Đang xử lý.....

Một số chính sách và quy định pháp lý phát triển Chính phủ số của Vương quốc Bỉ (Phần 1)  

Phần 1. Chiến lược phát triển Bỉ, tên chính thức là Vương quốc Bỉ, là một quốc gia thuộc phía tây Châu Âu. Bỉ có biên giới với Pháp, Hà Lan, Đức, Luxembourg.Theo số liệu năm 2018, Bỉ có dân số gần 11,4 triệu người. GDP theo giá trị thị trường khoảng 450.500 triệu EUR, tỷ lệ tăng GDP 1,4%, tỷ lệ lao động không có việc làm 5,9%. Bỉ có diện tích 30.688 km2, Thủ đô là Brussels. Ngôn ngữ chính gồm tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức. Tiếng Hà Lan hầu hết được nói tại cộng đồng người Vlaanderen, đây là bản ngữ của 59% dân số, tiếng Pháp hầu hết được nói trong cư dân vùng Wallonie và là bản ngữ của khoảng 40% dân số, chỉ có khoảng 1% dân số là người nói tiếng Đức.
Thứ Tư, 30/12/2020 815
|

Bỉ là quốc gia có số người sử dụng Internet để tương tác với các cơ quan khu vực công cao hơn mức trung bình của Châu Âu. Theo báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc, Bỉ xếp hạng thứ 41/193 quốc gia.

Hình 1: Tỷ lệ người dân tương tác với khu vực công thông qua Internet ở Bỉ

Nội dung dưới đây, cung cấp thông tin cơ bản về các chính sách, chiến lược và một số quy định pháp lý căn bản của Bỉ về chính phủ số, chuyển đổi số.

Chiến lược về chính phủ số

Ngày 6 tháng 12 năm 2018, Chính quyền vùng Walloon tuyên bố áp dụng chiến lược digital Wallonia  giai đoạn 2019-2024. Chiến lược này quy định khuôn khổ và xác định hướng đi khu vực Wallonia sẽ thực hiện để nắm bắt các cơ hội phát triển kinh tế - xã hội do chuyển đổi số mang lại trong 5 năm tới.

Pháp lý về Chính phủ số

Ngày 25 tháng 10 năm 2018, quốc hội Cộng đồng Pháp (vùng nói tiếng Pháp) đã thông qua pháp lý quan trọng về khung chính sách quản trị công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Các điểm nổi bật bao gồm: thiết lập bộ nguyên tắc chung cho chuyển đổi chính phủ số, thành lập hội đồng chiến lược về chuyển đổi số, cung cấp cơ sở pháp lý cho việc thiết lập cấu trúc quản trị và kế hoạch phát triển công nghệ thông tin và kỹ thuật số cho giai đoạn 5 năm.

Ngày 7 tháng 12 năm 2018, chính quyền Flemish đã thông qua Nghị định về Quản trị công, kết hợp các nghị định trước đây như Ban chỉ đạo về chính sách ICT và Thông tin Flemish, trao đổi dữ liệu điện tử liên chính phủ và về việc tái sử dụng thông tin khu vực công. Điều này, giải quyết việc sử dụng các sổ đăng ký cơ sở và áp dụng nguyên tắc “một lần” (once only) trong chính quyền Flemish và chính quyền địa phương.

Các định hướng, chiến lược phát triển chính phủ số ở Bỉ

Chiến lược Digital Belgium 2015 đến 2020, có một số nội dung căn bản:

Tầm nhìn, mục tiêu và hành động:

Ngày 20 tháng 4 năm 2015, kế hoạch hành động Digital Belgium được giới thiệu bởi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Viễn thông và kỹ thuật số Alexander De Croo và Nhóm Digital Minds (khoảng 20 chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật số) với mục tiêu chính để đạt được tăng trưởng và tạo việc làm thông qua đổi mới, sáng tạo kỹ thuật số. Ba mục tiêu của chương trình tới năm 2020 là: Bỉ là một trong ba nền kinh tế số hàng đầu của Châu Âu, tạo ra 1.000 công ty khởi nghiệp mới và tạo ra 50000 việc làm cho nền kinh tế quốc dân.

