Khung EA của Chính phủ Brazil hỗ trợ khả năng tương tác và quản trị trên môi trường số giữa các cơ quan, tổ chức trong chính phủ. Mục đích của Khung là thúc đẩy sự liên kết trong nội bộ và giữa các tổ chức, đồng thời tạo cơ sở cho việc phát triển các phương pháp và thực tiễn tốt nhất để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công. Dưới đây mô tả một số nội dung cơ bản:
GIỚI THIỆU
Chính phủ các quốc gia ngày càng tự động hóa quy trình và dịch vụ để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Nhu cầu tích hợp công nghệ vào các dịch vụ công cũng chứng tỏ nhu cầu tích hợp tốt hơn các hệ thống làm việc (quy trình, dữ liệu, công nghệ và con người) bằng cách cải thiện sự hiểu biết, tương tác, tái sử dụng và chia sẻ dữ liệu. Đây là một trong những mục tiêu của Chiến lược quản trị số của Brazil.
Theo Các tiêu chuẩn tương hợp cho Chính phủ điện tử, tương hợp có thể được hiểu là khả năng các hệ thống và tổ chức khác nhau làm việc và tương tác cùng nhau để trao đổi thông tin một cách hiệu quả. Chính phủ các quốc gia đã đối phó với những thách thức này thông qua các cơ chế hợp tác và hội nhập, tuy nhiên, trong dài hạn, thiếu tính bền vững. Nguyên nhân bởi sự phát triển nhanh chóng và da dạng của kiến trúc hệ thống và số lượng các sáng kiến chính phủ điện tử, lượng khổng lồ dữ liệu có liên quan với nhau, nhu cầu tăng cường chia sẻ thông tin và nhu cầu mở dữ liệu. Vì vậy, các tổ chức chính quyền phải quyết định tập trung các nỗ lực và ngân sách hạn chế vào đâu để giải quyết các vấn đề ưu tiên của xã hội một cách nhanh chóng.
Những nhu cầu như vậy không chỉ đòi hỏi sự hiểu biết về cách dữ liệu được chia sẻ, trao đổi và sử dụng lại mà còn cả những khái niệm liên quan đến chúng, cách chúng tương tác với nhau và ngữ cảnh xem xét ba trụ cột cấu thành gồm: con người, công nghệ và quy trình xử lý trong tổ chức. Điều này yêu cầu có kỷ luật thống nhất các quan điểm khác nhau ở các cấp chính quyền.
Do đó, mô hình EA đã được sử dụng để tích hợp các cơ quan, tổ chức thông qua việc đồng bộ, gắn kết giữa nghiệp vụ và công nghệ theo cách tiếp cận hướng mục tiêu. Với sự tham gia của các chuyên gia, viện nghiên cứu, các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, Chính phủ Brazil đang phát triển Khung Kiến trúc tổng thể của Chính phủ Brazil để hỗ trợ Quản trị và Tương hợp. Mục đích của Khung Kiến trúc là hỗ trợ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số chính phủ và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức chính quyền và nâng cao hiệu quả, tính minh bạch các dịch vụ và đầu tư chính phủ điện tử.
BỐI CẢNH
Chính phủ Brazil cũng như bất cứ tổ chức nào cũng có cấu trúc tổ chức gồm các cơ quan, tổ chức khác nhau, tồn tại và hoạt động độc lập. Tuy nhiên, có rất nhiều dịch vụ, hoạt động vượt ra ngoài phạm vi của mỗi tổ chức, đòi hỏi có sự phối hợp, cộng tác. Do đó, việc sử dụng khung kiến trúc chung là phù hợp để thúc đẩy tái sử dụng, khả năng tương tác và quản lý thống nhất các thành phần chung.
Cơ sở tham chiếu để bảo vệ sáng kiến EA của Brazil được chỉ ra bao gồm: EA của Chính phủ Singapore, Australia, New Zealand, FEA của Mỹ. Sở dĩ các quốc gia này được tham chiếu bởi, họ đã tham chiếu mức độ thành công theo Khảo sát của Liên hợp quốc. Các tiêu chuẩn chung được áp dụng bao gồm: tích hợp và chia sẻ chiến lược chính phủ điện tử giữa các cơ quan, tổ chức; áp dụng kiến trúc chung để nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ chính phủ điện tử; sử dụng tối đa các tiêu chuẩn về khả năng tương hợp trong các mô hình EA tương ứng. Về thực tiễn, các Khung EA được tham chiếu đã được sử dụng rộng rãi và liên tục phát triển. Trong đó, có TOGAF và Khung Zachman được sử dụng nhiều nhất: TOGAF được sử dụng trên khắp thế giới và dùng để cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức áp dụng. Khung Zachman thiết lập tổng thể và mô tả các thành phần liên quan của tổ chức, từ chiến lược đến cơ sở hạ tầng.
