Chính phủ Bahrain đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và đạt được những kết quả nổi bật trong những năm qua. Đại dịch Covid-19 như chất xúc tác mạnh thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn thế giới và Chính phủ Bahrain đã tăng cường hơn nữa việc sử dụng các công nghệ hiện có và các công nghệ mới nổi, cho phép quốc gia này mở rộng phạm vi tiếp cận các sáng kiến chuyển đổi số quốc gia và các dịch vụ trực tuyến, cũng như thể hiện sự sẵn sàng đối mặt với các thảm họa và đại dịch thông thường.
Dưới đây, giới thiệu tóm lược quá trình phát triển chính phủ số của Bahrain trong hai đến ba thập kỷ qua với trọng tâm là các định hướng chính phủ số thời gian tới nhằm thúc đẩy thay đổi mô hình tương tác trong các cơ quan chính phủ và giao tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Ban đầu, Bahrain có rất ít dịch vụ trực tuyến và thanh toán điện tử cho người dân. Do vậy, tính minh bạch còn hạn chế trong các giao dịch của chính phủ; sự hài lòng của người dân còn giới hạn; người dân tham gia dịch vụ chính phủ điện tử còn hạn chế; kiến thức về CNTT trong cộng đồng chưa được phổ biến; chi phí thiết lập và duy trì các hệ thống và kho lưu trữ dữ liệu cao.
Với những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực CNTT-TT, Chính phủ Bahrain đã nhanh chóng nhận ra lợi ích của công nghệ trong việc cải thiện khả năng tiếp cận và cung cấp thông tin và dịch vụ cho công đồng. Từ đó, dẫn đến việc thành lập Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, tiếp đến là hình thành Mạng Dữ liệu Quốc gia an toàn và ra mắt Thẻ định danh thông minh cho người dân.
Việc ngày càng nhận ra tầm quan trọng của chương trình chính phủ điện tử và được điều phối, quản lý tốt trên toàn quốc nên năm 2005 Chính quyền Bahrain thành lập Ủy ban Tối cao về Công nghệ thông tin và Truyền thông (SCICT), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Shaikh Mohammed bin Mubarak Al Khalifa,. SCICT đã thực hiện các chỉ đạo của Nội các Chính phủ phù hợp với các sáng kiến Chính phủ điện tử, đưa ra các chiến lược và kế hoạch toàn diện để phát triển CNTT-TT trên toàn quốc.
Năm 2007, Cơ quan Chính phủ điện tử được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân bằng cách giúp người dân tương tác với chính quyền dễ dàng nhất có thể.
1. Chiến lược Chính phủ điện tử 2010
Chiến lược Chính phủ điện tử quốc gia 2007-2010 của Bahrain cam kết cung cấp dịch vụ điện tử một cách hiệu quả cho mọi người và doanh nghiệp theo phương châm “Mang lại giá trị cho khách hàng thông qua một chính phủ hợp tác”. Tại Chiến lược Chính phủ điện tử, Chính phủ Bahrain chỉ đạo các cơ quan chính phủ nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời thực hiện các hoạt động tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, nỗ lực này dẫn đến kết quả cung cấp 200 dịch vụ trực tuyến trên bốn kênh cung cấp chính là Cổng thông tin quốc gia về Chính phủ điện tử, Cổng Di động, Trung tâm Thông tin dịch vụ trực tuyến và Trung tâm phục vụ hành chính công.
Thành công của Chiến lược Chính phủ điện tử quốc gia 2007-2010 phản ánh tầm nhìn và quyết tâm cao của Chính phủ Bahrain khi giao quyền, đồng thời hỗ trợ đội ngũ chuyên gia trình độ cao hỗ trợ thực hiện Chiến lược.
Nhiều dự án và sáng kiến chiến lược đã được lên ý tưởng và thực hiện từ năm 2007 đến năm 2010 đạt được nhiều mục tiêu. Các dự án điển hình như: Khung kiến trúc quốc gia (EA), Hệ thống quản lý quy trình làm việc tích hợp, Cơ sở hạ tầng Cổng quốc gia, Khung xác thực quốc gia,….
Trong số các sáng kiến tái thiết kế quan trọng nhất được đưa ra trong thời gian này có Dự án tái thiết kế quy trình và hoạt động của Chính phủ, Dự án Cơ sở hạ tầng Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Nền tảng thanh toán quốc gia, Triển khai ISO 27001 về bảo mật thông tin và về Tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng.
