Kế hoạch phát triển Kinh tế số Thái Lan
Thái Lan đang nỗ lực cải thiện tăng trưởng kinh tế bằng cách chuyển nền kinh tế từ một quốc gia được định hướng bởi công nghiệp (theo đó sản xuất chiếm 40% GDP trong năm 2010) sang một quốc gia định hướng bởi công nghệ cao bằng cách tập trung vào chiến lược phát triển kinh tế số Thái Lan. Năm 2014, Chính phủ đã công bố sáng kiến “Thái Lan 4.0” là mô hình kinh tế dựa vào giá trị, với việc:
• Chuyển đổi sản xuất từ hàng hóa thành các sản phẩm sáng tạo;
• Chuyển đổi các hoạt động theo định hướng công nghiệp sang những hoạt động được thúc đẩy bởi công nghệ, sáng tạo và đổi mới; và
• Thay đổi trọng tâm từ sản xuất sản phẩm sang cung cấp dịch vụ.
Là một phần của Chiến lược Thái Lan 4.0, “Chính sách Thái Lan số” được Chính phủ Thái Lan đưa ra với tham vọng là xây dựng một nền kinh tế số và xã hội số, giúp Thái Lan trở thành một “nhà lãnh đạo số” và cạnh tranh trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Mục tiêu của Chiến lược kinh tế số và xã hội của Chính phủ Thái Lan bao gồm việc đặt Thái Lan vào 40 quốc gia hàng đầu trong có Chỉ số Phát triển CNTT-TT toàn cầu IDI (ICT Development Index) và nằm trong Top 15 trong Chỉ số cạnh tranh thế giới.
“Chính sách Thái Lan số” được chia thành bốn giai đoạn (Hình 1):
Hình 1. Các giai đoạn của Chính sách Thái Lan số
(1) Giai đoạn 1 (từ 06 tháng đến 01 năm): Đầu tư và xây dựng nền tảng số.
(2) Giai đoạn 2 (5 năm): Bảo đảm mọi cá nhân có thể đạt được những lợi ích từ công nghệ số.
(3) Giai đoạn 3 (10 năm): Chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế theo định hướng đổi mới và công nghệ số.
(4) Giai đoạn 4 (từ 10 năm đến 20 năm): Trở thành một quốc gia phát triển, lãnh đạo và dẫn đầu với sáng kiến và công nghệ số.
Các mục tiêu sẽ đạt được trong giai đoạn này thông qua sáu chiến lược (Hình 2), đó là: (1) Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công suất cao trên toàn quốc; (2) Tăng cường nền kinh tế bằng cách sử dụng các công nghệ số; (3) Tạo ra một xã hội số dựa trên kiến thức; (4) Chuyển đổi thành chính phủ số; (5) Phát triển lực lượng lao động cho kỷ nguyên số; (6) Xây dựng niềm tin của người dân vào việc sử dụng công nghệ số.
Hình 2. Sáu chiến lược của Kế hoạch Kinh tế số Thái Lan
Để đạt được các mục tiêu chiến lược này, Kế hoạch tổng thể kinh tế số quốc gia được dự định tập trung vào năm trụ cột chính (Hình 3) để thúc đẩy sáng kiến Kinh tế số Thái Lan.
Hình 3. Năm trụ cột được lên kế hoạch của Sáng kiến Kinh tế số Thái Lan
1) Kết cấu hoặc cơ sở hạ tầng cứng. Theo trụ cột này, mục tiêu của chính phủ Thái Lan là giảm sự phân chia kỹ thuật số bằng cách cung cấp một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm cả cơ sở hạ tầng cố định và các mạng internet tốc độ cao, đáng tin cậy có đủ công suất, bảo hiểm và giá cả phù hợp, để giúp thúc đẩy nền kinh tế số. Mục tiêu là cung cấp cho tất cả công dân Thái Lan quyền truy cập vào dịch vụ băng thông rộng tối thiểu 30Mbps vào cuối năm 2017. Đồng thời, cũng tăng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và các cổng kỹ thuật số quốc tế cho cả các tổ chức công cộng và tư nhân.
2) Kết cấu hoặc cơ sở hạ tầng dịch vụ. Trụ cột này đề cập đến cơ sở hạ tầng mềm giúp đổi mới dịch vụ từ cả khu vực chính phủ và khu vực tư nhân. Bao gồm việc tạo ra một nền tảng duy nhất cho các dịch vụ chính phủ điện tử; cung cấp quyền truy cập cho các doanh nghiệp và người dân, tức là: không cần giấy tờ, theo hệ thống một cửa, trung tâm công dân và loại bỏ việc sử dụng các bản sao cứng của việc nhận dạng ID.
