Đang xử lý.....

Khung chuyển đổi dịch vụ công của Kenya  

Việc cung cấp dịch vụ công hiệu quả là rất quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia. Nhận thức được điều này, tháng 6 năm 2017, Bộ Dịch vụ công, Thanh niên và Giới tính (Ministry of Public service, Youth and Gender affairs) của Kenya đã công bố Khung Chuyển đổi dịch vụ công (Public Service Transformation Framework – PSTF). Đây là cột mốc quan trọng trong cho việc Cải cách khu vực công, mở ra một giai đoạn cải cách mới được hướng dẫn bởi Hiến pháp và Tầm nhìn 2030 của Kenya...
Thứ Sáu, 11/12/2020 292
|

1. Giới thiệu chung

Việc cung cấp dịch vụ công hiệu quả là rất quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế quốc gia. Nhận thức được điều này, tháng 6 năm 2017, Bộ Dịch vụ công, Thanh niên và Giới tính (Ministry of Public service, Youth and Gender affairs) của Kenya đã công bố Khung Chuyển đổi dịch vụ công (Public Service Transformation Framework – PSTF). Đây là cột mốc quan trọng trong cho việc Cải cách khu vực công, mở ra một giai đoạn cải cách mới được hướng dẫn bởi Hiến pháp và Tầm nhìn 2030 của Kenya. Khung này cũng đã tính đến việc đáp ứng mục tiêu của các khung toàn cầu và khu vực bao gồm các mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals - SDG) của Liên Hợp Quốc và Chương trình Nghị sự 2063 của Liên minh Châu Phi.

PSTF được thiết lập để tập trung vào bốn nguyên tắc chính, gồm: minh bạch, hợp tác, đổi mới và định hướng kết quả. Khung được xây dựng dựa trên năm trụ cột chính là: (i) Quản lý nhân lực, (ii) Lãnh đạo chuyển đổi và định hướng giá trị, (iii) Các tổ chức công phù hợp với mục đích, (iv) Cung cấp dịch vụ hiệu quả, (v) Năng suất, đổi mới và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Khung Chuyển đổi dịch vụ công không phải là một chương trình dành cho Chính phủ mà là một chương trình chuyển đổi cho cả quốc gia, cho người dân và tương lai của Kenya thông qua dịch vụ công. Nó đã được thiết kế theo cách tiếp cận từ bên ngoài vào, cụ thể là bằng cách lắng nghe người dân Kenya và xác định điều gì là quan trọng đối với họ để chính phủ phục vụ. Mục tiêu chính của Khung này là thiết lập chiến lược để hướng dẫn Chính phủ, các chính quyền địa phương, các tổ chức công khác tái cấu trúc các dịch vụ công của mình để đảm bảo hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ công.

2. Giá trị cốt lõi của Khung chuyển đổi dịch vụ công

Khung Chuyển đổi dịch vụ công sẽ được thực hiện theo các giá trị và nguyên tắc tại Điều 10 và Điều 232 của Hiến pháp Kenya như sau:

i) Trách nhiệm giải trình và tính minh bạch: Mọi hoạt động nghiệp vụ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện một cách minh bạch và có người chịu trách nhiệm.

ii) Công bằng và bình đẳng: Tăng cường công bằng và bình đẳng trong việc phân phối các nguồn lực, cung cấp dịch vụ ở cấp quốc gia và địa phương.

iii) Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp: Đề cao các tiêu chuẩn đạo đức và năng lực chuyên môn trong việc cung cấp dịch vụ.

iv) Làm việc nhóm và có lòng nhiệt huyết để đạt kết quả: Không ngừng nỗ lực để đạt được kết quả với sự phối hợp, cộng tác và làm việc nhóm ở mức độ cao.

v) Trung thực và Chính trực: Tăng cường cởi mở, trung thực và chính trực trong khi thực hiện nhiệm vụ.

vi) Đổi mới và sáng tạo: Cam kết đổi mới, sáng tạo, nhanh nhẹn để lập kế hoạch về cung cấp dịch vụ có tầm nhìn xa.

