Đang xử lý.....

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa: Thực tiễn trên thế giới và tại Việt Nam  

Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cho phép việc ứng dụng phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoTs) vào quá trình chăm sóc sức khỏe, từ đó làm thay đổi cách thức hoạt động y tế truyền thống và chuyển đổi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thứ Sáu, 14/10/2022 241
|

Đồng thời sự gia tăng các thiết bị đeo được kết nối và liên quan đến các ứng dụng theo dõi sức khỏe làm gia tăng các giải pháp khám chữa bệnh từ xa trên quy mô rộng. Việc sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa cũng được thúc đẩy bởi cả người tiêu dùng, những người tìm cách tận dụng lợi thế của công nghệ để cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, cũng như tiết kiệm được nguồn chi phí. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa hay còn gọi là nền tảng ứng dụng Telehealth, mang bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần nhau hơn trong môi trường kỹ thuật số và cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc. Nói một cách đơn giản, Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa giúp bệnh nhân giao tiếp với bác sĩ bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu, từ đó bác sĩ có thể đánh giá, chẩn đoán và điều trị từ xa cho bệnh nhân với nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tư vấn, chăm sóc và theo dõi.

Thực tiễn của Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên thế giới

Lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên toàn thế giới. Theo khảo sát của Liên minh Châu Âu trong năm 2016, 79% người dân Châu Âu từ 16 đến 74 tuổi truy cập Internet bằng điện thoại di động hoặc điện thoại thông minh, trong tương lai gần, robot có thể phẫu thuật tự chủ hoặc do bác sĩ phẫu thuật điều khiển từ xa. Đồng thời, theo các nghiên cứu gần đây, thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt gần 12.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022 và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (Compound annual growth rate - CAGR) là 8,9%. Cùng với sự tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhu cầu về các giải pháp cung cấp dịch vụ chăm sóc mở rộng là những lý do tác động đến hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Đó là lý do ngành y tế đã và đang tập trung tìm kiếm, phát triển các giải pháp sức khỏe điện tử như các nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa để song hành trong thế giới kỹ thuật số, chuyển đổi số. Không có gì ngạc nhiên khi các giải pháp y tế này đang thu hút được sự quan tâm của bệnh nhân, các tổ chức y tế và các nhà đầu tư. Theo Công ty y tế từ xa Chiron Health, hiện nay ở Mỹ có khoảng 200 mạng lưới khám chữa bệnh từ xa Telehealth đang hoạt động, quản lý hơn 3.500 trang web dịch vụ.

Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cũng kết nối các bệnh viện lớn, các đơn vị chuyên khoa nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, chẩn đoán và điều trị từ xa cho các cơ sở y tế và bệnh nhân ở các vùng kém phát triển. Trong giai đoạn đầu, các dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa thường được thực hiện bằng điện thoại trực quan, email hoặc mạng kỹ thuật số dịch vụ tích hợp. Sau đó, phần mềm hội nghị như cuộc gọi thoại qua giao thức Internet hoặc FaceTime đã được sử dụng. Trong những năm gần đây, mạng lưới tư vấn khám chữa bệnh tư nhân và công nghệ dần trở thành những kênh hỗ trợ chính cho tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Các Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đã và đang đạt được sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức y tế từ các khu vực hoặc quốc gia khác nhau, bao gồm các lĩnh vực, chuyên khoa như nhi khoa, bệnh ngoài da, phẫu thuật thần kinh, bệnh tiểu đường... Do đó, khối lượng dịch vụ của tư vấn khám chữa bệnh từ xa đã tăng lên đáng kể. Từ năm 2005 đến năm 2012, một bệnh viện nhi cấp ba của bang ở Tây Úc đã cung cấp các phương pháp điều trị từ xa cho 1.312 trẻ em bị bỏng. Đại học Rochester đã thành lập một nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa để điều trị bệnh tâm thần, thực hiện khoảng 2000 cuộc tư vấn tâm thần ngoại cảm mỗi năm. Tại Hoa Kỳ, 15 triệu người đã được hỗ trợ bởi tư vấn khám chữa bệnh từ xa vào năm 2015, tăng 50% so với con số năm 2013. Tại Trung Quốc, số ca tư vấn từ xa trung bình từ các bệnh viện cung cấp dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đạt 714 ca mỗi bệnh viện vào năm 2018.

