Sự trưởng thành số và truyền thống minh bạch và hiệu quả của khu vực công là điểm khởi đầu
Thụy Điển nằm trong số các quốc gia OECD đi đầu về mức độ phát triển xã hội số và kinh tế số. Theo bảng xếp hạng quốc tế về Chỉ số kinh tế và xã hội số 2018 (Hình 1.7), Thụy Điển đứng thứ hai về việc sử dụng Internet của người dân, thứ ba về việc sử dụng Internet cho các dịch vụ giao dịch (bao gồm cả ngân hàng và mua sắm), và thứ ba về “việc sử dụng Internet để gửi các mẫu đơn đến các cơ quan công quyền” của các cá nhân.
Người dân Thụy Điển có hiểu biết về kỹ thuật số nhất ở châu Âu, bao gồm kĩ năng làm quen với Internet và việc sử dụng phương tiện này trong cuộc sống hàng ngày. Các kỹ năng số tốt ở Thụy Điển cũng được phản ánh trong thị trường việc làm thể hiện qua tỷ lệ chuyên gia CNTT-TT cao trong tất cả các ngành nghề (88%), đặc biệt là so với các nước OECD khác (50%).
Sự trưởng thành về kỹ thuật số của xã hội và nền hành chính Thụy Điển được cho là bởi truyền thống lâu đời về tính minh bạch của khu vực công có từ thế kỷ 18. Đạo luật Tự do Báo chí năm 1766 của Thụy Điển được nhiều người coi là đạo luật về quyền tự do thông tin lâu đời nhất trên thế giới.
Vào ngày 30 tháng 6 năm 2009, Đạo luật Tiếp cận Thông tin và Bí mật của công chúng đã thay thế các quy định của Đạo luật 1766 về quyền của công dân yêu cầu các tài liệu chính thức. Chúng bao gồm, ví dụ, nghĩa vụ của các cơ quan công quyền phải đăng ký các văn bản chính thức và kháng cáo đối với các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền (Văn phòng Chính phủ Thụy Điển, 2015). Thụy Điển, với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, cũng có nghĩa vụ kết hợp các chỉ thị của EU vào luật quốc gia, chẳng hạn như các chỉ thị của EU về thông tin khu vực công.
Thụy Điển có một xuất phát điểm tốt để xây dựng dựa trên nền tảng chính phủ điện tử để phát triển một chính phủ số bền vững. Tuy nhiên, một số thành tựu quan trọng - chẳng hạn như truyền thống về tính minh bạch của khu vực công - có nguy cơ trở thành gánh nặng di sản nếu chính phủ không hành động để chuyển đổi và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của nền kinh tế số và xã hội số. Điều này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi mô hình hoạt động hiện tại - một mô hình đã thành công trong việc hiện thực hóa một chính phủ điện tử hoạt động tốt, nhưng điều đó không đủ để thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ số.
Tổng quan hiện trạng của các thành phần và dịch vụ dùng chung ở Thụy Điển
Thụy Điển là nước sớm áp dụng các giải pháp về chính phủ điện tử, bao gồm các cơ quan chính phủ và một số thành phố tự trị. Các cơ quan thuế, an sinh xã hội và lương hưu là những ví dụ về các tổ chức có danh mục lớn các dịch vụ kỹ thuật số tiên tiến.
Nhiều dịch vụ số sử dụng các thành phần chung như eID, nhắn tin an toàn và các tiêu chuẩn để trao đổi dữ liệu. Tuy nhiên, một số thách thức về mặt chính sách vẫn còn đối với các thành phần dùng chung trong nước. Bối cảnh này đi đôi với việc thiếu sự lãnh đạo mạnh mẽ và rõ ràng, tạo nên cách tiếp cận khó khăn hơn để thực thi việc tuân thủ các tiêu chuẩn và khuôn khổ kỹ thuật số, các quy định chặt chẽ hơn và không nhận được đủ sự ủng hộ của chính quyền trung ương cho chính phủ số.