Hơn nữa, trong giai đoạn này, hoạt động truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức được thực hiện mạnh mẽ. Nhận thức về các hoạt động và dịch vụ chính phủ điện tử đã tăng từ 25% lên hơn 77% đối với người dân, 96% đối với các doanh nghiệp và 100% trong các cơ quan chính phủ. Trong khi đó, việc sử dụng dịch vụ trực tuyến tăng từ 7% lên 47% đối với người dân, 85% đối với các doanh nghiệp và 92% đối với các tổ chức chính phủ. Sự tăng trưởng này được cho là nhờ sự kết hợp giữa các chiến dịch truyền thống và phi truyền thống được thiết kế để thu thập phản hồi của người dùng cuối.
2. Chiến lược Chính phủ điện tử 2016
Để duy trì và phát triển các thành tựu đạt được và đưa chương trình Chính phủ điện tử lên tầm cao mới, Bahrain đã ban thành Chiến lược Chính phủ điện tử quốc gia cho giai đoạn 2011-2014 với phương châm là 'ADVANCE'.
Chiến lược tập trung vào cung cấp dịch vụ cho người dân và duy trì, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng Chính phủ điện tử, với mục tiêu đạt được chính phủ thế hệ tiếp theo sự xuất sắc bằng cách cung cấp các dịch vụ chất lượng cao một cách hiệu quả, đánh giá hiệu quả, thu hút sự tham gia chủ động của người dân, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, hợp tác với tất cả các bên liên quan và khuyến khích đổi mới.
Sứ mệnh của Chính phủ điện tử lúc này là “hiện thực hóa tầm nhìn Chính phủ điện tử Bahrain bằng cách xác định, quản lý việc thực hiện các chiến lược có liên quan, thiết lập và giám sát việc tuân thủ các chính sách và tiêu chuẩn, tạo điều kiện chuyển đổi các dịch vụ và ủng hộ việc nuôi dưỡng các ý tưởng thế hệ tiếp theo, tất cả được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan chính phủ và liên kết đối tác hiệu quả với khu vực tư nhân”.
Chiến lược năm 2016 bao gồm một số sáng kiến Chính phủ điện tử, điển hình như: Thiết lập các luật, quy định cần thiết để duy trì môi trường điện tử an toàn; phát triển cơ sở hạ tầng và năng lực công nghệ tiên tiến cho tất cả các cơ quan chính phủ; tăng cường cung cấp dịch vụ thông qua cơ chế một cửa; ra mắt các kênh truyền thông mới (mạng xã hội) để giao tiếp với người dân; tạo nền tảng dữ liệu mở để thúc đẩy đổi mới và khởi nghiệp; phát triển một số ứng dụng và dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân, doanh nghiệp.
Một số thành tựu chính trong giai đoạn này bao gồm: Triển khai hệ thống khuyến nghị và phản ảnh quốc gia; tăng cường các kênh cung cấp dịch vụ trực tuyến quốc gia, đặc biệt là Cổng thông tin quốc gia về chính phủ điện tử, kho ứng dụng chính phủ điện tử; phát triển các ứng dụng di động dựa trên nền tảng dữ liệu mở; 80% các tổ chức chính phủ tham gia vào các hoạt động trên môi trường điện tử và tương tác trên mạng xã hội; hợp tác quốc tế và khu vực giữa các cơ sở giáo dục công lập, tư nhân để tuyên truyền về Chính phủ điện tử thông qua các chuyến tham quan, hội thảo và diễn đàn Chính phủ điện tử.
3. Chiến lược Chính phủ điện tử 2018
Do các yếu tố kinh tế vĩ mô nổi lên trong năm 2015 và 2016, Chiến lược Chính phủ điện tử đã được làm mới để phù hợp với Kế hoạch phát triển của Chính phủ giai đoạn 2015-2018. Chiến lược mới các mục tiêu sau: duy trì sự tham gia tích cực và gắn kết với người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chính phủ; cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, được cá nhân hóa để mang lại trải nghiệm cho người dùng, tập trung cung cấp qua thiết bị di động; thúc đẩy đổi mới dịch vụ bằng cách sử dụng tốt hơn dữ liệu của chính phủ; đảm bảo an ninh và quyền riêng tư đối với thông tin của người dân; tập trung vào các dịch vụ G2C (lấy cá nhân làm trung tâm) và hỗ trợ các yếu tố nền tảng; hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia và hỗ trợ việc ra quyết định của lãnh đạo chính phủ.
