1. Mở đầu
Hóa đơn là loại chứng từ quan trọng nhất và xuất hiện nhiều nhất, đứng hàng đầu trong những loại chứng từ ghi nhận, chứng minh giao dịch kinh tế giữa bên mua và bên bán. Đối với người mua, hóa đơn là một bằng chứng quan trọng, thể hiện việc mình đã trả tiền để hưởng sản phẩm. Đối với người bán, hóa đơn là một bộ phận quan trọng để xác nhận việc đã cung cấp sản phẩm dịch vụ, ghi lại lịch sử hoạt động kinh doanh của bên bán. Theo cách truyền thống và thông dụng nhất, hóa đơn được thể hiện bằng giấy.
Tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu “Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số”. Như vậy, với sự tiến bộ công nghệ và ứng dụng công nghệ, hóa đơn ngày nay còn được thể hiện bằng “số”, tức là hóa đơn được biểu thị dưới dạng dữ liệu điện tử, được ký số, ký điện tử, được gửi – nhận điện tử, được kết nối chuyển dữ liệu điện tử tới cơ quan thuế.
Phát triển nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế thông qua nền tảng này. Giúp rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch điện tử, tiết kiệm chi phí, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, khắc phục tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các chủ thể kinh doanh.
2. Nội dung
* Sử dụng hóa đơn điện tử đang được nhiều nước áp dụng
Lập hóa đơn điện tử đã có mặt trên thị trường toàn cầu từ khá lâu. Có một số khu vực trên toàn cầu, bao gồm Hàn Quốc, một số khu vực của Mỹ latin và Châu Âu, đã triển khai hệ thống này. Các quốc gia triển khai hóa đơn điện tử thành công nhất đang phân biệt với mức độ thâm nhập thị trường cao (Brazil), khối lượng lớn hóa đơn điện tử được gửi (Chile) và công nghệ phức tạp (Phần Lan). Đặc biệt, Ấn Độ đã triển khai thành công hóa đơn điện tử, theo các bước của nhiều nước EU và Mỹ Latinh khác. Ấn Độ là một trong số ít quốc gia đã triển khai một cuộc cải cách lớn như hóa đơn điện tử ngay giữa đại dịch.
Tại nhiều quốc gia, đối tượng áp dụng Hóa đơn điện tử chủ yếu là doanh nghiệp, người bán hàng, dịch vụ và nhà cung cấp. Việc lập hóa đơn điện tử được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa doanh nghiệp và Chính phủ), B2B (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân).
Ở Châu Âu, hóa đơn điện tử được sử dụng phổ biến ở các doanh nghiệp lớn. Cụ thể, tại Thụy Điển, hóa đơn điện tử được đưa vào triển khai từ cuối những năm 1980 và đối tượng là doanh nghiệp. Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) xác định hóa đơn điện tử trở thành một phần của kế hoạch hành động châu Âu điện tử, thì đến năm 2014, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành một số chỉ thị quy định chính quyền hành chính ở tất cả 28 quốc gia thành viên đến năm 2018 phải sử dụng hóa đơn điện tử B2G.
Trong khi đó, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc áp dụng hóa đơn điện tử đang ở các giai đoạn khác nhau, mục đích là tạo điều kiện cho việc tuân thủ pháp luật thuế và cải thiện số thu thuế. Tại Trung Quốc, cùng với việc cải cách quản lý thuế, cơ quan chức năng đã điện tử hóa con dấu, chữ ký và hóa đơn thông qua công cụ xác nhận danh tính giúp đảm bảo độ chính xác về thông tin. Việc này giúp cơ quan thuế có thể giám sát tức thì thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây.
Cho đến nay, Trung Quốc áp dụng hóa đơn điện tử cho tất cả các doanh nghiệp. Mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống ký mã hiệu, dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua hóa đơn điện tử, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Theo lộ trình, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng Cục Thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.
Ba Lan có kế hoạch triển khai lập hóa đơn điện tử vào năm 2021. Dự thảo luật xác định hóa đơn điện tử hoặc e-faktura (được biết đến trong tiếng Ba Lan) đã được đưa ra lấy ý kiến công cộng. Dự kiến, hệ thống được đề xuất sẽ bắt đầu từ tháng 10 năm 2021
* Thực trạng sử dụng hóa đơn điện tử ở Việt Nam hiện nay
Theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, pháp luật kế toán và pháp luật về hóa đơn, cơ sở kinh doanh khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ. Hóa đơn là tài liệu ghi nhận giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua.
Trước năm 2011, căn cứ quy định tại Nghị định số 89/2002/NĐ-CP ngày 07/11/2002 của Chính phủ quy định về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đặt in hóa đơn để bán cho tất cả các cơ sở kinh doanh trên cả nước.