Tư vấn chăm sóc sức khoẻ ban đầu từ xa đã được nhân rộng nhanh chóng ở nhiều quốc gia như Croatia, Malta, Ba Lan, Thụy Điển, Anh và ngày càng được sử dụng nhiều hơn ở Áo, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Ý, Luxembourg, Thụy Sĩ. Để đảm bảo chất lượng của tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nhiều nước đã ban hành hướng dẫn chuyên môn về sử dụng dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khoẻ từ xa và kê đơn điện tử (như Malta) và đào tạo về tư vấn từ xa cũng đã được cung cấp ở những quốc gia khác (như Anh, Thụy Điển). Nguồn dữ liệu từ các bác sĩ thực hành tổng quát GP ở Anh cho thấy sự gia tăng nhanh chóng các cuộc tư vấn qua điện thoại so với tư vấn trực tiếp. Số cuộc tư vấn sức khoẻ qua điện thoại ở Anh tăng từ 856.631 lên 2.022.798 cuộc mỗi tuần trong khoảng thời gian từ ngày 02/3/2020 đến ngày 18/5/2020, trong khi số lượng cuộc tư vấn qua video trong tháng 3/2020 cao hơn hẳn so với tháng 4/2020 hoặc tháng 5/2020 (trung bình khoảng 10.000 cuộc mỗi tuần).

Dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Pháp đã được triển khai từ năm 2018 nhưng số lượt sử dụng dịch vụ này chỉ thực sự gia tăng từ khi có đại dịch COVID-19, kể từ khi kết thúc cách ly xã hội ở Pháp vào ngày 11/5/2020, đã có sự đứng lại của số lần sử dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nhưng con số vẫn cao hơn trước, và ổn định ở mức 150.000 lượt mỗi tuần. Trong tuần đầu tiên của tháng 6/2020, có khoảng 400.000 lượt tư vấn sức khoẻ từ xa. Điều đáng chú ý là trước khi phong toả xã hội ở Pháp, người trẻ dưới 50 tuổi sử dụng dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa nhiều hơn những người trên 50 tuổi, nghĩa là việc sử dụng dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa giảm mạnh theo độ tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian dãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, hiện tượng này đã thay đổi khi có nhiều người bệnh lớn tuổi hơn (trên 70 tuổi) chuyển sang sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh trực tuyến nhiều hơn, từ chỉ chiếm 8% trong tổng số lượt tư vấn khám chữa bệnh từ xa ở thời điểm trước khi cách ly xã hội đã tăng lên 20%. Hơn nữa, xu hướng sử dụng dịch vụ này dường như vẫn tiếp tục sau khi ngừng phong toả, số bệnh nhân lớn tuổi chiếm khoảng 1/5 tổng số các cuộc tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Pháp.

Sự chuyển đổi sang tư vấn khám chữa bệnh từ xa cũng đã được chấp nhận ở Đan Mạch, nơi có 71.508 cuộc tư vấn trực tuyến qua video (dân số 5,4 triệu người) trong cuộc khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Trong thời gian tới, việc điều trị, kiểm tra sức khỏe, phục hồi chức năng, thăm khám bác sĩ và tư vấn tâm thần sẽ tiếp tục diễn ra tại nhà. Điều này phù hợp với chiến lược số hóa của quốc gia Đan Mạch và đang được duy trì và mở rộng.

Tương tự như vậy, tại Đức, kể từ khi nới lỏng một phần lệnh phong toả vào tháng 5/2020 giúp việc tham vấn trực tiếp trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên, dữ liệu từ Doctolib (dịch vụ quản lý cuộc hẹn kỹ thuật số cho bác sĩ) cho thấy người dân vẫn quan tâm đối với dịch vụ tư vấn trực tuyến: nếu có 4.133 lượt tư vấn qua video của Doctolib vào tháng 4/2020, thì vào tháng 5/2020, con số này đã tăng lên 4.870 lượt.

