Được biết, Cộng hòa Malta là một quốc đảo nhỏ nằm phía nam nước Ý, có diện tích khiêm tốn (chỉ 316 km2). Vậy tại sao Malta lại có thể vượt qua các quốc gia khác, vươn lên dẫn đầu Châu Âu trong phát triển Chính phủ số, bài viết sẽ nêu lên một số nhìn nhận về vấn đề này.
Cộng hòa Malta
Chuyển đổi số đang là xu thế chung của toàn thế giới, Malta không đứng ngoài xu thế đó và chính quyền Malta đã chú trọng đầu tư cho công nghệ thông tin và kỹ thuật số từ rất sớm. Chính vì thế Malta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc số hóa chính phủ và chuyển đổi các dịch vụ công.
Malta là một trong các quốc gia đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến lấy người dùng làm trung tâm cho cả người dân và doanh nghiệp. Trọng tâm của chiến lược xây dựng chính phủ số hiện nay là đưa tất cả các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ Malta kết hợp với nhau trong một khuôn khổ đơn giản và liền mạch. Cổng thông tin quốc gia “www.gov.mt” là nguồn trung tâm cho tất cả các dịch vụ công dân và thông tin chính phủ, trên toàn bộ diện rộng, trong khi ‘www.businessfirst.com.mt’ là cổng thông tin quốc gia cho doanh nghiệp. Chính phủ có kế hoạch thực hiện một Chương trình của chính phủ điện tử hướng đến việc chuyển đổi các dịch vụ công thành chất xúc tác của nền kinh tế cạnh tranh cho Malta.
Digital Malta là chiến lược công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia trong giai đoạn 2014-2020. Nó nhằm mục đích cung cấp một tầm nhìn cho đất nước trở nên phát triển với tư cách là một quốc gia được hỗ trợ kỹ thuật số trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Các nguyên tắc cốt lõi làm nền tảng cho việc triển khai tầm nhìn Digital Malta được đề ra. Nguyên tắc số 1, chính phủ Malta phải đảm bảo mọi công dân đều được hưởng lợi từ các nền tảng kỹ thuật số, các cơ quan chức năng phải cung cấp được nguồn tài nguyên cho người dân như mạng lưới internet, kiến thức cơ bản về việc sử dụng các công cụ số hóa,… Nguyên tắc thứ 2, chính phủ phải khích lệ tính chủ động của các cơ quan chức năng trong việc xử lý tình huống, ứng phó các vấn đề phát sinh và đáp ứng các mong muốn nguyện vọng của dân chúng. Nguyên tắc tiếp theo là chú trọng việc thu hút sự quan tâm hỗ trợ của khu vực tư nhân, đây cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của chiến lược. Chính phủ cũng yêu cầu cấc bên liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, ăn ý để có thể khai thác tốt các nguồn dữ liệu quốc gia cũng như sử dụng tốt các nguồn lực. Ngoài ra, chính phủ cũng tập chung phát triển theo hướng tư duy mở, thử nghiệm và tận dụng các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thành công, tôn trọng các thông lệ và các tiêu chuẩn quốc tế.
Đến năm 2015, Malta đề ra một chiến lược ngắn hạn cho giai đoạn 2015 và 2017 với tên gọi “chính phủ Malta và lãnh đạo số”. Đây là chiến lược tái thiết toàn bộ cơ quan chính quyền, đổi mới cách vận hành, quản lý theo hướng kỹ thuật số. Trong ba năm này, chính phủ Malta sẽ nâng cấp các danh mục dịch vụ công và đảm bảo các dịch vụ đủ linh hoạt để có thể thay đổi phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và cạnh tranh về giá. Chiến lược được xác định với 40 hành động, phân loại thành 5 nhóm khác nhau: Cơ quan nhanh nhẹn và chủ động; Chính sách, Chiến lược & Quản trị công nghệ thông tin và truyền thông; Dịch vụ Công nghệ thông tin; Hệ thông thông tin; và Ứng dụng và tiếp nhận công nghệ thông tin. Những hành động này đảm bảo mang lại giá trị tốt nhất cho người đóng thuế và giúp chính phủ có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ công hiệu quả hơn thông qua hệ thống kỹ thuật số và đồng thời giảm tổng chi phí sở hữu, vận hành. Dựa trên những thành công trong quá khứ và hiện tại, chiến lược này sẽ tập trung vào những thách thức cần phải giải quyết để lấp đầy các khoảng trống, hướng Malta trở thành một xã hội số hóa toàn cầu. Từ quan điểm của người dân, điều này sẽ giúp nâng cao năng lực kỹ thuật số của họ để tiếp cận tốt hơn và hiệu quả hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội, kết nối người cao tuổi và những người khó khăn trong xã hội, cải thiện giáo dục cho tất cả mọi người và tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao hơn. Có thể thấy, chính phủ Malta rất quan tâm đến việc đầu tư cho nền tảng công nghệ số.