Đây là tất cả các khía cạnh quan trọng cần được giải quyết nếu Thụy Điển muốn tăng cường phát triển các nhân lực chủ chốt; sự tích hợp ngày càng rộng hơn của các hệ thống, dữ liệu và thông tin; và sự nhất quán về chính sách trong quá trình phát triển hướng tới một chính phủ số hoàn toàn và như một chính phủ hoạt động dựa trên dữ liệu.
Ngoài ra, Thụy Điển phải đối mặt với những thách thức tồn tại từ góc độ văn hóa, luật pháp và tổ chức (ví dụ: cơ cấu quản trị theo chiều dọc và việc thực thi chính sách thiếu chặt chẽ). Những thách thức này, không phải là đặc thù của Thụy Điển, có thể cản trở sự phát triển đối với chính phủ số, và do đó chúng đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức và có sự phối hợp chặt chẽ.
Công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng dữ liệu
Cơ sở hạ tầng mềm CNTT không đủ (ví dụ: các quy định và tiêu chuẩn) dẫn đến những nỗ lực thường không có cấu trúc và không rõ ràng. Cơ sở hạ tầng CNTT phức tạp, rời rạc là kết quả của các hoạt động thiếu gắn kết, không được hướng dẫn đầy đủ đối với việc cung cấp và áp dụng các tiêu chuẩn chung, và sự phát triển của các giải pháp CNTT và dịch vụ số độc lập, phân mảnh do các cơ quan khác nhau thực hiện.
08 vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng thông tin
Việc không có quan điểm toàn diện của chính phủ về cơ sở hạ tầng CNTT của khu vực công đã tạo nên rào cản cho sự tích hợp giữa các cơ quan. Để khắc phục tình trạng này, một trong những mục tiêu chính của Cơ quan chịu trách nhiệm về Chính phủ số (DIGG) tập trung vào giải quyết là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng CNTT trong khu vực công.
Giải quyết các vấn đề liên quan đến tính sẵn có và tính nhất quán tổng thể của cơ sở hạ tầng dữ liệu và các quy định, tiêu chuẩn là một ưu tiên nếu Thụy Điển muốn thành công trong việc củng cố các nền tảng hỗ trợ kỹ thuật số (ví dụ: khuôn khổ khả năng tương tác chung; đăng ký dữ liệu cơ sở; cơ sở hạ tầng dữ liệu/ICT được chia sẻ); các quy trình nghiệp vụ và dịch vụ; điện toán đám mây; phần mềm nguồn mở).
Chính phủ Thụy Điển đã ủy quyền cho DIGG phối hợp một số cơ quan để cùng đưa ra các đề xuất nhằm giải quyết một số thách thức hiện có liên quan đến cơ sở hạ tầng dữ liệu và CNTT, bao gồm:
- Tạo ra một quyền truy cập an toàn và hiệu quả đối với dữ liệu cơ bản bằng cách làm rõ trách nhiệm và tăng cường tiêu chuẩn hóa các dữ liệu.
- Tăng cường bảo mật và hiệu quả trong trao đổi thông tin điện tử trong khu vực công thông qua việc tăng cường tiêu chuẩn hóa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mức độ tự chủ cao được cấp cho các cơ quan, điều quan trọng là phải tập trung vào việc khắc phục cách tiếp cận cát cứ như hiện nay bằng cách cân bằng các hành động nhắm vào thực thi và hợp tác. Điều này đòi hỏi phải phát triển một trường hợp nghiệp vụ rõ ràng, cung cấp các yếu tố thuyết phục cho sự phát triển và áp dụng các thành phần dùng chung mà các cơ quan thấy đủ hấp dẫn để ưu tiên các giải pháp của toàn chính phủ.
Mailbox
Trường hợp của các thành phần chung của chính phủ số và các dịch vụ dùng chung như hộp thư và eID cũng đáng chú ý, đặc biệt từ góc độ cấp quyền kỹ thuật số (các kênh truyền thông kỹ thuật số, truy cập thông tin và dữ liệu của chính phủ, an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư, chia sẻ dữ liệu cá nhân và cho phép truy cập, kết nối và tính minh bạch của các công cụ ra quyết định dựa trên trí tuệ nhân tạo).