Việc làm mới chiến lược đã giúp nâng cao nhận thức về vai trò của Chính phủ điện tử đối với người dân, đồng thời tối ưu hóa đầu tư CNTT-TT trong khu vực công, thiết lập cơ sở hạ tầng CNTT-TT tiên tiến (đặc biệt là các hệ thống dựa trên đám mây) để giúp thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài và tăng cường thông tin liên lạc giữa khu vực tư nhân và nhà nước.
Với trọng tâm là tối ưu hóa chi phí, các sáng kiến của Chính phủ điện tử đã giảm 30% chi tiêu của chính phủ vào cuối năm 2017. Công nghệ điện toán đám mây đã được sử dụng ở cấp quốc gia, với chính sách Cloud First và chương trình đào tạo chuyên gia do chính phủ tài trợ. Sự tập trung bền vững vào Chính phủ điện tử đã chứng kiến bước nhảy vọt 43% sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Chiến lược an ninh mạng quốc gia cũng đã được phát triển và thực hiện đào tạo 3.500 nhân viên; 95% các tổ chức chính phủ tương tác với thông thông qua mạng xã hội.
4. Chiến lược Chính phủ số 2022
Chiến lược Chính phủ số 2022 nêu bật cam kết của Chính phủ trong việc chủ động chuyển đổi số các dịch vụ công, đồng thời tăng cường môi trường số, nâng cao sự sẵn sàng về kỹ thuật số và khuyến khích sử dụng kỹ thuật số.
Thông qua Chiến lược Chính phủ số 2022, trong Kế hoạch hành động của Chính phủ, Chính phủ Bahrain thúc đẩy sử dụng, phát triển các công nghệ mới nổi để xây dựng chính phủ mở phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Chính phủ muốn phát triển các dịch vụ được thiết kế dựa trên nhu cầu của công dân, đồng thời cung cấp các dịch vụ đó theo thời gian thực trên các thiết bị người dân thường sử dụng.
Chiến lược Chính phủ số của Bahrain được giám sát bởi Hội đồng tối cao về Công nghệ thông tin & Truyền thông và được hỗ trợ bởi Ủy ban Quản trị CNTT-TT quốc gia - Cơ quan giám sát việc điều phối và thực hiện các sáng kiến chiến lược kỹ thuật số trên toàn quốc.
Chiến lược Chính phủ số 2022 quy định các cơ quan Chính phủ:
Phát triển phương pháp tiếp cận toàn diện cung cấp các dịch vụ số cho mọi người (không ai bị bỏ lại phía sau), chú trọng vào các chiến lược phục vụ cho các nhu cầu cụ thể.
Khuyến khích các cơ quan chính phủ tương tác với người dân, cộng đồng thông qua các kênh kỹ thuật số mà họ lựa chọn. Đối với những người không thể truy cập các dịch vụ trực tuyến, sử dụng các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật số để giúp họ sử dụng dịch vụ.
Thiết kế các dịch vụ công theo nguyên tắc "digital first", với trọng tâm là số hóa toàn bộ chuỗi hoạt động để mang lại nhiều lợi ích nhất.
Thiết kế các thủ tục để người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp một số loại dữ liệu nhất định một lần cho một cơ quan Chính phủ.
Sử dụng các công nghệ tiên tiến để đưa ra dự đoán chính xác hơn và quyết định thông minh hơn thông qua việc phân tích lượng lớn dữ liệu.
Hợp nhất dữ liệu của chính phủ và hỗ trợ người dân có thể tiếp cận được, tạo ra sự minh bạch hơn và thu hút sự tham gia của người dân.
Chính phủ có những kế hoạch đầy tham vọng trong việc sử dụng rộng rãi công nghệ số để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ và quá trình ra quyết định cũng như khả năng chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức. Đặc biệt nhấn mạnh vào việc cải thiện năng lực tổ chức, cá nhân của các cơ quan chính phủ bằng cách điều chỉnh chiến lược số phù hợp với Chiến lược quốc gia về Chính phủ số, tăng cường cơ chế quản trị, tạo điều kiện cho lực lượng lao động kỹ thuật số, củng cố nền tảng phân tích và phát triển nhanh trong khi triển khai các biện pháp và kiểm soát an ninh mạng mạnh mẽ.
