Kinh tế Việt Nam “lệch nhịp” tăng trưởng vì dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quá trình phục hồi kinh tế trong quý III năm 2021 “lệch nhịp” (GDP quý 3 năm 2021 giảm 6,02%). Sau đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài và gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề.
Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với những đợt giãn cách kéo dài tại các trung tâm kinh tế của đất nước, như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các vùng lân cận khiến cho GDP giảm hơn 6% trong quý 3/2021.
Vì vậy GDP năm 2021 của Việt Nam ước tính chỉ tăng trưởng 2,58%, thấp hơn 4,2 điểm phần trăm so với dự báo của Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12 năm 2020.
Mặc dù đợt bùng phát dịch Covid-19 bắt đầu từ tháng 4/2021 với tỷ lệ xét nghiệm và tiêm vắc-xin còn thấp, nhưng các cấp có thẩm quyền đã ứng phó một cách nhanh chóng và triển khai tiêm vắc-xin diện rộng trên toàn quốc.
Thực tế cho thấy, đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4/2021 đã gây thiệt hại đáng kể cho người lao động, hộ gia đình và doanh nghiệp. Đợt bùng phát dịch này đã làm trầm trọng thêm tình hình thị trường lao động. Thị trường lao động của Việt Nam vốn chưa phục hồi hoàn toàn so với trước đại dịch tại thời điểm đợt dịch này bắt đầu.
Các đợt giãn cách xã hội vào quý 3/2021 gây ảnh hưởng đến khoảng 28,2 triệu lao động, trong đó khoảng 2,5 triệu người bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục lên mức 3,7%. Thu nhập thực tế bình quân của người lao động bị giảm 12,6% trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt giãn cách vào quý 3/2021, nhưng niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi trong những tháng cuối năm. Trong số những doanh nghiệp còn mở cửa, có đến 57% phải cắt giảm giờ làm. Tổng doanh số trong giai đoạn từ tháng 9 - tháng 11/2021 bị giảm 39% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, dòng tiền chỉ suy giảm nhẹ nhờ các chính sách hỗ trợ và phương thức quản lý thận trọng hơn của các doanh nghiệp. Trong thực tế, 57% doanh nghiệp cho biết họ đã nhận được một phần hỗ trợ của Chính phủ so với tỷ lệ 19% trong tháng 6/2020 và 36% trong tháng 1/2021.
“Vượt bão” Covid, kinh tế Việt Nam bước vào thời đại số
Kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT)).
Kinh tế số tạo ra không gian phát triển mới, mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Nhờ những nỗ lực khởi động chương trình chuyển đổi số quốc gia, quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt 14 tỷ USD (năm 2020), đóng góp 5% GDP và đứng thứ hai ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số (sau Indonesia).
Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa kinh tế số lớn nhất trong khu vực, đạt 4% GDP, đứng thứ 2 là Singapore 3,2% GDP, Indonesia 2,9% GDP, Thái Lan và Malaysia 2,7% GDP, Philippines 1,6% GDP (năm 2020). Đối với quy mô nền kinh tế số, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực, đạt giá trị 9 tỷ USD (sau Indonesia và Thái Lan).
Nhằm tháo gỡ những khó khăn Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia.
Chiến lược xác định rõ thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Về nội dung phát triển kinh tế số, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50% và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Đến năm 2030, Chiến lược này kỳ vọng đạt được các mục tiêu cụ thể như: Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
Ngoài ra, đối với nội dung phát triển xã hội số, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%, tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng thông rộng cáp quang đạt 80%, tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%.
Đáng chú ý, tỷ lệ dân số trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50% tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%, tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 80% và cuối cùng là tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%.
Hình 1: Chiến lược phát triển kinh tế số
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số khẳng định nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất là hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý.
Điểm đột phá là ban hành chính sách, quy định thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn. Cụ thể, cần xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực thi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật để công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử; tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử.
Đồng thời, cần xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, các mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
Bên cạnh đó, Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Cần nắm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ các nhu cầu riêng, đặc thù của người Việt Nam, trên cơ sở phân loại và thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực.
