Đang xử lý.....

NỀN TẢNG DỮ LIỆU CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG TRONG PHÁT TRIỂN PHỦ ĐIỆN TỬ  

Ngày này, khi công nghệ số đang bùng nổ, thế giới được vận hành bởi dữ liệu, chính phủ điện tử là một xu hướng được rất nhiều quốc gia hướng tới. Đây hứa hẹn sẽ là mô hình chính phủ kiểu mẫu trong tương lai. Để xây dựng được mô hình này thì nền tảng dữ liệu đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chính phủ điện tử là gì và nền tảng dữ liệu có ảnh hưởng thế nào trong quá trình phát triển chính phủ điện tử.
Thứ Sáu, 11/11/2022 314
|

Chính phủ điện tử là gì?

Chính phủ điện tử là mô hình chính phủ mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng và cho thấy những kết quả vô cùng tích cực. Ở đó, mọi hoạt động của bộ máy đều được đưa lên môi trường số. Chính phủ điện tử hoạt động dựa trên một hệ sinh thái bao gồm người dân, khu vực tư nhân (các doanh nghiệp, các tổ chức, …), các hiệp hội và các cơ quan chính phủ. Những tương tác giữa chính phủ và các thành phần khác trong hệ sinh thái sẽ tạo ra nguồn dữ liệu, chính phủ sẽ thu thập dữ liệu này để phân tích, đánh giá, dự đoán, từ đó đưa ra những chính sách đúng đắn, kịp thời và dịch vụ công hợp lý. Sau đó những chính sách, dịch vụ công này sẽ được cung cấp cho hệ sinh thái trên một nền tảng công nghệ số. Các công nghệ số được đề cập ở trên bao gồm những công nghệ thông tin (IT) và truyền thông được sử dụng để cải thiện việc tạo lập, thu thập và xử lý dữ liệu số, sau đó là xây dựng, phát triển những ứng dụng, dịch vụ công trên môi trường số.

Đại dịch Covid-19 bùng nổ, khi mà các lệnh giãn cách được các chính phủ trên thế giới ban hành, tương tác trực tiếp giữa người với người bị hạn chế, chúng ta càng thấy được sự cấp thiết của chính phủ điện tử. Cách thức hoạt động của mô hình này rất đơn giản. Những thông tin, chính sách và những dịch vụ công chính phủ cung cấp sẽ được đưa lên một nền tảng kỹ thuật số như ứng dụng điện thoại, người dân chỉ cần truy cập vào ứng dụng đó để nhận thông tin, gửi yêu cầu cũng như nhận sự phục vụ của dịch vụ công. Bằng cách này, những dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đến người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp và tránh được nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngược lại, những thông tin của người dùng sẽ được chính phủ phân tích, dự báo, giúp những nhà cầm quyền đưa ra những quyết định kịp thời, cải thiện những dịch vụ công sẵn có và xây dựng những dịch vụ công mới phục vụ cho an sinh xã hội.

Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã áp dụng rất thành công mô hình này. Ở châu Âu, Phần Lan là nước đi đầu trên thế giới về xây dựng chính phủ điện tử và đang gặt hái được rất nhiều thành công. Tại châu Á, Hàn Quốc là một quốc gia dẫn đầu về phát triển trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong xây dựng chính phủ điện tử. Xứ sở kim chi đã xây dựng một trợ lý ảo mang tên GoodPy, trợ lý ảo này được thiết kế để hỗ trợ người dân có thể dễ dàng nhận được các thông tin về dịch vụ công ngay trên điện thoại thông minh của mình. Trong đại dịch Covid-19, trợ lý ảo này đã lên lịch cho hơn 370 triệu lượt lượt tiêm chủng cho hơn 44 triệu người dân Hàn Quốc, hỗ trợ người dân nhận trợ cấp Covid-19 từ chính phủ. Có thể nói GoodPy đã nâng tầm dịch vụ công không chạm ở Hàn Quốc.

Nhận thức được tầm quan trọng của chính phủ điện tử, các quốc gia đều tập trung đầu tư rất nhiều nguồn lực với mong muốn số hóa toàn bộ kinh tế, xã hội và đất nước. Hầu hết các quốc gia đều nhận ra rằng, muốn phát triển đất nước theo hướng chính phủ điện tử thì họ phải có một hệ thống tiếp nhận, xử lý, sàng lọc và phân tích dữ liệu cực kỳ mạnh, bởi dữ liệu hay nền tảng dữ liệu chính là chìa khóa quan trọng trong việc phát triển chính phủ điện tử.

Dữ liệu và cơ sở dữ liệu là gì?

