Đang xử lý.....

Mối quan hệ phát triển giữa chính phủ điện tử và thành phố thông minh  

Trong giai đoạn hiện nay, thuật ngữ “thành phố thông minh” đã trở thành xu thế mới trong chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khái niệm thông minh trong phạm vi thuật ngữ “thành phố thông minh” có thể được áp dụng cho mọi thứ mà được coi là tích cực như: chất lượng dịch vụ, dân chủ, minh bạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững.... Bên cạnh đó, khái niệm thông minh được lượng hóa thông qua sử dụng các chỉ số KPI do các quốc gia phát triển, các hiệp hội ICT và tập đoàn công ty công nghệ (Big Tech) thúc đẩy, gắn nhãn thương hiệu để phân loại xếp hạng các thành phố thông minh.
Thứ Tư, 30/12/2020 692
|

Bên cạnh đó, một trong những xu hướng quan trọng liên quan đến quá trình dịch chuyển này đó là từ các nghiên cứu, giải pháp cho vấn đề môi trường và phát triển bền vững của đô thị “thành phố bền vững” đã từng bước chuyển đổi sang “thành phố thông minh”. Thuật ngữ “thông minh” được gắn liền với công nghệ ICT cũng được các chuyên gia nghiên cứu trong các lĩnh vực: kinh tế tri thức, năng lượng… áp dụng cho “thành phố thông minh” một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên đối với lĩnh vực Hành chính công là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các công nghệ ICT mới trong thành phố mà trọng tâm của nó chính là quản trị được coi có sự tương đồng với một thuật ngữ khác, đó là chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử đến Thành phố thông minh

Chính phủ điện tử được coi là: “Sự hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được ứng dụng một cách có hiệu quả những thành tựu của khoa học, công nghệ thông tin, điện tử để điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội cần có sự tham gia của nhà nước và cung ứng đầy đủ, khẩn trương, liên tục với chi phí thấp các dịch vụ công cho mọi tổ chức, cá nhân thông qua các phương tiện thông tin điện tử”.

Tuy nhiên, do khác biệt về cấu trúc thể chế chính trị ở một số thành phố trên thế giới, một số lĩnh vực như Giáo dục, An sinh xã hội… sẽ không thuộc sự chỉ đạo hành chính của chính quyền điện tử các địa phương hay thành phố.

  • Quản trị hành chính công

Có một điều có thể nhận ra những kết quả đổi mới trong phạm vi thành phố thông minh liên quan trực tiếp đến chính phủ điện tử. Nó được thể hiện dưới các tiêu đề như: thông báo và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cho người dân. Đó là các cổng thông tin, ứng dụng dịch vụ một cửa dành cho nền tảng di động được phát triển bởi các thành phố. Một ví dụ ở Việt Nam như: Hue-S (Đô thị thông minh Huế),  Hà Nội SmartCity …). Mặc dù chính quyền thành phố sử dụng các giải pháp để để tiến tới quản trị hành chính công thông minh như: thu thập – sử dụng dữ liệu, cung cấp cung cụ số trong nội bộ hoặc một hệ thống quản lý nội bộ toàn diện nhưng khái niệm về chính quyền thông minh lại thường được tách rời trong khái niệm của thành phố thông minh. Nó thường được gắn với chính phủ điện tử - chính phủ số hoặc chính phủ thông minh.

  • Tính tự chủ

Một số thành phố trên thế giới hiện nay có quyền tự trị hoặc quyền tự quản lớn đối với chính quyền trung ương (Ví dụ như: Paris, London… hoặc ở một khía cạnh nào đó như Hồ Chí Minh, Hà Nội) đã kết hợp khái niệm thành phố thông minh với sự tham gia và khả năng bày tỏ ý kiến của người dân đối với chiến lược, mục tiêu, dự án của thành phố trong tương lai. Điểm nhấn đánh dấu sự phát triển quan trọng từ thực tiễn chính phủ điện tử truyền thống sang chính quyền đô thị thông minh là chuyển dịch chuyển cách tiếp cận đối với người dân từ website, cổng thông tin sang điện thoại thông minh, mà tiêu điểm đối tượng là những thành phần dân số trẻ hơn. Sự phát triển vượt bậc về công nghệ ICT cho phép các ứng dụng dịch vụ số của chính quyền cung cấp các công cụ hiển thị trực quan hóa như: bản đồ số, sử dụng hình ảnh 3D… giúp tăng cường, tạo hiệu quả cao đối với sự tham gia của người dân và các bên liên quan trong các kế hoạch, mục tiêu dự án của tương lai.

