Thật vậy, công cuộc toàn cầu hoá đang kéo các quốc gia trên thế giới lại gần nhau hơn, nhưng cùng với đó thì tính cạnh tranh cũng cao hơn. Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các Chính phủ phải tìm cách giúp đỡ công dân và doanh nghiệp của mình cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hoá. Nếu vẫn tồn tại dưới hình thức truyền thống, Chính phủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện vai trò của mình. Chính phủ điện tử ra đời có thể sẽ dễ dàng đáp ứng yêu cầu của toàn cầu hoá bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, rút ngắn không gian và tiết kiệm thời gian, tạo khả năng kiểm soát các “rủi ro toàn cầu” một cách hiệu quả.
Trên thế giới, New Zealand là một trong những quốc gia đi đầu và được đánh giá khá cao trong việc phát triển Chính phủ điện tử. Theo Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử mới nhất do Cơ quan các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên Hợp quốc thực hiện và công bố năm 2012 [1], New Zealand được xếp thứ 13 về chính phủ điện tử trên tổng số 192 quốc gia được đánh giá. Quả thực, New Zealand cũng là một trong những quốc gia có Chiến lược chính phủ điện tử từ rất sớm được ban hành năm 2006, trong đó nhấn mạnh các cơ quan chính phủ phải ngày càng chú trọng, tập trung vào Internet như một kênh để công bố thông tin và cung cấp các dịch vụ tương tác với người dân và doanh nghiệp [2].
Trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử, New Zealand đã vạch ra nhiều chiến lược táo bạo và hiệu quả mà các nước trên thế giới nên tham khảo và học hỏi. Cụ thể, các cơ quan chính phủ ở trung ương và địa phương phải phối hợp với nhau để cung cấp các dịch vụ liên thông được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau của chính phủ. Sự cung cấp các dịch vụ liên thông sẽ mang đến cơ hội để cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và nâng cao sự thỏa mãn của người sử dụng (công dân, doanh nghiệp). Sự hợp tác này phải được mở rộng bao gồm tất cả các cấp chính quyền từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương để cung cấp các dịch vụ đáp ứng yêu cầu người sử dụng (người dân).
Trong Chiến lược Số phiên bản 2.0 (Digital Strategy 2.0) [3], Chính phủ đã đặt ra mục tiêu New Zealand sẽ là nước dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, văn hóa và làm lợi cho tất cả người dân. Mục tiêu của Chiến lược Số của Chính phủ là thông tin, dịch vụ và các quy trình của chính phủ sẽ được tích hợp và cá nhân hóa. Công nghệ thông tin và truyền thông phải được sử dụng để thay đổi cách mà Chính phủ giao tiếp với công dân và doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu chủ yếu của Chiến lược Số 2.0 đó là tạo ra sự biến đổi trong Chính phủ. Chính phủ cam kết công khai các thông tin tới mọi người dân. Thông tin phải được sẵn sàng cung cấp bất cứ khi nào và dưới bất kỳ hình thức nào mà người dân mong muốn. Người dân New Zealand mong muốn chính phủ đáp ứng yêu cầu và cởi mở với những ý tưởng của công dân.
Đến nay, các dịch vụ công trực tuyến của New Zealand đã được tích hợp và cung cấp trên cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, cũng giống như Chính phủ Úc, New Zealand cũng chia các dịch vụ công trực tuyến thành 02 nhóm riêng cho công dân và doanh nghiệp và cung cấp trên 02 Cổng thông tin điện tử riêng biệt.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, vào tháng 3 năm 2012, Thủ tướng New Zealand John Key đã đưa ra Chương trình Dịch vụ công tốt hơn (Better Public Services Program) [4, 5], trong đó bao gồm 02 kế hoạch hành động cụ thể với mục tiêu đến năm 2017 (trong vòng 5 năm) sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt hơn cho người dân và cho doanh nghiệp.
