Đang xử lý.....

PHÁT TRIỂN DU LỊCH SỐ TRONG KINH TẾ SỐ VIỆT NAM  

Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách các nước đang cố gắng nghiên cứu, tìm cách tốt nhất để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng chuyển đổi số nhằm mục đích tăng tốc phát triển ngành du lịch đất nước mình, thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt của đại dịch Covid
Thứ Hai, 27/12/2021 670
|

1. Mở đầu

Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách các nước đang cố gắng nghiên cứu, tìm cách tốt nhất để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng chuyển đổi số nhằm mục đích tăng tốc phát triển ngành du lịch đất nước mình, thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt của đại dịch Covid.

2. Tình hình, mục tiêu và các bài toán trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế số lĩnh vực du lịch tại Việt Nam

2.1. Tình hình

a) Ứng dụng CNTT phục vụ quản lý nhà nước về du lịch

- Ứng dụng CNTT trong truyền thông/tiếp thị/quảng bá về du lịch:

+ Website https://vietnamtourism.gov.vn/;

+ Kênh Youtube https://www.youtube.com/c/vietnamtourismmedia;

+ Mạng XH https://www.facebook.com/vnattitc

+ Zalo: https://zalo.me/tongcucdulich

+ Cổng thông tin Du lịch thông minh – VTV travel (dulich.vtv.vn).

+TikTok: #HelloVietnam là một phần các hoạt động trong chuỗi chiến dịch quảng bá du lịch toàn cầu do TikTok khởi xướng với tên gọi #TikTokTravel.

- Ứng dụng trong quản lý, điều hành: http://dash.vietnamtourism.gov.vn/; 100% cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã có website du lịch.

- Ứng dụng trong thống kê du lịch: http://thongke.tourism.vn/

- Ứng dụng tăng cường tiện ích và trải nghiệm:

+ Thẻ Việt http://thedulich.gov.vn/ (mỗi người dân VN được cấp 1 thẻ Việt (thẻ quốc gia) để dùng suốt đời trong các lĩnh vực: du lịch, y tế, thương mai, giao thông, giáo dục…)

+ App “Du lịch Việt Nam an toàn”;

+ Webiste giới thiệu các nền tảng số trong du lịch https://nentangso.vietnamtourism.gov.vn/

- Cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam: http://csdl.vietnamtourism.gov.vn/.

b) Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp du lịch

- Hầu hết các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn được xếp hạng sao ở Việt Nam đã có website riêng.

Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua – bán, thanh toán… Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch như Viettravel, Saigontourist, Thiên Minh Group, Hanoitourist, Benthanhtourist…

- Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch (Yeudulich.com[1], Tripi.vn, gotadi.vn, ivivu.com, welcome.vn, datphong24h.vn, travel.com.vn, dulichviet.com.vn, mytour.vn, Fiditour.com, Benthanhtourist.com, datviettour.com, adayroi.com, travelmart.vn,...) chiếm khoảng 20% các giao dịch dịch vụ, còn lại do sàn điện tử nước ngoài thực hiện. Đây là những điểm nhấn quan trọng của các doanh nghiệp du lịch Việt về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh.

c) Ứng dụng CNTT trong du lịch các địa phương

- Hà Nội trong năm 2018 đã đưa vào sử dụng 2 phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long; một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide khác cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng từ lâu. Nhiều điểm trên địa bàn thuộc các quận trung tâm đã được lắp đặt trạm phát wifi miễn phí như khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, đường hoa, chợ hoa, công viên, bến xe, tuyến buýt… Một số điểm du lịch của Hà Nội cũng đang được triển khai lắp đặt gồm: Bát Tràng, Vạn Phúc, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám

- Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh; đưa vào sử dụng phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh city” và một số phần mềm tiện ích khác như “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”. Hơn 100 điểm phát wifi miễn phí đã được triển khai cho ba khu vực bệnh viện, trường học, điểm công cộng tại các quận trung tâm và gần 1000 điểm phát wifi miễn phí tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố.