Năm ưu tiên của chiến lược Digital Belgium vạch ra tầm nhìn kỹ thuật số dài hạn của Chính phủ đối với đất nước, sau đó chuyển tầm nhìn này thành các mục tiêu chính sách cụ thể. Bỉ đã chỉ định năm ưu tiên chính bao gồm từ ba đến sáu dự án ưu tiên trong các lĩnh vực:

- Kinh tế số;

- Hạ tầng số;

- Kỹ năng số và việc làm số;

- Niềm tin kỹ thuật số và bảo mật kỹ thuật số;

- Chính phủ số.

Một số sáng kiến ​​mới đã được bắt đầu. Ví dụ, Kế hoạch Khởi nghiệp là một bước đầu tiên cụ thể để khuyến khích các doanh nhân trẻ và mới bắt đầu thành lập doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực sáng tạo thông qua các sáng kiến ​​như miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp và khuyến khích tài chính để huy động vốn từ cộng đồng. Cũng có một sáng kiến ​​để triển khai Hóa đơn điện tử cho các nhà cung cấp. Các sáng kiến ​​khác sẽ được đưa ra như Việc làm, kế hoạch triển khai Internet tốc độ cao, y tế số, Luật về kỹ thuật số (một loạt các đề xuất pháp lý cho phép sử dụng chữ ký điện tử, lưu trữ điện tử,… để thay thế giấy truyền thống), triển khai điện đám mây (Federal Cloud), xác thực di động cho các ứng dụng Chính phủ điện tử, nền tảng giao tiếp số và chiến lược dữ liệu,…

Chiến lược Chính phủ điện tử liên bang, giai đoạn 2009 đến 2020

Tầm nhìn, mục tiêu và hành động:

Chiến lược Chính phủ điện tử dành cho lĩnh vực xã hội nhằm mục đích tạo ra một Nền hành chính công trên không gian mạng duy nhất, đồng thời tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, cũng như các đặc thù và năng lực của tất cả các cơ quan Chính phủ và các cấp hành chính.

Mục tiêu chính là cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp bằng cách làm nhanh hơn, thuận tiện hơn, ít ràng buộc hơn và mở hơn. Chiến lược được phác thảo:

- Xây dựng các mục tiêu cụ thể như cung cấp dịch vụ tối ưu cho người dân, hạn chế gánh nặng hành chính và tối ưu hóa hiệu quả và hiệu lực của các dịch vụ công;

- Minh bạch về sự phối hợp giữa tất cả các bên liên quan để tạo ra giá trị gia tăng cho người sử dụng các dịch vụ của Chính phủ điện tử;

- Sử dụng tầm nhìn chung đối với việc sử dụng thông tin dưới dạng thông tin mô hình hóa, trao đổi thông tin điện tử, thu thập thông tin duy nhất;

- Sử dụng tầm nhìn chung về bảo mật thông tin và bảo vệ quyền riêng tư;

- Sử dụng tối đa các thành phần chung về mạng, eID, kết nối trung gian và các dịch vụ cơ bản liên quan;

- Ngân hàng An sinh Xã hội có vai trò như một đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử trong lĩnh vực xã hội.

- Thiết lập mối quan hệ đối tác bền chặt giữa các tổ chức an sinh xã hội.

Bốn dòng chiến lược: Để đáp ứng các mục tiêu nêu trên, chiến lược Chính phủ điện tử của Bỉ đã dựa trên bốn dòng chiến lược chính:

- Thứ nhất: Tái thiết kế và tích hợp cung cấp dịch vụ

Dòng chiến lược đầu tiên này tập trung vào nhu cầu của người dùng, các sự kiện trong cuộc sống và đơn giản hóa tất cả các thủ tục hành chính.

- Dòng thứ hai: Hợp tác giữa các cấp hành chính để cung cấp các dịch vụ tổng hợp trong toàn bộ hệ thống hành chính.

Dòng chiến lược thứ hai dựa trên hai văn bản. Thứ nhất, thỏa thuận hợp tác Chính phủ điện tử, được ký kết vào tháng 3 năm 2001 bởi chính quyền Liên bang, các Khu vực và Cộng đồng tạo ra khuôn khổ hợp tác mà theo đó tất cả các cấp cam kết sử dụng chung các tiêu chuẩn, hạ tầng định danh và cùng một eSignature. Thứ hai, thỏa thuận hợp tác về các nguyên tắc một chính phủ điện tử thông suốt, được ký vào tháng 4 năm 2006 với mục tiêu sử dụng CNTT-TT cung cấp thông tin cho tất cả người dân, doanh nghiệp và các tổ chức công theo cách thân thiện với người dùng.