Chính phủ Thụy Điển đã phát triển cơ sở hạ tầng hộp thư Mina meddelanden (tiếng Thụy Điển có nghĩa là “Tin nhắn của tôi”) để cho phép truyền thông số giữa chính phủ và công dân của mình. Nền tảng này có thể truy cập được thông qua các công cụ nhận dạng kỹ thuật số và có thể được sử dụng để phát triển và cung cấp các giải pháp hộp thư công cộng và riêng tư cho công dân.
Mặc dù các giải pháp khu vực công đã được phát triển (cụ thể là dịch vụ hộp thư Min myndighetspost của Cơ quan thuế Thụy Điển), các công dân và doanh nghiệp dường như chủ yếu sử dụng các dịch vụ hộp thư do khu vực tư nhân phát triển. Ví dụ: KIVRA, nhà cung cấp dịch vụ hộp thư lớn nhất ở Thụy Điển, cung cấp giải pháp hộp thư có trả phí cho những tổ chức thông qua một ứng dụng và cho những công dân và doanh nghiệp chọn sử dụng dịch vụ của họ.
Các số liệu do KIVRA cung cấp cho Ban thư ký OECD trong chuyến công tác đánh giá tới Stockholm vào tháng 11 năm 2017 cho thấy vào thời điểm đó, 2 triệu người Thụy Điển đang sử dụng dịch vụ hộp thư của KIVRA. Phần lớn cơ sở khách hàng/lợi nhuận được tích hợp bởi các tổ chức khu vực tư nhân, nhưng một số tổ chức lớn từ khu vực công (như Cơ quan Thuế Thụy Điển) cũng là một phần của cơ sở khách hàng của nó. Điều này cung cấp thêm các công cụ cho công dân lựa chọn sử dụng.
Thỏa thuận của KIVRA với khu vực công cung cấp các dịch vụ cơ bản cho các tùy chọn miễn phí nhưng cao cấp - như các chức năng thanh toán trực tuyến - có chi phí. Do đó, bất chấp một số ngoại lệ ở cấp thành phố, chính phủ Thụy Điển không cung cấp bất kỳ khoản bồi thường tài chính nào cho KIVRA đối với các dịch vụ hộp thư của mình vì trong hầu hết các trường hợp, dịch vụ miễn phí được ưu tiên hơn.
Trường hợp của KIVRA chủ yếu dựa trên việc cung cấp dịch vụ của mình cho các tổ chức khu vực tư nhân, nhưng cũng dựa trên lý do mà sự lựa chọn nên được trao cho người dân và các giải pháp của khu vực công không nên cạnh tranh với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về mức độ hiệu quả của các cơ quan công quyền trong việc phát triển các dịch vụ công tích hợp có thể kết nối các dịch vụ khác nhau được cung cấp cho công dân, chẳng hạn như hộp thư, thư mục công dân hoặc trang tin tổng hợp.
Theo KIVRA, trong khi các dịch vụ hộp thư đã được phát triển bởi một số cơ quan khu vực công của Thụy Điển (như Min myndighetspost của Cơ quan thuế) như một giải pháp thay thế cho những người không muốn sử dụng dịch vụ tư nhân để trao đổi với chính phủ, thì số lượng người thích các giải pháp công cộng là khoảng 100.000 so với 2 triệu người dùng KIVRA. Thật vậy, nếu công dân là khách hàng của KIVRA, chính phủ Thụy Điển sẽ chọn sử dụng nền tảng của KIVRA. Nếu không, dịch vụ thư bưu chính truyền thống là lựa chọn thứ hai.
Điều này dẫn đến một mức độ hạn chếnhà cung cấp nhất định, trong đó tính bền vững của hoạt động như vậy có thể khiến công dân gặp rủi ro khi tiếp cận các dịch vụ hộp thư để liên lạc trên môi trường số với các tổ chức khu vực công nếu công ty này quyết định đóng cửa dịch vụ của mình đối với những cơ quan không trả tiền cho các dịch vụ của nó. Trong chuyến công tác của OECD đến Stockholm vào tháng 11 năm 2017, đại diện từ KIVRA đã bày tỏ rằng cần có các khuôn khổ pháp lý và quy định cần thiết để đảm bảo tính bền vững của dịch vụ.
