Đang xử lý.....

HOẠT ĐỘNG CỦA MỘT SỐ MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ TẠI VIỆT NAM  

Kinh tế chia sẻ (KTCS) không phải là lĩnh vực mới, trong những năm gần đây, kinh tế chia sẻ đang có xu hướng chuyển đổi từ hoạt động chia sẻ truyền thống (chủ yếu là chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè) sang hình thức kinh doanh (cho thuê, mượn, trao đổi sản phẩm, dịch vụ giữa những người xa lạ) với mục đích thương mại.
Thứ Ba, 28/12/2021 4533
|

1. Mở đầu

Kinh tế chia sẻ (KTCS) không phải là lĩnh vực mới, trong những năm gần đây, kinh tế chia sẻ đang có xu hướng chuyển đổi từ hoạt động chia sẻ truyền thống (chủ yếu là chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè) sang hình thức kinh doanh (cho thuê, mượn, trao đổi sản phẩm, dịch vụ giữa những người xa lạ) với mục đích thương mại. Ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ tuy chưa phát triển mạnh như ở nhiều ở quốc gia trên thế giới nhưng cũng có sự dịch chuyển từ kinh tế truyền thống sang mục đích thương mại.

Trên quan điểm của tác giả, bài viết này sẽ giới thiệu hoạt động của một số mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.

2. Nội dung

a) Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến

Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến, hay dịch vụ đặt xe trực tuyến/dịch vụ vận tải sử dụng hợp đồng điện tử là cách thức yêu cầu một số loại hình dịch vụ vận tải thông qua nền tảng số trên thiết bị di động thông minh.

Ngay từ năm 2006, trên thế giới đã xuất hiện và phát triển nhanh chóng loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải sử dụng hợp đồng điện tử như Uber (Mỹ), Grab (Malaysia), Go-Jek (Indonesia), Didi (Trung Quốc), Yandex (Nga). Tuy nhiên, một số quốc gia khác như Châu Âu, Nhật Bản và một số bang của Mỹ lại có quan điểm hạn chế là cấm cung cấp dịch vụ vận tải trực tuyến do loại hình dịch vụ này được coi là loại hình kinh doanh trong lĩnh vực vận tải chứ không đơn thuần là kinh doanh phần mềm di động.

Một số quốc gia thực hiện chính sách mở cửa, chấp nhận mô hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử (như Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Phi, Nam Mỹ và một số bang của Mỹ). Các nước này đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm quản lý loại hình kinh doanh mới này như: Sửa đổi hệ thống pháp luật và các quy định dưới luật để tạo hành lang pháp lý cần thiết; Đưa ra các giải pháp thu phí, thuế, đảm bảo không thất thu và cạnh tranh công bằng hơn giữa các loại hình vận tải; Đưa ra các quy định bắt buộc đối với tài xế và phương tiện tham gia loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử để bảo đảm an toàn và thuận tiện cho việc quản lý, xử lý; Nới lỏng các quy định để bảo đảm tính cạnh tranh công bằng cho các loại hình thức vận tải.

Ở Việt Nam, dịch vụ này xuất hiện năm 2014, với sự góp mặt của một số ứng dụng kết nối như GrabTaxi (nay là Grab), LiveTaxi, TaxiChiềuVề, Uber, EasyTaxi và đến nay vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới như VATO, Be, FastGo, Aber và Go-Viet (nay là Go-Jek Việt Nam) v.v.

Đối với xe taxi, dịch vụ đặt xe trực tuyến được quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Đối với xe hợp đồng, dịch vụ đặt xe trực tuyến được ứng dụng trên cơ sở Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ Giao thông vận tải). Đề án cho phép các xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (đáp ứng quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT) với thời gian thí điểm là 02 năm (từ 01/2016 đến 01/2018) tài 05 tỉnh/thành phố (bao gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh) được áp dụng hợp đồng điện tử, bên cạnh hình thức hợp đồng bằng văn bản giấy thông thường. Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, từ sau năm 2015, đặc biệt khi thực hiện Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 thì số lượng xe ô tô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải theo hợp đồng tăng mạnh.