3) Kết cấu hoặc cơ sở hạ tầng mềm. Bao gồm xây dựng niềm tin của công chúng khi sử dụng công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân hiểu biết và tin tưởng vào các giao dịch trực tuyến và an ninh mạng nhằm khuyến khích thương mại điện tử và cung cấp các hệ thống xác minh để xác định các cá nhân và bảo đảm các giao dịch kỹ thuật số an toàn và đáng tin cậy. Điều này liên quan đến việc tạo và sửa đổi tất cả các tiêu chuẩn, luật và quy định hiện hành liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế số, như: chuyển giao điện tử, bảo vệ dữ liệu và luật an ninh mạng. Ngoài việc quảng bá giao dịch điện tử, thì trụ cột này cũng giải quyết việc tạo thuận lợi cho thương mại với việc sử dụng hệ thống trao đổi tài liệu điện tử.
4) Thúc đẩy kinh tế số thông qua phát triển kỹ năng số. Trụ cột này liên quan đến việc tăng tốc sự phát triển của nền kinh tế số thông qua việc phát triển một hệ sinh thái kinh doanh kỹ thuật số sôi động hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy đổi mới, sáng tạo. Nó cũng kết hợp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp kỹ thuật số, thương mại điện tử và tiếp thị số để bảo đảm sự sẵn sàng của ngành công nghiệp cho kỷ nguyên số.
5) Kiến thức và xã hội số. Trụ cột này liên quan đến việc cung cấp quyền kết nối phổ quát cho mỗi công dân Thái Lan với giá cả phải chăng khi xây dựng một xã hội số, hỗ trợ việc sử dụng các công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói, giảm nghèo, học tập suốt đời và phổ cập công nghệ thông tin và truyền thông.
Bộ Xã hội và Kinh tế số MDES Thái Lan
Để thực hiện “Chính sách Thái Lan số”, vào tháng 6 năm 2016, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng Kế hoạch tổng thể kinh tế số quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế số MDES (Ministry of Digital Economy and Society) thay thế Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông MICT (Ministry of Information and Communication Technology) với tầm nhìn dài hạn, đó là “Khuyến khích tất cả các ngành sử dụng công nghệ số để thúc đẩy nền kinh tế số và xã hội số của đất nước trong vòng 5 năm”.
Nhiệm vụ của Bộ Xã hội và Kinh tế số MDES là phát triển và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số của đất nước, bao gồm cả việc tạo ra các chính sách giúp thúc đẩy và thu hút các doanh nghiệp kỹ thuật số. Đồng thời phát triển và quản lý mạng viễn thông của Thái Lan cũng như điều chỉnh và thúc đẩy việc sử dụng cơ sở hạ tầng và đổi mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các cơ quan liên quan
Ủy ban kinh tế số và xã hội quốc gia (National Digital Economy and Society Committee) hay còn gọi là Ủy ban kinh tế số (Digital Economy Committee)
Vào tháng 2 năm 2015, Nội các đã thông qua dự thảo luật thành lập Ủy ban Xã hội và Kinh tế số quốc gia (còn được gọi là Ủy ban Kinh tế số quốc gia). Trách nhiệm chính của Ủy ban Kinh tế số là chỉ đạo việc triển khai nền kinh tế số của Thái Lan, hướng tới mục tiêu “tối đa hóa lợi ích của công nghệ số, phát triển cơ sở hạ tầng cho công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước với đổi mới số, tạo cơ hội bình đẳng về thông tin và dịch vụ số, phát triển nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số, tạo niềm tin cho công chúng trong việc sử dụng về công nghệ số và triển khai công nghệ số để nâng cao nền kinh tế và xã hội của Thái Lan”. Ủy ban đưa ra các chủ trương và chính sách trong khuôn khổ nền kinh tế số. Ủy ban có trách nhiệm đề xuất với Nội các chính sách tài chính và đầu tư liên quan, các biện pháp thuế và đặc quyền liên quan đến phát triển kỹ thuật số cho nền kinh tế và xã hội.