- Đà Nẵng quan tâm xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như “Da Nang Tourism”, “inDaNang”, “ Go! Đà Nẵng”, “Da Nang Bus”. ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity”, đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Từ năm 2012, Đà Nẵng đã đầu tư gần 2 triệu USD cho dự án phủ sóng wifi. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có tới gần 500 trạm phát trên tất cả các tuyến đường phố chính, các điểm du lịch dọc bờ biển, các điểm du lịch dọc bờ sông Hàn, các trung tâm mua sắm, trung tâm hành chính, các điểm du lịch và các điểm công cộng khác

- Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Cần Thơ… cũng đang phối hợp tích cực với các tập đoàn viễn thông để triển khai những dự án du lịch thông minh, sản xuất các phần mềm, tiện ích thông minh cho ngành Du lịch).

d) Xu hướng du lịch thông minh của khách du lịch

- Tỷ lệ khách du lịch trong nước đặt phòng khách sạn trực tuyến và đặt tour trực tuyến đạt hơn 60%;

- Tỷ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng hai dịch vụ này đạt hơn 75%, trong đó 70% khách sử dụng các dịch vụ trực tuyến ở độ tuổi dưới 35. Một khảo sát khác với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam.

- Các số liệu thống kê cho thấy, khách du lịch sử dụng internet, các tiện ích thông minh, các thiết thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch, tham khảo điểm đến, so sánh và lựa chọn các dịch vụ du lịch hợp lý, thực hiện các giao dịch mua tour, đặt phòng, mua vé máy bay, thanh toán trực tuyến… ngày càng có xu hướng gia tăng.

2.2. Mục tiêu

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định các mục tiêu sau:

* Đến năm 2025

- Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, trong đó tất cả 14 tiêu chí năng lực cạnh tranh du lịch đều tăng, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

- Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%.[2]

- Tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm.

- Về khách du lịch: Phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12 - 14%/năm và khách nội địa từ 6 - 7%/năm.

* Đến năm 2030

Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

- Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%.

- Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm.

- Về khách du lịch: Phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8 - 10%/năm và khách nội địa từ 5 - 6%/năm.

2.3. Các bài toán phát triển du lịch số

Thứ nhất, lượng khách du lịch thấp và chủ yếu chỉ tập trung ở những địa điểm du lịch nổi tiếng

Mặc dù lượng khách quốc tế đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á nhưng nếu so sánh với Thái Lan, trong khi Việt Nam đang hướng đến mốc 20 triệu khách (2020) thì Thái Lan đã đạt 41 triệu khách năm 2019, doanh thu du lịch Việt Nam chỉ bằng 1/3 đến 1/2 so với Thái Lan. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ tương đương với Indonesia và Singapore, còn kém xa so với con số 26 triệu lượt của Malaysia và thậm chí, mới chỉ bằng một nửa so với Thái Lan trong khi dân số Việt Nam cao gấp đôi.

Một chìa khóa để thu hút khách du lịch đến Việt Nam và trải rộng ở nhiều địa điểm khác nhau của Việt Nam là sự sẵn có và chất lượng của thông tin về các điểm tham quan trên toàn quốc. Điều quan trọng là đất nước phải thiết lập cơ sở dữ liệu du lịch toàn diện và trực quan, theo thực tế mà khách du lịch có thể dễ dàng truy cập để tìm kiếm trước hoặc trong chuyến đi.

Thứ hai, thời gian lưu trú ngắn và mức chi tiêu ít

Thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế ở nước ta là khoảng 9,27 ngày; chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình hơn 1.200 USD cho một chuyến 9 ngày, trong khi Thái Lan là 1.400USD. Thời gian chuyến đi bình quân của một khách nội địa là 3,7 ngày, chi tiêu bình quân của một khách nội địa từ 1 - 1,6 triệu đồng/ngày.

Thứ ba, tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Việt Nam không cao

Tỷ lệ khách du lịch quay trở lại thấp (10-40%), 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam. Trong khi, 70-82% lượng khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% lượng khách du lịch quay trở lại Singapore. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ hai và chỉ 13% đến lần thứ ba.

Thứ tư, ngành du lịch Việt Nam thích ứng chậm với sự thay đổi xu hướng du lịch trực tuyến của du khách.