Việc nhanh chóng mở rộng khả năng tiếp cận tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua điện thoại và video trực tuyến đã cho phép các hệ thống y tế ở Châu Âu đối phó tốt hơn với COVID-19, giảm áp lực cho việc chăm sóc nội trú, giúp giảm lây truyền virut bằng cách giảm tiếp xúc và cho phép những người mắc COVID-19 được hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại nhà riêng. Tư vấn khám chữa bệnh từ xa cũng cho phép những người có nhu cầu chăm sóc sức khoẻ khác tiếp tục tìm kiếm dịch vụ chăm sóc, đặc biệt là những người lo ngại về lây nhiễm COVID-19 qua tiếp xúc trực tiếp.

Những thách thức, hạn chế khi sử dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa

Mặc dù tư vấn khám chữa bệnh từ xa đã được thực hiện trước đó ở nhiều quốc gia, nhưng Đại dịch Covid-19 đã tạo động lực cho việc mở rộng quy mô nhanh chóng và rộng rãi, cùng với những thay đổi đối về khuôn khổ pháp lý và cơ chế tài chính khi mở rộng quy mô này.

Tuy nhiên, việc tận dụng những tiến độ đã đạt được sẽ đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và nền tảng cơ sở hạ tầng, đào tạo và hỗ trợ các chuyên gia y tế sử dụng công nghệ này một cách thích hợp và xây dựng mối quan hệ từ xa với người bệnh cũng là một phần việc quan trọng. Việc đánh giá các điểm mạnh và hạn chế của tư vấn khám chữa bệnh từ xa cũng rất cần thiết. Ví dụ: trong khi tư vấn khám chữa bệnh từ xa đã cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trong đại dịch COVID-19 và có thể tiếp tục hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sau đó, nhưng có thể không thích hợp để chăm sóc cho những bệnh nhân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe phức tạp hoặc nhạy cảm và bệnh nhân cần được tiếp cận trực tiếp để xây dựng lòng tin với bác sĩ của họ.

Một số loại hình tư vấn khám chữa bệnh từ xa có thể được cải thiện nhiều nếu đi kèm với các thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như máy đo oxy mà bệnh nhân có thể sử dụng tại nhà và có thể cung cấp thêm thông tin cho việc chăm sóc của bác sĩ. Nhấn mạnh các giải pháp kỹ thuật số cũng có khả năng mở rộng thêm “khoảng cách kỹ thuật số” ở các quốc gia nơi mà không phải tất cả các hộ gia đình đều có phương tiện để trực tuyến, đặc biệt là những người sống ở các khu vực khó khăn hoặc ở các nhóm tuổi lớn hơn. Mặc dù một số quốc gia có các giải pháp về chính sách xã hội hoặc kinh tế để đảm bảo cho người dân truy cập Internet một cách công bằng sẽ giải quyết được vấn đề này, nhưng các giải pháp này không đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh trực tiếp.

Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu, gây khó khăn cho hệ thống y tế của nhiều quốc gia trên thế giới, việc ứng dụng các dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xã đã và đang là một phương pháp giúp giảm tải gánh nặng cho ngành y tế, đồng thời các tổ chức y tế uy tín trên thế giới đã nhanh chóng khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ tư vấn khám chữa bệnh từ xa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn hơn trong mùa dịch.

Hiện trạng phát triển giải pháp ứng dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Việt Nam

Trong thời gian qua, Ngành y tế Việt Nam đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn… với tầm nhìn chuyển đổi số ngành y tế, ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Trong đó mục tiêu đề ra 100% các cơ sở khám chữa bệnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, trực tuyến.

Tuy nhiên thực tế hiện nay chỉ ra rằng:

- Các giải pháp khám chữa bệnh từ xa chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam mà mới dừng ở mức các dự án, đề án nhỏ lẻ như tại Bệnh viện 108, Việt Đức, Quân y 175,…

- Các bệnh viện tuyến trên quá tải: số giường thực kê vượt quy định 200%, số ngày sử dụng 1 giường lên tới 390 - 774 ngày/năm, có tới 1/3 đến 1/2 số bệnh nhân vượt tuyến lên Trung ương có thể điều trị tại tuyến dưới, 1 bác sĩ phải khám từ 60 - 100 bệnh nhân/ngày.

