Căn cứ nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam tại các văn bản như: Nghị định số 64/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương năm 2017,... và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành liên quan. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ của tỉnh Thái Bình trong việc ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình đã tham mưu, trình Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình ban hành một số văn bản sau:
Quyết định số 2769/QĐ-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020;
Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 27/10/2016 của UBND tỉnh triển khai chứng thư số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016 – 2020;
Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2017;
Quyết định số 3468/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030…
Để triển khai thực hiện các văn bản trên, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp về tài chính, nhân lực, thuê dịch vụ công nghệ thông tin,... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT của Tỉnh gặp một số khó khăn, trong đó thiếu kinh phí là một trong các khó khăn lớn nhất, trong khi cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa có văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể...
Xuất phát từ thực tế trên, căn cứ nguồn nhân lực CNTT của Tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình đã xác định các nhiệm vụ trong tâm, ưu tiên triển khai dựa trên điều kiện và nguồn lực thựcs tế trong việc triển khai ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, xác định trọng tâm một số nhiệm vụ sau để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa hành chính:
Công khai minh bạch thông tin, dịch vụ công trực tuyến theo tinh thần tại Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin/Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;
Với mục tiêu “Cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau; ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, số lần trong một năm người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính”;
Ứng dụng CNTT tại các Trung tâm hành chính công, bộ phận một cửa của tỉnh để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TTHC của Tỉnh;
Xây dựng, tiếp nhận khai thác sử dụng các hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) do các cơ quan Trung ương triển khai theo ngành dọc.
Sau khi xác định được các nhiệm vụ trọng tâm, kết hợp với việc học tập kinh nghiệm của các địa phương khác trên cả nước, căn cứ nguồn nhân lực CNTT hiện có (12 cán bộ trình độ CNTT từ Đại học trở lên), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình đã động viên, khuyến khích, hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học cho các cán bộ CNTT của Sở. Dựa trên các kết quả nghiên cứu, học tập Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình đã nỗ lực, xây dựng, tự làm chủ các hệ thống thông tin cốt lỗi của Tỉnh, phù hợp với xu hướng, định hướng ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Kết quả cụ thể như sau:
Một số hệ thống thông tin chính Sở Thông tin và Truyền thông triển khai, quản lý vận hành đã mang lại hiệu quả:
1. Hệ thống Cổng thông tin điện tử của Tỉnh
Cổng thông tin điện tử cho phép thiết lập các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên. Cổng thông tin điện tử bao gồm 27 cổng thành phần của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện. Thông tin được cập nhật, cung cấp kịp thời, đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Hệ thống mạng Văn phòng điện tử liên thông
Hệ thống mạng Văn phòng điện tử liên thông sử dụng trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, bao gồm cả khối Đảng và khối Chính quyền (101 cơ quan cấp tỉnh, huyện; 687 đơn vị cấp xã), hệ thống đã hỗ trợ công tác quản lý, điều hành; quản lý lịch công tác; trao đổi văn bản; theo dõi, giám sát quá trình xử lý văn bản, hỗ trợ báo cáo. Các cơ quan đơn vị thuộc Tỉnh được cấp chứng thư số để thực hiện xác thực và ký số văn bản điện tử trên hệ thống (Tổng số văn bản được xác thực bằng chứng thư số của tổ chức: 138.736 văn bản/270.130 văn bản gửi liên thông; riêng năm 2017: 14.339 văn bản/43.487 văn bản gửi liên thông; hàng trăm nghìn văn bản được gửi đi/đến trên hệ thống).
3. Hệ thống hành chính công liên thông
Tỉnh Thái Bình đã xây dựng Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, các Trung tâm Hành chính công cấp huyện (08 trung tâm); 96,4% thủ tục hành chính cấp tỉnh, 100% thủ tục hành chính cấp huyện được giải quyết tại các Trung tâm Hành chính công. Tỉnh đã xây dựng Hệ thống Hành chính công điện tử tập trung triển khai tại các Trung tâm Hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã, với hơn 9 nghìn tài khoản sử dụng hệ thống. Hệ thống này đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, liên thông hồ sơ giữa các Bộ phận một cửa, Trung tâm Hành chính công.