Do dịch vụ vận tải khách hàng bằng xe hợp đồng đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên Đề án không phải là thí điểm một loại hình kinh doanh mới, mà thực chất là thí điểm cho phép áp dụng hình thức “hợp đồng vận tỉa điện tử” thay thế cho “hợp đồng văn bản giấy” đối với dịch vụ vận tải bằng xe hợp đồng (hay gọi là “xe hợp đồng điện tử”).

Kết quả 2 năm thực hiện thí điểm Đề án ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng đã được Bộ Giao thông vận tải tổng kết có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 506 đơn vị vận tải, 03 nhà cung cấp phần mềm, với 21.601 xe tham gia thí điểm; thành phố Hà Nội có với 354 đơn vị vận tải, 07 nhà cung cấp phần mềm, với 15.046 xe tham gia thí điểm; tỉnh Quảng Ninh có 04 đơn vị vận tải, 02 đơn vị cung cấp phần mềm, với 62 xe tham gia thí điểm; tỉnh Khánh Hòa có 02 nhà cung cấp phần mềm (đồng thời là đơn vị vận tải), với 100 xe tham gia thí điểm. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 1755/VPCP-CN ngày 23/02/2018 về việc “Đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách hàng theo hợp đồng theo hợp đồng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1805/TTg-KTN ngày 19/10/2015 cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành”. Đề án đã giúp người dân hưởng lợi lớn, vì với sự trợ giúp của kỹ thuật số, các nhà cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe hợp đồng đã tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn. Sự cạnh tranh trong thị trường vận tải (đặc biệt là ở đô thị) chính là động lực mang đến lợi ích này. Người dân đã có thêm nhiều lựa chọn với chất lượng dịch vụ được cải thiện và giá cả minh bạch cho mỗi chuyến đi, trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải cùng hàng trăm nghìn lái xe có nhiều cơ hội làm việc và thu nhập tăng. Mô hình KTCS trong lĩnh vực vận tải trực tuyến cho phép tận dụng tối đa những tài nguyên dư thừa (xe ô tô và lái xe nhàn rỗi) trong xã hội để tạo ra giá trị. Giúp tận dụng xe ô tô và xe máy (tài sản) và người lái xe (lao động) nhàn rỗi để tạo ra dịch vụ. Về khía cạnh tiêu dùng, giúp tận dụng tối đa sức chứa và quãng đường di chuyển của xe ô tô để phục vụ nhiều khách nhất và tạo ra giá trị lớn nhất, nhờ đó khách hàng cũng tiết kiệm được chi phí di chuyển đáng kể. Trong mô hình này, các nền tảng số giúp xóa bỏ đáng kể chi phí giao dịch và các chi phí trung gian khi giúp người mua và người bán nhanh chóng tìm thấy nhau. Cùng với việc tiết kiệm nguồn tài nguyên, sự có mặt của các nền tảng số giúp thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ và gia tang tín hiệu quả của nền kinh tế. Chẳng hạn, Grab giúp giảm tỉ lệ chạy rỗng của xe ô tô khi các xe kết nối Grab có tỷ lệ lấp đầy lên đến 70-90% (tùy thời điểm), so với tỷ lệ lấp đầy của xe taxi truyền thống khoảng 30-50%.

Ngày 17/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP), Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/4/2020, đã có thay đổi đáng kể trong lĩnh vực vận tải trực tuyến, Nghị định đã bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng mạng mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động vận tải đường bộ, đặc biệt là đã giúp phân định rõ ràng doanh nghiệp kinh doanh vận tải với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng; từ đó giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng các điều kiện kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý động này.