Trường hợp của KIVRA cung cấp một ví dụ rõ ràng về thực tế là khu vực công của Thụy Điển dường như không đủ nhanh nhạy để xây dựng các dịch vụ đầu cuối và tích hợp.
eID
Chính sách eID của Thụy Điển nêu rõ rằng các giải pháp eID có thể được cung cấp bởi các tổ chức công hoặc tư nhân (Ban eID Thụy Điển, 2018). Điều này đã dẫn đến cách tiếp cận theo định hướng thị trường tương tự như cách tiếp cận được quan sát đối với các dịch vụ hộp thư được mô tả trong phần trước, tức là BankID là dịch vụ eID được sử dụng nhiều nhất ở Thụy Điển.
BankID được phát triển bởi 11 ngân hàng để cho phép khả năng tương tác và tích hợp các dịch vụ trực tuyến và di động cũng như thúc đẩy sự tiếp nhận eID của người dân. Kết quả là, 7,5 triệu người sử dụng BankID ở Thụy Điển để tiếp cận các dịch vụ do các tổ chức tư nhân và cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương.
Mặc dù sự thành công của BankID từ góc nhìn của người dùng là rõ ràng, nhưng quan điểm của các bên liên quan trong khu vực công lại khác nhau về lợi ích và rủi ro của mô hình như vậy.
Sự thành công của việc áp dụng các giải pháp định hướng thị trường (ví dụ: BankID và KIVRA) có thể được hiểu là kết quả của sự hạn chế, thiếu linh hoạt của khu vực công Thụy Điển trong việc phát triển các giải pháp của riêng mình, một phần do văn hóa dựa trên đồng thuận của họ gây ra. Các giải pháp chung, được sử dụng nhất quán trong toàn bộ khu vực công, là những yếu tố thúc đẩy quan trọng các phương pháp tiếp cận và tích hợp nhất quán vốn là cốt lõi của một chính phủ số theo chiều ngang, tích hợp và kết nối với nhau về bản chất.
Các giải pháp kỹ thuật số phổ biến có thể là động lực quan trọng của việc số hóa nhanh hơn các dịch vụ công trên tất cả các lĩnh vực. Các giải pháp thị trường hiện tại đáp ứng kỳ vọng ngày càng tăng của người dân về chất lượng, khả năng đáp ứng và tính kịp thời trong việc tiếp cận các dịch vụ công. Tuy nhiên, việc một số bên trong khu vực công không sẵn sàng thực hiện các tiêu chuẩn và khuôn khổ chung về eID đã gây ra sự chậm trễ lớn trong việc triển khai hệ sinh thái eID khu vực công của Thụy Điển.
Hơn nữa, bối cảnh này làm tăng sự phụ thuộc của khu vực công Thụy Điển vào các giải pháp tư nhân do thiếu các giải pháp eID công cộng tích hợp và hiệu quả. Các bên liên quan từ khắp chính phủ dường như cho rằng việc phát triển các giải pháp eID không phải là ưu tiên của chính phủ, để lại cho khu vực tư nhân cung cấp các giải pháp sáng tạo đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của người dùng. Kịch bản này mở ra cuộc thảo luận về tác động tiêu cực tiềm ẩn về năng lực của chính phủ trong việc duy trì kiểm soát các vấn đề an ninh và sự ổn định của việc cung cấp dịch vụ.
Một bước tiến theo nghĩa này, dấu hiệu của nhận thức ngày càng tăng của chính phủ về những rủi ro tiềm ẩn của tình hình hiện tại, là việc thành lập Ban nhận dạng điện tử.Ban nhận dạng điện tử điều phối và hỗ trợ các nỗ lực của e-ID trong khu vực công để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển đồng bộ của các công cụ này và sự tiếp thu của người dân.
Trần Kiên
Tài liệu tham khảo:
BankID (2018), “This is BankID”, webpage, https://www.bankid.com/en/om-bankid/detta-ar-bankid.
OECD (2019), OECD Digital Government Review of Sweden: Towards a Data-driven Public Sector. https://doi.org/10.1787/4daf932b-en.
Swedish eID Board (2018), “The Swedish E-identification Board”, webpage, https://elegnamnden.se/inenglish.4.4498694515fe27cdbcf13d.html.