Hàn Quốc là một quốc gia hưởng lợi lớn từ chuyển giao công nghệ thông tin từ nước ngoài, đây cũng là nguồn kiến thức chính cho các doanh nghiệp ở “xứ sở kim chi” học tập và tự phát triển những công nghệ của riêng mình. Từ những năm 1960 đến 1970, các doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc nhận được những “gói ” công nghệ hoàn thiện từ các nước phát triển để sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn cũng như tiêu chuẩn hóa. Ở giai đoạn đầu, việc đổi mới công nghệ chủ yếu là sao chép, giải mã các sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài, bên cạnh đó, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và học hỏi thông qua liên kết với các doanh nghiệp đa quốc gia giúp cho trình độ của nguồn nhân lực trong nước được cải thiện đáng kể. Việc ký kết các thỏa thuận thầu phụ cũng là một kênh để nền công nghệ Hàn Quốc tiếp cận được với những tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên khi các doanh nghiệp trong nước đang làm chủ được việc sao chép công nghệ thì gặp phải sự cạnh tranh về giá nhân công từ các nước đang phát triển. Việc này buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc phải phụ thuộc nhiều hơn vào chuyển giao công nghệ dưới hình thức cấp phép từ nước ngoài hoặc nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Bằng chứng là trong những năm 80 của thế kỷ 20, FDI của Hàn Quốc tăng từ 218 triệu USD (trong giai đoạn từ năm 1967-1971) lên 1,76 tỷ USD (trong giai đoạn từ năm 1982-1986), trong cùng thời kỳ, cấp phép từ nước ngoài tăng hơn 72 lần (từ 16,3 triệu USD lên 1,18 tỷ USD).
Bên cạnh nhận chuyển giao công nghệ và cấp phép từ nước ngoài, các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư vào nghiên cứu, phát triển (R&D) để tăng lợi thế trong việc đàm phán nhận chuyển giao, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài cũng như tạo ra những sản phẩm khác biệt có giá trị cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Năm 1990, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc tăng từ 10,6 tỷ Won (năm 1971) lên 3,4 nghìn tỷ Won và khu vự tư nhân là một nhân tố quan trọng trong nỗ lực R&D của chính phủ. Tỷ lệ R&D tư nhân của Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới trong năm 1994 với hơn 80%. Từ năm 1998 đến nay, chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy việc nghiên cứu cơ bản trong nước, các nhà khoa học nói riêng và ngành khoa học nói chung được quan tâm đặc biệt và trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc phát triển công nghệ mới ở Hàn Quốc.
Từng là một trong số những nước nghèo nhất châu Á sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, bằng những biện pháp can thiệp hợp lý, Hàn Quốc đã vượt qua muôn vàn khó khăn để vươn mình trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới.
Đầu tiên phải kể đến chính sách đẩy nhanh tốc độ chuyển sang kinh tế số. Chính phủ tập trung vào 3 yếu tố làm nền tảng chính cho tăng trưởng kinh tế số: Hệ thống giáo dục tiên tiến, giữ gìn bản sắc văn hóa và tầm nhìn dài hạn của chính phủ về công nghệ thông tin. Giáo dục Hàn Quốc mang đặc trưng của một quốc gia Đông Á với quan điểm “Học tập là cách duy nhất để thoát nghèo” và những môn học truyền thống như Toán học và Khoa học luôn được ưu tiên. Những môn học này lại là cơ sở của kinh tế số nói riêng và công nghệ nói chung. Tuy nhiên, thay vì giảng dạy theo cách truyền thống, công nghệ thông tin được tích hợp vào giáo dục, từ đó học sinh Hàn Quốc có cơ hội tiếp xúc với công nghệ rất sớm, giúp cho giới trẻ xứ sở kim chi có khả năng tiếp cận với những công nghệ số rất cao.