Khung Kiến trúc EA của Brazil được phát triển dựa trên cơ sở sử dụng hai khung này, cũng như các kinh nghiệm thành công và các khuyến nghị của các quốc gia khác và có tính đến yếu tố chính trị, tổ chức bộ máy hành chính và mục tiêu của Brazil.
KHUNG KIẾN TRÚC EA BRAZIL
Các mục tiêu chính: (a) trở thành mô hình được áp dụng ở các cấp chính quyền (liên bang, tiểu bang hoặc thành phố); (b) xác định các khối liên kết để giúp nhìn một cách tổng thể; (c) thúc đẩy khả năng tương hợp, các tiêu chuẩn quản lý và quản trị; (d) cho phép phát triển chính phủ điện tử, chuyển đổi số và tích hợp; (e) tăng cường chia sẻ và tái sử dụng các dịch vụ; (f) tạo điều kiện tích hợp các tổ chức thông qua các mô hình thống nhất từ chiến lược đến cơ sở hạ tầng; (g) hỗ trợ thực hiện chính phủ điện tử. Một số nguyên tắc các tổ chức phải tuân thủ khi áp dụng: (a) tập trung vào nhu cầu và mong muốn của xã hội; (b) cơ sở hạ tầng dùng chung và khả năng tương hợp để khuyến khích và cho phép chia sẻ dữ liệu; (c) thiết kế tích hợp các dịch vụ công và (d) minh bạch và mở.
Khung Kiến trúc EA Brazil bao gồm bốn thành phần có liên quan với nhau: (i) Quản trị Kiến trúc: Mô tả các cơ chế kiểm soát và giám sát việc thiết kế và phát triển EA của tổ chức để đảm bảo sự phát triển hiệu quả và nhằm mục đích cấu trúc các nguồn lực và kỹ năng; (ii) Phương pháp phát triển Kiến trúc: Hướng dẫn cho các tổ chức phát triển và thực hiện các mô hình. Mục đích là đề xuất các phương hướng và hướng dẫn cho sự phát triển, thực hiện và duy trì EA của tổ chức; (iii) Khung nội dung: Mô tả cấu trúc khái niệm thể hiện quan điểm khác nhau của các tổ chức và mối quan hệ giữa chúng. Khung nội dung cũng tổ chức và phân loại các khái niệm chung để thống nhất chung nhận thức; (iv) Các Tiêu chuẩn và Mô hình Tham chiếu: Mô tả các tiêu chuẩn, hướng dẫn và kinh nghiệm thực tiễn để phát triển và quản lý EA của tổ chức.
Hình 1: Cấu trúc Khung Kiến trúc EA Brazil
Các giai đoạn phát triển: (1) Bắt đầu phát triển Khung nội dung để thiết lập các khái niệm EA phù hợp nhất cho chính phủ; tiến hành tổ chức các hội thảo, thảo luận nội bộ và mở rộng, sau đó đưa ra lấy ý kiến rộng rãi; (2) Xây dựng phương pháp Phát triển Kiến trúc; (3) Phát triển Quản trị Kiến trúc; (4) Phát triển các tiêu chuẩn và mô hình tham chiếu: Các tiêu chuẩn và mô hình tham chiếu được xác định, xây dựng tương ứng với các thành phần của Khung Kiến trúc.
Khung nội dung Kiến trúc EA Brazil
Khung Nội dung được hình thành để hỗ trợ phân tích các khoản đầu tư vào công nghệ, phát triển thông tin và quy trình xử lý liên quan đến Chiến lược của tổ chức và nhu cầu của Xã hội. Khung được thiết lập dựa trên quan điểm chi phối: Xã hội - hướng dẫn và cũng là trọng tâm chính của việc xác định và giám sát Chiến lược và xác định quản trị, quản trị rủi ro và quản lý tuân thủ EA như thế nào. Từ đó, các quan điểm về Nghiệp vụ, Dữ liệu, Ứng dụng, Cơ sở hạ tầng và Bảo mật phác thảo các thành phần chính mà tổ chức nên xem xét và sử dụng trong các sáng kiến chuyển đổi hoạt động thông qua việc thực hiện các Chương trình và Dự án.
Đối với mỗi quan điểm đều được xem xét dựa trên các nội dung sau: (i) mô tả quan điểm gắn với mục tiêu và lợi ích; (ii) giá trị của quan điểm trong mối quan hệ với các quan điểm khác; (iii) các yếu tố thành công quan trọng; (iv) vai trò và trách nhiệm; (v) các chính sách và hướng dẫn; (vi) các sáng chế, kinh nghiệm hay; (vii) các phần tử đại diện cho tập mô tả ý nghĩa về quan điểm. Các nội dung trên tạo ra Mô hình tham chiếu (RM) cho mỗi quan điểm về Khung Kiến trúc và sẽ được sử dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức.
Các thành phần bao gồm: (a) siêu mô hình khái niệm để xác định và liên hệ với các khái niệm chủ yếu; (b) bộ tài liệu phổ biến để tổ chức duy trì; (c) bộ từ điển các thuật ngữ phổ biến.