Trên thị trường Việt Nam hiện còn một số công ty lớn tham gia vào hoạt động kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến như Grab (vận tải 4 bánh), GoJek (vận tải 2 bánh) và một số công ty khác cùng tham gia lĩnh vực giao hàng, giao đồ ăn…Theo thông tin của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 50-70 ngàn xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng theo mô hình kinh tế chia sẻ, địa bàn hoạt động chủ yếu tại các thành phố lớn.

Trong số xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng, có một tỷ lệ đáng kể chủ xe mua xe (một hoặc nhiều xe) với mục đích kinh doanh khi tận dụng được cơ hội thị trường. Điều này tiềm ẩn rủi ro khi nhu cầu thị trường đi xuống, làm giảm doanh thu, không bù đắp được các khoản chi phí (lãi vay ngân hàng, trả công lái xe, khấu hao xe, chi phí nhiên liệu…) nên dễ dẫn đến thua lỗ, phải bán hoặc cầm cố xe. Trong hoạt động kinh doanh, nền tảng sẽ giúp khách hàng và lái xe kết nối với nhau đồng thời xác định giá cước cho mỗi chuyến đi tùy theo khoảng cách và thời điểm trong ngày. Theo Hợp đồng với lái xe, các công ty cung cấp nền tảng được giữ lại một tỷ lệ trong tổng doanh thu từng chuyến xe (hiện tỷ lệ này đối với Grab taxi là 28,6%, đối với GoJek là 20%).

Công ty sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, trong đó thuế VAT 3% và thuế TNCN là 1,5% tính theo doanh thu (theo Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính). Đối với lái xe có thu nhập từ 100 triệu VND trở lên sẽ thực hiện đóng thuế TNCN. Ngoài ra, công ty còn thu phí duy trì nền tảng (đối với công ty Grab thu 2000 VND/cuốc xe, công ty GoJek thu trong khoảng từ 1,5-2 nghìn đồng/giao dịch tùy theo thời điểm trong ngày). Hiện nay, khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực thi hành đã quy định khá chi tiết, đầy đủ về hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và kinh doanh vận tải theo mô hình kinh tế chia sẻ nói riêng, những chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, bất kể theo hình thức nào, cũng phải chịu thuế và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp vận tải để đảm bảo công bằng. Trong quá trình hoạt động, nhiều công ty mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực khác ngoài vận chuyển hành khách, đa dạng hóa dịch vụ để tận dụng nền tảng số và đáp ứng nhu cầu mới với thị trường, một số công ty tham gia vận tải trực tuyến đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang nhiều hoạt động khác, đáp ứng nhu cầu của thị trường và xu hướng phát triển kinh tế số. Trong đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện hợp đồng vận tải, Grab là một trong những nền tảng kinh tế chia sẻ đầu tiên trong ngành vận tải tại Việt Nam. Grab bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2014 với dịch vụ GrabTaxi. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, Grab đã mở rộng kết nối thêm nhiều loại hình dịch vụ thiết yếu của người dân tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Phạm vi kinh doanh của Grab mở rộng so với ban đầu, các hoạt động kinh doanh hiện nay gồm: (i) Vận tải hành khách: GrabTaxi, GrabCar, GrabBike; (ii) Giao hàng nhanh chặng cuối: GrabExpress; (iii) Giao thức ăn: GrabGood; (iv) Đi chợ và giao đồ tạp hóa: GrabMart; (v) Kết hợp với Công ty CP Công nghệ & Dịch vụ Moca để cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt Moca trên nền tảng Grab. Công ty GoJek cũng mở rộng từ vận tải xe hai bánh (GoViet) thêm dịch vụ giao hàng (Go Food), thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua ví điện tử).

Số lượng doanh nghiệp vận tải, cá nhân (lái xe) tham gia mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến khá lớn. Grab có hơn 200 nghìn đối tác tài xế ô tô và xe máy, 16 ngàn đối tác nhà hàng, kinh doanh thực phẩm. GoJek có 150 ngàn lái xe và 80 ngàn đối tác nhà hàng… qua đó tại ra việc làm và thu nhập cho khối lượng lớn người lao động.