“Báo cáo điểm chuẩn chính phủ số” là một báo cáo so sánh các quốc gia ở Châu Âu trong việc cung cấp dịch vụ số cho người dân dựa trên bốn tiêu chí hiệu suất chính. Đầu tiên là trọng tâm người dùng hay còn được hiểu là mức độ dễ dàng sử dụng trên nhiều thiết bị khác nhau. Yêu cầu đặt ra là các dịch vụ được cung cấp ở mức độ nào, có thể sử dụng được trên những thiết bị nào, có những cơ chế phản hồi và hỗ trợ trực tuyến như thế nào. Tiêu chí thứ hai là tính minh bạch. Đây là vấn đề mà tất cả những người dân tham gia sử dụng dịch vụ công quan tâm, liệu chính phủ có công khai minh bạch quá trình tiếp nhận và xử lý dữ liệu, hiệu quả của tổ chức và đảm bảo các dữ liệu cá nhân được xử lý trong dịch vụ công hay không? Tiếp đến là tính xuyên biên giới. Mức độ này yêu cầu các dịch vụ công phải được thực hiện ngay cả khi người sử dụng đang ở một quốc gia khác. Và tiêu chí cuối cùng là các tính năng chính. Theo đó, ủy ban Châu Âu sẽ đánh giá những công cụ hỗ trợ công nghệ được sử dụng để cung cấp các dịch vụ của Chính phủ số.
Chính phủ số là gì?
Có thể thấy các tiêu chí hiệu suất được đánh giá vô cùng khắt khe (điểm trung bình chung của các nước thành viên EU hiện là 68%), việc Malta đứng đầu với điểm số cao chứng tỏ Malta đã có những đột phá trong việc thực hiện chính phủ số. Được biết, Chính phủ Malta luôn phát triển theo hướng lấy người dùng làm trung tâm nhất, minh bạch thông tin, kích hoạt công nghệ và mở cửa cho người dùng từ các quốc gia châu Âu khác.
Về mức độ trọng tâm của người dùng, Malta đã xếp hạng đầu về tính khả dụng trực tuyến và hỗ trợ người dùng của các dịch vụ Chính phủ điện tử, dẫn đầu về khía cạnh tổng thể này với số điểm là 99% trên mức trung bình của EU. Chính phủ Malta luôn đặt việc thử nghiệm các dịch vụ công lên hàng đầu. Qua các cuộc thử nghiệm, chính phủ có thể rút ra các bài học và lựa chọn được những Phương án phù hợp nhất với người dùng.
Đối với tính minh bạch, đây là tiêu chí hiệu suất kiểm tra về thiết kế của dịch vụ, quy trình phân phối và quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân. Malta dẫn đầu về khía cạnh này với số điểm 98% trong khi điểm số trung bình của EU là 64%.
Về tính xuyên biên giới, đây là tiêu chí đánh giá khả năng của các chính phủ trong việc cung cấp cho các doanh nghiệp và công dân của các quốc gia khác ở châu Âu khả năng truy cập liền mạch vào các dịch vụ công trực tuyến. Malta lại dẫn đầu với số điểm tổng thể là 90%, cao hơn 35 điểm phần trăm so với mức trung bình của EU.
Đối với tiêu chí tính năng chính, Malta tiếp tục đạt thứ hạng cao với mức điểm 98%. (Theo eGovernment Benchmark Reports 2021).
Thành công này của Malta đến từ rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là tiềm lực tài chính. Malta là một nước tư bản phát triển với GDP bình quân đầu người rất cao, khoảng 33.017 USD vào năm 2021. Việc có tiềm lực tài chính giúp việc phổ cập dịch vụ công được số hóa đến người dân diễn ra nhanh chóng, đơn giản hơn, đặc biệt dân trí cao giúp việc thay đổi diễn ra dễ dàng hơn rất nhiều. Tỷ lệ người dân có điều kiện trang bị cơ sở vật chất cao giúp việc chuyển đổi số diễn ra được nhanh chóng, không có người dân nào bị bỏ rơi, chính phủ cũng bớt được kinh phí trang bị cơ sở vật chất cho người dân.
