Đang xử lý.....

Một số kinh nghiệm và câu chuyện điển hình về chuyển đổi số trên thế giới: Chuyển đổi số tại công ty trong lĩnh vực sản xuất đồ uống  

Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi tổng thể, toàn diện một tổ chức, doanh nghiệp. Đó là việc không hề dễ dàng đặc biệt là với các tổ chức, doanh nghiệp có truyền thống lâu đời, hoạt động ổn định.
Thứ Tư, 28/09/2022 215
|

Mặc dù nhận thức về chuyển đổi số là động lực lớn để cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo sự bứt phá trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào và bắt đầu từ đâu là nội dung mà các doanh nghiệp luôn tìm kiếm con đường để thực hiện. Một trong những cách tiếp cận đơn giản ban đầu là tìm kiếm một hình mẫu, một kinh nghiệm thực tế đã có và thành công để tham khảo học tập là cần thiết. Do đó, bài viết này tổng hợp về một câu chuyện điển hình về chuyển đổi số trong một doanh nghiệp lớn trên thế giới để các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo để áp dụng trong tổ chức mình, đó là Công ty sản xuất đồ uống AB InBev.

AB InBev là một tập đoàn đa quốc gia sản xuất bia lớn nhất thế giới với hơn 500 nhãn hiệu bia, hoạt động trên hơn 100 quốc gia và doanh thu 55 tỷ USD. Nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số, AB InBev đã xây dựng một kế hoạch chuyển đổi số tổng thể toàn tập đoàn. Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch với dự án chuyển đổi kỹ thuật số của mình, AB InBev hướng tới sẽ là công ty bia tốt nhất trên thế giới.

Hiện trạng ban đầu, AB InBev có hàng chục nhà máy bia độc lập. Các nhà máy bia đã có truyền thống hơn trăm năm tuổi. Kế hoạch chuyển đổi số của AB InBev với mục tiêu là sự kết hợp hàng chục nhà máy bia này thành một siêu nhà máy thống nhất và sử dụng dữ liệu để nâng cao quy trình kinh doanh, cải thiện quan hệ giữa người tiêu dùng sử dụng bia và nhà máy sản xuất.

Để thực hiện dự án này, việc đầu tiên AB InBev triển khai việc hợp nhất không chỉ các hệ thống giao dịch cốt lõi mà còn cả cơ sở hạ tầng phân tích và dữ liệu toàn cầu. Trước đó, AB InBev đang vận hành 27 hệ thống quản trị doanh nghiệp ERP khác nhau trên toàn thế giới. Các hệ thống này được vận hành bởi các công ty con của AB InBev. Việc triển khai sẽ chuẩn hóa và hợp nhất 27 hệ thống ERP khác nhau này thành một hệ thống duy nhất sử dụng nền tảng ERP là S/4 của SAP.

Về hạ tầng trung tâm dữ liệu, trước đó vào tháng 3 năm 2018, AB InBev đã thiết kế, xây dựng và triển khai thành công một trung tâm dữ liệu doanh nghiệp (Enterprise Data Hub - EDH) để triển khai nền tảng phân tích dữ liệu lớn Hadoop chạy trong Microsoft Azure. Từ đó, AB InBev đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học dữ liệu, xử lý báo cáo, phân tích khác nhau trên đám mây. Trong giai đoạn kế tiếp, công ty có kế hoạch mở rộng các hoạt động đó trong những năm tới.

AB InBev có một vị trí giám đốc dữ liệu chiến lược riêng là Harinder Singh để phụ trách các vấn đề về xử lý dữ liệu phục vụ hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, xác định dữ liệu là một trong những yếu tố cốt lõi của công ty để thực hiện chuyển đổi số. Dữ liệu phải được thiết kế thành quy trình, luồng, được phân tích và xử lý tạo ra các giá trị mới.

Trong xử lý dữ liệu, AB InBev có kế hoạch dài hạn từ 3 đến 5 năm để triển khai và chủ yếu và thực hiện trên nền tảng điện toán đám mây. Mặc dù, do yếu tố bảo mật và lịch sử từ trước, không phải toàn bộ tất cả các hệ thống được triển khai trên điện toán đám mây nhưng với việc xử lý dữ liệu lớn thì 100% hạ tầng của AB InBev được triển khai trên điện toán đám mây để đảm bảo các yếu tố tối ưu.