- Dòng thứ ba: Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Điều này đòi hỏi phải tăng cường trao đổi và chia sẻ cả dữ liệu và thông tin giữa các cơ quan, tổ chức trong toàn chính phủ.

- Dòng thứ thứ tư: Tích hợp hệ thống back-office và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các cơ quan yêu cầu dữ liệu cụ thể sẽ được xem xét như một nguồn tin cậy bởi các cơ quan hành chính khác có thể cần dữ liệu tương tự. Do đó, Các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm duy trì kho lưu trữ dữ liệu cá nhân.

Chiến lược Digital Wallonia 2019-2024

Ngày 6 tháng 12 năm 2018, Chính quyền vùng Walloon đã thông qua chiến lược Digital Wallonia cho giai đoạn 2019-2024. Chiến lược mới đã nêu rõ khuôn khổ để xác định phương hướng mà khu vực Wallonia sẽ thực hiện để nắm bắt các cơ hội kinh tế - xã hội của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong 5 năm tới.

Chiến lược được cấu trúc xung quanh năm chủ đề chính:

- Kỹ thuật số;

- Kinh tế số;

- Quản trị số;

- Chủ quyền số;

- Kỹ năng số.

Kế hoạch Marshall 4.0

Kế hoạch Marshall 4.0 được đặt tên để hướng tới kế hoạch chuyển đổi toàn diện vùng Wallonia. Kế hoạch bao gồm năm lĩnh vực ưu tiên cao để củng cố nền kinh tế của Wallonia với lĩnh vực thứ năm là hỗ trợ đổi mới, sáng tạo số, với dự báo sự phát triển của nền hành chính công hiện đại, nền hành chính 4.0.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền vùng Wallonia đã có những hành động cụ thể:

- Xây dựng kênh tương tác với cơ quan hành chính bằng cách xây dựng danh mục các dịch vụ công, hoàn thiện việc triển khai văn phòng điện tử để mọi người dùng có thể thực hiện các hành động cần thiết thông qua web;

- Phát triển Ngân hàng Trao đổi dữ liệu bằng cách hợp nhất các dịch vụ cung cấp cho các cơ quan quản lý của chính quyền Walloon và phát triển các nguồn dữ liệu Walloon xác thực mới.

Cam kết hành chính cung cấp Dịch vụ công của Wallonia

Kế hoạch này nhằm mục đích thiết lập một lộ trình toàn cầu, tích hợp và nhất quán với các mục tiêu chính xác, quản trị thích hợp và hỗ trợ tài chính đầy đủ. Quy hoạch tổng thể này lần đầu tiên được thực hiện ở vùng Walloon.

Cam kết dựa trên chiến lược hướng tới người dùng toàn cầu với cách tiếp cận đa kênh. Kế hoạch này bao gồm việc triển khai nhiều dự án liên quan đến chính phủ số, chủ yếu như: Số hóa các dịch vụ cấp phép môi trường; Số hóa các dịch vụ thuế (người dân và doanh nghiệp có thể truy cập trực tuyến hồ sơ thuế của họ); Xây dựng cơ sở dữ liệu tham khảo về dữ liệu môi trường; Phát triển dữ liệu không gian địa lý.

Cam kết hành chính cấp Bộ của Wallonia và Liên bang Brussels

Kế hoạch tổng thể về các dịch vụ công này là nỗ lực đầu tiên nhằm thiết lập một lộ trình toàn cầu, tích hợp và nhất quán với các mục tiêu chính xác, quản trị phù hợp và đủ kinh phí. Cam kết có các mục tiêu chính là:

- Phát triển chiến lược Chính phủ điện tử với mục đích tăng gấp đôi các dịch vụ trực tuyến có sẵn và thiết lập tài khoản người dùng cá nhân để quản lý tốt hơn mối quan hệ của người dân với chính quyền;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về sinh viên và văn bằng.

Trong phần 2, nội dung này giới thiệu tiếp về một số chính sách, quy định pháp lý của Bỉ sẽ đề cập tới một số yếu tố cốt lõi trong các chiến lược góp phần tạo sự phát đột phá về chuyển đổi số và giới thiệu một số quy định pháp lý căn bản như định danh điện tử, chữ ký điện tử - các pháp lý nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử ở mỗi quốc gia.

Nguyễn Thanh Thảo

 

Nguồn tham khảo:

- Wikipedia;

- Chương trình ISA ủy ban Châu Âu.