Trong kế hoạch hành động để cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, mục tiêu cụ thể được Chính phủ đưa ra là đến năm 2017, trung bình 70% những giao dịch phổ thông nhất giữa Chính phủ với người dân sẽ được thực hiện trên môi trường số. Chính phủ cam kết với người dân New Zealand rằng Chính phủ sẽ cung cấp dịch vụ theo một phương thức mới để dễ dàng và thuận tiện hơn cho công dân. Các cơ quan chính phủ cần phải suy nghĩ trong cách thức cung cấp dịch vụ, đặc biệt là phải đáp ứng mong muốn của người dân khi truy cập tới thông tin và dịch vụ của các cơ quan trên môi trường số. Người dân mong muốn các dịch vụ ngày càng được số hóa, đáp ứng nhanh và được cá nhân hóa. Việc cung cấp dịch vụ trực tuyến tốt hơn không chỉ quan trọng với người dân mà còn quan trọng cho cả nền kinh tế của New Zealand. Khi kết hợp với những hoạt động khác của Chính phủ như các định hướng và ưu tiên cho công nghệ thông tin và truyền thông, việc thực hiện giao dịch với Chính phủ một cách dễ dàng trên môi trường số sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Việc cung cấp dịch vụ tốt hơn trên môi trường số cũng sẽ góp phần giúp đạt được những ưu tiên chiến lược của Chính phủ như việc nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ, giúp xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh và hiệu quả qua việc cho phép người dân truy cập dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn và với chi phí thấp.
Để đạt được kết quả trên, các cơ quan Chính phủ cần phải đưa ra những cách thức làm việc mới. Theo đó, trong vòng 5 năm tới, ít nhất 18 cơ quan phải cộng tác làm việc với nhau để thống nhất trong các quy trình xử lý công việc giữa các cơ quan. 08 cơ quan có đóng góp quan trọng vào kết quả đạt được (bao gồm Bộ Nội vụ, Bộ Phát triển xã hội, Tổng cục Thuế, Bộ Công an, Bộ Giao thông, Bộ Doanh nghiệp, Đổi mới và Việc làm, Tổng cục Hải quan và Bộ Bảo tồn) đã đồng ý để thực hiện việc đánh giá dịch vụ của cơ quan. Trong đó, Bộ Nội vụ sẽ đóng vai trò là cơ quan đầu mối điều phối hoạt động và báo cáo giữa các cơ quan.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề ra một số các giải pháp nhằm cung cấp dịch vụ công trên môi trường số ngày càng hiệu quả hơn. Thứ nhất, Chính phủ ưu tiên cải tiến môi trường số bởi lý do qua thời gian, người dân sẽ có thể thực hiện ngày càng nhiều dịch vụ qua môi trường số bao gồm trang/cổng thông tin điện tử, các ki ốt tự phục vụ và điện thoại thông minh. Các dịch vụ trên môi trường số phải ngày càng dễ tìm và dễ truy cập. Chính phủ sẽ xem xét làm thế nào để bảo đảm người dân có thể truy cập vào dịch vụ từ nhà và thông qua những điểm truy cập công cộng như ki ốt, thư viện. Việc triển khai mạng băng rộng tốc độ cao của Chính phủ sẽ giúp việc truy cập vào các dịch vụ qua các kênh trên môi trường số được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí cho công dân.
Thứ hai, Chính phủ tập trung thiết kế dịch vụ cho môi trường số bằng cách sử dụng những công nghệ tân tiến nhất để tạo ra một môi trường số mà ở đó người dân không cần phải hiểu về tổ chức bộ máy của Chính phủ để truy cập vào dịch vụ (người dân không cần phải quan tâm cơ quan nào xử lý dịch vụ). Các dịch vụ sẽ được thiết kế để liên thông một cách mượt mà giữa các cơ quan nhà nước. Việc này được thực hiện dựa trên những dịch vụ trực tuyến và các kênh có sẵn của các cơ quan. Các cơ quan sẽ làm việc với nhau để thiết kế lại dịch vụ sao cho dịch vụ hoạt động liên thông giữa các cơ quan.
