Kế hoạch này được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu, Mỹ, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Áu - Thái Bình Dương APEC và được coi là chính sách có tầm quan trọng của nền kinh tế quốc gia theo Đạo luật phát triển kinh tế và xã hội số B.E. 2560 (Đạo luật phát triển kỹ thuật số B.E. 2560). Kế hoạch này đóng vai trò là kế hoạch tổng thể cốt lõi cho sự phát triển kinh tế số và xã hội số của Thái Lan trong giai đoạn 20 năm, đưa ra định hướng phát triển bền vững và sử dụng công nghệ số để đạt được các kết quả cụ thể.
Đạo luật phát triển kỹ thuật số B.E. 2560 chỉ định Cơ quan xúc tiến kinh tế số DEPA (Digital Economy Promotion Agency) là tổ chức chịu trách nhiệm phát triển và soạn thảo Kế hoạch tổng thể thúc đẩy kinh tế số. Sau đó, Ủy ban xã hội và kinh tế số quốc gia đã quyết định đổi tên kế hoạch này thành Kế hoạch tổng thể thúc đẩy kinh tế số. Kế hoạch này được thiết kế để hướng dẫn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Thái Lan sang nền kinh tế dịch vụ và kỹ thuật số. Theo chương trình này, các cơ chế, biện pháp, công cụ và quản lý tài nguyên sẽ được đưa ra để đạt được sự chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế số. Sự phối hợp các nỗ lực từ các khu vực tư nhân và nhà nước, xã hội dân sự, học viện và cộng đồng địa phương sẽ được khai thác để thực hiện các hoạt động, kế hoạch và dự án.
Giới thiệu
Cơ cấu kinh tế của Thái Lan đã thay đổi từ nông nghiệp thâm canh sang sản xuất. Chính phủ Thái Lan đang chạy đua hướng tới nền kinh tế số và dịch vụ dựa trên công nghệ số làm cơ chế cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mục đích là nâng cao GDP của đất nước lên tối thiểu 5% mỗi năm, giải phóng Thái Lan khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Cơ quan xúc tiến kinh tế số DEPA dưới sự giám sát của Bộ Kinh tế và Xã hội số MDES chịu trách nhiệm thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp số, đổi mới sử dụng công nghệ số để tạo hoặc phân phối nội dung thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau có lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh quốc gia. Các hoạt động quảng bá và hỗ trợ của DEPA được xác định như sau:
“Thúc đẩy” có nghĩa là cải tiến, tập trung vào phát triển các lĩnh vực liên quan đến kiến thức, kỹ năng, nhận thức, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới.
“Hỗ trợ” có nghĩa là các công cụ tài chính được triển khai để nâng cấp và tạo ra một nền kinh tế số. Nguồn vốn và trợ cấp được cung cấp cho khu vực tư nhân và nhà nước, bao gồm các viện chuyên gia của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, viện tài chính, viện giáo dục, quỹ làng, hợp tác xã và các quỹ khác. Trợ cấp chỉ được thực hiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp cộng đồng và cá nhân.
Kế hoạch tổng thể thúc đẩy nền kinh tế số đặt ra tầm nhìn thúc đẩy Thái Lan hướng tới “một nền kinh tế số năng động dựa trên kiến thức, nhận thức và lực lượng lao động thích ứng và có khả năng tận dụng các công nghệ và đổi mới kỹ thuật số”. Tầm nhìn này sẽ được thực hiện bởi 4 chiến lược, như sau:
Chiến lược 1: Phát triển nguồn nhân lực ICT và lực lượng lao động số của Thái Lan. Mục đích là nâng cao năng lực của lực lượng lao động kỹ thuật số lên 500.000 người, nâng cao nhận thức trên toàn quốc và phát triển các kỹ năng số cơ bản cho 30 triệu người dân Thái Lan thông qua hai chương trình: 1) Hỗ trợ phát triển chuyên gia công nghệ số và 2) phát triển các kỹ năng số cho người dân.
Với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực ICT và lực lượng lao động số đồng thời tăng cường thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế số lâu dài và bền vững, Thái Lan đã thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân để xây dựng hệ sinh thái nhân tài công nghệ ICT chia sẻ và cởi mở, nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Thái Lan đã thành lập Học viện Huawei ASEAN vào năm 2019, đến nay đã đào tạo hơn 41.000 chuyên gia công nghệ thông tin truyền thông, cũng như cung cấp chương trình đào tạo cho 1.300 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chiến lược 2: Chuyển đổi nền kinh tế Thái Lan sang nền kinh tế số. Mục tiêu của chiến lược này là tăng số lượng doanh nghiệp số lên 25.000 doanh nghiệp, nâng mức tăng trưởng giá trị thị trường kỹ thuật số lên 10% mỗi năm, tạo ra 1.000 doanh nghiệp số khởi nghiệp. Tăng gấp đôi giá trị thị trường tổng thể của các doanh nghiệp số khởi nghiệp. Các mục tiêu này được đáp ứng thông qua ba chương trình: (1) chuyển đổi các doanh nghiệp nông nghiệp và các ngành dịch vụ để thiết lập nền kinh tế số (Digital Thailand), (2) thúc đẩy các ngành công nghiệp số và (3) thúc đẩy các doanh nghiệp số khởi nghiệp.