Giải pháp phân tích trên đám mây

AB InBev đã triển khai xây dựng một Hệ thống đầu mối dữ liệu doanh nghiệp trên đám mây EDH (Enterprise Data Hub). EDH bao gồm sự kết hợp giữa các công cụ của Microsoft và bên thứ ba, tất cả đều nằm trong đám mây Azure. Công nghệ Azure Blob Storage đóng vai trò như một điểm đích đến cho tất cả dữ liệu thô trên đám mây. Lớp tiếp theo của EDH dựa trên kiến trúc công nghệ Azure Data Lake Storage (ALDS), cung cấp bảo mật cấp độ tệp theo yêu cầu bảo mật của AB InBev

https://2s7gjr373w3x22jf92z99mgm5w-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2019/04/worlds-largest-brewer.png

Hình 1: Các nhãn hiệu bia của AB InBev trên thế giới

Hệ thống cũng sử dụng công nghệ HDInsight, một môi trường được thiết lập bởi Hadoop và Spark dựa trên Hortonworks Distribution của Hadoop (hiện thuộc sở hữu của Cloudera), để xử lý dữ liệu nửa cấu trúc. Các công nghệ cơ sở dữ liệu quan hệ, bao gồm SQL Server và SQL Data Warehouse, được sử dụng để xử lý dữ liệu có cấu trúc.

Hệ thống đầu mối dữ liệu doanh nghiệp bao gồm một số lớp dữ liệu: các lớp cho dữ liệu thô, dữ liệu sạch và dữ liệu được tối ưu hóa. Danh mục dữ liệu cung cấp cho các nhà khoa học và nhà phân tích dữ liệu cách tìm và truy cập các phần dữ liệu đáng tin cậy, bao gồm cả dữ liệu có cấu trúc hay phi cấu trúc, dữ liệu nội bộ công ty cũng như dữ liệu từ bên ngoài.

Công ty cũng đã tạo ra một vị trí trong Hệ thống đầu mối dữ liệu doanh nghiệp EDH của mình, nơi các nhà khoa học dữ liệu có thể sử dụng các công nghệ và ngôn ngữ mà họ lựa chọn. Vị trí này được gọi là phòng thử nghiệm phân tích dữ liệu SandBox. Phòng thử nghiệm phân tích dữ liệu SandBox sẽ triển khai xây dựng bản đồ dữ liệu, xác định mối tương quan về dữ liệu. Ví dụ xác định mối tương quan giữa thời tiết và doanh số bán hàng. Để làm điều này, dữ liệu bán hàng sẽ được chọn từ lớp Kho dữ liệu doanh nghiệp - EDW (Enterprise Data Warehouse), sau đó kéo dữ liệu thời tiết từ hồ dữ liệu kết hợp với nhau trên các công cụ phân tích dữ liệu trực quan.

Đơn giản hóa các luồng phân tích dữ liệu.

Trước khi thực hiện dự án chuyển đổi số tổng thể, AB InBev từng có hàng chục công cụ tích hợp dữ liệu ETL khác nhau để thực hiện các hoạt động trích xuất, chuyển đổi và nạp dữ liệu vào kho dữ liệu. Tuy nhiên vấn đề này tạo ra một sự rời rạc, phân tán và thiếu thống nhất. Thực hiện chiến lược tích hợp, AB InBev đã chuẩn hóa quy trình, công nghệ sử dụng nền tảng Talend để chuyển đổi và đưa dữ liệu với khối lượng khổng lồ tới hàng Terabyte vào Hệ thống đầu mối dữ liệu doanh nghiệp EDH mỗi ngày.

Thêm vào đó, Công ty sử dụng Talend Data Fabric để tăng tốc quá trình xây dựng đường ống dữ liệu kết nối với nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, bao gồm các hệ thống quản trị tổng thể doanh nghiệp ERP, các cơ sở dữ liệu, các hệ thống tệp và cảm biến IoT khác nhau được lắp đặt tại các nhà máy bia trên khắp thế giới.

Hình 2: Quy trình và công nghệ xử lý dữ liệu trên nền tảng Talend Data Fabric được AB InBev ứng dụng

Hạ tầng dữ liệu dựa trên nền tảng Talend đã có hơn 900 đầu dịch vụ kết nối. Vì vậy trong hầu hết các trường hợp có thể dễ dàng kết nối đến các hệ thống có nhu cầu một cách dễ dàng để tạo điều kiện cho việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu.

