1. Khái niệm về Nền tảng lao động số
Bài viết bắt đầu bằng việc phát triển một định nghĩa về Nền tảng lao động số như một mạng lưới kết nối người sản xuất và người tiêu dùng. Nền tảng lao động số kết nối người lao động với khách hàng và cung cấp cơ sở hạ tầng cũng như các điều kiện quản trị để trao đổi hoạt động, công việc và lương thưởng. Tuy nhiên, kiến trúc hoặc thiết kế mô hình kinh doanh của các Nền tảng lao động số có những thách thức nhất định đối với người lao động, ảnh hưởng đến việc họ được trao quyền hay bị khai thác trên nền tảng. Vì vậy, cần có những thể chế, chính sách để giữ chân người tiêu dùng và người lao động cũng như hệ thống giám sát và khen thưởng góp phần tạo ra hạnh phúc cho người lao động.
2. Mô hình kinh doanh của Nền tảng lao động số
Một trong những thay đổi kinh tế xã hội quan trọng nhất được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19 là sự trỗi dậy của các mô hình kinh doanh của Nền tảng lao động số. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc đã thúc đẩy người dân mua sắm trực tuyến, đặt hàng tại nhà với số lượng lớn. Điều đó làm gia tăng sự phụ thuộc vào các công việc từ xa, cũng như khiến các công việc dựa trên nền tảng số trở nên nở rộ hơn bao giờ hết.
Nền tảng lao động số nổi lên như một đặc trưng của nền kinh tế số để tạo việc làm cho những người yếu thế trong thị trường lao động truyền thống, cho phép doanh nghiệp tiếp cận với một lực lượng lao động linh hoạt. Cốt lõi của hệ sinh thái Nền tảng lao động số là các bên sử dụng nền tảng để tương tác tạo ra giá trị; tuy nhiên, hệ sinh thái Nền tảng lao động số này cũng có thể bao gồm các tác nhân khác, chẳng hạn như các đối tác dữ liệu hoặc các tác nhân trong ngành không trực tiếp tham gia vào nền tảng.
Nền tảng lao động số là thị trường kỹ thuật số hiệu quả, kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ để tạo ra giá trị và trong trường hợp nền tảng việc làm, nó sẽ kết nối người lao động với những người sẽ sử dụng sức lao động của họ.
Các nền tảng lao động số khác biệt đáng kể so với các sàn giao dịch việc làm cũ, do tính chất lan tỏa và dường như không bị phân cấp.
Mục tiêu chung của Nền tảng lao động số này là cho phép người sản xuất và người tiêu dùng tìm thấy nhau, tham gia vào việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ để mang lại lợi ích cho nhau và trong một số trường hợp là các bên xây dựng mối quan hệ thương mại lâu dài.
3. Các lựa chọn thiết kế mô hình kinh doanh cho nền tảng
Nếu một nền tảng cho phép các tương tác tạo ra giá trị giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, thì nền tảng đó phải thu hút và giữ chân những người tham gia, bảo đảm rằng nhà sản xuất và người tiêu dùng không chuyển sang sử dụng các nền tảng khác. Để thu hút người tiêu dùng và nhà sản xuất, nền tảng sẽ thiết lập các biện pháp khuyến khích và trợ cấp để thu hút một bên, bên này tham gia thì thu hút bên kia. Sau đó, khi có nhiều nhà sản xuất và người tiêu dùng tham gia, nền tảng có thể mở rộng quy mô hoạt động của mình. Những cân nhắc về mô hình kinh doanh này có thể được gói gọn trong khuôn khổ sau:
Hình 1. Những cân nhắc chính về mô hình kinh doanh của Nền tảng lao động số
Việc tạo ra giá trị trên Nền tảng lao động số tập trung vào sự tương tác cốt lõi giữa người lao động (với tư cách là người sản xuất) và khách hàng của họ (với tư cách là người tiêu dùng), để đáp ứng yêu cầu cụ thể của người tiêu dùng, chính là người trả tiền cho người lao động. Tương tác cốt lõi có thể được mô tả theo ba giai đoạn: (1) KHÁM PHÁ, khi người sản xuất và người tiêu dùng tìm thấy nhau; (2) TRAO ĐỔI, khi hàng hóa, dịch vụ và tiền trao tay; và (3) MỐI QUAN HỆ, được nuôi dưỡng bởi nhiều tương tác và trao đổi lặp đi lặp lại.