Theo các sáng kiến Chuyển đổi số trên Diễn đàn kinh tế thế giới, Chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025. Chuyển đổi số sẽ cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngành và đảm bảo phát triển bền vững. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, du lịch trực tuyến đã tăng trưởng con số khổng lồ 21% mỗi năm từ 2011 đến 2016 và sẵn sàng tăng thêm 13% mỗi năm đến năm 2020. Có ít nhất 90% khách hàng thực hiện nghiên cứu trực tuyến cho kỳ nghỉ của họ. Khoảng 80% mọi người đặt chuyến đi của họ ít nhất một tháng trước khi khởi hành[3]. Điều này minh họa cách khách du lịch đang ngày càng lựa chọn các phương thức trực tuyến trong việc lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của họ.

Việt Nam nằm ở cấp độ dưới chuẩn trung bình về mức độ sử dụng/ứng dụng ICT của cá nhân và doanh nghiệp du lịch trong nước. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp thứ 83/140 (4,3 điểm giá trị) về mức độ sẵn sàng của CNTT-TT [4]. Mức độ hiện diện, sử dụng các công cụ trực tuyến của các doanh nghiệp du lịch địa phương trong bán lẻ, nhà hàng, giải trí và các tour du lịch còn thấp. Thông tin trực tuyến hiện có trên các doanh nghiệp địa phương bị phân tán hoặc thường chỉ có sẵn bằng tiếng Việt. Thích ứng chậm với các xu hướng du lịch trực tuyến của khách du lịch những hạn chế nghiêm trọng để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong việc lập kế hoạch chuyến đi, chọn điểm đến. Điều quan trọng là phát triển một nền tảng quốc gia với đầy đủ số lượng và chất lượng thông tin trực tuyến để các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh trên môi trường số và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

3. Một số gợi ý cho phát triển du lịch số Việt Nam

Cùng với việc ứng dụng công nghệ số để hình thành các điểm đến thông minh, tương tự cách làm từ kinh nghiệm thế giới đã phân tích phía trên, các đề xuất chuyển đổi số du lịch Việt Nam tập trung vào việc phát triển nền tảng số và dữ liệu số để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch nhanh hơn, thu hút khách du lịch, tăng trải nghiệm du khách.

Phát triển nền tảng du lịch số kết nối tới các kênh bán hàng trực tuyến

Các trang web của OTAs thường là điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi nghiên cứu kế hoạch du lịch. Các trang web này cung cấp giá trị cho du khách ở tất cả các giai đoạn của quá trình quyết định: lên ý tưởng, tìm kiếm thông tin, đánh giá các lựa chọn thay thế, quyết định mua hàng và phản hồi, đánh giá trải nghiệm.

Lợi ích của các khách sạn và DN du lịch khi đẩy sản phẩm lên các kênh bán hàng trực tuyến là khá lớn như: cho phép khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường mới; cho phép đi sâu hơn vào phân khúc và nhắm mục tiêu các thị trường nhất định với các ưu đãi cụ thể; kiểm soát lượng hàng tồn kho cần cung cấp trên mỗi kênh và phân phối trên nhiều kênh; là kênh tiếp thị, quảng cáo hiệu quả; thương hiệu được biết đến và được khách hàng tin cậy, việc hiển thị trên nền tảng OTA quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho các khách sạn, DN du lịch sự công nhận thương hiệu toàn cầu.

Thông thường, các khách sạn, du lịch muốn kết nối tới các OTA thường làm việc trực tiếp và kết nối, đẩy sản phẩm trực tiếp. Việc này tốn khá nhiều thời gian và khó tiếp cận với các OTA nước ngoài.

Nền tảng số này sẽ giúp kết nối các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch với các nhà phân phối (OTA – đại lý du lịch trực tuyến) và trung gian (sàn giao dịch du lịch trực tuyến) để tạo ra các gói du lịch hấp dẫn cho từng phân khúc khách du lịch.

Mô hình hoạt động của nền tảng này có thể mô tả như hình sau:

Phát triển nền tảng thu thập, phân tích dữ liệu du lịch

Hiện nay, mặc dù Tổng cục Du lịch đã có CSDL du lịch, có trang web thống kê du lịch nhưng tất cả các dữ liệu đều hình thành từ báo cáo của các cơ quan QLNN về du lịch và một số cơ sở lưu trú theo quy định, không kết nối với các nguồn dữ liệu của các DN du lịch, đại lý du lịch. Do đó, các dữ liệu không được cập nhật theo thời gian thực, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh du lịch Việt. Chưa hỗ trợ các DN khai thác dữ liệu để đẩy mạnh kinh doanh.

