Đang xử lý.....

Một số gợi ý trong việc lựa chọn ứng dụng nền tảng Internet của vạn vật cho các tổ chức, doanh nghiệp  

Internet của vạn vật (IoT) là một bộ phận của Internet tương lai, được định nghĩa như một cơ sở hạ tẩng mạng toàn cầu năng động với khả năng tự cấu hình dựa trên tiêu chuẩn và các giao thức truyền thông tương thích, trong đó các sự vật (thực và ảo) có danh tính, thuộc tính vật lý, đặc tính ảo và giao diện thông minh, được tích hợp hoàn toàn vào trong mạng lưới thông tin...
Thứ Ba, 26/12/2017 1067
|

Internet của vạn vật (IoT) là một bộ phận của Internet tương lai, được định nghĩa như một cơ sở hạ tẩng mạng toàn cầu năng động với khả năng tự cấu hình dựa trên tiêu chuẩn và các giao thức truyền thông tương thích, trong đó các sự vật (thực và ảo) có danh tính, thuộc tính vật lý, đặc tính ảo và giao diện thông minh, được tích hợp hoàn toàn vào trong mạng lưới thông tin. Trong chuỗi giá trị của sản phẩm hay dịch vụ mới, nền tảng Internet của vạn vật (IoT) là phần mềm hỗ trợ kết nối phần cứng, điểm truy cập và mạng dữ liệu với các thành phần khác (thường là các ứng dụng của người dùng cuối). Nền tảng IoT thường được dùng để quản lý những gì đang diễn ra, cho phép mô phỏng dữ liệu, cho phép người dùng tự động hóa môi trường của họ.

  1. Nền tảng Internet của vạn vật

Các nền tảng thường là các giải pháp trung gian, đó là “hệ thống đường ống dẫn”. Một giải pháp nền tảng IoT là đại diện của các chức năng đến từ nhiều nhà cung cấp, bao gồm:

1. Cảm biến hoặc bộ điều khiển: thu nhận dữ liệu hoặc điều khiển thu thập dữ liệu.

2. Thiết bị cổng kết nối (gateway device): thành phần tạo giao diện cho các mạng khác nhau.

3. Mạng truyền thông (Communications network): truyền tải dữ liệu.

4. Phần mềm phân tích và chuyển đổi dữ liệu: xử lý dữ liệu.

5. Ứng dụng dịch vụ đầu cuối: xử lý, cung cấp thông tin có giá trị cho người sử dụng.

Theo IoT Analytics, một tổ chức cung cấp thông tin hàng đầu về thị trường và chiến lược kinh doanh cho ngành công nghiệp 4.0 và IoT, hiện có 450 công ty nền tảng IoT trên toàn thế giới, tăng 25% so với năm trước.

Chính sự phát triển ồ ạt nền tảng IoT đã tạo ra những khó khăn nhất định cho những doanh nghiệp hoặc những tổ chức trong việc lựa chọn một nền tảng phù hợp với khả năng, nhu cầu. Để có câu trả lời phù hợp cho việc lựa chọn cần xem xét nhiều yếu tố như phần cứng cụ thể, giao thức, truy cập thời gian thực, báo cáo tùy chỉnh và nhiều một vài yếu tố cần thiết khác. Bài viết này cung cấp một số gợi ý cho việc lựa chọn nền tảng phù hợp theo yêu cầu của tổ chức.

  1. Những điểm cần lưu ý cho lựa chọn nền tảng IoT

Để lựa chọn một nền tảng phù hợp với nhu cầu ứng dụng và phát triển, các yếu tố sau đây cần xem xét:

  1. Tự đánh giá ở thời điểm hiện tại

Đánh giá lại ngân sách, khả năng phát triển và nhân sự của tổ chức trước khi lựa chọn một nên tảng IoT. Sự đánh giá chính xác sẽ giúp bản thân tổ chức “liệu cơm gắp mắm” và tránh được những rủi ro trong tương lại

  1. Tầm nhìn, chìa khóa đầu tư cho nền tảng thông minh

Khả năng phát triển, mở rộng của tổ chức: Một nền tảng IoT không chỉ hỗ trợ nhu cầu của ngày hôm nay mà trong tương lai, có thể được tích hợp, thêm mới các ứng dụng vào hệ thống: Có bao nhiêu thiết bị sẽ được đưa vào vào ứng dụng theo thời gian? Nếu một tổ chức, doanh nghiệp mong đợi phát triển với tốc độ tương đương sự mở rộng dự kiến của nền tảng IoT, thì nền tảng này phải đủ khả năng mở rộng để hỗ trợ triển khai trong tương lai.