Dữ liệu có thể hiểu một cách đơn giản là những mệnh đề phản ánh thực tại. Dữ liệu có thể bao gồm hình ảnh, chữ cái, chữ số. Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, “hình hài” của dữ liệu hiện đại cũng phát triển từng ngày. Ngày nay, trong bối cảnh mà mọi hoạt động đều được thực hiện bằng các thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại, máy tính bảng ..., đa phần dữ liệu truyền thống đều có thể được số hóa thành một dạng mà máy tính có thể hiểu được, và thế là dữ liệu số ra đời. Dữ liệu số có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống hiện tại và tương lai. Dạng dữ liệu này làm đơn giản hóa cách chúng ta lưu trữ dữ liệu, thay vì phải lưu những bản in, viết tay cồng kềnh, tốn diện tích và dễ bị hỏng bởi những yếu tố bên ngoài như thời tiết, độ ẩm, hỏa hoạn … với dữ liệu số, chúng được lưu trữ một cách an toàn vĩnh viễn, bảo mật, gọn gàng, dễ quản lý trong các thiết bị lưu trữ thông tin như máy tính, ổ cứng, USB, … hoặc cũng có thể được lưu trữ trực tuyến trên những dịch vụ lưu trữ đám mây với chi phí rất phải chăng.

Hình 01: Chuyển đổi dữ liệu giấy sang dữ liệu điện tử

Cơ sở dữ liệu (Data base) là một phương thức lưu trữ thông tin mà ở đó một lượng lớn dữ liệu được hệ thống, sắp xếp theo một cấu trúc nhất định với mục đích là tạo ra sự thuận tiện cho việc khai thác và sử dụng dữ liệu. Với phương thức lưu trữ này, các dữ liệu sẽ đảm bảo tính nhất quán, hạn chế tối đa hiện tượng trùng lặp dữ liệu. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu có còn có những ưu điểm như, tăng cường khả năng chia sẻ dữ liệu. Dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chỉ cần có thể kết nối mạng internet và một tài khoản truy cập vào cơ sở dữ liệu, bạn đều có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu.

Nền tảng hay cơ sở dữ liệu có vai trò gì trong phát triển chính phủ điện tử?

Thứ nhất, cơ sở dữ liệu là nền tảng xây dựng nên Chính phủ điện tử. Như mọi người đã biết, Chính phủ điện tử được xây dựng và hoạt động trên nền tảng số với thành phần chính là dữ liệu. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực mà Chính phủ quản lý như cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu về tài chính, … chính là bước nhập dữ liệu và sắp xếp các thông tin cư dân theo hệ thống, giúp dễ dàng cho việc khai thác thông tin trong nền tảng số của chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử sẽ dùng các cơ sở dữ liệu này để theo dõi tình hình hoạt động của các ban ngành liên quan và đánh giá hiệu quả của việc phục vụ công dân. Ví dụ, khi Chính phủ đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu về bảo hiểm một cách hoàn thiện, cơ sở dữ liệu này sẽ kết nối, cung cấp số liệu cho hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, từ đó giúp tổng hợp số liệu hàng ngày, thống kê số lượt khám chữa bệnh qua bảo hiểm y tế, việc làm của người dân qua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Những số liệu từ cơ sở dữ liệu này sẽ cho Chính phủ biết được tình hình sức khỏe cũng như tình hình thất nghiệp của người dân, từ đó xác định các nhóm đối tượng cần nhận được hỗ trợ và đưa ra những chính sách kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, cơ sở dữ liệu giúp kết nối các ban ngành trong chính phủ. Việc  kết nối các nền tảng dữ liệu của các ban ngành với nhau sẽ tạo nên nền một kho thông tin đầy đủ có hệ thống, giúp dễ dàng cho việc chắt lọc những thông tin đúng trọng tâm, dễ dàng phân tích, đánh giá. Các cơ quan ban ngành sẽ thống nhất về thông tin, tránh trùng lặp và người dân chỉ cần khai báo một lần duy nhất. Một ví dụ cho thấy tầm nhìn của Chính phủ về cơ sở dữ liệu ở nước ta đó là việc làm mới căn cước công dân có gắn chip và tích hợp các giấy tờ liên quan như sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng, thẻ bảo hiểm y tế vào một thẻ căn cước. Những tấm thẻ tuy nhỏ nhưng nó chứa toàn bộ thông tin của một công dân Việt Nam. Mỗi khi sử dụng thẻ, chip điện tử trên thẻ sẽ được quét, dữ liệu về công dân và lý do sử dụng sẽ được gửi về Cơ sở dữ liệu Quốc gia, sau đó được phân tích để ghi nhận và giúp tối ưu hóa dịch vụ công cung cấp cho cá nhân đó.