Theo kinh nghiệm thế giới đã nêu trên, đa số cơ quan quản lý du lịch các nước đứng ra thiết lập, phát triển, quản trị nền tảng phân tích dữ liệu du lịch.

Nền tảng số này thu thập dữ liệu du lịch từ nhiều nguồn khác nhau: Cơ quan quản lý du lịch trung ương, địa phương và các cơ quan trong chính phủ có dữ liệu liên quan về du lịch – doanh nghiệp ngành du lịch – OTA – cơ sở lưu trú …Nền tảng số này sẽ phân tích các dữ liệu hữu ích như: thời gian lưu trú, xu hướng du lịch, mô hình chi tiêu, phân khúc du lịch, những điều thu hút khách du lịch, …

Chính phủ có thể tận dụng thông tin chuyên sâu về du lịch để quản lý vĩ mô ngành tốt hơn như: hoạch định chính sách, thực hiện quản lý và giám sát chính sách theo hướng dữ liệu. Ví dụ, thiết kế phân vùng du lịch các vùng ven biển dựa trên khả năng và mức tiêu thụ sản phẩm du lịch của du khách, hoặc áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn tại các khu du lịch, hoặc quy hoạch/thí điểm các khu vực áp dụng chính sách kinh tế ban đêm. Thứ hai, chính phủ có thể thúc đẩy các tiêu chuẩn ngành và kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch thông qua danh sách đầy đủ cơ sở dữ liệu về các loại dịch vụ du lịch. Dữ liệu cũng cho phép kiểm soát tốt hơn lượng khách đến điểm tham quan để thiết kế chất lượng và kiểm soát năng lực phục vụ tại các điểm tham quan. Thông qua mở cơ sở dữ liệu và các điều khoản dữ liệu mà cơ quan quản lý có thể cải thiện minh bạch và quản trị tổng thể.

Dữ liệu này cũng phục vụ cho các doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa, cải thiện việc cung cấp dịch vụ và ưu đãi của họ cho khách du lịch; đồng thời tạo ra một thị trường bình đẳng hơn bằng cách cho phép những doanh nghiệp nhỏ, hạn chế năng lực nắm được các thông tin quan trọng về thị trường. Các công ty du lịch có thể sử dụng dữ liệu từ nền tảng này để lập kế hoạch phục vụ kinh doanh, hướng tới nhóm đối tượng khách hàng phù hợp.

Trong nền kinh tế số, thì dữ liệu cũng là một nguồn vốn có giá trị không kém các loại tài sản hữu hình khác. Ngành du lịch có khối lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập từ rất nhiều nguồn về hành vi, thói quen, xu hướng, trải nghiệm du lịch và các đánh giá của du khách. Và vì vậy, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, mở dữ liệu là cách tốt nhất để tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Phát triển Cổng thông tin du lịch quốc gia trên cơ sở tích hợp thông tin sản phẩm du lịch của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch

Đây là một trang web trực quan, giới thiệu các điểm đến của đất nước, chia sẻ những việc hoạt động diễn ra trên khắp đất nước và cung cấp thông tin thực tế về cách thực hiện chúng; cung cấp cho khách du lịch những ý tưởng về kỳ nghỉ; giới thiệu các chiến dịch và thông tin điểm đến được phát triển theo chuyên đề, chủ đề xoay quanh các hoạt động phổ biến và các loại hình nghỉ ngơi.

Website này cập nhật thông tin theo thời gian thực, được kết nối với các website của cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch, website du lịch địa phương…và lấy thông tin từ các website đó. Trang web cũng cung cấp các hành trình chuyến đi khác nhau có thể tùy chỉnh theo thời gian lưu trú, sở thích và khu vực của quan tâm của du khách. Nó chứa nội dung kiểu blog trực quan, rõ ràng và thông tin trực quan về các tuyến đường, đề xuất về phương thức vận chuyển và thời gian đi lại, và danh sách chỗ ở. Trang web được liên kết trực tiếp với các khách sạn địa phương và các trang web đặt tour du lịch.