Khung Nội dung bao gồm các Mô hình tham chiếu, trong đó có các mô hình như Mô hình Tham chiếu Chiến lược (SRM); Mô hình tham hiếu Quản trị, rủi ro và tuân thủ (GRM); Mô hình tham chiếu nghiệp vụ (BRM); Mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM); Mô hình tham chiếu ứng dụng (ARM); Mô hình tham chiếu cơ sở hạ tầng (IRM);…. Dưới đây, mô tả khái lược về mô hình tham chiếu chiến lược SRM.
Mô hình SRM:
SRM phản ánh chiến lược của tổ chức, các hình thức đánh giá và các sáng kiến tương ứng theo một quan điểm thống nhất thúc đẩy chia sẻ và tái sử dụng các phân tích và kinh nghiệm chiến lược.
Các mục tiêu của SRM là: (i) thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các sáng kiến và chiến lược của các tổ chức liên quan đến các quy trình, dữ liệu và công nghệ được thực hiện cũng như kết quả dự kiến; (ii) hỗ trợ phát triển các mô hình chi phí cho các dịch vụ và năng lực ICT; (iii) chứng minh mối liên hệ giữa các quyết định chiến lược và tác động của nó lên các dịch vụ; (iv) thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính phủ.
Lợi ích mục tiêu là: (i) tăng hiệu lực và hiệu quả của các khoản đầu tư; (ii) tăng hiệu quả kết quả đầu ra của các cơ quan, tổ chức liên quan đến mục tiêu mong muốn; (iii) tăng cường hiệu quả và hiệu lực của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các chương trình của chính phủ; (iv) thúc đẩy khả năng tương tác giữa các cơ quan, tổ chức; (v) tăng tính minh bạch.
SRM hỗ trợ thiết lập các mục tiêu và chiến lược của chính phủ theo một quan điểm thống nhất. Mỗi tổ chức phải lập bản đồ các hành động, chương trình, dự án, công nghệ thông tin, dữ liệu và đo lường sự phù hợp với các mục tiêu dự kiến và mục tiêu của Chính phủ nói chung. Các cơ quan, tổ chức có thể áp dụng các năng lực chung, dịch vụ chia sẻ và hợp tác với nhau để cải thiện trải nghiệm tổng thể về dịch vụ của mình, tăng cường tác động của các chính sách công và giảm chi phí. Khi tạo ra quan điểm tổng hợp về chuyển đổi chính phủ, có thể xác định các cơ hội mới để cải thiện và chia sẻ dịch vụ của chính phủ trong tất cả các cơ quan, tổ chức và thúc đẩy hiệu quả, hiệu lực.
SRM thúc đẩy giá trị bằng cách thiết lập các mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, chỉ tiêu và chỉ số: (i) GRM: để hướng dẫn mô hình quản trị, giám sát hiệu suất, quản lý rủi ro và tuân thủ; (ii) BRM: hướng dẫn định nghĩa, quản lý và cải tiến các qui trình và dịch vụ; (iii) DRM: để quản trị, chia sẻ và đảm bảo chất lượng dữ liệu và thông tin; (iv) ARM: để quản trị, đầu tư, chia sẻ và đảm bảo chất lượng của các ứng dụng và dịch vụ công nghệ thông tin; (v) IRM: hướng dẫn quản trị, đầu tư, chia sẻ và đảm bảo chất lượng của các tài sản hạ tầng công nghệ thông tin.
KẾT LUẬN
Mục đích chính và mối liên hệ với các thách thức thực hiện chiến lược Brazil số đã được trình bày và công bố công khai theo cấu trúc của Khung Kiến trúc EA. Khi xây dựng, cơ quan xây dựng đã tổ chức tham vấn cộng đồng và nhận được các ý kiến ủng hộ. Hoạt động đào tạo EA cũng được tổ chức, có sự phối hợp của Tổ chức The Open Group, các khái niệm EA theo Khung Kiến trúc EA và TOGAF theo ngữ cảnh của Brazil cũng được thảo luận làm rõ. Trước khi đưa vào áp dụng, cơ quan chủ trì của Brazil đã tiến hành phổ biến rộng rãi tới tất cả các cơ quan, tổ chức liên quan và tiếp thu và điều chỉnh để phù hợp trước khi áp dụng trong thực tiễn. Trên đây là một kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng kiến trúc của các quốc gia, qua đây cũng thấy được một cách nhìn mới về cách tiếp cận mô hình tham chiếu trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Nguyễn Thanh Thảo
Nguồn tài liệu tham khảo:
- GesPública, 2016, Programa Nacional de Gestão Pública e Desburocratização, url: www.gepublica.gov.br/, Accessed in: 03/dec/16.
- Nunes, V.T., Cappelli, C., Costa, M.V., Promoting Transparency in Government through Enterprise Architecture.