Thứ ba, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ của người dân: Chính phủ mong muốn người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ và cũng muốn người dân không phải liên hệ đến lần thứ hai mới giải quyết được công việc. Do vậy, các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ phải hoạt động tốt, được đơn giản hóa và được tích hợp. Chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp để đẩy mạnh việc thu hút người dân sử dụng dịch vụ bằng cách thường xuyên tiếp nhận các phản hồi của người dân về chất lượng dịch vụ để từ đó cải thiện việc cung cấp cũng như chất lượng dịch vụ.
Thứ tư, Chính phủ tối ưu hóa cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ bằng cách đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ bao gồm văn phòng tiếp nhận hồ sơ, trung tâm hỗ trợ,... Với sự chuyển đổi sang cung cấp dịch vụ trên môi trường số, Chính phủ sẽ sử dụng tài sản đã đầu tư một cách hiệu quả hơn (có thể sử dụng vào việc khác) trong khi vẫn cung cấp dịch vụ cho công dân.
Song song với những giải pháp trên, Chính phủ New Zealand triển khai những hành động cụ thể bao gồm:
- Hành động 1: Phát triển sự hiểu biết về nhu cầu của người dân dựa trên nghiên cứu về việc người dân cần gì. Chính phủ phải lắng nghe người dân để hiểu biết người dân cần những dịch vụ gì và làm thế nào để cải thiện dịch vụ. Thông qua việc nghiên cứu, chú ý tới những phản hồi của người dân trong việc cung cấp dịch vụ, Chính phủ sẽ không ngừng cải thiện sự hiểu biết về những gì người dân cần và người dân muốn tương tác, giao dịch với Chính phủ như thế nào. Cụ thể, Chính phủ sẽ nghiên cứu cách thức tốt nhất trong việc thiết kế dịch vụ để đáp ứng nhu cầu người dân sao cho người dân sẽ sử dụng dịch vụ trực tuyến được thiết kế mới. Mặt khác, liên tục xem xét hoạt động của các dịch vụ trực tuyến, phản hồi lại bộ phận thiết kế dịch vụ và thu hút các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư cùng tham gia tìm cách cải thiện việc cung cấp dịch vụ của Chính phủ.
- Hành động 2: Phát triển và thúc đẩy các sáng kiến cung cấp các dịch vụ trực tuyến lấy công dân làm trọng tâm. Các cơ quan chính phủ phải làm việc với nhau để đưa ra các sáng kiến làm cho việc hiển thị thông tin dịch vụ trực tuyến dễ dàng cho người dân. Chính phủ sẽ xây dựng và duy trì một danh mục của tất cả các dịch vụ mà người dân có thể sử dụng. Thông tin được trình bày và tổ chức hướng đến nhu cầu người dân, không phải hướng đến cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Do vậy, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan cần phải xem xét để thiết kế lại. Đồng thời, xác định những bài học điển hình trong việc thiết kế và cung cấp dịch vụ để tái sử dụng cho toàn bộ Chính phủ.
- Hành động 3: Xây dựng lộ trình để tái sử dụng việc cung cấp dịch vụ trong các cơ quan chính phủ để cắt giảm chi phí đầu tư và sự phân tán trong việc cung cấp dịch vụ trực tuyến. Cụ thể, Chính phủ sẽ phát triển cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng cho điện thoại thông minh; Phát triển các ki ốt tự phục vụ thế hệ tiếp theo để hỗ trợ cho việc chuyển đổi sang dịch vụ số; Xây dựng một phương thức chung cho những giao dịch được sử dụng phổ biến nhất chẳng hạn như thanh toán chi phí dịch vụ, nộp biểu mẫu, đặt lịch hẹn với cơ quan chính phủ; Liên tục cải thiện cách thức mà người dân được xác thực với cơ quan nhà nước, chẳng hạn như dịch vụ “Real-Me” đang được phát triển dưới sự hợp tác với Bưu điện New Zealand và xây dựng một phương thức để quản lý tốt hơn thông tin cá nhân của người sử dụng để người dân không phải nhập đi nhập lại nhiều lần.