Cổng du lịch quốc gia là “cửa ngõ”, là bộ mặt thông tin về du lịch của đất nước cho du khách. Cổng du lịch quốc gia giúp thu hút du khách ngay từ bước hình thành ý tưởng, lập kế hoạch. Do đó, Cổng du lịch quốc gia cần được thiết kế “động”, thông tin theo thời gian thực.

Ví dụ câu chuyện với mô hình này tại Thái Lan: Khi đang di chuyển trên ga tàu, một vị khách đã bị thu hút bởi một quảng cáo trực tuyến về một chuyến đi đến một bãi biển nhiệt đới ở Thái Lan. Bảng quảng cáo 3D thậm chí còn tỏa ra nhiệt mô phỏng trải nghiệm sống động của chuyến đi đến bãi biển đầy nắng này ở Thái Lan. Vị khách đã tìm kiếm trên Facebook để biết thêm thông tin về bãi biển và quảng cáo trên FB đã điều hướng tới website du lịch chính thức của Thái Lan. Vị khách nhanh chóng phát hiện ra biểu ngữ “'Tuần trăng mật hoàn hảo trên đảo” vì cô ấy vừa kết hôn và đang nghiên cứu, tìm kiếm 1 điểm đến hoàn hảo cho tuần trăng mật. Kế hoạch của vị khách dễ dàng được hoàn thành với các lựa chọn về khách sạn, dịch vụ tại hòn đảo, các điểm tham quan, và các hoạt động phù hợp với vợ chồng hưởng tuần trăng mật. Kết quả đặt chỗ đã được gửi ngay lập tức vào email của vị khách và được cập nhật vào website du lịch chính thức của Thái Lan. Trong suốt chuyến đi, vị khách nhận được thông báo đẩy về các sự kiện lân cận hoặc điểm thu hút phù hợp với sở thích của cô ấy. Tất cả những trải nghiệm, kinh nghiệm tích cực diễn ra trước /trong chuyến đi của mình đã được vị khách viết đánh giá tích cực trên các trang web du lịch và giới thiệu/chia sẻ chuyến du lịch

4. Kết luận

Không phải tất cả đổi mới đều phải đi tìm, đôi khi đổi mới tự phát sinh để đáp ứng một vấn đề hoặc nhu cầu cụ thể. Chuyển đổi số ngành du lịch là sự đổi mới mà chúng ta không phải đi tìm, ngành du lịch sẽ chuyển đổi số một cách tự thân để vực dậy mất mát từ đại dịch Covid.

Lê Anh Tuấn

 

[1] Yeudulich.com là một nền tảng kết nối các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, chuyên chở, thanh toán. Ký kết hợp tác với top 200 công ty du lịch hàng đầu Việt Nam, Yeudulich.com mang tới hàng nghìn tour du lịch trọn gói chất lượng cho du khách chọn lựa. Thay vì phải vào từng website riêng để tham khảo giá cũng như lịch trình tour, giờ đây chỉ cần thao tác trên một nền tảng, người dùng có thể ngay lập tức có thông tin của hàng nghìn tour online hấp dẫn, đồng thời cũng dễ dàng so sánh về giá cả để tìm kiếm tour phù hợp với túi tiền của mình.

[2] Du lịch đóng góp 9,2% GDP (năm 2019), chiếm 5,6% tổng lao động cả nước (2014). Tiềm năng thị trường: vị trí vàng trong khu vực và châu Á; nền chính trị ổn định, an toàn; dân số gần 100 triệu người với 36 triệu hộ gia đình và 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu; di sản văn hoá đa dạng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đặc biệt có tới tám di sản thế giới được UNESCO công nhận.

[3] Theo truyền thống mọi người phải dành một giờ đồng hồ để đặt vé với các thủ tục và xác nhận trên giấy. Ngoài ra, với quy trình thủ công, hành khách mất 90 phút để làm thủ tục hàng không.

[4] Trụ cột này đo lường mức độ phát triển của cơ sở hạ tầng ICT của quốc gia và mức độ sử dụng rộng rãi của các cá nhân và doanh nghiệp trong nước.

Tài liệu tham khảo:

1.https://dantri.com.vn/du-lich/10-khach-quoc-te-moi-co-mot-nguoi-quay-tro-lai-viet-nam-20190606154557164.htm