Nói cách khác, Khung phân tích DGRA được tổ chức dựa trên các nguyên tắc chính là mở và tương tác; khả năng thực hiện, cho phép phân tích kết quả định tính và định lượng. Khung phân tích đánh giá bao gồm bộ 67 câu hỏi toàn diện, đi sâu vào chín nền tảng cốt lõi để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động của một Chính phủ số mở và linh hoạt; (i) Lãnh đạo & Quản trị, (ii) Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm, (iii) Quản lý hành chính công và thay đổi quy trình công việc, (iv) Năng lực, Văn hóa và Kỹ năng, (v) Cơ sở hạ tầng công nghệ, (vi) Cơ sở hạ tầng dữ liệu, Chiến lược và Quản trị, (vii) An ninh mạng, Quyền riêng tư và Khả năng phục hồi, (viii) Pháp luật và Quy định, (ix) Hệ sinh thái số.
Khung phân tích đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số
Hình 1: Quy trình Khung phân tích đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số
i) Lãnh đạo và Quản trị
Việc chuyển đổi số chính phủ đi kèm với nhu cầu điều chỉnh, thay đổi về: luật pháp, thể chế, công nghệ và văn hóa. Do đó, cam kết về mặt chính trị ở cấp cao đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính phủ thực hiện kịp thời và hiệu quả các cải cách cần thiết. Các quốc gia đi đầu trong Chính phủ số như Đan Mạch, Hàn Quốc, Úc, Phần Lan, Thụy Điển .v.v (Bảng xếp hạng 30 quốc gia đứng đầu về chính phủ điện tử trong năm 2020, theo khảo sát của Liên hiệp quốc) đã chứng minh khả năng lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, tầm nhìn và chiến lược rõ ràng, cơ cấu tổ chức và quản trị hiệu quả cũng như nguồn tài trợ đảm bảo. Vì vậy các chính phủ nên đưa ra tuyên bố về tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng trong chiến lược số, khuyến khích các nhà hoạch định chính sách liên kết tầm nhìn chuyển đổi số của toàn Chính phủ với cải cách khu vực công, từ đó đảm bảo cam kết của lãnh đạo chính trị, thúc đẩy điều phối cấp bộ và tạo điều kiện cho các cơ quan có thể tham gia.
ii) Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm
Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm, tập trung vào nhu cầu của người dùng là nguyên tắc cơ bản của Chính phủ số. Cốt lõi để tạo ra một Chính phủ số minh bạch, dễ tiếp cận bắt đầu từ việc tập trung vào nhu cầu của người dân. Có một thực tế là có nhiều cơ quan chính phủ không ưu tiên điều này trong chương trình nghị sự Chính phủ số của họ. Bởi vai trò của chính phủ là phục vụ nhu cầu của người dân bất kể tầng lớp, giới tính, chủng tộc, vùng miền, v.v., nên điều quan trọng là phải thực hiện nguyên tắc “thiết kế lấy người dùng làm trung tâm” cho chiến lược số của quốc gia.
Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm kiểm soát việc tư vấn và tham gia của người dùng vào việc thiết kế, phát triển các dịch vụ số hoặc dịch vụ điện tử của chính phủ, trên tất cả các nhóm người dùng bao gồm người dân, doanh nghiệp và nhân viên chính phủ. Phương pháp này là một ví dụ về cách tiếp cận có sự tham gia của người dân để hiện đại hóa dịch vụ công.
iii) Quản lý hành chính công và thay đổi quy trình công việc
Các sáng kiến của Chính phủ số cũng xoay quanh việc tái thiết kế các quy trình nghiệp vụ văn phòng để số hóa toàn bộ quy trình làm việc và tự động hóa quá trình xử lý thường nhật. Trong khi các giai đoạn trước đây của Chính phủ điện tử dựa trên các quy trình nghiệp vụ hiện có, Chính phủ số sẽ chuyển đổi các quy trình hành chính công để tối ưu hóa cho việc phân phối số hóa. Phần Quản lý hành chính công và thay đổi quy trình công việc nhằm kiểm tra, đánh giá các quy trình hiệu quả hơn, đã phù hợp với kế hoạch chuyển đổi số chưa. Đây thường là khía cạnh bị bỏ quên nhiều nhất khi tiến hành chuyển đổi số, và có thể đem lại thành công hoặc làm cho tiến trình chuyển đổi số gặp thất bại. Vì vậy rất cần sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp thường xuyên của các bên liên quan là các cơ quan phụ trách cải cách và hiện đại hóa dịch vụ dân sự.
