Đang xử lý.....

PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ – GÓC NHÌN TỪ VẤN ĐỀ QUẢN LÝ THUẾ CÁC NỀN TẢNG SỐ XUYÊN BIÊN GIỚI  

Nhiều năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế số và mạng internet toàn cầu, việc bùng nổ các dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như: quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử, giải trí trực tuyến (game, nghe nhạc, truyền hình…), du lịch trực tuyến đã giúp cho các doanh nghiệp nền tảng số nước ngoài như Facebook, Google, Netflix, Booking, Airbnb, Amazon…
Thứ Năm, 23/12/2021 561
|

1. Thực trạng việc thu thuế đối với các nền tảng số nước ngoài kinh doanh tại thị trường Việt Nam

Nhiều năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế số và mạng internet toàn cầu, việc bùng nổ các dịch vụ trực tuyến xuyên biên giới như: quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử, giải trí trực tuyến (game, nghe nhạc, truyền hình…), du lịch trực tuyến đã giúp cho các doanh nghiệp nền tảng số nước ngoài như Facebook, Google, Netflix, Booking, Airbnb, Amazon… kiếm được hàng tỷ USD ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những bài toán kinh tế đối với các nền tảng số nước ngoài này là vấn đề thu thuế. Do không có văn phòng đại diện, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nên việc thu thuế đối với các nền tảng số nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Điều này không chỉ làm tổn hại cho ngân sách quốc gia mà còn vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp trong nước có cùng lĩnh vực hoạt động. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực quảng cáo, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đã trả cho Google và Facebook 900 triệu USD phục vụ mục đích quảng cáo.

Theo báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Brain & Company cho thấy ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với năm 2019, đạt giá trị 3,3 tỉ USD. Hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến. Việc các nền tảng số nước ngoài bỏ túi hàng tỉ USD nhưng không đóng thuế hoặc đóng không đầy đủ trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường và sự thất thoát nguồn thu thuế lớn của nhà nước.

Ngoài doanh thu mà các nền tảng số nước ngoài kiếm được từ thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam hoạt động trên các nền tảng số này cũng kiếm được một khoản thu nhập khá lớn (Youtubers, các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thông qua các nền tảng số nước ngoài, các cá nhân cung ứng dịch vụ quảng cáo trên Google, …). Tuy nhiên, cơ quan thuế chưa kiểm soát được các khoản thu nhập này. Qua theo dõi của của Bộ Thông tin và Truyền thông, ở Việt Nam tính đến cuối năm 2020 có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền; tuy nhiên, chỉ 30% trong số đó, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam. Có nghĩa là cơ quan thuế chỉ nắm được thông tin của khoảng 5.000 kênh trên tổng 15.000 kênh để yêu cầu đóng thuế hoặc các cá nhân tự chủ động đóng thuế.

Như vậy, thực trạng hiện nay là cơ quan thuế chưa kiểm soát được tất cả các giao dịch cho các khoản thu nhập của tổ chức, cá nhân Việt Nam cũng như doanh thu của các nền tảng số nước ngoài.

2. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về chính sách thuế đối với các nền tảng số nước ngoài

2.1. Chính phủ nhiều nước đã và đang đẩy mạnh thu thuế đối với các nền tảng số đa quốc gia như Google, Netflix, Facebook, Amazon, ...

- Về phương thức thu thuế, một số quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nước ngoài thực hiện trực tiếp hoặc thông qua một đại diện được ủy quyền việc đăng ký kê khai, nộp thuế với nước sở tại. Trong khi, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác yêu cầu bên mua (người dùng tại nước sở tại) có trách nhiệm đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa hoặc dịch vụ (là các nền tảng số nước ngoài) như: Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Iceland, Mexico, Hàn Quốc, Maylaysia, Pakistan, Peru, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, …