Hình 1. Các hoạt động phát triển kinh tế số được ưu tiên
Đối với chiến lược này, Thái Lan đã ứng dụng công nghệ số trên 10 lĩnh vực công nghiệp, mang lại nhiều cơ hội kinh tế cho quốc gia, bao gồm: phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, sản xuất phụ gia, quản lý hàng tồn kho bằng Internet kết nối vạn vật, lưới điện thông minh, công nghệ dự báo, lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, khách sạn và sản xuất. Ngày 30/8/2021, Chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch hành động quốc gia về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 1 từ năm 2021-2022 với mục tiêu tăng doanh thu thương mại điện tử của nước này lên hơn 5,35 nghìn tỷ bạt (tức hơn 165 tỷ USD) trong năm tới. Đồng thời, tăng doanh thu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên ít nhất 5% mỗi năm và doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới lên ít nhất 5% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022.
Chiến lược 3: Trao quyền cho người dân, hay nói cách khác là lấy người dân làm trung tâm để phát triển xã hội số. Mục tiêu của chiến lược này là cho phép người dân tiếp cận với các công nghệ số để nâng cao mức sống của họ. Chiến lược này nhắm đến 50% người cao tuổi, nhóm người thiệt thòi cũng như 100% người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ xã hội thông qua đổi mới kỹ thuật số. Các mục tiêu này được đáp ứng thông qua ba chương trình: (1) Tạo ra một cộng đồng số trên toàn quốc và (2) hỗ trợ nghiên cứu để phát triển đổi mới kỹ thuật số.
Hình 2. Các hoạt động phát triển xã hội số được ưu tiên
Đối với chiến lược này, Thái Lan đã có chương trình dành cho 8.000 người thuộc nhóm thiệt thòi được đào tạo các kỹ năng số cho nghề nghiệp, 700.000 sinh viên ở các trường đào tạo nghề và 400.000 người được cung cấp nội dung nghề nghiệp trực tuyến toàn thời gian và ít nhất 600.000 người được đào tạo kiến thức kỹ thuật số. Thái Lan cũng đã cung cấp các khóa Trực tuyến mở MOOCs (Massive Open Online Courses) vì cộng đồng cả trong các thiết chế giáo dục và phi giáo dục; xây dựng ứng dụng điện thoại học tiếng Anh cho công dân; triển khai tiên phong một gói kỹ thuật số về điện, Internet để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Chính phủ Thái Lan đã chi ngân sách khoảng 1 tỷ USD để đào tạo 12.290 tiến sĩ khoa học và công nghệ phục vụ quá trình phát triển của đất nước và phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong 20 năm tới.
Chiến lược 4: Phát triển cơ sở hạ tầng đổi mới kỹ thuật số. Mục tiêu của chiến lược này là phát triển 7 thành phố thông minh trên khắp các vùng kinh tế lõi của cả nước để đạt được mức đầu tư kỹ thuật số trung bình tăng 10% mỗi năm từ các viện đổi mới và công nghệ số, bảo đảm 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có kế hoạch quản lý an ninh mạng, cũng như xây dựng sự sẵn sàng cho một nền kinh tế và xã hội số. Các mục tiêu này được thực hiện thông qua ba chương trình: (1) Xây dựng thành phố thông minh, (2) thúc đẩy cơ hội đổi mới kỹ thuật số và tạo ra dữ liệu lớn và (3) tạo môi trường để phát triển an ninh mạng và bảo mật.
Hình 3. Các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng đổi mới kỹ thuật số được ưu tiên
Để thực hiện chiến lược này, Thái Lan đã triển khai cung cấp băng thông rộng đến mọi làng xã, tạo ra 10.000 điểm wifi miễn phí, đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp giao thông cũng như mạng Internet, viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ. Những dự án lớn, như hệ thống đường sắt cao tốc nối ba sân bay lớn, cảng biển nước sâu đều được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về logistics của Thái Lan trên con đường phát triển công nghệ. Đối với việc xây dựng thành phố thông minh, Chính phủ Thái Lan đã dành 45 tỷ USD đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng các công nghệ số, cung cấp môi trường hiệu quả, khép kín, thúc đẩy sản xuất và đổi mới.
Kết luận
Kinh tế số là một trong ba trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo bước đột phá cho mỗi quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với đặc thù riêng về thể chế, thực trạng nền kinh tế, trình độ, nhận thức và nhiều yếu tố khác mà mỗi quốc gia sẽ có những cách tiếp cận khác nhau để phát triển nền kinh tế số. Từ kinh nghiệm xây dựng Kế hoạch tổng thể thúc đẩy kinh tế số Thái Lan, để nền kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững thì cần phải có: (1) các giải pháp hỗ trợ đồng bộ và sự quyết tâm của lãnh đạo từ các cấp, các ngành; (2) thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và nội hàm của kinh tế số trong xây dựng và hoạch định chính sách, nhất là trong các cơ quan chính phủ; (3) có chiến lược toàn diện và cơ quan chuyên trách về kinh tế số; (4) có kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực thành thị và nông thôn một cách cân bằng, hài hòa, góp phần rút ngắn khoảng cách và chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; (5) có hành lang pháp lý để thúc đẩy kinh tế số, cần “luật hóa” những nội dung về kinh tế số để bảo đảm hành lang, cơ sở pháp lý vững chắc và thống nhất cho triển khai và thực hiện chương trình nghị sự về kinh tế số.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
[1] Digital Economy Promotion Master Plan Thailand
[2] Thailand Digital Economy and Society Development Plan
https://www.itu.int/en/ITU-D/Regional-Presence/AsiaPacific/Documents/Events/2016/Apr-Digital2016/S2_Present_Pansak_Siriruchatapong.pdf