Thứ ba, Cơ sở dữ liệu cho phép người dùng có thể nhận sự hỗ trợ của Chính phủ điện tử ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào và nhanh chóng. Bằng việc lưu trữ dữ liệu trên hệ thống, người dùng sẽ không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý và không mất thời gian chờ đợi. Chỉ cần sử dụng các thiết bị có kết nối internet, người dùng có thể dễ dàng truy cập và giao tiếp với Chính phủ điện tử, từ đó tiếp nhận các thông tin, gửi yêu cầu và nhận giải đáp một cách nhanh chóng. Nếu như trước đây, dữ liệu được chuyển đến bằng giấy tờ, thời gian phản hồi sẽ rất lâu và thủ tục cũng vô cùng phức tạp. Ngày nay, người dân có thể sử dụng email, zalo, facebook, ứng dụng Chính phủ điện tử … để giao tiếp với cơ quan chức năng mà không cần đến tận nơi, thậm chí có thể  kê khai, và nộp thuế online bằng chữ ký điện tử. Từ đó tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho cả Chính phủ và người dân.

Những khó khăn còn tồn tại trong việc sử dụng nền tảng dữ liệu trong xây dựng Chính phủ điện tử?

Chính phủ điện tử là kết quả của quá trình số hóa dữ liệu và số hóa các quy trình. Chính vì thế, dữ liệu có vai trò tiên quyết trong sự thành công của việc số hóa đất nước. Việc xử lý số liệu đầu vào không hề đơn giản. Rất nhiều thách thức đặt ra trong việc số hóa dữ liệu.

Thứ nhất, việc thu thập dữ liệu không phải điều dễ dàng khi mà người dân và các doanh nghiệp đã quá quen với dữ liệu giấy. Để có thể thu thập được số liệu dưới dạng điện tử, yêu cầu đặt ra là người dân phải có khả năng về công nghệ thông tin, tuy nhiên năng lực này không đồng đều. Chính vì thế, chính phủ cần phải thực hiện các chương trình đào tạo, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc, đặc biệt ở những vùng còn khó khăn, lạc hậu, đảm bảo mọi người dân đều có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Thứ hai, khối lượng người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công ngày càng tăng, đòi hỏi chính phủ phải có kho lưu trữ thông tin thực sự lớn, khả năng tiếp nhận, xử lý dữ liệu cũng phải cao. Đây là vấn đề về trình độ công nghệ thông tin, các quốc gia cần có đội ngũ chuyên gia có trình độ cao và cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống xử lý dữ liệu.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng của nhiều nơi còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề khá đau đầu, chính phủ khó có thể cung cấp cơ sở hạ tầng cho toàn bộ người dân và các doanh nghiệp, vì thế, rất cần các chính sách chuyển đồi hài hòa, sao cho những người dân khó khăn, năng lực hạn chế vẫn được hưởng những quyền lợi của mình. Ngoài ra, việc đơn giản hóa cách truy cập các cổng thông tin như: truy cập qua điện thoại di động, truy cập qua máy tính có kết nối internet,… sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ điện tử một cách dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Thứ tư, quyền riêng tư và bảo mật thông tin dữ liệu cũng là vấn đề vô cùng quan trọng. Khi công nghệ càng phát triển, các lỗ hổng càng dễ bị đào bới bởi các thế lực xấu. Chính vì thế, chính phủ cần phân cấp kiểm soát thông tin, cấp quyền truy cập hợp lý. Đặc biệt, cần thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống, nâng cao tay nghề của đội chịu trách nhiệm vận hành. Đặc biệt, chính phủ cũng cần có các biện pháp xử lý khi rủi ro xảy ra như ban hành các điều luật xử lý vi phạm, đào tạo một đội ngũ có khả năng xử lý rủi ro nhanh,...

Kết luận

Nền tảng dữ liệu là chìa khóa thành công của chính phủ điện tử. Trong thời đại cách mạng 4.0 như hiện nay, việc sử dụng tốt các dữ liệu số sẽ giúp chính phủ cải thiện chất lượng của các dịch vụ công. Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang thực hiện chính phủ điện tử. Việc nắm rõ được vai trò của dữ liệu sẽ giúp ích rất nhiều cho chính phủ trong việc đưa ra các quyết định, chiến lược ngắn hạn và dài hạn.   

Đỗ Thị Thảo Hiền

Tài liệu tham khảo:

1.https://www.cloudsufi.com/why-is-data-the-backbone-of-the-digital-economy/

2. https://digitaleconomy.pmc.gov.au/fact-sheets/data-and-digital-economy