Quá trình số hóa của Hàn Quốc bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi các thủ tục hành chính được thông tin hóa trên máy tính trong các lĩnh vực bao gồm đăng ký cư trú, bất động sản và xe cộ. Cho đến những năm 1990, trọng tâm của số hóa thông tin chuyển sang các quy trình cao cấp hơn như quy trình cấp hộ chiếu, cấp bằng sáng chế hay ứng dụng quản lý mua sắm. Trong những năm đầu 1990, cuộc cách mạng chuyển đổi thể chế chính phủ ở Hàn Quốc diễn ra, từ chính phủ độc tài sang chính phủ quốc hội, đã làm giảm đi sự quan tâm của chủ tịch lúc bấy giờ - ông Kim Young-Sam trong việc phát triển CNTT. Tuy nhiên, với việc khởi động Dự án Siêu xa lộ thông tin ở Hoa Kỳ vào năm 1993, chính phủ mới đã củng cố ý chí của mình một lần nữa bằng cách thành lập Bộ Truyền thông (MIC) và thông qua Dự án mạng băng thông rộng tốc độ cao với mục tiêu phát triện rộng rãi mạng lưới internet hiện đại. Trong giai đoạn 1998 ~ 2000, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, lợi ích của Tổng thống Kim Dae-Jung tập trung vào việc tái cơ cấu 4 lĩnh vực chính để phục hồi sau khủng hoảng kinh tế và do đó, sự quan tâm của Tổng thống đối với các dự án của chính phủ đã giảm xuống. Cho đến năm 2001, sự quan tâm tới Dự án Chính phủ điện tử bắt đầu trở lại, Bộ truyền thông trở thành cơ quan ban hành chiến lược có tầm quan trọng cao nhất đối với sự đổi mới của chính phủ (NCA, 2002). việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho Chính phủ điện tử được thực hiện trên phạm vi toàn chính phủ, trong đó 11 sáng kiến và 31 dự án phát triển kỹ thuật số đã được thực hiện. Việc thúc đẩy Chính phủ điện tử dẫn đến nâng cao hiệu quả quản lý hành chính công bằng cách ổn định quá trình xử lý công việc của chính phủ, đồng thời cải thiện tính khả thi về kinh tế, chuyên môn và bảo mật trong quản lý nguồn lực của chính phủ bằng cách xây dựng các trung tâm dữ liệu toàn chính phủ và tích hợp hệ thống thông tin của chính phủ.
Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ. Theo số liệu của OECD, chính phủ đã duyệt chi hơn 91 tỷ USD cho R&D, đứng thứ hai thế giới. Do đó, nước này có một nền tảng công nghệ vững chắc để bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hàn Quốc đã có thể hiện thực hóa một chính phủ thuận tiện, minh bạch và hiệu quả, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới do biết cách tận dụng các nguồn lực một cách hiệu quả. Chính phủ số là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc. Với một Chính phủ số mới như chính phủ thông minh và quốc gia thông minh, Hàn Quốc sẽ có một bước nhảy vọt trong tương lai. Môi trường Chính phủ số đang thay đổi nhanh chóng. Công nghệ thông tin mới sẽ tạo ra một xã hội siêu kết nối, kết nối mọi người, mọi thứ và không gian mà không có bất kỳ ràng buộc nào. Đặc biệt, các công nghệ mới nổi, dữ liệu đám mây, dữ liệu lớn và di động đang biến đổi tương lai của Chính phủ điện tử.
Từ năm 2014, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách Thành phố thông minh với trung tâm là thành phố Busan – thành phố đông dân thứ hai cả nước. Ở Busan, các dự án nâng cấp đường phố, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, năng lượng thông minh nhưng vẫn bảo tồn những giá trị tự nhiên. Những công nghệ thông minh sẽ giúp cải thiện sinh kế và đưa thành phố nói riêng và đất nước nói chung hướng đến những công nghệ tiếp theo.