- Về cơ sở thu thuế, nhiều nước đặt ra ngưỡng doanh thu phải nộp thuế đối với các nền tảng số. Tại Anh, ngưỡng áp dụng là doanh thu ₤ 500 triệu ($ 638 triệu) trên toàn cầu và ₤ 25 triệu ($ 31,9 triệu) tại Anh; youtubers phải kê khai và đóng thuế thu nhập cá nhân nếu kiếm tiền từ Youtube trên £12,500 mỗi năm và phải khai thuế dưới hình thức là tự kinh doanh. Tại Ấn độ, kiếm tiền từ việc chạy quảng cáo trên youtube sẽ bị đánh thuế; bất kể số tiền từ Youtube nhỏ đến mức nào cũng cần phải báo cáo số tiền đó khi khai nộp Tờ khai Thuế thu nhập. Tại Indonesia, các nền tảng số nước ngoài bán các sản phẩm và dịch vụ số có doanh số ít nhất 600 triệu rupiah/năm (tương đương 41.600 USD) hoặc tạo ra lượng truy cập hằng năm ít nhất từ 12.000 người dùng ở Indonesia, phải nộp thuế VAT 10%. Tại Singapore, cơ quan thuế đã đề xuất hai mức ngưỡng cho các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số ở nước ngoài: Có doanh thu toàn cầu hàng năm vượt quá 1 triệu đô la Singapore và cung cấp dịch vụ kỹ thuật số B2C cho khách hàng ở Singapore vượt quá 100.000 đô la Singapore phải nộp thuế. Tại Thái Lan, ngưỡng quy định là doanh thu phát sinh tại Thái Lan hơn 57.000 USD/năm. Tại Malaysia ngưỡng quy định là doanh thu trên 120.000U USD/năm.

- Về nguồn lợi mang về cho Chính phủ các nước từ việc thu thuế đối với các nền tảng số. Tại Pháp, với 59,49 triệu người dùng internet (91,0% dân số), khoản thuế thu từ các nền tảng số nước ngoài ước tính tạo ra 500 triệu € (560 triệu đô la) hàng năm. Tại Úc, với 22,82 triệu người dùng internet (89,0% dân số), khoản thuế thu được từ các nền tảng số nước ngoài dự kiến tạo ra 25 triệu € ($ 28 triệu) vào năm 2020, tăng lên 34 triệu € ($ 38 triệu) vào năm 2023. Tại Thái Lan, với 48,59 triệu người dùng internet (69,5% dân số), khoản thuế thu được từ các nền tảng số nước ngoài dự kiến sẽ mang về cho Chính phủ Thái Lan ít nhất 96 triệu USD mỗi năm. Tại Philipines, với 73,91 triệu người dùng internet (67,0% dân số), dự kiến số thuế thu được sẽ mang về cho ngân sách nước này khoảng 571 triệu USD mỗi năm.

Trong mối tương quan đó, Việt Nam với số lượng người dùng internet cao hơn (68,72 triệu tương đương 70,3% dân số), nhưng số thuế thu được từ các nền tảng số nước ngoài thấp hơn rất nhiều (49,5 triệu USD năm 2020).

2.2. Đối với các cá nhân có nguồn thu nhập kiếm được từ việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số nước ngoài, Chính phủ các nước cũng đã có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát, thu thuế.

Tại Mỹ, theo bộ luật thuế của Mỹ, một người không phải là người Mỹ phải chịu thuế của Mỹ đối với thu nhập kiếm được từ các nguồn của Mỹ thông qua các nền tảng số (gọi chung là người sáng tạo). Ví dụ: nếu một người Việt Nam tạo video trên Youtube và kiếm tiềm từ lượt xem/sử dụng tại Mỹ sẽ bị khấu trừ thuế. Chính các nền tảng số (Google, Youtube, Amazon…) có trách nhiệm thu thập thông tin thu nhập này của cá nhân, thực hiện khấu trừ thuế và báo cáo cho cơ quan thuế của Mỹ. Do đó, theo chính sách của Google, tất cả những người sáng tạo kiếm tiền trên Youtube, bất kể người đó ở đâu trên thế giới, đều phải cung cấp thông tin thuế cho Google. Các yêu cầu khấu trừ thuế có thể khác nhau tùy thuộc vào: quốc gia cư trú của người sáng tạo, các điều kiện về quyền lợi theo hiệp định thuế giữa Mỹ và quốc gia cư trú, người sáng tạo là cá nhân hay doanh nghiệp. Nếu người sáng tạo không cung cấp thông tin thuế, Google sẽ khấu trừ tới 24% tổng thu nhập của người đó trên toàn thế giới chứ không phải chỉ với các thu nhập từ Mỹ.

Đây được xem là cách thu thuế khá hiệu quả đối với các thu nhập của cá nhân kiếm được từ Google vì Google nắm được tất cả thông tin về doanh thu của người sáng tạo. Google cũng có các công cụ tự động, bộ lọc dữ liệu để tra soát được dữ liệu liên quan phục vụ cho việc tính thuế, trừ thuế.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm này để áp dụng trong việc thu thuế đối với các cá nhân Việt Nam có thu nhập từ các hoạt động trên các nền tảng số nước ngoài.

