 3900 tỷ đô la Mỹ). Một hạn chế rất lớn của Việt Nam là TMĐT B2B Việt Nam chưa được phát triển đủ tầm vóc (số liệu về TMĐT B2B Việt Nam còn mờ nhạt trong các báo cáo TMĐT hàng năm quốc gia và quốc tế) và đây là một vấn đề lớn, cấp bách cần được giải quyết. Cần có sự nỗ lực và phối hợp của Chính phủ, từng doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển TMĐT B2B Việt Nam.
Về lâu dài, Việt Nam cần hình thành hệ sinh thái số dựa trên kiến trúc doanh nghiệp số
Hình 1. Hệ sinh thái số và kiến trúc doanh nghiệp số
Nền kinh tế hệ sinh thái sẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế số Việt Nam
Doanh nghiệp hệ sinh thái là doanh nghiệp cung cấp lượng hàng lớn nhất, trong thời gian vận chuyển nhanh nhất, đem lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất với chi phí thấp, tất cả trong một. Trước đây, các doanh nghiệp phải đứng trước sự lựa chọn giữa sản phẩm đắt tiền với dịch vụ chất lượng cao hơn và lượng hàng tồn kho lớn hơn; hoặc lựa chọn giữa các sản phẩm rẻ hơn với mức độ dịch vụ thấp hơn và lượng hàng tồn kho ít hơn.
Tại Việt Nam, khi cuộc chiến giữa các doanh nghiệp để chiếm lĩnh thị trường ngày càng diễn ra mạnh mẽ trong thời đại phát triển nhanh chóng của công nghệ số, ngày càng có nhiều ngành tiếp tục hội tụ lại với nhau thành các liên kết mới hơn, rộng hơn và năng động hơn để hình thành các hệ sinh thái số - một tập hợp các dịch vụ có mối liên kết với nhau dành cho khách hàng nhằm đem lại một trải nghiệm tích hợp. Hiện có nhiều hệ sinh thái cùng tồn tại trong các lĩnh vực như bán lẻ, truyền thông, viễn thông, dịch vụ tài chính và vận tải. Hơn nữa, các hệ sinh thái này đang mở rộng quy mô nhanh chóng tại Việt Nam, với hàng triệu người dùng gắn bó trên
nhiều nền tảng khác nhau.
Hình 2: Hệ sinh thái số Việt Nam trong 5 lĩnh vực chính
Theo nhận định của McKinsey Company, dựa trên các xu hướng, quỹ đạo kinh tế và khuôn khổ quy định hiện tại cho thấy đến năm 2025 sẽ nổi lên 12 hệ sinh thái lớn trong các dịch vụ bán lẻ và tổ chức tại Việt Nam với tổng doanh thu khoảng 2.400 nghìn tỷ đồng (tương đương 100 tỷ USD).
Mặc dù có những dấu hiệu phát triển tích cực trong những năm gần đây, nhất là trong đại dịch Covid-19 nhưng hầu hết các hệ sinh thái số ở Việt Nam hiện vẫn còn khá non trẻ. Theo số liệu của McKinsey&Company, tổng quy mô của tất cả các hệ sinh thái số tại Việt Nam (được định nghĩa là quy mô của các giao dịch trên nền tảng số trong đó ít nhất có một bước trong quyết định mua hàng được thực hiện trực tuyến, ngay cả khi giao dịch cuối cùng là ngoại tuyến) bằng khoảng 1% quy mô của các hệ sinh thái tại Trung Quốc (Việt Nam là 50 tỷ USD so với 4.900 tỷ USD tại Trung Quốc). Ngoài ra, trong khi ở Trung Quốc hay Mỹ, khoảng 19% doanh thu phân phối trong nền kinh tế trực tiếp thông qua hệ sinh thái số thì con số này ở Việt Nam chỉ là 2%.
Về thị trường cho phát triển các doanh nghiệp số và hệ sinh thái số, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển kinh tế số, song việc phát triển các nền tảng số vẫn còn phân tán. Ví dụ, trong số 30 ví điện tử trên thị trường, chưa có một gương mặt nào là doanh nghiệp hàng đầu trong nước. Trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cố gắng đi theo con đường của các mô hình đã phát triển tại Trung Quốc như: Alibaba, Tencent, tuy nhiên, vì môi trường thị trường tại Việt Nam phân tán hơn, mức độ thâm nhập kỹ thuật số cũng thấp hơn và sức mua của người tiêu dùng yếu hơn, sự xuất hiện của các hệ sinh thái hàng đầu có tên tuổi trên thị trường sẽ mất nhiều thời gian hơn vì phải đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh hơn với các tên tuổi của nước ngoài trong thị trường xuyên biên giới như hiện nay.
3. Kết luận
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết đính ố 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ “Thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.”. Doanh nghiệp số là chủ thể của kinh tế số, là lực lượng sản xuất trong quan hệ kinh tế của nền kinh tế số. Việc thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ tạo ra một lực lượng sản xuất bền vững, hiện đại và tạo ra một hệ sinh thái số rộng lớn, tạo ra giá trị, quy mô thị trường lớn để bắt kịp với các quốc gia trên thế giới./.
Trịnh Thị Trang
Tài liệu tham khảo:
- Seize the Digital Ecosystem Opportunity. The 2017 CIO Agenda Report, 2017.
- Klaus Schwab. The Global Competitiveness Report 2019. WEF, 2019. http://www3.weforum.org/docs/WEF_TheGlobalCompetitivenessReport2019.pdf
- Mark Skilton. Building Digital Ecosystem Architectures: A Guide to Enterprise Architecting Digital Technologies in the Digital Enterprise. Palgrave Macmillan UK, 2016.
- United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD). Digital Economy Report 2019. Value Creation and Capture: Implications for Developing Countries. UNCTAD, 2019 December. ihttps://unctad.org/en/PublicationsLibrary/der2019_en.pdf