- Hành động 4: Tạo ra các dịch vụ hướng công dân thông qua việc cải tiến và hợp tác. Chính phủ không thể tự làm việc này một mình mà phải cần đến sự tham gia của dân, những người làm trong các cơ quan, những đối tác để chuyển đổi dịch vụ sang môi trường số. Cụ thể, Chính phủ sẽ sử dụng các phương tiện mới để gia tăng sự tham gia của người dân trong việc cung cấp phản hồi về những gì đã làm tốt và những gì còn chưa tốt. Những thông tin không phải là thông tin cá nhân liên quan đến việc cung cấp dịch vụ có thể được sử dụng bởi các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư vào việc thiết kế và cung cấp dịch vụ của Chính phủ.
- Hành động 5: Phát triển các trường hợp điển hình để cải thiện việc sử dụng hạ tầng cung cấp dịch vụ của Chính phủ. Bất kỳ sự thay đổi nào đến hạ tầng cung cấp dịch vụ đều phải được xem xét cẩn thận. Chính phủ phải bảo đảm rằng bất kỳ sự thay đổi nào đối với hạ tầng cung cấp dịch vụ không được ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Để đo lường sự thành công của Chương trình Dịch vụ công tốt hơn và của kế hoạch hành động nói riêng, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là đến năm 2017, trung bình 70% các giao dịch phổ thông nhất giữa Chính phủ với người dân sẽ được thực hiện trên môi trường số. Các giao dịch này được xác định cụ thể bao gồm:
- Khai báo thông tin hành khách đến/đi (Tổng cục Hải quan).
- Đưa vào danh sách những di sản bảo tồn (Bộ Bảo tồn).
- Làm mới hộ chiếu (Bộ Nội vụ).
- Xin Visa (Sở di trú).
- Cấp mã số thuế cá nhân; Khai hoàn thuế; Trả thuế cá nhân (Tổng cục Thuế).
- Nộp xin hỗ trợ tài chính (Bộ Phát triển xã hội).
- Nộp tiền phạt (Bộ Công an).
- Nộp tiền lấy đăng ký xe (Bộ Giao thông).
Trong Kế hoạch hành động cung cấp dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, Chính phủ New Zealand đặt mục tiêu đến năm 2017, các doanh nghiệp New Zealand sẽ được cung cấp một cửa trực tuyến cho tất cả khuyến nghị và hỗ trợ của Chính phủ để hoạt động và phát triển kinh doanh. Cắt giảm 25% chi phí của doanh nghiệp khi phải giải quyết các thủ tục với cơ quan nhà nước và chất lượng các dịch vụ của Chính phủ cung cấp cho doanh nghiệp được đánh giá tương đương với những dịch vụ cung cấp bởi khu vực tư vào năm 2017. Theo đó, Chính phủ sẽ lắng nghe những phản hồi của doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ trực tuyến tốt hơn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và của Chính phủ. Các cơ quan chính phủ sẽ phải cải thiện việc xử lý nội bộ (back office) để cung cấp dịch vụ trực tuyến một cách tốt nhất trong đó đặc biệt tập trung vào các dịch vụ mà hiện nay đang được thực hiện nhiều theo phương thức trực tiếp người với người. Theo Kế hoạch này, doanh nghiệp sẽ có được các dịch vụ trực tuyến nhanh hơn, các dịch vụ tích hợp tốt hơn và các dịch vụ trực tuyến này được thiết kế tối ưu cho doanh nghiệp. Để thực hiện kế hoạch này hiệu quả, Chính phủ New Zealand đã thành lập Ban Tư vấn gồm các thành viên từ nhiều cơ quan và doanh nghiệp bao gồm: Bộ Doanh nghiệp, Đổi mới và Việc làm; Bộ Xây dựng và Nhà ở; Bộ Lao động; Bộ Khoa học và Đổi mới; Công ty bồi thường tai nạn; Bộ Công nghiệp; Tổng cục Thuế và cơ quan thống kê New Zealand.