  • Sự dịch chuyển chính sách của thành phố

Nhiều “thành phố thông minh” được định hướng vởi đặc trưng sử dụng công nghệ ICT mới trong quản lý đô thị với mục đích mang lại hiệu quả tối đa trong sản xuất dịch vụ hoặc quản lý cơ sở hạ tầng. Trong nhiều trường hợp, điều này có liên quan trực tiếp đến các động lực mục tiêu sử dụng tài nguyên hiệu quả của thành phố. “Thành phố xanh” hoặc “Đô thị sinh thái” – nơi mà các chương trình mục tiêu, dự án chủ yếu liên quan đến các chủ đề năng lượng, nước, vệ sinh, quản lý chất thải và giao thông đường bộ - đã được đổi tên thành chương trình mục tiêu, dự án “thành phố thông minh” thông qua tập trung ứng dụng công nghệ ICT.

Trên thực tế một số kết quả đạt được được tạo ra từ những thay đổi này đó là:

- Tự động điều chỉnh ánh sáng đèn đường của những con phố khi có sự hiện diện của người đi bộ.

- Chủ đề tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà sở hữu tư nhân trở thành trọng tâm của những đổi mới ban đầu, tạo động lực phát triển cho các tòa nhà khu vực công.

- Đánh giá, đo lường mức độ xả chất thải rắn trong thành phố. Tính toán, tối ưu hóa hiệu quả của quá trình thu gom chất thải. Điều này cũng có thể được áp dụng, tối ưu hóa cho dòng chảy của hệ thống cống rãnh.

- Tối ưu hóa quá trình điều kiển dòng chảy các phương tiện cá nhân và công cộng tham gia giao thông …

- Sử dụng hệ thống lưới điện thông minh thông qua đồng bộ, liên kết đồng hồ thông minh lắp đặt trong hộ gia đình để tối ưu hóa bổ tài nguyên, khuyến khích cắt giảm tiêu thụ vào giờ cao điểm.

  • Các dịch vụ công mới dựa trên công nghệ số

Các dịch vụ được gọi dịch vụ thành phố thông minh bao gồm các dịch vụ mới và các hình thức dịch vụ được nâng cấp, cải tiến từ các dịch vụ cũ. Tuy nhiên, có những điều kiện mang tính bắt buộc mà những dịch vụ này phải đáp ứng bao gồm:

- Giải quyết, đáp ứng truy cập: đặc biệt là wifi miễn phí ở nhiều nơi công cộng khác nhau, lắp đặt hệ thống cáp quang băng thông rộng.

- Tính di động: cung cấp thông tin tiện ích như: xe buýt, bãi đỗ xe, lộ trình… cho người tham gia giao thông.

- Các dịch vụ mới: bao gồm chia sẻ xe hơi, chương trình xe điện quy mô lớn, dịch vụ chia sẻ xe đạp hoặc nhiều sáng kiến thử nghiệm liên quan đến xe hơi không người lái, cung cấp thông tin du lịch…

  • Kiểm soát và đảm bảo an ninh

Chủ đề kiểm soát và đảm bảo an ninh công cộng luôn là những vấn đề gây tranh cãi về quyền riền tư và ít nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng. Chính vì điều này rất nhiều thành phố trên thế giới hạn chế đổi tên hay gắn nhãn dịch vụ “thành phố thông minh” cho các hoạt động gây tranh cãi này. Vì vậy, mặc dù sự phát triển của công nghệ ICT cho phép nhận dạng biển số tự động, hoặc có thể xác định những chủ xe vi phạm giao thông, chưa trả phí đỗ xe… nhưng những dịch vụ này cũng tạo ra những nghi ngờ về theo dõi, giám sát, vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, một số nhỏ thành phố thông minh khác đã không gặp nhiều trở ngại khi liên kết an ninh đô thị và thành phố thông minh.

  • Hỗ trợ kinh doanh và sáng kiến kỹ thuật số

Phát triển kinh tế chủ yếu được thúc đẩy thông qua hỗ trợ cho lĩnh vực ICT với các sáng kiến phát triển kinh doanh truyền thống. Một số thành phố, huyện, thị trấn khó khăn về kinh tế đã thiết lập các chương trình đào tạo để nâng cao kiến thức ứng dụng ICT trong giới trẻ và giúp người dân buôn bán nhỏ có thể giao tiếp kinh doanh thông qua các ứng dụng hoặc thiết bị đầu cuối trên điện thoại thông minh.