vii) Hiệu quả và hiệu suất: Thúc đẩy cải tiến liên tục quy trình, năng lực và sử dụng hiệu quả, hiệu suất các nguồn lực.

viii) Chủ nghĩa yêu nước: Thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và quyền sở hữu các dịch vụ của khu vực công ở tất cả các cấp chính quyền.

ix) Dịch vụ lấy người dân làm trung tâm: Cam kết duy trì việc cung cấp dịch vụ tập trung vào người dân.

x) Tôn trọng lẫn nhau, Phương pháp tiếp cận có sự tham gia và gắn kết: Cam kết tham vấn, hợp tác và giữ quan hệ đối tác có ý nghĩa, mang lại hiệu quả trong tất cả các công việc.

3. Trụ cột của Khung Chuyển đổi dịch vụ công

Năm trụ cột trong Khung Chuyển đổi dịch vụ công tập trung vào yếu tố chính của chuyển đổi dịch vụ công, là nền tảng cho việc chuyển đổi dịch vụ công dựa trên Hiến pháp và Tầm nhìn 2030 của Kenya. Mặc dù mỗi trụ cột đề cập đến các khía cạnh khác nhau, nhưng tất cả đều có mối quan hệ, liên kết với nhau để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch chuyển đổi dịch vụ công của tổ chức.

3.1 Trụ cột 1: Phát triển và Quản lý nguồn nhân lực

Trụ cột này tập trung vào việc tạo ra nguồn nhân lực có khả năng thích ứng cao và có tính cạnh tranh toàn cầu để đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của nền kinh tế công nghiệp hóa nhanh chóng. Trụ cột về Quản lý nguồn nhân lực dự kiến sẽ xây dựng cách tiếp cận gắn kết và toàn diện về quản lý nhân lực trên toàn bộ dịch vụ công liên kết với các mục tiêu phát triển của quốc gia. Quản lý nguồn nhân lực sẽ tập trung vào nhu cầu của tổ chức để cung cấp các nhân lực cụ thể và gồm ba cấp độ: tập hợp nhân lực, quản lý nhân tài và tối ưu hóa nhân lực.

Mục tiêu

Phát triển một đội ngũ nhân viên đa dạng, có năng lực và động lực hoạt động hiệu quả.

Các biện pháp chiến lược

Các tổ chức dịch vụ công sẽ:

- Điều chỉnh chiến lược - Điều chỉnh chiến lược nguồn nhân lực theo sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức và đưa vào quản lý hiệu suất, kế hoạch ngân sách;

- Quản lý tri thức - Duy trì một môi trường học tập để thúc đẩy cải tiến liên tục về hiệu suất;

- Hình thành văn hóa hiệu suất công việc theo hướng kết quả -Phát triển nhân lực đa dạng, có hiệu suất làm việc cao và thiết lập một hệ thống quản lý hiệu suất đánh giá hiệu suất làm việc của của cá nhân/nhóm/đơn vị so với các mục tiêu và kết quả mong muốn; và

- Chịu trách nhiệm - đảm bảo các quyết định về nguồn nhân lực được hướng dẫn bởi hệ thống lập kế hoạch và giải trình theo định hướng kết quả dựa trên dữ liệu.

Các hoạt động chính

- Thể chế hóa các kế hoạch chuyển đổi cho các quy chuẩn và tiêu chuẩn thống nhất sẽ tích hợp việc quản lý nguồn nhân lực trong dịch vụ công để đạt được các mục tiêu về dịch vụ công của chính phủ và chính quyền địa phương. Việc đẩy mạnh các chiến lược về nhân lực sẽ thúc đẩy hợp tác công tư để đạt được hiệu quả tổng thể về chi phí trong phát triển và cung cấp dịch vụ.

- Hình thành văn hóa làm việc dựa trên kết quả trong hoạt động công vụ.

- Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên chính phủ để đảm bảo khả năng cạnh tranh.

- Việc tạo ra các dịch vụ công có tính động, linh hoạt và mang tính sáng tạo có thể thu hút và giữ chân những nhân tài tốt nhất.