Tại cuộc họp đầu tiên vào tháng 3 năm 2015, Ủy ban đã chỉ định năm tiểu ban để giúp thúc đẩy nền kinh tế số trong các lĩnh vực quan trọng:
(1) Phát triển băng thông rộng quốc gia. Ủy ban đã đề ra một khuôn khổ sử dụng hiệu quả cáp quang (hơn 310.000 km) thuộc sở hữu của cả khu vực công và tư nhân. Mục đích là cung cấp cho mọi cá nhân Thái Lan quyền truy cập vào các dịch vụ Internet tốc độ cao với giá cả phải chăng. Để đạt được những mục tiêu này, Ủy ban thành lập một tổ chức chuyên nghiệp để quản lý tài sản hoặc mạng băng thông rộng của chính phủ, bao gồm cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động như cột điện, đường ống và cáp quang. Ủy ban cũng lập một kế hoạch băng rộng quốc gia với sự hỗ trợ và sự tự nguyện từ các nhà cung cấp dịch vụ cũng như các chuyên gia có kinh nghiệm thiết kế và quản lý chuyên nghiệp băng rộng quốc gia.
(2) Phát triển các trung tâm dữ liệu. Ủy ban đã xây dựng một kế hoạch quốc gia về phát triển các trung tâm dữ liệu. Mục đích là thúc đẩy đầu tư vào các trung tâm dữ liệu ở Thái Lan, cũng như giảm sự dư thừa đầu tư vào trung tâm dữ liệu, đặc biệt là trong các khu vực chính phủ.
Thúc đẩy thương mại số, nội dung số và doanh nghiệp công nghệ số do Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông dẫn đầu, tầm nhìn của nhóm này là thúc đẩy kinh tế số như một công cụ để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua năm nguyên tắc: (i) thúc đẩy sử dụng công nghệ số trong các tổ chức kinh doanh, (ii) thúc đẩy đổi mới dịch vụ thông qua công nghệ số, (iii) thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, (iv) thúc đẩy ngành công nghiệp hệ thống nhúng và (v) nâng cao nhận thức về lợi ích và tác động của công nghệ số trong toàn ngành. Mục đích của Ủy ban cũng là giúp các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Thái Lan phát triển kinh doanh và đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua các đổi mới trong sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ số, thông qua 4 chiến lược:
a. Xây dựng năng lực thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ủy ban làm việc với Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan FTI (Federation of Thai Industries) để xác định tiêu chuẩn thông điệp hóa đơn điện tử. Hiệp hội Phần mềm Thái Lan ATSI (Software Association of Thailand) sẽ giúp Ủy ban thúc đẩy việc sử dụng hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, trong khi Hiệp hội Thương mại điện tử Thái Lan sẽ giúp Ủy ban thúc đẩy việc áp dụng thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan..
b. Thúc đẩy việc áp dụng quản lý chuỗi cung ứng điện tử trong toàn ngành. Ủy ban làm việc với FTI và ngành bán lẻ Thái Lan để phát triển hệ thống quản lý chuỗi cung ứng điện tử e-SCM (Electronic Supply Chain Management) cho ngành bán lẻ.
c. Thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành doanh nghiệp công nghệ số của Thái Lan phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp khởi nghiệp Thái Lan, Ủy ban thiết kế một khuôn khổ để tăng số lượng và nâng cao tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
d. Thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo. Ủy ban hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo của Thái Lan, chẳng hạn như các doanh nghiệp điện ảnh, hoạt hình, trò chơi và quảng cáo bằng cách tạo ra các kênh phân phối mới, bảo vệ các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như phát triển các nguồn lực có kỹ năng để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo ở Thái Lan.
(3) Khuyến khích học tập suốt đời trong xã hội Thái Lan với các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Học tập suốt đời dài hạn liên quan đến việc đánh giá nhu cầu học tập và mong đợi của người dân từ tất cả các bên liên quan trong các khu vực công, tư, học thuật và xã hội dân sự. Các kế hoạch ngắn hạn bao gồm ba dự án:
a. Dự án thúc đẩy CNTT-TT cho Học tập suốt đời ở các cộng đồng bị thiệt thòi do Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NSTDA thực hiện (National Science and Technology Development Agency).
b. Dự án phát triển một nền tảng học tập trực tuyến mở tích hợp ba tiểu dự án: (i) Dự án phát triển hệ thống học trực tuyến mở của NSTDA; (ii) Dự án phát triển khóa học trực tuyến mở rộng rãi của Thái Lan (Thai-MOOC) của Bộ Giáo dục; (iii) Dự án phát triển nền tảng học tập số của Bộ Giáo dục.
c. Dự án sử dụng CNTT để hỗ trợ học sinh khuyết tật học tập của NSTDA.