Một kinh nghiệm trong việc triển khai hạ tầng tích hợp chia sẻ dữ liệu thực tế đáng lưu ý đó là: Do quá trình phát triển, tồn tại nhiều hệ thống cũ đang được vận hành, việc tích hợp rất khó khăn và không thể thực hiện được do có sự khác nhau về công nghệ. Tuy nhiên, với hạ tầng tích hợp chia sẻ dữ liệu mới được triển khai, Hệ thống đầu mối dữ liệu doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo ra một dịch vụ kết nối mới mà không cần xử lý lập trình chuyên xây và cũng dễ dàng tích hợp với các hệ thống cũ đã có từ trước. Đây là một ưu điểm trong triển khai nền tảng tích hợp và kết nối dữ liệu.

Bên cạnh đó, với việc tái cấu trúc các luồng dữ liệu dựa trên công nghệ mới, thay vì phải tạo ra các luồng dữ liệu mới để đáp ứng nhu cầu tích hợp các hệ thống thông tin với nhau thì công nghệ mới dễ dàng chỉnh sửa, điều hướng luồng dữ liệu đã có để để đạt được mục đích mà không tốn nhiều thời gian cho phát triển, triển khai.

Cụ thể, khả năng tái sử dụng của các luồng trong Talend Data Fabric là một ưu điểm vượt trội. Thay vì xây dựng các luồng dữ liệu đơn lẻ để lấy dữ liệu từ các kho dữ liệu hiện có như Teradata , Vertica hoặc kho dữ liệu Oracle - hoặc một hệ thống ERP, như SAP, ProMax hoặc SYSPRO – công nghệ của Talend cho phép các kỹ sư dữ liệu của AB InBev định cấu hình lại một luồng dữ liệu hiện có cho nguồn dữ liệu mới, giúp rút ngắn thời gian phát triển.

Với sự phức tạp về tổ chức dữ liệu hiện có của AB InBev, AB InBev có rất nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau. Nếu làm đơn thuần như cũ sẽ sẽ mất nhiều năm nếu để xây dựng các luồng xử lý dữ liệu riêng rẻ. Bên cạnh đó, nhóm công nghệ thông tin của AB InBev đã triển khai xây dựng các mô dun có thể tái sử dụng. Những modun này chỉ cắm và chạy và thực hiện những điều chỉnh nhỏ trong suốt quá trình xử lý dữ liệu.

Trường hợp sử dụng dữ liệu phân tích

Cơ sở hạ tầng phân tích dữ liệu của công ty hỗ trợ nhiều trường hợp sử dụng khác nhau, sử dụng đa mục đích. Từ dự báo nhu cầu tiêu cụ sản phẩm cũng như phát hiện gian lận trong hoạt động nội bộ đến lắng nghe ý kiến khách hàng qua phương tiện truyền thông xã hội và phân tích IoT. EDH được duy trì tập trung thông qua trung tâm phân tích toàn cầu (Global Analytics Center -GAC), GAC cho phép các nhóm phân tích dữ liệu tại các quốc gia khác nhau khai thác năng lực tùy biến theo yêu cầu của mình.

Chuỗi cung ứng đằng sau hoạt động của AB InBev rất lớn và phức tạp. Nó phải cung cấp tất cả các nguyên liệu thô đầu vào, quá trình sản xuất bia và đầu ra là bia thành phẩm. Sau đó phân phối các kiện thành phẩm cho khách hàng một cách kịp thời. Sự gián đoạn trong một khía cạnh của chuỗi cung ứng có thể khiến doanh số bán hàng bị ảnh hưởng. Tương tự như vậy, việc sản xuất quá nhiều một sản phẩm có thời hạn sử dụng hạn chế sẽ không mang lại lợi nhuận cao, vì vậy AB InBev tìm cách phù hợp nhất với cung và cầu. Khi đó, phân tích dữ liệu sẽ giải quyết được vấn đề này.

AB InBev sử dụng dữ liệu lớn và máy học để tối ưu hóa dự báo nhu cầu, do đó tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình. Một ví dụ cho công việc này là trong thời gian trước AB InBev đã gặp một cơn bão, căn cứ trên dữ liệu dự đoán, AB InBev đã phản ứng và cho dừng sản xuất một nhà máy bia kịp thời, thực hiện đổ đầy nước vào các thùng chứa để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra. Đây chính là lợi ích của việc phản ứng thời gian thực dựa trên dữ liệu.

