Thông tư có 04 nội dung chính là: (i) Lập, thẩm định, điều chỉnh và quản lý tổng mức đầu tư; (ii) Lập, thẩm định, điều chỉnh và quản lý dự toán, tổng dự toán; (iii) Lập, quản lý định mức ứng dụng công nghệ thông tin; (iv) Thanh quyết toán.
Kể từ khi được ban hành đến nay, cùng với Nghị định số 102/2009/NĐ-CP, Thông tư 06/2011/TT-BTTTT đã tạo ra căn cứ pháp lý cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng, triển khai các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Qua theo dõi thực tế tình hình áp dụng Thông tư cho thấy có một số vấn đề, nội dung của Thông tư này cần điều chỉnh.
Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (gọi tắt là Nghị định 73/2019/NĐ-CP) và bãi bỏ Nghị định 102/2009/NĐ-CP. Tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 73/2019/NĐ-CP đã quy định “Việc áp dụng các phương pháp lập dự toán, tính chi phí, xác lập định mức, đơn giá trong từng thời kỳ và quản lý chi phí được thực hiện theo các công bố, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Do đó, ngày 24/02/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTTTT quy định lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Thông tư 04/2020/TT-BTTTT thay thế Thông tư 06/2011/TT-BTTTT và có hiệu lực thi hành từ ngày 09/4/2020.
Nội dung cơ bản của Thông tư 04/2020/TT-BTTTT và những điểm mới
Thông tư 04/2020/TT-BTTTT được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc:
a) Bảo đảm phù hợp với Nghị định 73/2019/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước có liên quan.
b) Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
c) Bảo đảm tính khả thi của các quy định khi triển khai trong thực tế.
Nội dung của Thông tư tập trung quy định về lập tổng mức đầu tư, dự toán, định mức chi phí, đơn giá ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, đối với lập tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư
Tổng mức đầu tư dự án là toàn bộ chi phí dự tính để đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư, là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư dự án. Cơ cấu chi phí của tổng mức đầu tư bao gồm: (i) chi phí xây lắp; (ii) chi phí thiết bị; (iii) chi phí quản lý dự án; (iii) chi phí tư vấn đầu tư; (iv) chi phí khác; (v) chi phí dự phòng.
Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định nhiều phương pháp xác định tổng mức đầu tư để chủ đầu tư lựa chọn: (i) xác định theo thiết kế cơ sở của dự án; (ii) xác định theo số liệu của dự án có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương tự đã thực hiện; (iii) Kết hợp các phương pháp nêu trên.
Các phương pháp này được Thông tư 04/2020/TT-BTTTT quy định chi tiết tại Phụ lục 01. Trong đó, đáng chú ý và là điểm mới so với quy định cũ tại Nghị định 102/2019/NĐ-CP và Thông tư 06/2011/TT-BTTTT là hướng dẫn nhiều phương pháp xác định chi phí thiết bị CNTT.
- Chi phí mua sắm thiết bị: ngoài quy định lấy báo giá cũng cho phép trong trường hợp dự án có các hạng mục hoặc toàn bộ thiết bị tương tự như các dự án đã hoặc đang triển khai thì có dự tính theo giá thiết bị trong dự án đó để đưa vào tổng mức đầu tư.
- Chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ được xác định theo các phương pháp: phương pháp so sánh hoặc phương pháp chuyên gia hoặc phương pháp tính chi phí hoặc theo báo giá thị trường hoặc kết hợp các phương pháp. Trong trường hợp xác định bằng phương pháp lấy báo giá thì việc xác định chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội căn cứ trên giá cung cấp của ít nhất 03 đơn vị cung cấp khác nhau. Chủ đầu tư xác định và yêu cầu tối thiểu 03 tổ chức, cá nhân nghiên cứu, xây dựng báo giá trên cơ sở nội dung về yêu cầu các mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng được quy định tại Điều 18 Nghị định 73/2019/NĐ-CP gửi Chủ đầu tư vào cùng một thời điểm do Chủ đầu tư quy định.
Quy định xác định chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm theo báo giá thị trường giúp đẩy nhanh tiến độ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án.
- Chi phí lắp đặt thiết bị; cài đặt phần mềm; kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm; Chi phí tạo lập cơ sở dữ liệu; chuẩn hoá và chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu; thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu; Chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống (nếu có); Chi phí triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có) có thể ước tính theo các dự án tương tự đã hoặc đang triển khai hoặc theo kinh nghiệm chuyên gia hoặc lấy báo giá hoặc lập dự toán.