3. Cơ sở pháp lý của Việt Nam cho việc thu thuế

Qua đánh giá thực trạng vấn đề và tham khảo kinh nghiệm các nước, Việt Nam đã từng bước hoàn chỉnh chính sách thuế đối với các nền tảng số nước ngoài.

Thứ nhất, Luật Quản lý thuế năm 2019 tại Điều 42 đã quy định nguyên tắc làm cơ sở cho việc thu thuế các đối tượng này: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thứ hai, Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định 2 cách thức thu thuế các nền tảng số nước ngoài gồm:

- Cách thức thu/nộp thuế trực tiếp thông qua hình thức thu thuế điện tử. Quy định hiện hành cũng chỉ rõ cách thức xác định như thế nào là thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam để các nền tảng số kê khai.

- Cách thức thu gián tiếp áp dụng trong trường hợp nền tảng số không nộp trực tiếp thì thuế được thu thông qua cơ chế khấu trừ, nộp thay của người dùng tại Việt Nam.

Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP nêu trên là 2 cơ sở pháp lý cho Việt Nam trong việc thu thuế của các nền tảng số nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Đầu năm 2021, Bộ Tài chính cũng đã chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Dự thảo Thông tư này đã dành 1 Chương quy định chi tiết các phương thức thu, nộp thuế của các nền tảng số nước ngoài. Trong đó, phương thức thu thuế đối với các nền tảng số nước ngoài có thể mô tả tóm lược như sau:

(1) Nền tảng số phải kê khai, nộp thuế trực tiếp theo phương thức trực tuyến;

(2) Nếu chưa thực hiện kê khai, nộp thuế thì:

- Đối với người dùng là doanh nghiệp tại Việt Nam: Doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định. Nếu nền tảng số nước ngoài đã nộp thuế đối với các khoản thu khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp Việt Nam thì nền tảng số phải thông báo cho doanh nghiệp Việt Nam để không phải khấu trừ, nộp thay.

- Đối với người dùng là cá nhân: Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số.

+ Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.

+ Khi người dùng tại Việt Nam thanh toán tại quầy giao dịch, Ngân hàng sẽ chủ động khấu trừ thuế và sau đó nộp thay vào ngân sách nhà nước.

+ Khi người dùng tại Việt Nam thanh toán bằng thẻ hoặc thanh toán theo hình thức điện tử khác, ngân hàng sẽ tổng hợp giao dịch và thông báo cho cơ quan thuế vào ngày 10 hàng tháng.

4. Kiến nghị, đề xuất

Số hóa nền kinh tế tạo ra cơ hội phát triển vượt bậc cho nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, kinh tế số đã và đang tạo ra những cách thức kinh doanh mới và tạo ra diện mạo mới cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Kinh tế số cũng tạo ra những cơ hội và đặt ra nhiều thách thức, những vấn đề mới cho quản lý thuế. Quản lý thuế buộc phải thay đổi để thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ và những biến đổi liên tục của kinh tế số.

Qua sơ bộ tình hình nêu trên, một số kiến nghị đối với vấn đề này như sau:

- Giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán với cơ quan thuế, giữa Ngân hàng nhà nước với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để rà soát, xác định các giao dịch của tổ chức, cá nhân trong nước với các nền tảng số nước ngoài, từ đó thu thập các thông tin làm cơ sở xác định thuế cần thu.

- Giao Bộ Tài chính tổ chức làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp như: YouTube, Google, Netflix, Amazon, Facebook, …  hướng dẫn trách nhiệm và nghĩa vụ thuế, phương thức thu thuế.

- Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng các quy định hoặc làm việc với các nền tảng số nước ngoài để đạt được các thỏa thuận về việc các nền tảng số nước ngoài thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn đối với thu nhập của cá nhân, tổ chức nhận được từ việc kinh doanh trên các nền tảng số nước ngoài. Điều này tương tự như kinh nghiệm, tiền lệ của Mỹ với Google.

Quách Hồng Trang

Tài liệu tham khảo:

1. https://vneconomy.vn/siet-chat-thu-thue-cac-nen-tang-so-da-quoc-gia-se-tao-mot-san-choi-cong-bang.htm

2. Luật Quản lý thuế năm 2019.

3. Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.