Bên cạnh thành phố thông minh, Hàn Quốc thuộc những quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển công nghệ 5G. Mạng 5G được chính phủ Hàn Quốc coi là xương sống của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy mới chỉ ra mắt mạng 5G vào tháng 4 năm 2020, nhưng đã có đến hơn 7,86 triệu thuê bao 5G được đăng ký tính đến đầu tháng 8 năm 2020, chiêm 11,3% tổng số thuê bao di động ở đất nước này. Không dừng lại ở đó, Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch kêu gọi đầu tư gần 200 triệu USD vào nghiên cứu và phát triển mạng 6G. Mặc dù là nước phát triển hàng đầu về công nghệ thông tin với những tập đoàn lớn như Samsung, LG, SK, KT v.v. Hàn Quốc lại không giữ cho riêng mình. Theo chia sẻ của Tiến sĩ Kim Seung Keon (Phó chủ tịch hiệp hội Thúc đẩy CNTT Hàn Quốc – KAIT) về việc chia sẻ kiến thức về CNTT với các nước khác trên thế giới, là cầu nối giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, ông nói: “Chúng tôi không chỉ muốn quyên góp tiền hay thực phẩm vì chỉ là sự hỗ trợ ngắn hạn. Chúng tôi muốn hướng dẫn họ cách bắt cá, CNTT là một công cụ rất tốt và một ngành hữu ích để hỗ trợ các nước đang phát triển”.
Xứ sở kim chi cũng là một trong những nước dẫn đầu trên thế giới về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và áp dụng vào thực tiễn với ví dụ điển hình là xây dựng các phần mềm trợ lý ảo.
Trợ lý ảo là các phần mềm được xây dựng dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), bằng việc đưa ra các yêu cầu cho trợ lý ảo, người dùng có thể thực hiện các thao tác, tìm kiếm thông tin. Trợ lý ảo đầu tiên ra đời vào năm 1961 là IBM Shoebox, ngày nay, trợ lý ảo đã được phổ cập nhiều nơi từ các thiết bị di động thông minh cho đến hệ thống sinh thái nhà thông minh. Một số trợ lý ảo nổi tiếng có thể kể đến như: Siri (Apple), Google Assistant (Google), Vivi (Vinfast), Samsung Bixby (Samsung), v.v.
Tại Hàn Quốc, một trợ lý ảo trên điện thoại thông minh mang tên GoodPy được thiết kế để giúp người dân có thể dễ dàng nhận được các thông tin về dịch vụ công. Nếu như trước đây, để nhận được thông tin về các dịch vụ chính phủ cung cấp, người dân phải truy cập vào các trang web của chính phủ, việc này vô cùng mất thời gian và chưa chắc người dân có thể tìm được thông tin mình mong muốn. Nhưng giờ đây với GoodPy, mọi thông tin sẽ được gửi đến người dân tức thời, mọi lúc mọi nơi, với những thao tác vô cùng đơn giản trên chính chiếc điện thoại thông minh của mình.
Hình 01: Goodpy - Trợ lý ảo quốc gia
Được ra mắt vào năm 2021, GoodPy có nhiệm vụ giúp: Đơn giản hóa cách người dân tìm kiếm những thông tin về dịch vụ công, xóa bỏ giới hạn trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số và chia sẻ thông tin giữa các tổ chức, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số của các công ty tư nhân để đa dạng hóa các kênh cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh triển khai dịch vụ trợ lý kỹ thuật số trên toàn chính phủ. GoodPy sẽ dựa trên những ứng dụng được sử dụng phổ biến ở Hàn Quốc (Naver, Kakao Talk, Toss, v.v.) để phân tích, dự đoán từ đó đưa ra những tư vấn cho người dùng. Với Dịch vụ Trợ lý ảo cho công chúng GoodPy, người dùng là cá nhân hay tổ chức có thể dễ dàng nhận được các thông tin như các chương trình phúc lợi, lịch tiêm chủng, các gói hỗ trợ Covid-19 của chính phủ, thông báo lịch kiểm tra y tế, các giấy phạt vi phạm, gia hạn giấy phép lái xe, đào tạo lái xe cáo cấp, đào tạo lái xe buýt trường học, đơn xin học bổng, v.v. Từ khi ra đời, GoodPy đã nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Chỉ tính đến hết năm 2021, GoodPy đã có hơn 14 triệu người dùng, tức là ở Hàn Quốc, cứ 4 người thì sẽ có một người sử dụng GoodPy. Trợ lý ảo như GoodPy giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công tại Hàn Quốc.