Hình 2. Thành phần chi phí của TMĐT/Dự toán
Thứ hai, đối với lập dự toán dự án.
Các phương pháp xác định dự toán được hướng dẫn chung tại phụ lục 02 và chi tiết tham chiếu tới phụ lục 03, 04, 05, cụ thể:
- Chi phí xây lắp: Khối lượng các công tác xây lắp được xác định từ sơ đồ thiết kế chi tiết, từ yêu cầu, nhiệm vụ cần thực hiện phù hợp với danh mục và nội dung công tác xây lắp.
- Chi phí thiết bị được hướng dẫn: Thiết bị mua sắm bằng cách lấy báo giá: Giá tính cho một đơn vị khối lượng hoặc một đơn vị số lượng thiết bị, đã bao gồm giá thiết bị ở nơi mua (nơi sản xuất, 7 chế tạo hoặc nơi cung ứng thiết bị tại Việt Nam) hay giá tính đến cảng Việt Nam (đối với thiết bị nhập khẩu); Chi phí vận chuyển; Chi phí lưu kho, lưu bãi, lưu container; Chi phí bảo quản, bảo dưỡng tại địa điểm triển khai; Chi phí bảo hiểm và các loại thuế (không bao gồm thuế GTGT) và phí (nếu có).
Chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ vẫn được xác định theo các phương pháp như giai đoạn lập tổng mức đầu tư, tuy nhiên đối với phương pháp lấy báo giá thị trường trên cơ sở nội dung về yêu cầu các mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng được quy định tại Điều 27 Nghị định 73/2019/NĐ-CP gửi Chủ đầu tư vào cùng một thời điểm do Chủ đầu tư quy định.
Chi phí lắp đặt thiết bị; cài đặt phần mềm; kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm; Chi phí đào tạo hướng dẫn sử dụng; chi phí đào tạo cho cán bộ quản trị, vận hành hệ thống (nếu có); Chi phí triển khai, hỗ trợ, quản trị, vận hành sản phẩm hoặc hạng mục công việc của dự án trước khi nghiệm thu bàn giao (nếu có) được thực hiện bằng cách lập dự toán.
- Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và chi phí khác được xác định theo định mức chi phí tỷ lệ như mục 3, 4, 5 Phụ lục số 02 của Thông tư 04/2020/TT-BTTTT hoặc bằng cách lập dự toán cho từng chi phí cụ thể.
- Chi phí dự phòng tối đa là 07%, trường hợp lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì hệ số dự phòng Kps tối đa là 05%.
Thứ ba, quản lý định mức, đơn giá ứng dụng công nghệ thông tin.
Thông tư quy định: Đối với định mức: các Bộ, ngành, Địa phương có thể sử dụng các định mức do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc trên cơ sở phương pháp đã được hướng dẫn, xây dựng định mức mới, điều chỉnh lấy ý kiến thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi ban hành. Giá xác định theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, giá thị trường hoặc công bố của địa phương (riêng đối với Giá nhân công xác định theo hướng dẫn Bộ Thông tin và Truyền Thông).
Về các điểm mới, Thông tư 04/2020/TT-BTTTT có 02 điểm mới chính so với Thông tư 06/2011/TT-BTTTT trước đây là:
(i) Quy định nhiều phương pháp đơn giản hơn để xác định các chi phí trong tổng mức đầu tư. Trước đây quy định các chi phí trong tổng mức đầu tư phải được tính toán chi tiết như khi lập dự toán là không cần thiết, không phù hợp vì giai đoạn này mới mang tính sơ bộ. Thông tư này quy định nhiều phương pháp đơn giản hơn (báo giá, chuyên gia, so sánh) để lựa chọn trong việc tính toán các chi phí của tổng mức đầu tư, giúp rút ngắn thời gian lập dự án.
(ii) Bổ sung chi phí quản lý; thu nhập chịu thuế tính trước đối với một số loại chi phí. Trước đây không được tính các chi phí này do chưa có quy định. Thực tế triển khai các đơn vị vận dụng theo các văn bản dẫn đến không chính thống, không thống nhất. Thông tư này quy định chính thức để áp dụng thống nhất.
Kết luận
Thông tư 04/2020/TT-BTTTT về cơ bản đã quy định chi tiết phương pháp lập tổng mức đầu tư, dự toán dự án, xác định đơn giá, định mức trong quá trình lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thông tư này cũng đã quy định nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn và góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Đỗ Thị Thảo Hiền