Đang xử lý.....

Kinh nghiệm ứng dụng và phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain tại Estonia  

Thế giới đang ở chặng đường bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng là tích hợp toàn bộ những thành tựu của 3 cuộc cách mạng trước đây nhưng nâng lên một bước phát triển mới về chất, gắn liền với các trụ cột về trí tuệ nhân tạo, người máy thông minh có thể tự học, công nghệ blockchain, Internet vạn vật, công nghệ điện toán đám mây và xử lý dữ liệu lớn…
Thứ Tư, 07/09/2022 197
|

Mặc dù công nghệ Blockchain và các ứng dụng của nó đã được giới thiệu rộng rãi trên thế giới trong một thập kỷ vừa qua, trong gần 10 năm đầu tiên, tính khả thi và ứng dụng thực tế của công nghệ này còn chưa thực sự chắc chắn. Năm 2019 đánh dấu mốc quan trọng khi có một nhận thức chung về công nghệ Blockchain, theo đó, đây là một công nghệ có khả năng đem lại các giải pháp thực tế để giải quyết các vấn đề hiện tại của nhiều ngành cũng như nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong việc cung cấp dịch vụ công của chính phủ. Bài báo nghiên cứu thực tiễn ứng dụng công nghệ Blockchain vào việc thử nghiệm các giải pháp, dịch vụ tại Estonia.

Giới thiệu về công nghệ Blockchain

Công nghệ Blockchain được đông đảo thế giới nghiên cứu, tư vấn và nhiều tổ chức quốc tế lớn như Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP, Ngân hàng Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF… đánh giá là công nghệ trung tâm của nền kinh tế số do có thể tận dụng được tính minh bạch, xác thực và toàn vẹn của dữ liệu trong việc thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng, giúp cải thiện hiệu quả hoặc cho phép thực hiện các mô hình kinh doanh, quản trị mới so với truyền thống. Blockchain là một sản phẩm nổi lên với các tính năng ưu việt được dự đoán có thể làm thay đổi hoạt động của tất cả cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Công nghệ Blockchain có thể được sử dụng để thiết lập nhận dạng số cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Blockchain (hay còn gọi là chuỗi khối), là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng hàm băm (hash) và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó hoặc phải tốn rất nhiều tài nguyên tính toán.

Blockchain được đảm bảo nhờ cách thiết kế sử dụng hệ thống tính toán phân cấp với khả năng chịu lỗi cao nên sự đồng thuận phân cấp có thể đạt được nhờ Blockchain. Vì vậy, Blockchain phù hợp để ghi lại những sự kiện, hồ sơ y tế, xử lý giao dịch, công chứng, danh tính và chứng minh nguồn gốc. Việc này có tiềm năng giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Blockchain đầu tiên được phát minh và thiết kế bới Satoshi Nakamoto vào năm 2008 và được hiện thực hóa vào năm sau đó như là một phần cốt lõi của Bitcoin, khi công nghệ Blockchain đóng vai trò như là một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch. Qua việc sử dụng mạng lưới ngang hàng và một hệ thống dữ liệu phân cấp, Bitcoin Blockchain được quản lý tự động. Việc phát minh ra Blockchain cho Bitcoin đã làm cho nó trở thành loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên giải quyết được vấn đề double spending (chi tiêu gian lận khi 1 lượng tiền được dùng 2 lần). Công nghệ này của Bitcoin đã trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt các ứng dụng khác.

Kinh nghiệm ứng dụng và phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain tại Estonia

Blockchain và các ứng dụng, tiêu chuẩn được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho Chính phủ số. Thực hiện khảo sát về hiện trạng sử dụng Blockchain đang được xem xét ở từng quốc gia thành viên ASEAN chúng ta có thể hiểu được khoảng cách về chính sách và tiêu chuẩn công nghệ giữa các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc gia phát triển cao về việc áp dụng Blockchain: (1) Ngân hàng Krungsi (Thái Lan) áp dụng hợp đồng thông minh để bảo lãnh ngân hàng, (2) Femina Digital ID, cung cấp nhận dạng kỹ thuật số ID, (3) trung tâm đổi mới Blockchain Fujitsu, kiểm tra các trường hợp sử dụng khác nhau của blockchain trong xã hội. Các chuyên gia và đại diện đã chia sẻ kinh nghiệm về cách họ sử dụng công nghệ Blockchain để giải quyết các vấn đề xã hội và từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy công nghệ áp dụng Blockchain cho các quốc gia thành viên khu vực ASEAN.

Hình 1. Phương pháp nghiên cứu Blockchain

Tại Estonia, mặc dù Estonia đã ban hành các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các dịch vụ liên quan đến tài sản mã hóa (như nhà cung cấp ví và sàn giao dịch tài sản mã hóa) vào tháng 11/2017, nhưng tại thời điểm này, Estonia chưa ban hành bất cứ đạo luật riêng nào để điều chỉnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ Blockchain nói chung cũng như tài sản mã hóa nói riêng. Tuy nhiên, là một trong những nước tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản trị, điều hành cũng như có xu hướng cởi mở trong việc đón nhân các đổi mới, sáng tạo, Estonia được đánh giá là một trong những quốc gia được số hóa tiên tiến nhất trên thế giới. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ mới bao gồm công nghệ Blockchain trong xây dựng Chính phủ số và cung cấp dịch vụ công được đánh giá rất thành công.

