Đồng thời, sự phát triển của các thành tựu công nghệ thông tin trong thời gian vừa qua cũng góp phần hoàn thiện nhanh hơn cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho bước phát triển mới của thương mại điện tử. Bài nghiên cứu này tổng hợp một số thông tin cập nhật về tình hình triển khai thương mại điện tử gần đây tại các nước trong khu vực ASEAN, cung cấp thêm một góc nhìn trong bức tranh tổng thể về phát triển thương mại điện tử khu vực để góp phần hoàn thiện hơn bức tranh về tình hình triển khai thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo báo cáo của đại diện ngân hàng phát triển châu Á (ADB), châu Á Thái Bình Dương là thị trường lớn nhất và có sự phát triển nhanh chóng về thương mại điện tử với quy mô thị trường bán lẻ hàng hóa thông qua Internet đạt tới hơn 600 tỷ USD năm 2017, dự kiến tới năm 2021 đạt trên 1000 tỷ USD[1]. Đóng góp của thương mại điện tử trong nền kinh tế của khu vực châu Á Thái Bình Dương đạt tới 4,5% vào năm 2015. Ở nhóm các quốc gia có có mức độ sử dụng thanh toán điện tử thấp, triển khai thanh toán điện tử ở Việt Nam chủ yếu thông qua phương tiện thẻ thanh toán , có xếp hạng khá và liền kề với 02 quốc gia là Philippines và Indonesia. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các thành tựu công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin Theo đánh giá của ADB, các thành tựu công nghệ mới như phân tích xử lý dữ liệu lớn, Internet của vạn vật , trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchaine) hay thực tại ảo tăng cường có tác động đáng kể tới việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử nhờ nâng cao khả năng đánh giá nhu cầu của người sử dụng tốt hơn, giúp tăng trải nghiệm của người dùng trên môi trường mạng với các hệ thống mô phỏng gần với hiện thực, tự động hóa một phần các thao tác cần thực hiện và hỗ trợ thực hiện các giao dịch trực tuyến an toàn, tin cậy hơn, giúp triển khai các dịch vụ hậu cần hỗ trợ hiệu quả hơn về thời gian, chi phí.
Về các cơ hội của việc triển khai kinh tế số trong khu vực ASEAN, dự đoán số lượng người sử dụng các dịch vụ trực tuyến sẽ tăng từ 260 triệu người năm 2016 lên đến 480 triệu người trong khối ASEAN (trung bình hàng tháng có khoảng 04 triệu người sử dụng mới tham gia các hoạt động trực tuyến). Mức tiêu dùng thông qua các dịch vụ trực tuyến trong khối ASEAN vào năm 2016 đạt 30 tỷ USD, trong đó, Việt Nam nằm trong TOP 5 thị trường lớn nhất của khối cùng với các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia. Dự kiến tới năm 2025, ASEAN sẽ nằm trong nhóm 05 nền kinh tế số lớn nhất trên thế giới. Hoạt động hợp tác về thương mại điện tử cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình làm việc giai đoạn 2017 – 2025 của cộng đồng kinh tế ASEAN, với các sáng kiến về xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng ASEAN, hợp tác phát triển đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức và xây dựng các khuôn khổ bảo vệ người tiêu dùng, hiện đại hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử, quản lý cạnh tranh, hợp tác, tăng cường chất lượng dịch vụ hậu cần và xây dựng các thỏa thuận chung trong ASEAN về thương mại điện tử.