4. Hệ thống thư điện tử
Hệ thống thư điện tử cung cấp gần 6000 hộp thư cho cán bộ, công chức, bao gồm cả các cơ quan của khối Đảng góp phần phục vụ thường xuyên nhu cầu trao đổi văn bản điện tử cho 17 Sở, ngành thuộc UBND tỉnh, 8 huyện thành phố trực thuộc; các cơ quan đơn vị thuộc Tỉnh uỷ Thái Bình đến cấp xã, phường, thị trấn; các trường học và các bệnh viện trên địa bàn Tỉnh. Hệ thống thư điện tử của Tỉnh chủ yếu được các cơ quan của Tỉnh sử dụng để trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong Tỉnh, với các cơ quan Trung ương cấp trên, các doanh nghiệp và các cơ quan tỉnh ngoài.
Đặc biệt, các cơ quan khối Đảng của tỉnh Thái Bình đang thực hiện chung 02 hệ thống là Hệ thống thư điện tử của Tỉnh và Hệ thống mạng Văn phòng điện tử liên thông với khối chính quyền, thực hiện chỉ đạo điều hành thông suốt từ Tỉnh ủy đến các Đảng ủy xã, phường, thị trấn trong toàn Tỉnh.
Một số kết quả khác khác
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình còn triển khai các hệ thống thông tin phục vụ theo từng chuyên ngành, lĩnh vực như: Hệ thống thông tin quản lý ngành Giáo dục và đào tạo của Tỉnh đang quản lý tập trung Cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục và đào tạo tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Tỉnh, gần 1000 trường và đơn vị quản lý của ngành Giáo dục và đào tạo đã sử dụng hệ thống này từ năm học 2014-2015; Hệ thống thông tin phục vụ ngành Tài chính tỉnh Thái Bình cũng được ưu tiên đầu tư kinh phí về cơ sở hạ tầng và ứng dụng CNTT, phần mềm kế toán được triển khai tại 100% cơ quan nhà nước và các đơn vị dự toán cấp 2, 3. Phần mềm kế toán sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng đã được triển khai trong toàn bộ ngành tài chính của Tỉnh; ngành Y tế tỉnh Thái Bình cũng được ưu tiên đầu tư phần mềm ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành được triển khai từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và nhân rộng mô hình để quản lý toàn ngành Y tế, đến nay, đã có nhiều Bệnh viện lớn thuộc tỉnh đã sử dụng Bệnh án điện tử trong hoạt động chuyên môn giúp quản lý của toàn ngành ngày càng dễ dàng hơn.
Xây dựng hệ thống CSDL của Tỉnh: Tỉnh Thái Bình đã xây dựng một số CSDL làm nền tảng cho các ứng dụng quản lý điều hành, cung cấp DVC trực tuyến như: CSDL văn bản, CSDL thủ tục hành chính, CSDL người có công; CSDL tư pháp, CSDL đất đai,…
Năm 2016, tỉnh Thái Bình được Bộ Nội vụ chọn là một trong hơn 20 đơn vị tham gia thí điểm chuyển giao phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã theo lộ trình xây dựng CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ công chức cấp xã. Đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ duy trì hệ thống và triển khai nhập được toàn bộ hồ sơ của toàn bộ công chức trong Tỉnh. Tháng 9 năm 2017, được sự chỉ đạo xát sao của UBND Tỉnh, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở rộng phạm vi tập huấn cho hơn 1000 đơn vị sự nghiệp trên toàn Tỉnh (chủ yếu là khối Giáo dục và đào tạo, y tế tới cấp huyện, xã) và các xã để triển khai nhập trên 50,000 hồ sơ cho các đối tượng là viên chức và cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo tiến độ tới Quý II năm 2018 hoàn thành việc nhập liệu và đưa vào khai thác sử dụng để hỗ trợ cho công tác tổ chức cán bộ trên toàn Tỉnh.
Trên đây là những thành quả đáng được ghi nhận về tổ chức bộ máy, tính chuyên nghiệp của đội ngũ CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình trong việc tự xây dựng, triển khai các ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Với nguồn nhân lực, nguồn tài chính còn hạn chế, Sở Thông tin và Truyền thông đã tự xây dựng, triển khai các hệ thống dùng chung phục vụ cho công tác quản lý, tác nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và việc dùng ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính phục vụ với người dân, doanh nghiệp./.
Tài liệu tham khảo:
1) Quyết định số 2769/QĐ-UBND ngày 07/10/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020;
2) Quyết định số 3126/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2017;
3) Quyết định số 3468/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2020 định hướng đến năm 2030;
4) Báo cáo kết quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Thái Bình năm 2017.
Nguyễn Thanh Thảo