Estonia đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ Blockchain từ năm 2008. Tới năm 2012, Blockchain được ứng dụng chính thức tại Estonia để bảo vệ dữ liệu quốc gia, dịch vụ điện tử và các thiết bị thông minh trong cả khu vực cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Estonia khởi đầu bằng một hệ thống nguồn mở có tên là X-Road vào năm 2001, cho phép liên thông cơ sở dữ liệu các dịch vụ điện tử, đối với cả khu vực công và khu vực tư. Hệ thống này sau đó được đưa vào công nghệ Blockchain có tên là Hạ tầng chữ ký số KSI, được phát triển bởi công ty GuardTime, một trong những công ty hàng đầu về Blockchain. KSI sau đó cũng được ứng dụng trên 180 quốc gia trên thế giới và được sử dụng bởi NATO và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Hình 2. Tổng quan về hoạt động của X-Road được ứng dụng dựa trên công nghệ Blokchain như lớp khả năng tương tác

Ứng dụng đầu tiên của Blockchain trong Chính phủ số của Estonia là lưu trữ dữ liệu quốc gia, bao gồm dữ liệu y tế, pháp luật, an ninh và thương mại, với kế hoạch mở rộng việc ứng dụng sang các lĩnh vực khác như y tế cá nhân, an toàn thông tin mạng và dữ liệu ngoài nước. Ứng dụng thứ hai là việc xây dựng định danh số cho người dân (digital identity). Thông qua việc sử dụng định danh số, người dân có thể truy cập trực tuyến các dịch vụ điện tử trong đó có cả hệ thống bầu cử trực tuyến (e-voting). Hiện nay, một ứng dụng khác Blockchain trong Chính phủ số của Estonia là việc thử nghiệm dịch vụ “công dân điện tử” có tên là e-Residency, trong đó cung cấp cho các cá nhân toàn cầu một định danh số, cho phép các cá nhân có thể bắt đầy công việc kinh doanh toàn cầu trong một môi trường tin cậy. Ngoài ra, Estonia cũng thử nghiệm cung cấp các dịch vụ số khác trong nhiều lĩnh vực, như: văn phòng ảo, các dịch vụ tài chính, các dịch vụ ngân hàng, các hình thức thanh toán, các dịch vụ điện tử, các dịch vụ nhập cư…

Trước những lo ngại về việc lộ lọt thông tin cá nhân thông qua việc tiếp cận mã định danh duy nhất của từng người dân, Estonia ứng dụng mã hóa các dữ liệu cá nhân, bao gồm hộ chiếu, giấy khai sinh, bằng lái xe, giấy đăng ký kết hôn… từ các cơ sở dữ liệu khác nhau vào thành một khối trong Blockchain, các dịch vụ công sẽ trở nên minh bạch mà không cần phải thông qua một trung tâm xử lý. Điều này không chỉ giúp bảo đảm quyền riêng tư của người dân mà còn cho phép người dân có thể kiểm tra thông tin của mình có chính xác không và biết được ai đã truy cập hoặc thay đổi thông tin cá nhân của mình. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ Blockchain giúp tăng hiệu quả các hoạt động hành chính do giảm thiểu nhân sự dành cho việc kiểm tra, đối chiếu dữ liệu giữa các hệ thống; đồng thời, giúp người dân theo dõi việc quản trị và cung cấp dịch vụ công của nhà nước. điều này giúp Chính phủ cắt giảm nguồn lực để thực hiện các hoạt động giám sát và thống kê, báo cáo cũng như giảm thiểu việc tham nhũng và sách nhiễu đối với người dân.

Kết luận

Estonia đã nhận được sự chú ý của quốc tế với tư cách là quốc gia có cơ sở hạ tầng quốc gia đầu tiên tích hợp công nghệ Blockchain vào ứng dụng và phát triển các sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít người đặt câu hỏi rằng “loại công cụ nào dựa trên Blockchain đã được Chính phủ Estonia xây dựng trên thực tế và tại sao?” Bài viết đã khám phá một số điểm đáng khen ngợi nhất về khả năng ứng dụng Blockchain (chẳng hạn như phân quyền và minh bạch) trong bối cảnh Chính phủ số của Estonia, một trong những ví dụ được trích dẫn nhiều nhất về việc quản trị bằng Blockchain.

Nếu như thời điểm trước đây, Blockchain là khái niệm hoàn toàn xa lạ với mọi người dân với người dân Việt Nam, thì từ năm 2021, Blockchain đã được biết đến với nhiều dự án. Việt Nam có một cộng đồng tương đối năng động và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain. Bên cạnh sản phẩm, ứng dụng liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa (bao gồm cả stablecoin) thì hiện tại nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam cũng như các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung từ đầu cơ tài sản mã hóa, tiền mã hóa sang tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ. Ở góc độ quản lý nhà nước, khả năng ứng dụng công nghệ Blockchain để nâng cao chất lượng quản lý, cắt giảm chi phí, nâng cao tính minh bạch… đã được nghiên cứu, đề xuất trong các lĩnh vực như thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán… Thực tế đã chứng minh rằng, Blockchain là hạ tầng tin cậy cho giao dịch điện tử, bảo mật thông tin, pháp luật, là một công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ra quyết định, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin giúp phát triển Chính phủ số bền vững...

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ “Lựa chọn, ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có thể đi tắt đón đầu cũng như có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR)…”.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

[1] Deloitte’s 2019 Global Blockchain Survey, tr, 2-3.

[2] Government Attitude, Blockchain and Crypto Currencies Regulation, Estonia 2020.

[3] Blockchain and Crypto Currencies Regulation, Estonia 2020.

[1] Blockchain for digital government - the ASEAN way.

https://asean.org/wp-content/uploads/2022/02/02-Final-_-Report-Blockchain-for-digital-government.pdf