Ngày 14/5/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ và theo đó đã có sự thay đổi trong cơ chế phát hành, quản lý hóa đơn. Cụ thể là chuyển đổi phương thức phát hành, quản lý hóa đơn từ cơ chế “doanh nghiệp mua hóa đơn của cơ quan thuế” sang cơ chế “doanh nghiệp tự đặt in, tự in hóa đơn hoặc sử dụng HĐĐT nếu đủ điều kiện” để sử dụng.
Từ năm 2014, theo Nghị định số 04/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, doanh nghiệp thuộc diện rủi ro phải mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng trong 12 tháng sau đó mới được chuyển sang sử dụng hóa đơn đặt in, tự in hoặc hóa đơn điện tử (HĐĐT) nếu đủ điều kiện.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn chung về hoá đơn và Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 hướng dẫn về hoá đơn điện tử của doanh nghiệp (không có mã xác thực của cơ quan thuế).
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP, ngành Thuế phát hiện một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp trong thủ tục thành lập doanh nghiệp để thành lập nhiều doanh nghiệp hoặc mua lại doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp này không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước, không kê khai nộp thuế để trốn thuế. Để hạn chế các trường hợp lợi dụng gian lận trong việc sử dụng hóa đơn, tại Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế đã quy định: “Người nộp thuế (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) kinh doanh thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì lập HĐĐT và gửi thông tin trên hóa đơn bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế để nhận mã xác thực hóa đơn từ cơ quan thuế”. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Theo các quy định trên, các doanh nghiệp đang sử dụng 2 loại hóa đơn điện tử: Hóa đơn điện tử không có mã xác thực của cơ quan thuế theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC (cơ quan thuế không công bố định dạng chuẩn dữ liệu mà doanh nghiệp tự xây dựng định dạng) và hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử cho thấy hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích, cụ thể: hóa đơn điện tử góp phần giảm thời gian, chi phí về hoá đơn cho doanh nghiệp, góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hoá đơn. Hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt chi phí lưu trữ hóa đơn. Doanh nghiệp không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) nên doanh nghiệp không mất thời gian lập Tờ khai thuế GTGT. Hóa đơn điện tử có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khả năng làm giả hóa đơn là khó. Vì vậy, việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in) sẽ khắc phục được gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn.
Thực tế, triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế cho thấy việc xác định doanh nghiệp rủi ro để áp dụng hóa đơn điện tử là khó xác định vì các doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử theo Quyết định 1209/QĐ-BTC của Bộ Tài chính lại không phải là doanh nghiệp rủi ro.
Để cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở pháp lý để triển khai hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp đã tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, các hộ kinh doanh có doanh thu lớn, thường xuyên sử dụng hoá đơn hoặc thuộc trường hợp có dấu hiệu rủi ro,... đồng thời tạo cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử, phục vụ quản lý thuế, phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thị trường; quản lý tài nguyên khoáng sản, nhà đất,... Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định các cơ sở kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn điện tử có hai loại gồm: hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế; doanh nghiệp phải chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế nếu sử dụng hóa đơn điện tử không có mã.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 hướng dẫn Nghị định số 119/2018/NĐ-CP. Đồng thời Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 635/QĐ-TCT ngày 11/5/2020 quy định về thành phần chứa dữ liệu hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế để phục vụ triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP và Thông tư số 68/2019/TT-BTC.
Theo quy định này, đối với những doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC phải chuyển đổi định dạng hóa đơn theo chuẩn định dạng của cơ quan thuế để chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế qua đơn vị trung gian. Một số ít doanh nghiệp sử dụng hóa đơn số lượng lớn, có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện sẽ được kết nối trực tiếp để chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế như VNPT, Viettel, ...
Để nâng cao tính pháp lý của việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung 1 Chương quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử với nguyên tắc khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ theo Luật Quản lý thuế, Luật thuế GTGT, Luật kế toán, Luật giao dịch công nghệ.
Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, thời điểm bắt buộc các doanh nghiệp chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng hóa đơn điện tử là từ ngày 01/07/2022. Do đó, thời gian vừa qua, số lượng các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử tại các thành phố lớn đang chuyển biến một cách vượt bậc và nhanh chóng.