Mức độ liên quan và tầm quan trọng của ba giai đoạn sẽ khác nhau. Đối với một số nền tảng, chẳng hạn như: Uber, ở giai đoạn đầu, sự khám phá chiếm ưu thế; UpWork, giai đoạn quan hệ có xu hướng chiếm ưu thế; hay Deliveroo hoặc TaskRabbit tích cực theo dõi trao đổi công việc; Craigslist, sẽ chỉ cho phép khám phá mà không theo dõi trao đổi.
a) Thiết kế các lựa chọn để thu hút và giữ chân người tham gia
Ba cân nhắc chính để Nền tảng lao động số có thể thu hút và giữ chân người tham gia trong hệ sinh thái nền tảng.
• Khuyến khích ưu đãi và trợ cấp trên thị trường hai mặt
Nền tảng lao động số được ví như con gà và quả trứng, tức là người lao động và người tiêu dùng đều được yêu cầu hoạt động trên nền tảng này. Nếu không có người lao động, người tiêu dùng thì sẽ không tìm thấy giá trị trong việc sử dụng nền tảng. Để vượt qua rào cản này, nền tảng có thể khuyến khích ưu đãi và trợ cấp cho sự tham gia ban đầu.
Tuy nhiên, khi nền tảng mở rộng, hệ sinh thái nền tảng trở thành một mạng lưới tự duy trì và các khoản trợ cấp thường bị ngừng. Đôi khi sự thay đổi chính sách này có thể ảnh hưởng xấu đến người lao động hoặc người tiêu dùng, hoặc cả hai, những người tham gia trên cơ sở nhận được một số trợ cấp nhất định nhưng sau đó thấy rằng chi phí của họ tăng lên. Ví dụ: một số nền tảng gọi xe, chẳng hạn như Uber, ban đầu đã trợ cấp cho sự tham gia của tài xế bằng cách đảm bảo họ thu nhập tối thiểu, nhưng hiện đã đưa ra những thay đổi liên tiếp đối với cấu trúc giá khi thị phần của họ tăng lên dẫn đến các tài xế đã xin rút khỏi doanh nghiệp.
Trong thị trường hai mặt, nếu Nền tảng lao động số khuyến khích bên này hơn bên kia, chẳng hạn như nền tảng đánh giá cao người tiêu dùng hơn người lao động, thì nền tảng sẽ có xu hướng khuyến khích ưu đãi và trợ cấp cho sự tham gia của người tiêu dùng, từ đó sẽ làm tăng gánh nặng chi phí của người lao động. Vì vậy, việc phân phối công bằng các ưu đãi và trợ cấp sẽ là thước đo để đo lường sự phát triển của nền tảng.
• Các hiệu ứng mạng
Trong khi các doanh nghiệp công nghiệp giành được ưu thế thông qua quy mô kinh tế bên cung thì các nền tảng dựa trên quy mô kinh tế bên cầu. Đặc biệt, các nền tảng được hưởng lợi từ hiệu ứng mạng hai mặt, là một hiện tượng mà theo đó số lượng nhà sản xuất sử dụng nền tảng tăng lên sẽ khiến người tiêu dùng tham gia nhiều hơn và những người tiêu dùng đó lại thu hút nhiều nhà sản xuất hơn. Do đó, hiệu ứng mạng là xu hướng để mở rộng nền tảng.
• Chi phí Multihoming
Multihoming xảy ra khi người dùng tham gia trên nhiều nền tảng. Chi phí multihoming đề cập đến chi phí tham gia trên nhiều nền tảng. Chi phí multihoming càng cao, thì khả năng người dùng tham gia trên nhiều nền tảng càng ít. Ví dụ, Facebook có chi phí đa mạng cao, khiến người dùng tốn kém khi tạo mạng lưới bạn bè của họ trên nhiều nền tảng hoặc chuyển toàn bộ mạng lưới bạn bè của họ từ Facebook sang đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, nền tảng Uber có chi phí multihoming rất thấp do đó, tài xế và hành khách có thể dễ dàng chuyển đổi ứng dụng, chuyển từ Uber sang Lyft hoặc ngược lại.