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, người ta càng nhận thấy sự ưu việt của những phương thức cung cấp dịch vụ công không chạm như GoodPy. Ứng dụng này đã giúp lên lịch cho 370 triệu cuộc hẹn tiêm chủng cho hơn 44 triệu người Hàn Quốc, đồng thời hướng dẫn người dùng nhận hỗ trợ Covid-19 từ chính phủ. Nó giúp những người đã hoàn tất thủ thục xin trợ cấp từ chính phủ có thể nhận được tiền ngay sau hai tuần làm thủ tục.
Có thể thấy, sự vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi chính phủ số của Hàn Quốc là một bài học to lớn dành cho các quốc gia mới hoặc đang tham gia chuyển đổi số. Sự thành công này đến từ việc phân chia nguồn lực vô cùng hiệu quả. Nhận định rõ các điểm mạnh điểm yếu, chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi linh hoạt các mục tiêu giữa phát triển kinh tế và chính phủ số, nhờ đó các nguồn lực được tận dụng tối đa. Nhận thức được các bất cập trong khâu xử lý dịch vụ công do nguyên nhân hệ thống máy tính kém, chuyên môn chưa cao, lỗ hổng bảo mât bắt đầu phát sinh, Hàn Quốc đã trực tiếp xây dựng trung tâm hệ thống riêng của chính phủ, một hệ thống chỉ xử lý, vận hành các dịch vụ công, các hoạt động của chính phủ. Đây là trung tâm đầu tiên thuộc loại hình này trên thế giới. Điều đó giúp cho hệ thống dịch vụ công số hóa của Hàn Quốc vận hành được tốt hơn. Có thể thấy, Hàn Quốc đang phát triển chính phủ số theo hướng tìm ra vấn đề và sửa lỗi, ngay từ những vấn đề nhỏ nhất. Điều đó giúp hệ thống của Hàn Quốc ngày một hoàn thiện hơn, chỉn chu hơn. Trong suốt quá trình phát triển dịch vụ số, chính phủ Hàn Quốc luôn quyết liệt thực hiện các kế hoạch và chiến lược đã nêu ra. Chính vì như vậy, những thành công mà Hàn Quốc đạt được là hoàn toàn xứng đáng.
Kết luận
Những kết quả tích cực mà GoodPy mang lại là một ví dụ điển hình của sự hợp tác thành công giữa Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi chính phủ cung cấp dịch vụ công nhanh chóng thông qua nhiều kênh khác nhau, thì khu vực tư nhân tham gia bằng cách phát triển các dịch vụ sáng tạo và liên kết các kênh cung cấp dịch vụ tư nhân với các dịch vụ công hiện có. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho các công dân, vì giờ đây họ có thể truy cập các dịch vụ công cộng một cách thuận tiện trên các thiết bị di động của mình.
Trịnh Thị Trang
Tài liệu tham khảo:
1.https://www.worldbank.org/en/events/2022/02/09/digital-the-door-to-a-better-world-digital-government-strategy-and-cases-in-korea
2.https://thedocs.worldbank.org/en/doc/c26ebf128a89cc628546d4d50a5bf029-0350052022/original/-GovTech-Talks-02-Innovation-for-Intelligent-Public-Services.pdf
3. https://www.dgovkorea.go.kr/service1/g2c_01/goodpy
4.https://www.kocis.go.kr/eng/fpcBoard/view.do?seq=1038632&page=1&pageSize=10&photoPageSize=6&totalCount=0&searchType=&searchText=
5. https://www.korea.net/NewsFocus/policies/view?articleId=201851
6.https://gcn.com/emerging-tech/2021/05/3-ways-intelligent-virtual-assistants-will-drive-citizen-services-delivery/316082/
7.http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20210916000750
8.https://blogs.worldbank.org/governance/public-service-information-your-fingertips