Các hoạt động đầu tiên để thiết lập việc quản trị điện tử của chính phủ Áo đã được thực hiện vào giai đoạn 1995-1996 trong sáng kiến của Hiệp hội Thông tin Áo. Từ đó, Chính phủ Áo đã xây dựng được một chính phủ điện tử khá tốt thông qua một số sáng kiến khác như chữ ký điện tử và xác thực cho công dân. Năm 2003, Chính phủ Liên bang đã khởi động một chiến lược quốc gia về Chính phủ điện tử, đặt ra các ưu tiên cho sự phát triển nhanh chóng của chính phủ điện tử ở Áo và nhằm đạt được vị trí hàng đầu trong Liên minh châu Âu. Cơ sở để đạt được mục đích này là hỗ trợ và hợp tác với các nhà hoạch định chính sách của chính phủ liên bang chính quyền địa phương, các đô thị, các cơ quan bảo hiểm xã hội và khu vực tư nhân. Nền tảng Chính phủ điện tử được thành lập dưới sự chủ trì của Thủ tướng liên bang. Các mục tiêu ngắn hạn của chiến lược này đã đạt được khi Áo đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng châu Âu về các nhà lãnh đạo chính phủ điện tử trong cuộc khảo sát chuẩn hàng năm của chính phủ điện tử do Ủy ban châu Âu công bố.
Những mục tiêu chính của chính phủ điện tử Áo hướng đến để giải quyết là:
• Các tổ chức có giao dịch hành chính với các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử;
• Công dân xử lý các vấn đề hành chính với cơ quan có thẩm quyền được thực hiện dưới dạng điện tử;
• Phát triển cơ sở hạ tầng truyền thông an toàn cho người dân, tổ chức và các cơ quan hành chính;
• Phát triển các khái niệm nhận dạng điện tử, ví dụ: Chữ ký điện tử, xác nhận điện tử..;
• Hợp tác với các nhà hoạch định chính sách của chính phủ liên bang, các tỉnh, chính quyền địa phương, các đô thị, các cơ quan bảo hiểm xã hội và khu vực tư nhân
Trách nhiệm đối với chiến lược chính phủ điện tử của Áo được giao trực tiếp cho Thư ký nhà nước, người được ủy thác thực hiện nhiệm vụ này bởi Thủ tướng liên bang. Thư ký được hỗ trợ bởi Ban CNTT-TT thể hiện vai trò của Tổng Giám đốc Thông tin liên bang và Bộ phận Chiến lược về ICT. Bộ phận Thông tin liên bang khuyến cáo Chính phủ liên bang ở cấp độ chiến lược và kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng các chính sách điện tử hóa của chính phủ và quảng bá các giải pháp về chính phủ điện tử của Áo trong khu vực châu Âu và trên thế giới. Cơ quan Thông tin liên bang thường xuyên báo cáo lên Bộ Ngoại giao về các hoạt động đang diễn ra. Bộ phận Chiến lược ICT chịu trách nhiệm ở cấp liên bang về các vấn đề pháp lý và tổ chức chính phủ điện tử, điều phối các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý chương trình và dự án, kiểm soát ngân sách và mua sắm, và các vấn đề quốc tế trong lĩnh vực chính phủ điện tử và an ninh.
Mặc dù Chính phủ Áo không áp dụng khái niệm về Kiến trúc tổng thể quốc gia (NEA – National Enterprise Architecture), nhưng các nội dung đã được xây dựng và hoàn thành lại chính là đặc điểm của NEA. Vì vậy, trong báo cáo này, chúng tôi gọi chính phủ điện tử của Áo có thực hiện việc xây dựng một NEA. NEA của Áo được mô tả trong Hướng dẫn chiến lược CNTT-TT của các cơ quan chính phủ. Kiến trúc tổng thể quốc gia của Áo dựa trên ba trụ cột cơ bản:
1) Một khung pháp lý rõ ràng có thể hiểu dễ dàng và do đó có thể nhanh chóng trở thành một phần của nhận thức cộng đồng,
2) Các hệ thống và dịch vụ an toàn và bền vững như là điều kiện tiên quyết để thực hiện trên phạm vi toàn quốc, của công dân trong các dịch vụ hành chính điện tử,
3) Sử dụng công nghệ bền vững trên cơ sở các tiêu chuẩn mở và các giao diện mở để đảm bảo thích nghi liên tục với công nghệ mới.
Khung pháp lý được đưa ra theo luật của Chính phủ điện tử từ năm 2004, làm cơ sở pháp lý cho các công cụ được sử dụng để cung cấp một hệ thống chính phủ điện tử và cho sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa tất cả các cơ quan cung cấp các dịch vụ điện tử Chính phủ. Các nguyên tắc quan trọng nhất bao gồm:
1) Tự do lựa chọn giữa các phương tiện truyền thông, kênh giao tiếp để nộp hồ sơ dịch vụ công cho chính quyền,
2) An ninh nhằm mục đích tăng cường bảo vệ pháp luật bằng cách tạo ra các phương tiện kỹ thuật thích hợp, và
3) Không bị hạn chế truy cập thông tin và dịch vụ do khu vực hành chính công cung cấp cho người có các nhu cầu cụ thể.
Việc hiện đại hoá chính phủ điện tử được chia thành ba lĩnh vực: thực hiện tổ chức, hợp tác kỹ thuật và các biện pháp cơ cấu. Thực hiện tổ chức thể hiện các quy trình của chính quyền, như hệ thống tài chinh, bỏ phiếu và lưu trữ. Hợp tác kỹ thuật bao gồm các phương tiện công nghệ và các thành phần phần mềm để thực hiện các quy trình nghiệp vụ này, như xác định cơ sở hạ tầng (mạng diện rộng, mạng LAN, máy tính để bàn, máy tính xách tay, thiết bị cầm tay, điện thoại di động, máy in, máy fax, máy quét...), xác định các dịch vụ phần mềm (dịch vụ định danh, cấp quyền, phân quyền, quản trị hệ thống, đảm bảo an toàn thông tin...), các giao thức (FTP, IP...), chính sách (các quy định, quy chế vân hành các hệ thống, kiểm soát hoạt động nói chung...) và công cụ. Mô hình định hướng dịch vụ được đề xuất để thực hiện các ứng dụng điện tử chính phủ. Cuối cùng, các biện pháp cơ cấu bao gồm các vấn đề liên quan đến các dự án, như nguồn nhân lực, tài chính, kiến thức, kỹ năng và các công cụ hỗ trợ.
Tài liệu tham khảo: Report on e-Government in Austria – 2015
Trần Kiên