Sau hơn 1 thập kỷ áp dụng hóa đơn điện tử, bên cạnh việc góp phần làm lành mạnh hệ thống tài chính quốc gia, hóa đơn điện tử còn mang đến những lợi ích thiết thực với các doanh nghiệp. Trung bình 01 năm các doanh nghiệp sử dụng 1.3 tỷ hóa đơn điện tử. Trong năm 2020 có đến 2.3 tỷ hóa đơn điện tử đã sử dụng. Tại Hà Nội tính đến 05/8/2020 có đến 112.553 tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (80,2 % tổng doanh nghiệp), có đến 11,5 tỷ hóa đơn điện tử đã thông báo phát hành, 403 triệu hóa đơn điện tử đã sử dụng. Hiện nay trên cả nước có 255 doanh nghiệp thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC của Bộ Tài chính và hơn 550.000 doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn do các doanh nghiệp gửi, số lượng hóa đơn điện tử doanh nghiệp sử dụng một năm khoảng gần 1,3 tỷ hóa đơn (tổng số hóa đơn do các doanh nghiệp trên cả nước sử dụng là khoảng 5,5 tỷ hóa đơn/năm (bao gồm cả hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử)).
* Phát triển nền tảng hóa đơn điện tử
Hệ thống hóa đơn điện tử đáp ứng Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đang được Bộ Tài chính triển khai xây dựng sau giai đoạn thí điểm. Hệ thống được xây dựng trên nền tảng kiến trúc ứng dụng công nghệ 4.0 theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn, các khối chức năng xử lý nghiệp vụ được thiết kế triển khai linh hoạt, có độ mở cao, theo mô hình xây dựng phần mềm mới là vừa xây dựng phát triển phần mềm, vừa triển khai và vận hành mà không ảnh hưởng tới hoạt động của ứng dụng. Tổng cục Thuế đã thiết kế Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử của Cơ quan thuế bao gồm thành phần: Cổng lập hoá đơn trực tiếp của Tổng cục Thuế, Cổng tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và Hệ thống xử lý dữ liệu hoá đơn điện tử.
Mô hình triển khai hoá đơn điện tử như sau:
- Cổng lập hoá đơn trực tiếp của Tổng cục Thuế: dành cho NNT sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ và hỗ trợ NNT thực hiện tra cứu thông tin hóa đơn;
- Cổng tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử: thực hiện tiếp nhận dữ liệu từ tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc doanh nghiệp/tổ chức kết nối trực tiếp với cơ quan thuế;
- Hệ thống xử lý dữ liệu hóa đơn điện tử: hỗ trợ cơ quan thuế tiếp nhận, xử lý và cấp mã cho hóa đơn có mã của cơ quan thuế; tiếp nhận, xử lý hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế; tra cứu dữ liệu hóa đơn điện tử; hỗ trợ kiểm tra dấu hiệu rủi ro hóa đơn, phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế; quản trị, vận hành hệ thống.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính lập kế hoạch triển khai theo 2 giai đoạn và đã ban hành các Quyết định về việc triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định.
Song song với đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Theo đó, nội dung Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định một số nội dung về hóa đơn điện tử gồm: ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác; hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về một số nội dung về hóa đơn giấy gồm: tên loại hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn do Cục Thuế đặt in; Việc sử dụng biên lai thu thuế, phí, lệ phí của cơ quan thuế đối với cá nhân; và hướng dẫn xử lý chuyển tiếp.
Để triển khai hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định để thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng hoá đơn điện tử và sẵn sàng chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên địa bàn về việc triển khai hóa đơn điện tử để các tổ chức chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Cục Thuế các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế các quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC và tổ chức triển khai thực hiện hóa đơn điện tử có kết quả.
Đồng thời, Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần công bố đường dây nóng tại cục và chi cục thuế. Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian đầu thực hiện hóa đơn điện tử để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương.
3. Kết luận
Sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ quan thuế ngừng ngay không cho doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích được xuất hóa đơn sẽ hạn chế việc người mua sử dụng phải hóa đơn của các doanh nghiệp này.
Việc Bộ Tài chính xây dựng, triển khai hệ thống Hóa đơn điện tử đã hiện thực hóa mục tiêu nêu trên của Chiến lược và thể hiện quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong việc lấy người dân làm trung tâm, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội muốn làm, cùng làm và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số. Hệ thống Hóa đơn điện tử đi vào vận hành được xem là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, cung cấp dịch vụ thiết yếu, cơ bản trên quy mô quốc gia.
Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn,…), giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế, khắc phục rủi ro trong lưu trữ, bảo quản hóa đơn (mất, hỏng, cháy).
Đối với người mua hàng, sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua, tạo sự yên tâm.
Về mặt xã hội, việc sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn nói riêng và gian lận trong kinh doanh nói chung./.
Quách Hồng Trang
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
2.https://www.internationaltaxreview.com/article/b1rw3lh618jvch/embracing-digital-transformation-the-growth-of-tax-technology-in-india-and-beyond