Về cơ sở pháp lý cho thương mại điện tử, theo báo cáo của các quốc gia tham gia trong diễn đàn năm nay, đến năm 2017, tất cả các quốc gia ASEAN đều có sự quan tâm tới triển khai thương mại điện tử, đa số đã xây dựng và ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, quy định về bảo vệ người tiêu dùng và các kế hoạch triển khai thương mại điện tử (trong số đó Campuchia đang trong quá trình dự thảo các văn bản pháp lý, khuôn khổ triển khai về thương mại điện tử, Myamar đang nỗ lực cập nhật, xây dựng hệ thống pháp lý phù hợp để bắt kịp các nước khác trong khu vực về thương mại điện tử).[i]
Về mức độ sẵn sàng cho hoạt động thương mại điện tử, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ dân số sử dụng Internet ở mức khá đạt 54%, trong khi đó tại Indonesia là 54,18%, tại Lào là 35%, tại Campuchia là 66,74%, tại Philippines là 63%[ii] và tại Thái Lan là 82%[iii]. Báo cáo về thực tế triển khai các hoạt động thương mại điện tử, đóng góp của thương mại điện tử đối với nền kinh tế tại một số quốc gia ASEAN cũng được xem là khả quan, với khối lượng lên đến 18,42 tỷ USD[iv] tại Malayxia, 87,9 tỷ USD tại Thái Lan[v], đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Indonesia là 4,8 tỷ USD[vi] và dự kiến đóng góp lên đến 25% GDP của Philippines vào năm 2020[vii].
Một nội dung đáng chú ý về hoạt động đầu tư tại Indonesia, quốc gia có dân số lớn hàng đầu trong khu vực, đầu tư vào thương mại điện tử vào năm 2016 chiếm tỷ trọng lên đến 21% tổng mức đầu tư đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp nhưng đến năm 2017, tỷ trọng này chỉ còn khoảng 10% do có sự dịch chuyển đầu tư mạnh sang những trào lưu đầu tư mới như công nghệ tài chính (Fintech). Về các nền tảng công nghệ hỗ trợ triển khai thương mại điện tử, bên cạnh việc khai thác các nền tảng công cộng như Facebook, Amazon, e-bay, Alibaba..., tại hầu hết các quốc gia ASEAN đã có các giải pháp, sản phẩm công nghệ thông tin nền hỗ trợ triển khai giao dịch điện tử, thương mại điện tử do các doanh nghiệp nội địa tự phát triển, cung cấp là những điểm sáng trong tiến trình phát triển thương mại điện tử của khu vực.
Với tiềm năng và tốc độ phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trên thế giới và trong khu vực ASEAN, phát triển, ứng dụng thương mại điện tử tạo ra những cơ hội mới cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, với các kết quả ứng dụng thực tế đã được đưa vào áp dụng thực tế tại các quốc gia phát triển cho phép kiến tạo những nền tảng thương mại điện tử thế hệ mới, mang lại những hình mẫu tốt cho việc học tập, áp dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử do các doanh nghiệp tại Việt Nam triển khai, trên cơ sở đó góp phần hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động thương mại, hình thành một môi trường giao dịch thuận tiện, an toàn, thúc đẩy nhu cầu trong nước và tạo thêm động lực cho sự phát triển nền kinh tế số theo chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử thế hệ mới cũng đặt ra những vấn đề mới đối với hệ thống quy định, khuôn khổ pháp lý hiện tại. Các hoạt động phối hợp, thúc đẩy xây dựng cơ sở pháp lý trong khuôn khổ hợp tác chung tại cộng đồng kinh tế ASEAN là hoạt động có ý nghĩa giúp Việt Nam nắm bắt thêm thông tin để tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý về thương mại điện tử, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước nắm bắt được những cơ hội mới khi tham gia thương mại trong khu vực và trên toàn cầu.
Nguyễn Hồng Quân
[1] Số liệu tại báo cáo Evolution of e-Commerce in Asia and Pacific của ADB, Diễn đàn thương mại điện tử Asean 2018.
Tài liệu tham khảo:
[i] Tham khảo phụ lục 1, trích trong báo cáo Thương mại điện tử ASEAN của ban thư ký ASEAN
[ii] Tổng hợp từ số liệu trong báo cáo tham gia Diễn đàn thương mại điện tử năm 2018.
[iii] Số liệu tại báo cáo Thương mại điện tử Thái Lan.
[iv] Số liệu năm 2016 tại báo cáo tham dự hội thảo thương mại điện tử của Malaysia
[v] Số liệu năm 2017 tại báo cáo tham dự hội thảo Thailand development path toward digital economy.
[vi] Số liệu năm 2017 tại báo cáo cập nhật về thương mại điện tử của Indo-nexia
[vii] Số liệu tại báo cáo Thách thức và cơ hội về thương mại điện tử tại Philippines.