Trên nền tảng này, một trong những cách để tăng chi phí multihoming là tạo ra sự phụ thuộc có hiệu lực (hay còn gọi là khóa) thông qua các hệ thống danh tiếng. Những người lao động đầu tư vào việc xây dựng danh tiếng trên nền tảng này do dự khi chuyển sang nền tảng khác mà không có khả năng chuyển giao danh tiếng thì sẽ không mang lại cho họ khả năng hiển thị nhiều trên nền tảng đó và đồng thời cũng làm giảm cơ hội việc làm của họ.
b) Thiết kế các lựa chọn để khuyến khích các tương tác có thể lặp lại
• Giảm chi phí giao dịch
Nền tảng tìm cách làm cho thị trường hiệu quả hơn bằng cách giảm ba loại chi phí giao dịch chính: (1) chi phí tìm kiếm và thông tin, phát sinh khi phát hiện ra hàng hóa và dịch vụ liên quan, bao gồm cả việc định giá sẵn có; (2) chi phí thương lượng, phát sinh khi đưa hai bên giao dịch đến một thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận; và (3) chi phí kiểm soát và thực thi, phát sinh để bảo đảm rằng các bên tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận và bao gồm các chi phí hành động để thực thi các điều khoản này.
Nền tảng lao động số được thiết kế để giảm cả ba loại chi phí giao dịch, bằng cách cung cấp thư mục danh sách trung tâm, như trong trường hợp của Upwork, hoặc bằng cách đối sánh trực tiếp người tiêu dùng với người lao động, như trong trường hợp của Uber, Nền tảng lao động số sẽ giảm chi phí tìm kiếm và thông tin. Nền tảng này cũng có thể giảm chi phí thương lượng, bằng cách cung cấp các công cụ đấu giá có thể làm trung gian giao tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, hoặc tránh mặc cả hoàn toàn bằng cách trực tiếp đặt giá. Ngoài ra, một số Nền tảng lao động số có thể cung cấp dịch vụ ký quỹ để bảo đảm thanh toán thích hợp và kịp thời theo thỏa thuận. Một số nền tảng làm việc tự do, như Upwork, cũng cung cấp các công cụ để giám sát quá trình sản xuất và phân phối công việc.
• Thị trường thất bại
Trên nền tảng lao động, sự thất bại của thị trường xảy ra khi nền tảng không thể hoàn thiện tương tác giữa những người tham gia. Ba nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự thất bại của thị trường là: (1) sự bất cân xứng về thông tin, khi một bên tham gia tương tác có quyền truy cập duy nhất vào kiến thức, tạo ra một lợi thế không công bằng; (2) ngoại tác, phát sinh khi một tương tác tạo ra chi phí hoặc lợi ích cho một bên không tham gia vào tương tác đó; và (3) mức độ rủi ro cao, có thể dẫn đến một giao dịch tồi tệ.
Nền tảng này có thể tìm cách giảm thiểu sự thất bại của thị trường và tăng khả năng xảy ra các tương tác lặp lại bằng cách chuẩn hóa trải nghiệm của người tiêu dùng và loại bỏ sự bất cân xứng thông tin giữa người lao động và người tiêu dùng. Điều này làm giảm rủi ro cho người tiêu dùng tham gia vào tương tác và khuyến khích họ tham gia nhiều lần, tự tin rằng trải nghiệm tiếp theo của họ trên nền tảng sẽ hài lòng như trải nghiệm trước đó. Ví dụ: các nền tảng như Uber chuẩn hóa trải nghiệm tuyển dụng và trả tiền taxi bằng cách dàn xếp các hành động thông qua nền tảng.
• Hệ thống danh tiếng
Một nền tảng cần bảo đảm chất lượng và nuôi dưỡng lòng tin của những người tham gia để ngăn chặn sự thất bại của thị trường và khuyến khích các tương tác lặp lại. Để đạt được mục tiêu này, việc thiết kế nền tảng cần phải kết hợp hệ thống danh tiếng, một cơ chế để phân biệt giữa các tác nhân tốt và xấu giữa những người tham gia nền tảng. Hệ thống danh tiếng phải có khả năng mở rộng để theo kịp sự phát triển của mạng lưới.