Cơ quan thúc đẩy kinh tế số DEPA (Digital Economy Promotion Agency)
Cơ quan thúc đẩy kinh tế số DEPA được thành lập theo Bộ Xã hội và Kinh tế số MDES và là sự phát triển của Cơ quan Xúc tiến Công nghiệp Phần mềm (SIPA Software Industry Promotion Agency) trước đó, để hỗ trợ việc mở rộng ngành công nghiệp số và đổi mới và nghiên cứu, cũng như thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số cho phép tăng trưởng kinh tế - xã hội, văn hóa và an ninh. Cơ quan thúc đẩy kinh tế số DEPA đã xác định các chiến lược:
• Truyền bá kiến thức trong công chúng;
• Khuyến khích phát triển công nghệ số dựa trên các nguyên tắc thiết kế toàn cầu;
• Ủng hộ việc tiếp thị, đầu tư và sản xuất công nghệ kỹ thuật số; và
• Khuyến khích giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và đổi mới cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp kỹ thuật số.
Thông qua Bộ phận xúc tiến tiếp thị, DEPA có nhiều sáng kiến khác nhau để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, bao gồm các cuộc thi và “lễ hội kỹ thuật số”. Ví dụ: vào tháng 3 năm 2017, Cơ quan thúc đẩy kinh tế số DEPA đã tổ chức “Lễ hội nội dung kỹ thuật số quốc tế Bangkok 2017” với khái niệm “Xứ sở thần tiên kỹ thuật số”. Sự kiện được thực hiện với sự phối hợp của các khu vực công và tư nhân nhằm nâng cao chính sách kinh tế số và Thái Lan 4.0 của chính phủ (DEPA 2017). Sự kiện chính là “Digital Thailand Big Bang”, được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2017 và sẽ là một hoạt động thường niên được tổ chức hàng năm.
Cơ quan phát triển các giao dịch điện tử ETDA (The Electronic Transactions Development Agency)
Cơ quan phát triển các giao dịch điện tử ETDA được thành lập vào năm 2011. Đây là cơ quan chính chịu trách nhiệm phát triển, thúc đẩy và hỗ trợ các giao dịch điện tử và cung cấp cơ sở hạ tầng CNTT tạo điều kiện cho các giao dịch điện tử an toàn, an toàn và đáng tin cậy. ETDA cũng được giao nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu về hành vi của người dùng hoặc khách hàng hiện tại để đánh giá các xu hướng mới nổi để cung cấp hỗ trợ cho Ủy ban giao dịch điện tử và các cơ quan liên quan (MDES 2017a).
Kết luận
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia thành lập bộ quản lý nhà nước về chuyển đổi số, đổi tên bộ hoặc gắn chữ ‘số’ (digital) trong chức năng nhiệm vụ của mình, trong đó có Thái Lan. Liên hệ từ thực tiễn ở Thái Lan tới bối cảnh phát triển kinh tế số và xã hội số ở Việt Nam hiện nay, thì Việt Nam cũng có một số điểm tương đồng về định hướng chính sách và yêu cầu đổi mới phát triển kinh tế số, xã hội số, cụ thể:
(1) Về chủ trương: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mà Đại hội 13 đã thông qua đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới, trong đó xác định nhiệm vụ “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; và đặt mục tiêu “đến năm 2025, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP” và “đến năm 2030, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
(2) Về chiến lược tầm nhìn: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu cơ bản là phát triển đồng bộ 3 trụ cột của Chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số; Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ là một tuyên ngôn của Việt Nam về phát triển kinh tế số, xã hội số mang đặc trưng của Việt Nam
(3) Về mô hình quản lý: Cần được tập trung, thống nhất cơ chế quản lý kinh tế theo quy định của pháp luật (Điều 52, Hiến pháp 2013) trên cơ sở Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan được giao chủ trì thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nền tảng sổ quốc gia và kinh tế nền tảng. Đồng thời, theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin thuộc cấu phần của kinh tế số là: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và một số lĩnh vực kinh tế số ngành.
Với một số định hướng và quan điểm như trên, việc thành lập 01 cơ quan cấp Bộ về phát triển kinh tế số, xã hội số là yêu cầu cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có phát tiển kinh tế số, xã hội số trong giai đoạn mới.
Nguyễn Phương Nhung
Tài liệu tham khảo
Digital Economy Policy: The Case Example of Thailand
https://diodeweb.files.wordpress.com/2018/05/thai-digital-economy-policy-diode-paper1.pdf