Công ty có một dự án phân tích hoạt động, nơi công ty sử dụng dữ liệu để tìm cách tối ưu hóa và tự động hóa các quy trình kinh doanh nhất định. Điều đó bao gồm dữ liệu giám sát từ thiết bị nhà máy bia. Trong đó, dữ liệu được thu thập từ trạng thái hoạt động của các máy móc sản suất làm đầu vào phân tích. Việc thực hiện này cũng từng bước được nhân rộng trên toàn bộ các nhà máy của AB InBev trên toàn thế giới.

AB InBev cũng thực hiện phân tích hành vi con người. Một trong những mục tiêu của công ty là giữ cho nhân viên được thử thách trong công việc và hạnh phúc trong đời sống và một trong những cách tốt nhất là xem xét dữ liệu về hành vi hoạt động, lao động của nhân viên mình.

Một trường hợp sử dụng IoT khác liên quan đến việc theo dõi vòng đời của thùng chứa bia. Các nhãn RFID được gắn vào các thùng chứa bia và theo dõi quy trình vận chuyển, tiêu thụ bia từ nhà máy bia đến trung tâm phân phối. Qua đó sẽ xác định hướng nhu cầu và thị trường tiêu thụ bia để điều tiết cho phù hợp.

AB InBev cũng theo dõi các đề cập về sản phẩm của mình trên mạng xã hội nhằm mục đích kết nối với khách hàng, cũng như phát hiện các vấn đề rủi ro tiềm ẩn. Các nhận xét về thương hiệu bia là thông tin quan trọng để giúp công ty cải thiện hoạt động của mình.

Kết quả chuyển đổi số

Với các hoạt động xử lý dữ liệu nêu trên, AB InBev đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hành trình chuyển đổi số của mình. Đội ngũ chuyển đổi số của công ty bao gồm Giám đốc dữ liệu và đội ngũ 80 kỹ sư của AB InBev đã hoàn thành hơn 30 dự án về dữ liệu kết hợp ứng dụng các sản phẩm chuyển đổi số từ bên thứ ba đã cải thiện đáng kể hoạt động của công ty.

Trung tâm dữ liệu doanh nghiệp của AB InBev trên đám mây và các cơ sở dữ liệu đang được xử lý một cách hiệu quả. Đây là giai đoạn khởi đầu để AB InBev tiếp tục triển khai các hoạt động tiếp theo trong hành trình chuyển đổi số.

Với việc chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh, AB InBev đã xác định triển vọng tăng doanh thu từ 55 tỷ đô la lên đạt 100 tỷ đô la trong thời gian tối. Chuyển đổi số là động lực, yếu tố cốt lõi để thực hiện điều này.

Với kinh nghiệm đã trải qua, AB InBev đã xác định những điểm mấu chốt cho chuyển đổi số bao gồm:

- Phải di chuyển lên đám mây.

- Phải có khả năng thống nhất dữ liệu

- Phải có khả năng phân tích tốt hơn.

AB InBev đã là công ty bia lớn nhất. Tuy nhiên không dừng ở đó, AB InBev đặc triển vọng trở thành công ty giỏi nhất với chuyển đổi số.

Như vậy, qua kinh nghiệm thực tế của một công ty lớn trên thế giới, chúng ta có thể học hỏi để xây dựng con đường chuyển đổi số cho riêng mình. Một số những kinh nghiệm quý báu của AB InBev mà chúng ta đáng lưu ý như: phải sử dụng công nghệ điện toán đám mây, chuẩn hóa và thống nhất dữ liệu; tập trung vào phân tích và hưởng lợi ích từ phân tích dữ liệu sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực của mình, đó là cách thức cũng như những lợi ích thiết thực nhất khi thực hiện chuyển đổi số.

Nguyễn Khánh

 

Tài liệu tham khảo

https://www.datanami.com/2019/04/11/from-big-beer-to-big-data-inside-ab-inbevs-digital-transformation/

https://amplitude.com/blog/digital-transformation-examples

https://consumergoods.com/busy-bees-inside-ab-inbevs-data-sharing-transformation

https://www.salesforce.com/eu/blog/2020/09/digital-transformation-at-scale.html