- Khi khám lại ở tuyến trên, bệnh nhân phải chụp chiếu lại gây lãng phí.

- Việc in và đọc phim gây lãng phí nhiều chi phí (in ấn, bảo quản, lưu trữ, …), số lượng hình ảnh lại hạn chế, ảnh hưởng tới kết quả chẩn đoán, không tận dụng được 200 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giỏi trên toàn quốc.

Hình 1. Giải pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà

Do đó, để đẩy mạnh triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, trực tuyến, ngoài việc ban hành Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu:

- Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

- Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới (bệnh viện tuyến dưới) gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân thực hiện việc khám, chữa bệnh từ xa.

- Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt người dân vùng sâu, xa, khó khăn.

- Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí tiền túi của người dân.

 Quan điểm chủ đạo khi thực hiện Đề án là hướng đến người bệnh, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng lợi ích to lớn của khám chữa bệnh từ xa Telehealth mang lại, giúp người dân vơi bớt khó khăn, vất vả và yên tâm hơn khi không may đau ốm. Từ đó góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho bệnh viện công, đồng thời tạo điều kiện để người bệnh thăm khám nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh trong cộng đồng.

Bằng cách ứng dụng công nghệ, giải pháp khám chữa bệnh từ xa đã xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc Chuyển đổi số ngành Y tế. Bên cạnh đó, Đề án còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là, một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Khi hệ thống Telehealth ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào việc khám chữa bệnh, khoảng cách địa lý giữa bệnh nhân vùng sâu, vùng xa và bệnh viện tuyến trung ương dần bị xóa nhòa; việc đào tạo chuyên môn giữa bác sĩ tuyến dưới và chuyên gia đầu ngành đã có câu trả lời hiệu quả. Theo ước tính, khi triển khai Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, xã hội và ngành y tế có thể tiết kiệm được riêng chi phí đi lại, khám chữa bệnh đã là hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.Với Hệ thống khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế, giúp bệnh nhân tin tưởng hơn với tuyến điều trị tại địa phương khi có sự hỗ trợ từ các bệnh viện trung ương, nâng cao năng lực, hạn chế sự lãng phí cơ sở vật chất cho tuyến dưới khi được thực hành, hội chẩn cùng tuyến trên. Điều quan trọng hơn, hệ thống này sẽ giúp giảm đáng kể số lần đến bệnh viện của người dân.

Tuy nhiên để đẩy mạnh việc hoàn thành mục tiêu trên, việc hoàn thiện hạ tầng cơ sở, dữ liệu y tế, xây dựng chính sách, cơ sở pháp lý, các nền tảng số phục vụ hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cần phải được quan tâm và đầu tư kịp thời. Ngoài ra, thách thức lớn nhất cho việc triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth là phải thay đổi thói quen của người dân, các y bác sĩ từ cách thức khám chữa bệnh cũ sang phương pháp khám chữa bệnh mới, do đó việc truyền thông, tư vấn tới bác sĩ, người dân hiểu được những lợi ích của việc khám chữa bệnh từ xa mang lại là điều hết sức quan trọng.

Kết luận

Có thể thấy rõ, việc phát triển và thúc đẩy Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc Chuyển đổi số ngành Y tế trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy Chuyển đổi số ngành Y tế theo định hướng, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg. Và Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa cũng là một trong 35 nền tảng đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy phát triển và sử dụng trong Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022.

Lương Thị Kim Thanh

Tài liệu tham khảo

[1] “Keeping what works: remote consultations during the COVID-19 pandemic” - Eurohealth, Vol.26  No.2  2020.

[2] Market study on telemedicine - European Commission 2018.

[3] http://medinet.gov.vn/phong-chong-dich-benh/tim-hieu-dich-vu-kham-chua-benh-tu-xa-tai-cac-nuoc-chau-au-trong-thoi-ky-dai-di-c2-37290.aspx

[4] Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.