Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (gọi tắt là Nghị định 73/2019/NĐ-CP). Nghị định 73/2019/NĐ-CP đã bãi bỏ Nghị định số 102/2009/NĐ-CP nên Thông tư 21/2010/TT-BTTTT nêu trên cũng hết hiệu lực thi hành. Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP cũng đã quy định giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu.
Do đó, ngày 24/02/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT quy định lập đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Nội dung cơ bản của Thông tư 03/2020/TT-BTTTT và những điểm mới
Thông tư 03/2020/TT-BTTTT được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc:
a) Bảo đảm phù hợp với Nghị định 73/2019/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước có liên quan.
b) Bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
c) Bảo đảm tính khả thi của các quy định khi triển khai trong thực tế.
Nội dung của Thông tư tập trung quy định về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên, cụ thể các nội dung cơ bản như sau:
Thứ nhất, quy định về phạm vi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước phải lập đề cương và dự toán chi tiết.
Khoản 2 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã nêu “Đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về lập đề cương và dự toán chi tiết”. Như vậy, phạm vi các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải lập đề cương và dự toán chi tiết của Thông tư 03/2020/TT-BTTTT là sự thay đổi so với quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BTTTT để đồng bộ với quy định mới tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP.
Thứ hai, quy định về thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết
Quy định này thay đổi so với quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BTTTT vì lý do: Cần đồng nhất với quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị tại Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Thứ ba, quy định về thẩm quyền thẩm định đề cương và dự toán chi tiết
Thông tư 03/2020/TT-BTTTT quy định, người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết thành lập hội đồng thẩm định hoặc giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối thẩm định (gọi chung là đơn vị đầu mối thẩm định).
Đối với đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hoặc theo phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại địa phương, đơn vị thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ là đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo quy định này thì tại các địa phương, đơn vị thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ chính là Sở Thông tin và Truyền thông.
Đối với đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của người có thẩm quyền tại các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ là đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết. Theo quy định này thì tại các bộ, cơ quan trung ương, tùy theo cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết là ai, cấp nào theo phân cấp thẩm quyền tài chính thì sẽ xác định đơn vị thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho phù hợp với cấp đó.
Nếu trong trường hợp đơn vị thẩm định phương án, giải kỹ thuật, công nghệ đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách thì đơn vị đó thành lập hội đồng thẩm định hoặc người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết có thể giao cho đơn vị chuyên môn khác trực thuộc thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ.
Các quy định về thẩm quyền thẩm định đề cương và dự toán chi tiết tại Thông tư 03/2020/TT-BTTTT thay đổi so với quy định tại Thông tư 21/2010/TT-BTTTT vì các lý do:
- Mức kinh phí lập đề cương và dự toán chi tiết đã thay đổi từ mức dưới 03 tỷ lên mức tối đa là 15 tỷ đồng (tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP). Mức kinh phí này tương đối lớn, tương đương với dự án nhóm C quy mô nhỏ. Mặt khác, tính chất của hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin cũng thay đổi, bao gồm cả hoạt động “thiết lập mới”, do đó đối với phương án công nghệ, kỹ thuật cần thiết phải có ý kiến thẩm định của đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin để tham mưu, giúp người có thẩm quyền phê duyệt xem xét trước khi phê duyệt.
- Về mặt thực tế hiện nay, tại nhiều bộ, ngành, địa phương, thẩm quyền thẩm định này cũng đang được người có thẩm quyền phê duyệt giao cho đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc.
Thứ tư, các nội dung khác như: nội dung đề cương và dự toán chi tiết; trình tự thẩm định, phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết; điều chỉnh đề cương và dự toán chi tiết, các mẫu biểu.
Thông tư 03/2020/TT-BTTTT cũng quy định chi tiết về nội dung của đề cương, các căn cứ xác định dự toán chi tiết. Đặc biệt, quy định rõ trong các căn cứ xác định dự toán chi tiết là: Các định mức, đơn giá do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ quản lý chuyên ngành và địa phương ban hành theo quy định của Nghị định 73/2019/NĐ-CP và các quy định, hướng dẫn về quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của Nghị định 73/2019/NĐ-CP. Điều này có nghĩa, các cơ quan trong quá trình xác định dự toán chi tiết được áp dụng các văn bản như: Thông tư 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, các văn bản định mức có liên quan.
Về trình tự thẩm định, phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết, Đơn vị đầu mối thẩm định tổ chức thẩm định đề cương và dự toán chi tiết theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư; đơn vị đầu mối thẩm định phải lấy ý kiến thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ của đơn vị có thẩm quyền thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ (tại địa phương là Sở Thông tin và Truyền thông, tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương là đơn vị chuyên trách CNTT trực thuộc người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết). Trong quá trình thẩm định, tùy theo tính chất phức tạp của từng công việc và nội dung chi, đơn vị đầu mối thẩm định có thể lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị tư vấn để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến chuyên gia (nếu cần thiết).
Về nội dung thẩm định, Thông tư cũng quy định khá chi tiết, cụ thể các nội dung thẩm định đề cương và dự toán chi tiết, các nội dung thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ và các mẫu biểu có liên quan để thuận tiện trong việc áp dụng trên thực tế.
Kết luận
Thông tư 03/2020/TT-BTTTT về cơ bản đã quy định chi tiết hoạt động lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách, quy định nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn và góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Trịnh Thị Trang