Nền tảng cũng bảo đảm sự thành công trong tương tác bằng cách tạo niềm tin giữa những người tham gia. Cơ chế chính để thực hiện điều này liên quan đến việc thiết lập danh tiếng của người lao động (và trong một số trường hợp là danh tiếng của người tiêu dùng) thông qua một hệ thống danh tiếng. Nền tảng lao động yêu cầu khách hàng xếp hạng và / hoặc đánh giá nhân viên khi họ kết thúc giao dịch. Khi người lao động có được danh tiếng thì họ có thể được hiển thị nhiều hơn trên một số nền tảng khác.
Nền tảng cũng có thể bảo đảm sự thành công của một tương tác bằng cách theo dõi việc phân phối công việc để xác định xem liệu công việc đó có hoàn thành hay không. Việc giám sát này cũng cho phép nền tảng phân xử các tranh chấp giữa người lao động và người tiêu dùng, tăng sự tin tưởng vào hệ thống.
Nền tảng cũng cung cấp cho người lao động được đánh giá thuận lợi tiếp cận thị trường nhiều hơn để tạo ra một vòng phản hồi tích cực, theo đó cơ hội làm việc tăng lên dẫn đến việc nâng cao hơn nữa danh tiếng của người lao động. Đây là thiết kế cần thiết của bất kỳ hệ thống thị trường dân chủ nào và giúp nền tảng giữ chân những người lao động giỏi nhất. Tuy nhiên, để thúc đẩy các cơ hội bình đẳng, cấu trúc của nền tảng thì phải cẩn thận để không cản trở việc gia nhập thị trường cho những người mới tham gia.
• Tính thanh khoản của thị trường
Tính thanh khoản của thị trường là thước đo khả năng xảy ra các tương tác thành công trên thị trường. Nền tảng lao động số phải liên tục theo dõi và quản lý tính thanh khoản của thị trường để bảo đảm rằng các yêu cầu công việc của khách hàng được đáp ứng một cách thích hợp. Để bảo đảm thị trường thanh khoản, một số Nền tảng lao động số tập trung vào việc lập lịch trình và quản lý công việc theo thuật toán để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các nền tảng như Deliveroo yêu cầu người lao động phải đăng ký trước một số lịch trình làm việc nhất định và tự động giao yêu cầu công việc cho người lao động đồng thời hạn chế khả năng chấp nhận hoặc từ chối yêu cầu của họ.
Nền tảng cũng tăng tính thanh khoản của thị trường bằng cách cung cấp phản hồi thuật toán cho người lao động và người tiêu dùng và thúc đẩy họ hướng tới các hành vi mới. Ví dụ: nền tảng gọi xe cung cấp thông báo và phản hồi cho nhân viên tư vấn về cách quản lý lịch trình để kiếm được nhiều tiền hơn trên nền tảng. Phản hồi này, được thiết kế để bảo đảm tài xế có sẵn khi nhu cầu tăng lên, theo thời gian có thể ảnh hưởng đáng kể đến lịch trình và giờ làm việc của tài xế.
Kết luận
Trong phân tích về mô hình kinh doanh nền tảng ở trên, bài viết đưa ra các phân tích lựa chọn thiết kế nghiệp vụ chính mà nền tảng đã sử dụng để thu hút người tham gia và thúc đẩy tăng trưởng trong mạng lưới nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nền tảng lao động số hiện tại không nằm trong danh sách 35 nền tảng số quốc gia theo Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 11/02/2022, tuy nhiên, một trong sáu quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg đã xác định “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả”, cùng với sự tiến bộ không ngừng của các công nghệ số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời dựa trên nhu cầu thiết yếu ngày càng tăng trong cuộc sống hàng ngày của người dân thì việc thúc đẩy phát triển và sử dụng mô hình Nền tảng lao động số này là điều cần thiết để tạo ra thị trường lao động hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ, bảo đảm cạnh tranh công bằng cho toàn xã hội.
Trần Quốc Tuấn
Tài liệu tham khảo
[1] The architecture of digital labour platforms: Policy recommendations on platform design for worker well-being
https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---dgreports/---cabinet/documents/publication/wcms_630603.pdf.
[2] Digital labour platforms and the future of work - Towards decent work in the online world
https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---dgreports/---dcomm/---publ/documents/publication/wcms_645337.pdf
[3] Digital labour platforms in the EU - Mapping and business models
https://www.ceps.eu/wp-content/uploads/2021/06/KE-02-21-572-EN-N.pdf