Phạm vi của kiến trúc kế thừa: Rất nhiều kết nối IoT hiện tại là chưa thể hình dung đầy đủ, được thiết kế để làm việc trong một hệ thống cơ sở hạ tầng phức tạp. Cần phải có thực hiện các phân tích chi tiết về những yếu tố kế thừa, xem xét các yếu tố không thể thiếu cũng như những yếu tố có thể loại bỏ trong cơ sở hạ tầng của tổ chức. Hiệu quả của giải pháp nền tảng IoT được triển khai sẽ phụ thuộc vào khả năng tích hợp giữa thế hệ công nghệ mới với thế hệ cũ.

• Làm thế nào chu trình hồi tiếp xử lý có thể mang lại giá trị: Sự gia tăng phong phú của dữ liệu là một trong những lợi ích chính mang lại từ việc đầu tư IoT. Căn cứ vào đặc thù của lĩnh vực hoạt động để xem xét, phân tích những loại dữ liệu nào tạo ra sự khác biệt về lợi ích, doanh thu và mạng truyền thông. Cần phải có các tiêu chí đánh giá đúng các kết quả thí điểm để có thể sử dụng làm hướng dẫn cho phương thức lựa chọn hệ thống quản lý dữ liệu và hỗ trợ cơ sở hạ tầng an ninh. Cần xác định các điểm tạo ra sự khác biệt lớn nhất, mới nhất của dữ liệu mang lại. Điều này giúp lựa chọn, xác định chức năng và sự mở rộng của nền tảng trong tương lai.

• Làm thế nào để IoT có thể tác động hoạt động, đến đối tác: Với phương thức mở rộng sự tham gia theo hình thức trực tuyến và ngoại tuyến, nền tảng IoT có thể tăng cường kết nối có tính đến thói quen, kinh nghiệm của người dùng theo thời gian thực, nhờ đó nâng cao khả năng mang đến sự hài lòng của khách hàng. Điều này sẽ giúp các nhà phát triển phân biệt và xác định được tính năng mà nền tảng của họ cần phải có.

• Chiến lược quản lý dữ liệu: Thế giới số hiện đang trong quá trình mở rộng liên tục, lưu trữ dữ liệu được xác định là phần quan trong nhất của thế giới đó. Việc phải tăng chi phí để đảm bảo khả năng lưu trữ với khối lượng dữ liệu tăng hàng ngày có vẻ như một câu trả lời đúng nhưng đó là chưa đủ. Việc lưu trữ dữ liệu vượt quá mức thực sự cần thiết cũng tốn kém cũng như các phương án lưu trữ có thể nhanh chóng trở nên khó sử dụng.

Các chuyên gia trong xử lý dữ liệu sẽ phải đánh giá luồng dữ liệu ưu tiên và xác định dữ liệu nào, khi nào sẽ tiếp cận? Ngoài ra, có thể xem xét các mô hình đám mây lai (sự kết hợp của các dịch vụ tư nhân và bên thứ ba có thể thúc đẩy khả năng mở rộng với chi phí thấp hơn so với lưu trữ tất cả dữ liệu trong các máy chủ cá nhân) có thể là một lựa chọn thông minh cho các lĩnh vực với đặc thù phải lưu trữ một số lượng lớn dữ liệu trong khi mà tất cả dữ liệu đó không phải đều là sở hữu độc quyền.

• Kinh nghiệm của tổ chức: Các nhà cung cấp nền tảng IoT có thể cung cấp rất nhiều phương thức phát triển cho công nghệ mới và phương pháp để tinh chỉnh mô hình hoạt động của khách hàng. Tuy nhiên, sự biến đổi của IoT có thể là phụ thuộc vào thực tiễn hoạt động của từng ngành, lĩnh vực nhưng nó sẽ không tạo ra sự biến đổi ở mức lớn. Kinh nghiệm quản lý, điều hành, hoạt động, kinh doanh của bản thân tổ chức, trong lĩnh vực hoạt động của mình sẽ là những kinh nghiệm tốt nhất để đánh giá, lựa chọn.