iv) Năng lực, Văn hóa và Kỹ năng
Các chính phủ phải tập trung vào việc thuê các cá nhân có năng lực kỹ thuật và quản trị, cũng như đào tạo cho nhân sự về kỹ năng số. Đồng thời tạo ra văn hóa đổi mới và sáng tạo trong toàn bộ nền hành chính, từ đó định hướng lại các chức năng hành chính và công nghệ tại văn phòng, tối ưu cho việc phân phối việc chuyển đổi số. Các chính phủ đi đầu đã nhận ra rằng một số văn hóa và kỹ năng hiện có của họ không chỉ không phù hợp trong một số trường hợp, mà còn không phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số. Mặc dù công nghệ số có thể cải thiện nhanh chóng các hoạt động và năng lực hành chính, nhưng chúng không thể thay thế tất cả các hoạt động của chính phủ. Một số dịch vụ bao gồm các nhiệm vụ tùy biến hoặc giám sát chặt chẽ yêu cầu sự can thiệp thực sự của con người. Phần Năng lực, Văn hóa và Kỹ năng kiểm tra tính sẵn sàng về nguồn nhân lực trong chính phủ đối với các chuyên gia và người hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số (nội bộ và nhà thầu), cũng như các chuyên gia quản trị kinh doanh. Phân loại công chức theo hồ sơ và kỹ năng là mấu chốt. Điều cần thiết là phải xác định các chỉ số chính như chứng chỉ và chứng nhận. Hoạt động đào tạo cũng cần được triển khai từ quản lý chương trình, cơ sở hạ tầng và vận hành ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, dịch vụ, v.v.
v) Cơ sở hạ tầng công nghệ
Thay vì đầu tư vào các cơ sở ứng dụng cụ thể, các nhà lãnh đạo trong Chính phủ số tìm cách sử dụng các thành phần cơ sở hạ tầng công nghệ được tiêu chuẩn hóa, bao gồm cơ sở hạ tầng công cộng. Sử dụng điện toán đám mây được coi là một công cụ chiến lược để đạt được khả năng triển khai linh hoạt, nhanh chóng và liên tục để đáp ứng các mục tiêu của Chính phủ số. Hạ tầng công nghệ thông tin kiểm tra tiêu chuẩn hạ tầng của các công nghệ phổ biến, các thiết kế và triển khai được đưa ra hoặc lên kế hoạch cho Chính phủ số, do một mình chính phủ thực hiện hoặc hợp tác với khu vực tư nhân. Các bên liên quan có thể bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các nhà cung cấp ICT (Information and Communications Technology), khu vực tư nhân, các học viện/viện chuyên ngành, v.v.
vi) Cơ sở hạ tầng dữ liệu, chiến lược và quản trị
Chính phủ số phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động dựa trên dữ liệu. Khả năng thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu bằng cách sử dụng các công nghệ mới phát triển rất quan trọng để cải thiện việc cung cấp dịch vụ. Dữ liệu có sẵn có thể được sử dụng để cải thiện việc ra quyết định, dẫn đến nâng cao hiệu quả và tạo ra các lợi ích khác. Các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này đã thiết lập các “cơ quan đăng ký dữ liệu cơ bản” ở cấp quốc gia cho phép các tổ chức chính phủ sử dụng và chia sẻ một bộ dữ liệu chuẩn hóa để đạt hiệu quả cao hơn. Phần này kiểm tra dữ liệu chính phủ, khả năng truy cập, cấu trúc tiêu chuẩn của hệ thống tiền tệ, các giao thức và chính sách trao đổi liên quan. Các bên liên quan có thể bao gồm Cục Thống kê Quốc gia, Chính phủ số và các nhóm đổi mới, các Bộ Tài chính, Nội vụ, Kinh tế, Thương mại, Kế hoạch, Giao thông vận tải và các cơ quan chủ chốt khác. Cần phân biệt giữa dữ liệu được Chính phủ sử dụng để cung cấp dịch vụ và dữ liệu được sử dụng bởi khu vực tư nhân.
vii) An ninh mạng, Quyền riêng tư và Khả năng phục hồi
An ninh và quản lý hoạt động nghiệp vụ của chính phủ là những yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Cần chuẩn bị một giao thức cụ thể, các kịch bản để đảm bảo an ninh và khắc phục mọi rủi ro từ các mối đe dọa về an ninh mạng, thảm họa, v.v. Các chuyên gia hàng đầu thấy rằng sự tin tưởng của người dân đối với việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là rất quan trọng khi xây dựng Chính phủ số. Các chính phủ phải đầu tư vào một hệ thống an ninh mạng mạnh mẽ và đáng tin cậy để các công dân số có thể giao phó dữ liệu của họ, đồng thời các chính phủ phải ngăn chặn sự xâm phạm thông tin cá nhân trong nước hoặc nước ngoài. Phần An ninh mạng, Quyền riêng tư và Khả năng phục hồi sẽ xem xét các biện pháp được áp dụng hoặc các kế hoạch để đảm bảo an ninh mạng, quyền riêng tư, tính xác thực, tính toàn vẹn và khả năng phục hồi của các giao dịch số của chính phủ và quốc phòng.