- Xây dựng cấu trúc hoạch định nguồn nhân lực có khả năng phối hợp khi làm việc.

Kết quả

- Thiết kế và thực hiện các chiến lược Quản lý và Phát triển nguồn nhân lực hiệu quả, bao gồm các cơ hội đào tạo và phát triển nghề nghiệp, đảm bảo nhân lực cần thiết để thực hiện các chương trình chuyển đổi cụ thể.

- Thiết lập cơ chế theo dõi, đánh giá và báo cáo tác động của các chính sách và chương trình chuyển đổi Quản lý nguồn nhân lực.

Hình 1: Khung Chuyển đổi dịch vụ công của Kenya

3.2 Trụ cột 2 – Nhà lãnh đạo có khả năng chuyển hóa và định hướng giá trị

Trụ cột này tập trung vào việc hình thành văn hóa lãnh đạo có khả năng chuyển hóa và định hướng giá trị trong dịch vụ công. Nhà lãnh đạo là rất quan trọng trong việc tập hợp công dân hướng tới một mục tiêu chung, trong đó niềm tin của công dân vào Nhà lãnh đạo sẽ là động lực chính. Mong muốn trở thành lãnh đạo là điều cần thiết nhưng không đủ để tạo nên một nhà lãnh đạo năng động. Yếu tố quan trọng của một nhà lãnh đạo chính là cần phải có sáng kiến ​​và tầm nhìn. Trụ cột 2 coi nhà lãnh đạo là trung tâm của tất cả các chủ trương hướng tới sự phát triển của một quốc gia vì nó mang tính quyết định để đạt được các mục tiêu và ưu tiên quốc gia. Trong môi trường phức tạp và có tính thay đổi như hiện tại, các nhà lãnh đạo cần phải khả năng chuyển hóa để đưa ra định hướng và tầm nhìn, tạo ra nguồn cảm hứng và ý thức trong việc thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của khu vực công theo các tiêu chuẩn và kỳ vọng của người dân.

Mục tiêu

Phát triển đội ngũ lãnh đạo cốt lõi khả năng chuyển hóa để thúc đẩy và tạo động lực trong các tổ chức công nhằm đạt được hiệu quả cao về cung cấp dịch vụ.

Các biện pháp chiến lược

Các tổ chức dịch vụ công sẽ: -

- Xác định số lượng lãnh đạo cần thiết trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, có tính đến nhu cầu tăng trưởng và dự kiến luân chuyển nhân lực của dịch vụ công cấp trung ương và địa phương;

- Phát triển năng lực của cá nhân nhà lãnh đạo;

- Xác định các năng lực hoặc khả năng mà các nhà lãnh đạo dịch vụ công cần theo chức năng, cấp độ, vị trí hoặc đơn vị để thực hiện khung;

- Thiết lập các năng lực tập thể cần có của các nhà lãnh đạo khi cùng nhau hành động; và

- Thấm nhuần văn hóa lãnh đạo khi thực hiện khung.

Các hoạt động chính

- Thúc đẩy mục tiêu xây dựng nhà lãnh đạo có khả năng chuyển hóa và định hướng giá trị.

- Phát triển văn hóa lãnh đạo có khả năng chuyển hóa và định hướng giá trị ở cấp trung ương và địa phương.

- Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các cơ sở giáo dục đại học và các tổ chức thanh niên trong việc phát triển các nhà lãnh đạo có khả năng chuyển hóa.

Kết quả

Bộ chịu trách nhiệm về dịch vụ công phối hợp với Trường của Chính phủ Kenya và các cơ sở đào tạo lãnh đạo được công nhận khác, để thực hiện đào tạo năng lực lãnh đạo có khả năng chuyển hóa và định hướng giá trị.