Với việc tập trung mạnh mẽ vào các nguyên tắc trên, Chính phủ Bahrain đã đẩy mạnh việc tạo môi trường thuận lợi để phát triển nền kinh tế số thông qua cơ sở hạ tầng số, thiết lập chính sách, quy định và nền tảng công nghệ mạnh mẽ hơn, đồng thời hỗ trợ các đơn vị khu vực công trong các kế hoạch chuyển đổi số riêng.
Đến cuối năm 2020, Chính phủ Bahrain đã cung cấp 504 dịch vụ trực tuyến, trong đó 391 dịch vụ qua Cổng thông tin quốc gia, 16 dịch vụ qua các ekiosk tự phục vụ và 97 dịch vụ qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Các dịch vụ trực tuyến đã giúp chính phủ giảm 82% chi phí hoạt động, cho phép người dùng hoàn thành giao dịch trực tuyến nhanh hơn 76% và hiệu quả hơn 69% so với các phương pháp truyền thống mà không cần đến các trung tâm dịch vụ.
Vào năm 2020, 82 dịch vụ trực tuyến thuộc sáu lĩnh vực và 15 cơ quan chính phủ đã được tái cấu trúc hiệu quả hơn. Hiện đang nghiên cứu, tái cấu trúc và phát triển 26 dịch vụ mới, đáng chú ý nhất là những dịch vụ liên quan đến quyên góp qua ứng dụng, thanh toán phí và thuế hải quan và dịch vụ thẻ ID.
Các dịch vụ trực liên quan đến nguồn thu của chính phủ cũng đã được triển khai, như các chiến dịch khuyến mại và giảm giá của Bộ Công nghiệp, Thương mại và Du lịch; Thanh toán hóa đơn VAT và thanh toán phí bảo hiểm.
Bốn dịch vụ xã hội mới đã được ra mắt, bao gồm một dịch vụ yêu cầu hỗ trợ tài chính từ Tổ chức Nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, và ba dịch vụ của Bộ Lao động và Phát triển Xã hội liên quan đến đăng ký người tìm việc, xem hồ sơ cá nhân và xem trạng thái yêu cầu hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Hơn nữa, 44 dịch vụ điện tử trong lĩnh vực y tế đã được đưa ra để hỗ trợ các nỗ lực của Lực lượng chuyên trách về chống COVID-19. Ba dịch vụ nhà ở và bất động sản cũng đã được đưa ra để hỗ trợ Cơ quan Quản lý Bất động sản và hai dịch vụ khác do Bộ Ngoại giao cung cấp, phục vụ cho công dân ở nước ngoài.
Năm 2020, giao dịch tài chính tăng 38% so với năm 2019 với hơn 2,2 triệu giao dịch được ghi nhận trên tất cả các tổ chức chính phủ. Tổng doanh thu thu được từ các kênh kỹ thuật số khác nhau tăng 48%.
Chiến lược chính phủ số hiện nay của Bahrain cũng xác định tầm nhìn 2030, kế hoạch hành động từng giai đoạn cụ thể, xác định các trụ cột nhằm tối ưu hóa công nghệ thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và cũng có cách tiếp cận cụ thể đối với các công nghệ mới như điện toán đám mây, chuỗi khối, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, robot, IoTs, đô thị thông minh.
Kết luận
Có thể thấy Chính phủ Bahrain đã coi trọng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số từ khá sớm trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ số và thông qua công nghệ số đáp ứng được các vấn đề người dân, cộng đồng mong muốn từ chính phủ nhất là giải quyết các thủ tục hành chính. Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệp:
- Xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển rõ ràng;
- Có có quan giám sát thực hiện chiến lược;
- Dịch vụ được thiết kế dựa trên nhu cầu của người dân, đồng thời cung cấp các dịch vụ đó theo thời gian thực trên các thiết bị người dân thường sử dụng.
- Chiến lược chính phủ số gắn liền với việc thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia.
Nguyễn Thanh Thảo
Nguồn tham khảo:
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Bahrain;
- Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số Bahrain.