Tuy rằng hiện nay New Zealand đã được Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá khá cao trong chỉ số thuận tiện cho doanh nghiệp (Ease of Doing Business Index) nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải cải thiện. Trong đó, hạn chế lớn nhất là nhiều doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra nỗ lực không cần thiết khi làm việc với các cơ quan chính phủ; không phải doanh nghiệp luôn luôn nhận biết được sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được từ Chính phủ. Mặt khác, đôi khi các cơ quan nhà nước không nhất quán trong cách thức giải quyết công việc với doanh nghiệp; các dịch vụ trực tuyến đôi khi được tổ chức theo cơ cấu tổ chức của Chính phủ thay vì được tổ chức theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Chính phủ xác định việc cung cấp dịch vụ trực tuyến tốt nhất và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp là quan trọng vì doanh nghiệp sẽ là những khách hàng chính của Chính phủ. Do vậy, chất lượng và tốc độ xử lý dịch vụ sẽ tạo sự khác biệt cho khả năng của doanh nghiệp để hoạt động, phát triển và xuất khẩu. Rõ ràng nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến của các doanh nghiệp New Zealand là rất lớn vì thống kê cho thấy trung bình có khoảng 3 triệu giao dịch giữa các cơ quan với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mỗi quý (04 tháng). Chính phủ hy vọng rằng, công nghệ mới sẽ cung cấp những cách thức đơn giản, hiệu quả với chi phí thấp cho các doanh nghiệp khi làm việc với Chính phủ.
Có 08 hành động cụ thể trong kế hoạch hành động được Chính phủ New Zealand đưa ra như sau:
- Hành động 1: Tạo ra một cửa giao tiếp chia sẻ chung cho các dịch vụ của Chính phủ. Hành động này được xác định sẽ thực hiện trong vòng từ 06 đến 18 tháng bao gồm các công việc:
+ Tạo ra một trung tâm dịch vụ trực tuyến nơi mà các doanh nghiệp có thể truy cập đến các thông tin, dịch vụ và công cụ hỗ trợ của tất cả các cơ quan nhà nước.
+ Tạo ra cơ chế cho phép tiếp nhận phản hồi trực tuyến sao cho các doanh nghiệp có thể đánh giá về dịch vụ của Chính phủ.
+ Loại bỏ sự rối rắm cho doanh nghiệp trong việc làm thế nào để truy cập đến dịch vụ.
- Hành động 2: Tăng cường cung cấp dịch vụ trực tuyến. Việc này đang được Chính phủ tiến hành bao gồm các công việc:
+ Tăng cường triển khai các công cụ chất lượng cao cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến từ các cơ quan nhà nước.
+ Làm cho dịch vụ trực tuyến sẵn sàng ở bất cứ thời gian, địa điểm và trên bất kỳ thiết bị nào.
+ Cho phép truy cập đến dữ liệu của Chính phủ, từ đó doanh nghiệp có thể tạo ra các dịch vụ thông minh hơn cho doanh nghiệp.
- Hành động 3: Thu thập thông tin và chia sẻ sao cho doanh nghiệp chỉ phải khai báo thông tin một lần. Hành động này sẽ được thực hiện từ 18 đến 36 tháng để bảo đảm việc tích hợp dịch vụ được tốt hơn, bao gồm các hoạt động:
+ Cung cấp cho mỗi doanh nghiệp một mã định danh để doanh nghiệp chỉ phải nhớ một mã số khi làm việc với các cơ quan nhà nước.
+ Tăng cường lượng thông tin chia sẻ giữa các cơ quan cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp có được những dịch vụ mạch lạc hơn (dịch vụ liên thông rõ ràng).
+ Loại bỏ những yêu cầu cho cùng một thông tin và cho phép doanh nghiệp thực hiện các giao dịch có liên quan cùng lúc.
+ Làm cho các dịch vụ ngày càng trở nên phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp (dịch vụ được cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp).