Để củng cố thêm vào kế hoạch chuyển đổi số phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam đó chính là phát triển thương mại điện tử và xây dựng Chính phủ điện tử (E-government).
Minh chứng cho việc phát triển thương mại điện tử là nhờ chính sách phổ cập Internet thành công đã giúp cho thương mại điện tử phát triển bùng nổ. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế số Việt Nam đạt 8 tỷ USD (năm 2017).
Về thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng trung bình 35%/năm, là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, nhanh hơn gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Việt Nam có 48 công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Năm 2017, có 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện được năng lực công nghệ số, thực hiện nhiều dự án công nghệ cao như xe tự lái, Robot, AI.
Năm 2021, thương mại điện tử Việt Nam tăng mạnh, thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD năm 2025. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 sẽ là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử đạt 52 tỷ USD.
Triển vọng của Việt Nam trong nền kinh tế số hóa và lĩnh vực thương mại điện tử rất lớn. Với một quốc gia có 70% dân số sử dụng Internet và gần 50 triệu thuê bao điện thoại thông minh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới.
Việc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông nhờ hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử (E-government) để các cơ quan chính phủ đổi mới, làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong tham gia quản lý Nhà nước.
Mục đích của Chính phủ điện tử là cung cấp hiệu quả hơn các dịch vụ hành chính cho người dân. Càng nhiều dịch vụ cung cấp online thì càng có nhiều người sử dụng các dịch vụ và Chính phủ điện tử càng có ảnh hưởng lớn hơn.
Việt Nam chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế số hóa. Những nỗ lực đầu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử được thực hiện bằng việc thành lập Ủy ban Chính phủ điện tử (năm 2018) với nhiệm vụ đề xuất chiến lược, chính sách tạo môi trường pháp lý xúc tiến thành lập Chính phủ điện tử.
Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có bước nhảy vọt chỉ số phát triển Chính phủ điện tử mức cao và đặt mục tiêu trở thành top 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử trước năm 2025, trong nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử thế giới năm 2030.
Kết luận
Có thể thấy rõ, Việt Nam đã thừa nhận tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với năng lực cạnh tranh quốc gia và để theo kịp sự phát triển của công nghệ toàn cầu. Song để thành công, cần xác định kinh tế số không đơn thuần là thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin mà là quá trình số hóa toàn diện mọi lĩnh vực đời sống, chuyển trọng tâm từ xây dựng cơ sở hạ tầng số sang ứng dụng các công nghệ số để nâng cao giá trị và chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách kinh tế số thực chất là chính sách kinh tế - xã hội số bao trùm mọi khía cạnh phát triển của đất nước. Do đó, cần có sự thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và nội hàm của kinh tế số trong xây dựng và hoạch định chính sách ở Việt Nam, nhất là trong các cơ quan thuộc Chính phủ. Từ đó, có sự định vị và định hướng chính xác, đúng tầm chương trình nghị sự về kinh tế số, cũng như có chính sách hợp lý và hiệu quả để triển khai trong thực tế.
Cần luật hóa những nội dung về kinh tế số để đảm bảo một hành lang, cơ sở pháp lý vững chắc và thống nhất cho triển khai và thực hiện chương trình nghị sự về kinh tế số. Đặc biệt là do trong một số trường hợp, những sáng kiến số có thể dẫn đến những tranh luận về vấn đề an ninh mạng, bảo mật dữ liệu người dùng, thông tin cá nhân… nên việc xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật đồng bộ vừa tạo điều kiện cho quá trình số hóa trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ được quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ là hết sức cần thiết.
Nguyễn Trung Kiên
Tài liệu tham khảo:
1. https://vneconomy.vn/chien-luoc-phat-trien-nen-kinh-te-so-viet-nam.htm
2. https://plo.vn/nen-kinh-te-so-cua-viet-nam-dat-21-ti-usd-post675833.html
3. https://tapchinganhang.gov.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-o-viet-Nam-trong-boi-canh-covid-19.htm