3.3 Trụ cột 3 - Các cơ chế phù hợp với mục đích

Trụ cột này tìm cách phát triển các cơ chế công phù hợp với mục đích, có tính mở và cấu trúc bền vững, cung cấp các dịch vụ chất lượng cho người dân. Theo đó, trụ cột sẽ nhấn mạnh vào việc xem xét cấu trúc của các cơ chế nhằm phát triển các năng lực cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức thông qua việc mua sắm các hệ thống, cấu trúc, công cụ và bố trí phù hợp nhằm duy trì chương trình chuyển đổi của quốc gia.

Mục tiêu

Thành lập các tổ chức trung ương và địa phương phù hợp với mục đích đặt ra.

Các biện pháp chiến lược

Các tổ chức dịch vụ công sẽ: -

- Tiến hành rà soát cơ chế cung cấp dịch vụ ở ba cấp; (i) giữa các cơ quan Chính phủ, (ii) trong các cơ quan và (iii) trong các tổ chức riêng lẻ;

- Phát triển các năng lực cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức thông qua việc mua sắm các hệ thống, cấu trúc, công cụ và bố trí con người phù hợp;

- Tăng cường sự tham gia của công dân; và

- Đưa dịch vụ đến gần hơn với người dân.

Các hoạt động chính

- Xem xét các vai trò và cơ cấu tổ chức cho Tổ chức dịch vụ công.

- Thúc đẩy tương tác giữa các cơ quan chính phủ thông qua các cấu trúc liên kết, các hệ thống và quy trình tích hợp.

- Thể chế hóa các công cụ quản lý dựa trên kết quả và các sáng kiến cải cách hợp tác với các bên liên quan bằng một hệ thống pháp luật, quy định và chính sách tạo điều kiện cho quan hệ đối tác thành công.

Kết quả

- Tiến hành rà soát toàn diện cơ cấu và chức năng của dịch vụ công, tập trung vào việc phân chia vai trò và trách nhiệm giữa các Tổ chức dịch vụ công cấp trung ương và địa phương.

- Thực hiện đánh giá và xem xét nội bộ từng Bộ, Cục và Cơ quan liên quan đến mục tiêu, nhân lực và tài chính.

- Rà soát và sửa đổi các hệ thống, quy trình và thủ tục lập kế hoạch, lập ngân sách và thực thi tài chính nhằm tăng cường trách nhiệm của khu vực công.

3.4 Trụ cột 4 - Cung cấp dịch vụ lấy người dân làm trung tâm

Trụ cột này tập trung vào việc nâng cao năng lực và cải tiến cơ cấu tổ chức để tạo ra tổ chức năng động, nhanh nhẹn và linh hoạt hơn, có khả năng chấp nhận những thay đổi để tiếp tục cung cấp dịch vụ tốt nhất theo yêu cầu và nhu cầu của công dân. Từ đó, hình thành văn hóa cung cấp dịch vụ lấy người dân làm trung tâm và mang lại hiệu quả cao.

Mục tiêu

Để tăng cường cung cấp dịch vụ hiệu quả thông qua các hệ thống và quy trình được chuyển đổi.

Các biện pháp chiến lược

Các tổ chức dịch vụ công sẽ: -

- Xây dựng và nâng cao năng lực của nguồn nhân lực trung ương và địa phương;

- Tiến hành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ của dịch vụ cng ở trung ương và địa phương;

- Áp dụng các thực tiễn cung cấp dịch vụ tốt nhất để cung cấp dịch vụ hiệu quả cho người dân; và

- Tăng cường hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ công.

Các hoạt động chính

- Xây dựng hướng dẫn xác định các chỉ số cho hệ thống cung cấp dịch vụ hiệu quả.

- Xây dựng các tiêu chuẩn và thỏa thuận dịch vụ của ngành.

- Xem lại điều khoản dịch vụ cung cấp cho công dân.

- Thực hiện các khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân để cải tiến dịch vụ liên tục.

- Áp dụng phương pháp quản lý tinh gọn thông qua việc áp dụng các chiến lược xuất sắc trong hoạt động.

- Xây dựng chính sách đối tác của các bên liên quan trong dịch vụ công.

- Xây dựng chiến lược Chính phủ kết nối.

- Tăng cường cung cấp dịch vụ tích hợp.