  1. Xác định tính năng, đặc trưng IoT nào có ý nghĩa quan trọng phù hợp đối với ngành, lĩnh vực

Sẽ là bất khả thi cho một báo cáo tổng hợp cung cấp cái nhìn tổng thể về các tùy chọn nền tảng IoT cũng như các yêu cầu đặc trưng của từng ngành, lĩnh vực bởi sự đa dạng trong ngành công nghiệp IoT (có rất nhiều tập hợp giải pháp và các giao thức…). Mỗi nền tảng sẽ có những thế mạnh riêng và các nhà cung cấp giải pháp sẽ có những tùy chỉnh cho nền tảng IoT của mình để phù hợp với các mô hình hoạt động hiện tại. Tuy nhiên đây không phải là phướng án lựa chọn tối ưu cho các tổ chức thuộc các ngành, lĩnh vực mang tính đặc thù.

Để xác định nền tảng phù hợp thì cần phải xem xét đánh giá dựa trên những đặc trưng của ngành, lĩnh vực của tổ chức đó và tiến hành phân tích đánh giá những đặc trưng ưu điểm của từng loại nền IoT phù hợp. Ví dụ: Cảnh sát thành phố và cảnh sát phòng cháy sẽ phụ thuộc vào một nền tảng đảm bảo giao tiếp giữa các hoạt động thực địa và các trung tâm chỉ huy; hoặc các nền tảng IoT của ngân hàng sẽ chứng minh tính năng mã hóa và bảo mật mạnh mẽ nhằm bảo vệ kết nối cho chuyển đổi nội bộ và người tiêu dùng…

  1. Đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp phát triển nền tảng IoT

Cũng như các lĩnh vực công nghệ khác, một giải pháp nền tảng IoT sẽ phải có thời gian để chứng minh giá trị, tính hiệu quả của mình. Để xác định người ta phải trải qua một quá trình phân tích, đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp nào có thể cung cấp giải pháp cụ thể phù hợp cho nhu cầu hoạt động, khả năng phát triển. Tuy nhiên, cuối cùng, sự tự tin vào khả năng, kinh nghiệm của bản thân sẽ là yếu tố giúp các nhà lãnh đạo quyết định lựa chọn các đối tác có khả năng, có sức mạnh phù hợp với các điều kiện của mình.

Nhu cầu của từng thị trường trong từng lĩnh vực là khác nhau. Nhưng yếu tố đầu tiên lựa chọn nhà cung cấp nền tảng IoT đã phải có thành công nhất định đối với khách hàng khác trong cùng ngành, lĩnh vực tương đương. Để thực hiện điều này, cần phải đánh giá toàn bộ khách hàng và những nền tảng mà họ đã xây dựng và cung cấp…, nếu đây là một nhà phát triển cung cấp nền tảng có kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này, hãy xem xét sâu hơn từ nơi họ bắt đầu và đã phát triển như thế nào. Họ có nắm bắt được tiềm năng của IoT? Họ có tiêu chuẩn sẵn có phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức của bạn không? ... Ngoài ra nên có một sự xem xét, đánh giá rõ ràng về quản lý thiết bị, công nghệ kết nối và vấn đề tính bảo mật sự riêng tư.

  1. Kết luận

Có thể nói rằng IoT là một thành tố không thể thiếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quá trình lựa chọn, xây dựng một nền tảng IoT phù hợp với những yêu cầu về khả năng tài chính, nhân lực, tầm nhìn của một tổ chức, doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà bài viết này chưa thể liệt kê ra được. Tuy nhiên, lựa chọn đúng đắn một nền tảng IoT phù hợp chính là tạo ra một nền móng công nghệ vững chắc, tạo đà phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

Báo cáo Evaluating and Choosing an IoT Platform by Matthew J. Perry

https://www.link-labs.com/blog/what-is-an-iot-platform

http://azurevn.net/2017/05/27/iaas-va-paas-lua-chon-nen-tang-nao-de-phat-trien-doanh-nghiep/

 

Lê Việt Hưng