- Hành động 4: Xác định và thiết lập các tiêu chuẩn cho dịch vụ lõi và các biện pháp để đo lường việc thực thi. Hành động này được thực hiện trong vòng 12 tháng bao gồm các hoạt động:
+ Chính phủ phải làm việc với các doanh nghiệp để xác định các tiêu chuẩn cho dịch vụ. Các tiêu chuẩn này bao gồm những thứ liên quan đến thông tin, các kênh giao tiếp, cơ chế khiếu nại (phản hồi), tiêu chuẩn cho nhân viên phục vụ trực tiếp.
+ Sử dụng các tiêu chuẩn cho dịch vụ và hiệu suất dịch vụ để định hướng cho việc cung cấp dịch vụ một cách nhất quán cho doanh nghiệp, đồng thời cung cấp cơ chế cho phép cộng đồng đánh giá và đo lường hiệu suất của các cơ quan.
Hành động 5: Củng cố các chức năng của Chính phủ. Thời gian thực hiện hành động này là 06 tháng, bao gồm các công việc:
+ Tối ưu hóa các dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt các dịch vụ do Bộ Doanh nghiệp, Đổi mới và Việc làm cung cấp.
+ Rút kinh nghiệm từ bài học trong việc cung cấp dịch vụ qua hai trận động đất năm 2010 và 2011 tại thành phố Canterbury.
- Hành động 6: Xây dựng các dịch vụ trực tuyến tích hợp hướng doanh nghiệp. Hành động này sẽ được thực hiện trong vòng 06 tháng với mục đích là thiết kế dịch vụ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Các hoạt động bao gồm:
+ Sử dụng các công cụ kinh doanh thông minh để tạo ra các dịch vụ tích hợp mang lại giá trị thêm cho doanh nghiệp.
+ Thiết kế hệ thống giao dịch, hỗ trợ và truyền thông sao cho phù hợp với cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cùng lúc nhiều giao dịch với cơ quan nhà nước được dễ dàng thông qua việc triển khai hệ thống quản lý doanh nghiệp tại một số cơ quan liên quan.
- Hành động 7: Làm cho các doanh nghiệp dễ hiểu phải làm gì để tuân thủ các quy định. Thời gian thực hiện hành động này là 18 tháng bao gồm các nội dung:
+ Thảo luận với các doanh nghiệp để xác định các quy định còn chưa rõ ràng hoặc những quy định mà doanh nghiệp còn đang băn khoăn chưa biết tuân thủ thế nào.
+ Tìm những cách thức thông minh hơn để tư vấn và giao tiếp với doanh nghiệp về những yêu cầu pháp lý (các quy định).
+ Tìm kiếm cơ hội để đơn giản hóa chức năng quản lý, điều này giúp tối đa hóa hiệu quả và giảm sự trùng lặp.
- Hành động 8: Làm các quy trình xử lý nghiệp vụ của các cơ quan với doanh nghiệp đơn giảm và rõ ràng hơn. Hành động này đang được các cơ quan thực hiện bao gồm các công việc:
+ Các cơ quan triển khai cải cách thủ tục giao dịch với các doanh nghiệp.
+ Thiết kế lại Dịch vụ đấu thầu điện tử của Chính phủ để dễ dàng hơn khi làm việc với Chính phủ. Điều này cũng có nghĩa rằng cơ hội kinh doanh của khu vực tư sẽ trở nên dễ dàng hơn và ít tốn kém hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Vương quốc Anh, Chiến lược số của Chính phủ tháng 11/2012 (Government Digital Strategy).
2. New Zealand, Chiến lược chính phủ điện tử năm 2006 (A Strategy for e-government 2006).
3. New Zealand, Chiến lược số 2.0 tháng 8/2008 (Digital Strategy 2.0).
4. New Zealand, Dịch vụ tốt hơn cho người dân New Zealand năm 2012 (Better public services for New Zealanders 2012).
5. New Zealand, Dịch vụ tốt hơn cho doanh nghiệp năm 2012 (Better public services for businesses 2012).
6. Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến một số nước trên thế giới:
New Zealand:www.newzealand.govt.nz; www.business.govt.nz