Ngay khi nhận ra tầm quan trọng của công nghệ số, Malta đã nhanh chóng đầu tư 200 triệu euro (khoảng 227 triệu USD) vào công nghệ vào hồi đầu năm 2021 với mục tiêu đổi mới các dịch vụ công của Malta để công dân có thể truy cập chúng ở mọi nơi, mọi lúc trong ngày, bất kỳ lúc nào trong năm. Theo giám đốc dịch vụ công và thư ký thường trực chính của Malta, ông Mario Cutajar cho biết rằng: “Công nghệ đã giúp chúng tôi thay đổi dịch vụ công của đất nước. Cách các dịch vụ được cung cấp, cách chúng được nhóm lại với nhau để dễ tiếp cận, cách chúng luôn ở bên cạnh bạn - trên điện thoại di động hoặc máy tính xách tay của bạn.” Có thể thấy khoản đầu tư của Malta đã đem về những kết quả vượt mong đợi.
Ngoài ra, là một thành viên của khối liên minh Châu Âu, Malta cũng nhận được sự hỗ trợ to lớn từ Chương trình Châu Âu chuyển đổi số với số tiền tài trợ là 1,98 tỷ euro (2,2 tỷ đô la Mỹ). Theo đó, Chương trình sẽ triển khai một mạng lưới các Trung tâm chuyển đổi số Châu Âu được hỗ trợ với ngân sách 329 triệu euro (373 triệu đô la Mỹ) cho đến cuối năm 2023. Các trung tâm này sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho các chính phủ ở cấp quốc gia, khu vực và địa phương, như cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Nhờ đó, Malta có thể tận dụng các sự hỗ trợ và phát triển thêm mạng lưới dịch vụ công xuyên quốc gia. Không chỉ thế, việc Châu Âu hỗ trợ các quốc gia trực thuộc giúp số lượng đất nước tham gia chính phủ số tăng lên, tạo điều kiện liên kết giữa các quốc gia trong việc thực hiện các dịch vụ công xuyên lục địa.
Mặc dù Malta đang đứng top đầu Châu Âu về chính phủ số, tuy nhiên Malta cũng gặp phải tương đối nhiều thách thức. Việc các dịch vụ công phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi Chính phủ Malta phải xây dựng được hệ thống quản trị vô cùng mạnh mẽ, đáp ứng được khổi lượng truy cập lớn, lưu trữ thông tin và bảo mật thông tin, phải cho phép người dân tự kiểm soát dữ liệu của họ, cho phép họ tiếp cận các dữ liệu và thông tin phù hợp, hữu ích. Đặc biệt, chính phủ Malta phải kiểm soát được quyền truy cập của người dùng đối với từng thông tin khác nhau, tránh lộ và lãng phí dữ liệu. Để có thể làm được điều đó, Malta cần chú trọng phát triển hệ thống và đào tạo những kỹ sư công nghệ có trình độ cao, có khả năng xử lý và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, Malta chưa thực sự có một hệ thống pháp luật về an toàn mạng và chính phủ số. Điều người dân lo lắng nhất trong giai đoạn chuyển đổi số các dịch vụ công là liệu các thông tin cá nhân mình cung cấp có thể bị rò rỉ và phát tán bởi các tác nhân xấu hay không. Mặc dù Malta đã có các bộ luật liên quan đến công nghệ thông tin, thương mại số hay truyền thông như: Hành vi lạm dụng máy tính của Bộ luật Hình sự (Luật Malta); Đạo luật bảo vệ dữ liệu (Luật Malta); Đạo luật thương mại điện tử (Luật Malta); Đạo luật truyền thông điện tử (Luật Malta); Các Quy định về Truyền thông Điện tử (Thuế Thu nhập);… tuy nhiên trong tương lai, khi khối lượng dữ liệu lớn hơn, các đạo luật trực tiếp bảo vệ người dân vẫn là điều công chúng mong muốn.
Kết luận
Để có thể trở thành quốc gia đứng đầu Châu Âu về chính phủ số, Malta đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai các chương trình, chiến lược phát triển công nghệ, đầu tư rất nhiều của cải vật chất và kêu gọi sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân của quốc gia mình. Chính vì vậy, đây là thành quả mà Malta xứng đáng nhận được. Mặc dù còn rất nhiều thách thức và các quốc gia khác luôn không ngừng phát triển. Tuy nhiên nếu quyết tâm thực hiện cách mạng chính phủ số đối với các dịch vụ công, Malta hoàn toàn có thể tự tin giữ vững thứ hạng của mình trên bảng xếp hạng.
Trịnh Thị Trang
Tài liệu tham khảo:
1.https://timesofmalta.com/articles/view/malta-ranks-first-in-europe-for-e-government-services.914589
2. https://mita.gov.mt/2021/12/20/malta-europes-top-performer-in-egovernment/
3. https://www.globalgovernmentforum.com/malta-tops-european-league-table-for-digital-government/