viii) Pháp luật và Quy định
Một chính phủ số đòi hỏi một môi trường pháp lý và quy định hợp lý mà có thể mang lại các luật mới về quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, chữ ký số, nhận dạng số, giảm thiểu rủi ro an ninh mạng, v.v. Những quy định này cũng sẽ mang lại sự minh bạch cho nhiều quyết định về chi tiêu công hoặc bất kỳ các dịch vụ số như quy trình mua sắm điện tử được ra quyết định bởi dữ liệu. Ngoài ra, nó sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho một thị trường số mở, nơi cả khu vực công và tư nhân có thể cùng giao dịch một cách công bằng. Việc thông qua luật Đối tác Công - Tư sẽ khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào phát triển số, chia sẻ kiến thức và chuyên môn của mình với khu vực công. Về lâu dài sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cân bằng. Phần Pháp luật và Quy định kiểm tra các quy định và pháp luật hỗ trợ Chính phủ số và nền kinh tế số. Các bên liên quan có thể bao gồm các Bộ Tài chính, Kinh tế và Thương mại, Nội vụ, Tư pháp, Quốc phòng, Quốc hội và các ủy ban lập pháp đặc biệt có liên quan.
ix) Hệ sinh thái số
Chính phủ số có thể trao quyền cho tiếng nói của công chúng và tạo ra hành động tập thể, từ đó xóa mờ rào cản giữa chính phủ và người dân, tạo sự kết nối theo những cách chưa từng có. Cuối cùng, sự tham gia và thảo luận mở giữa người dân, khu vực tư nhân và giới học thuật trong hệ sinh thái số sẽ không chỉ thúc đẩy đổi mới, giáo dục, tinh thần kinh doanh mà còn góp phần phát triển nền kinh tế số hiện đại. Phần Hệ sinh thái số kiểm tra các tổ chức và cá nhân đóng góp bên ngoài chính phủ có thể hỗ trợ chương trình nghị sự của Chính phủ số và việc thực hiện nó. Các bên liên quan bao gồm các trường đại học quốc gia, các tổ chức chuyên ngành, các trung tâm đổi mới và doanh nhân, khu vực tư nhân, các ngân hàng và các tổ chức đầu tư.
Hình 2: 9 trụ cột chính trong Khung phân tích đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số
Kết luận
Khung phân tích đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số bắt nguồn từ nghiên cứu về các quan điểm và thực tiễn quốc tế hiệu quả nhất của các chuyên gia trong Chính phủ số. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, quá trình nghiên cứu và thu thập thông tin từ các chuyên gia để xây dựng Khung phân tích đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2016 trong khuôn khổ quá trình xuất bản “Chính phủ số ở Nga 2020”. Kể từ đó, Khung phân tích đã phát triển thành một công cụ đánh giá cụ thể và toàn diện hơn, có thể áp dụng cho bất kỳ quốc gia đang phát triển nào. Hiện tại Bộ công cụ Đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số đã được thí điểm ở một số quốc gia (Myanmar, Việt Nam, Lebanon, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Senegal, v.v.). Sau khi tiến hành thí điểm theo Khung phân tích đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số, Việt Nam đã đạt được những bước tiến rất quan trọng trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình Chính phủ điện tử như: xây dựng trục liên thông văn bản Quốc gia, hệ thống e-Cabinet, hệ thống e-Services, và đặc biệt là Nghị quyết số 17 ngày 07/03/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020 định hướng đến 2025. Việc áp dụng thành công Khung phân tích đánh giá mức độ sẵn sàng của Chính phủ số ở một số quốc gia đã tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại chính sách chiến lược với các chính phủ tương ứng. Điều này cũng giúp cung cấp cơ hội để đánh giá các chiến lược và chương trình của Chính phủ số theo từng quốc gia, tạo tiền đề quan trọng hướng tới một Chính phủ số linh hoạt, cởi mở, đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân và đất nước.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
[1]Digital Government Readiness Assessment (DGRA) Toolkit V.31
[2] Recommendation of the Council on Digital Government Strategies
[3]http://vpcp.chinhphu.vn/Home/ (truy cập ngày 21/12/2020)