  • Dữ liệu mở

Dữ liệu mở cũng được liên kết với các dịch vụ được dán nhãn thành phố thông minh với hai mục tiêu:

- Tạo ra tính minh bạch, công bằng trong hoạt động quản lý dữ liệu của chính quyền. Tuy nhiên, đa phần dữ liệu mở là dữ liệu thô hoặc được xử lý một phần để phù hợp với các chủ đề chia sẻ.

 - Nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ đô thị. Chúng có thể bao gồm các dịch vụ hỗ trợ di chuyển, sức khỏe, giáo dục…. Tuy nhiên để đáp ứng mục tiêu này, chính quyền thành phố phải thiết lập một nền tảng cho phép truy cập vào dữ liệu thời gian thực.

  • Tham chiếu chéo dữ liệu và dữ liệu lớn

Dữ liệu được tích lũy liên quan từ nhiều chương trình khác nhau này đặt ra vấn đề: các thành phố khác nhau tham chiếu chéo tất cả các dữ liệu khác nhau. Đây là một phần của chiến lược dài hạn nhằm thu thập thông tin xung quanh các hệ thống thông tin địa lý được triển khai ở nhiều thành phố khác nhau. Chia sẻ và truy cập thông tin lẫn nhau giúp dữ liệu luân chuyển giữa các dịch vụ đô thị khác nhau. Các quy định tự động chia sẻ hoặc hệ thống người dùng được chia sẻ cũng tạo ra lượng lớn dữ liệu theo thời gian thực (dữ liệu lớn).

Các thành phố có thể sử dụng các công cụ deep learning để kết hợp, giải thích dữ liệu và đưa ra phân tích xuyên suốt về thực tiễn của đô thị. Nhiều thành phố có thể tự theo dõi mức tiêu thụ nước của mình, các công ty công nghệ dựa trên tham chiếu chéo dữ liệu và dữ liệu lớn đã cung cấp những hệ thống quản lý lũ lụt liên vùng hay sử dụng dữ liệu bản đồ giao thông liên vùng thời gian thực để giải quyết các vấn đề về di chuyển…

Lời kết: Thành phố thông minh - xu hướng phát triển mới

Trên thế giới hiện nay cũng như ở các quốc gia khác nhau vẫn đang tồn tại nhiều tổ chức công nhận thành phố thông minh, lĩnh vực thông minh hay dịch vụ thông minh. Mặc dù các các phương pháp sử dụng để xếp loại và đánh giá là tương đối giống nhau và có tính lặp lại. Tuy nhiên, nhiều thành phố có cách tiếp cận, phát triển khác nhau như: một số ứng dụng dịch vụ đang trong giai đoạn thử nghiệm, một số bị giới hạn trong một số khu đô thị hoặc một vài tòa nhà, một số được phổ biến một cách chung chung khắp thành phố, một số hoạt động theo thỏa thuận nhượng quyền của thành phố.

Với thành tựu của cuộc cách mạng nghệ 4.0, việc vận hành các thành phố là quá trình chuyển đổi lớn từ quản trị điện tử sang “thành phố thông minh”. Với phạm vi sử dụng công nghệ của thành phố thông minh lớn hơn nhiều so với chính phủ điện (công nghệ điện thoại thông minh gày càng phát triển với các lợi thế đáp ứng quyền truy cập mọi lúc mọi nơi; tích hợp công nghệ mới như GPS, các cảm biến, Internet of Things…) đang tạo ra các dịch vụ mới, từng bước biến đổi dịch vụ cũ dựa trên website sang các ứng dụng dịch vụ di động. Các chuyển động này có quan hệ trực tiếp đến quá trình thay đổi tư duy nhận thức của mọi tầng lớp trong thành phố và tạo ra mối quan hệ ngày càng phức tạp giữa các bên liên quan. Với trung tâm là quản trị chính phủ điện tử sẽ tạo ra nền tảng ban đầu phù hợp để giải quyết những vấn đề nóng của thực tiễn “thành phố thông minh” mới và mang lại định hướng cho quá trình phát triển tiếp theo – Quản trị thông minh.

Lê Việt Hưng

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.semanticscholar.org/paper/Understanding-electronic-government-research-and-A-Anthopoulos-Reddick/5b75d13d6491752df56af61fecd01c4d0b4ade5c

https://www.springer.com/gp/book/9789812872869

https://blog.huawei.com/2020/03/24/the-role-of-egovernment-in-smart-city-construction/

Thông tin tổng hợp internet khác