Kết quả

- Chính phủ và chính quyền địa phương xem xét điều khoản dịch vụ cho công dân.

- Xây dựng hướng dẫn về quản lý tinh gọn để hướng dẫn các cơ quan chính phủ thực hiện.

- Xây dựng các tiêu chuẩn dịch vụ với kết quả đầu ra, mục tiêu xác định và các chỉ số hoạt động.

- Xây dựng cơ chế và tổ chức đánh giá và theo dõi, giám sát.

3.5 Trụ cột 5 - Năng suất, đổi mới và cạnh tranh toàn cầu

Trụ cột này tập trung vào việc nâng cao năng suất, đổi mới và khả năng cạnh tranh toàn cầu thông qua việc đưa ra các cải tiến về chất lượng dịch vụ công và tính dễ dàng trong thực hiện nghiệp vụ để thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của Kenya. Điều này đòi hỏi các đo lường khách quan về năng suất, đổi mới và hiệu quả về chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ. Theo trụ cột, các tổ chức dịch vụ công cấp trung ương và địa phương sẽ được hướng dẫn để đặt ra các mục tiêu khả thi và phù hợp với ý kiến đóng góp của các bên liên quan để đảm bảo cung cấp dịch vụ tập trung vào người dân và hướng tới kết quả.

Mục tiêu

Đưa ra các cải tiến về chất lượng dịch vụ công để nâng cao năng suất, đổi mới và dễ dàng thực hiện nghiệp vụ nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh toàn cầu của Kenya.

Các biện pháp chiến lược

Các tổ chức dịch vụ công sẽ: -

- Tăng năng suất cung cấp dịch vụ công;

- Cân bằng giữa hiệu quả và chi phí của các dịch vụ công; và

- Thiết lập các đo lường khách quan về năng suất, đổi mới và hiệu quả chi phí.

Các hoạt động chính

- Hợp tác với Trung tâm Năng suất và Cạnh tranh của Kenya và các tổ chức liên quan khác để phát triển các đo lường về năng suất trong khu vực công;

- Hình thành văn hóa cung cấp dịch vụ hiệu quả của các nhân viên chính phủ;

- Tăng cường năng lực của các tổ chức dịch vụ công về đổi mới, nghiên cứu và phát triển; và

- Xây dựng quan hệ đối tác với các cơ sở đào tạo của và các tổ chức nghiên cứu.

Kết quả

Phát triển văn hóa năng suất và chăm sóc khách hàng (tức là cung cấp dịch vụ công hiệu quả cho người dân) trong các tổ chức dịch vụ công ở trung ương và địa phương.

4. Kết luận

Các kế hoạch do chính phủ và chính quyền địa phương xây dựng sẽ được hướng dẫn bởi Khung Chuyển đổi dịch vụ công. Nội dung của Khung cũng đã đề cập hướng dẫn khi cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật, thanh niên và giới tính, đồng thời, cũng khuyến nghị chính sách cụ thể liên quan đến việc bình đẳng giới cho phụ nữ của chính phủ Kenya. Tuy nhiên, sự thành công của Chuyển đổi dịch vụ công đòi hỏi sự cam kết đầy đủ và sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan để tạo ra một động lực chuyển đổi liên tục và mang lại nhiều kết quả bất ngờ. Khung hoạt động như một hướng dẫn cho mọi cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công xây dựng kế hoạch chuyển đổi cụ thể của riêng mình để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu của mình từ trạng thái hiện có sang trạng thái mong muốn. Các cơ quan, tổ chức được khuyến nghị sử dụng các công cụ quản lý dựa trên kết quả, trong đó có Kế hoạch chiến lược, Hợp đồng thực hiện, Điều khoản dịch vụ và Đánh giá hiệu suất của nhân viên chính phủ cũng như các phương pháp tiếp cận như Sáng kiến có ​​kết quả nhanh và Tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, làm nội dung tham chiếu chính trong việc phát triển các kế hoạch.

Trần Thị Duyên

Tài liệu tham khảo

[1] Public Service Transformation Framework, Ministry of Public service, Youth and Gender affairs, June, 2017