Trong mô hình kinh tế chia sẻ này, các thông tin về giao dịch được lưu trữ trên hệ thống và cung cấp cho cơ quan chức năng để phục vụ mục đích quản lý nhà nước, đặc biệt về thuế. Cụ thể, với các dịch vụ vận chuyển và giao nhận, khách hàng và tài xế đều biết thông tin cơ bản trước khi gặp và thực hiện hợp đồng; Thông tin giao dịch có liên quan được tổng hợp và gửi tới cơ quan thuế phục vụ mục đích quản lý thuế (giá trị giao dịch, đơn vị vận tải) và Sở Giao thông vận tải phục vụ mục đích quản lý và thống kê (đơn vị vận tải, phương tiện, tài xế, số chuyến xe).

Về thanh toán, các nền tảng hiện nay đều tích hợp và khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Việc hình thành thói quen không dùng tiền mặt, cùng với dữ liệu giao dịch được lưu trữ và xử lý cũng mở đường cho việc thúc đẩy tài chính toàn diện - một trong những ưu tiên hiện nay của Chính phủ. Chẳng hạn, Grab hợp tác với Moca để cung cấp các giải pháp thanh toán số cho khách hàng. Hiện nay, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab đạt 43%, riêng GrabMart đạt 70% (trong khi tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt của cả nước đạt chưa đến 10%). Từ việc tạo thói quen cho khách hàng thanh toán số cho các dịch vụ trên nền tảng cũng tạo điều kiện để khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng vật lý truyền thống.

b) Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực chia sẻ phòng ở

Đây là loại hình dịch vụ giúp cho con người đặt phòng và người có phòng trống hoặc biệt thự, căn hộ cho thuê thiết kết nối với nhau thông qua ứng dụng đặt phòng trực tuyến. Trên thế giới hiện có một số công ty cung cấp dịch vụ này và chiếm thị phần lớn như Airbnb, Homeaway, Expedia, Gotadi, …. Các nền tảng này tạo ra môi trường kết nối giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ lưu trú. Trên nền tảng này, người muốn đăng tìm phòng cho thuê phòng thì phải đăng ký là thành viên, lập tài khoản cá nhân. Tại đây chủ sở hữu ở cho thuê và khách hàng có thể trao đổi mọi thông tin về phòng ở; người cung cấp dịch vụ là người sở hữu tài sản và định giá bán dịch vụ lưu trú (giá thuê). Trên thế giới, mô hình kinh doanh này đang phát triển mạnh và có tốc độ tăng trưởng cao, mức tăng trưởng doanh thu hàng năm giai đoạn 2013 - 2025 ước đạt khoảng 31%.

Ở Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú đã hình thành và phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt tại các thành phố lớn và các địa bàn du lịch. Hiện hai nền tảng Airbnb và Luxstay đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Airbnb là công ty của Mỹ được thành lập từ 2008, bắt đầu tiếp cận thị trường Việt Nam từ 2015, tại đây, Airbnb phát triển mạnh từ 1.000 phòng cho thuê vào năm 2015 và chỉ tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì đến 01/2019 đã tăng lên 40.804 phòng và địa bàn đã mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các địa bàn du lịch. Tốc độ tăng trưởng số phòng đăng ký cho thuê tăng mạnh hàng năm, nhất là tại các thành phố lớn như tại Hà Nội 112%, Đà Nẵng 111% và TP. Hồ Chí Minh 97%. Đặc biệt, tỷ lệ đặt phòng tăng vượt trội tại Hà Nội và Đà Nẵng đều lên tới trên dưới 220%.

Airbnb không phải là tổ chức dịch vụ môi giới bất động sản hay dịch vụ lưu trú. Airbnb đơn thuần cung cấp dịch vụ trực tuyến để các chủ thể có nhu cầu cho thuê và cần thuê gặp nhau để xác lập giao dịch mua bán. Tòa án công lý Châu Âu chấp nhận lập luận của Airbnb là “một dịch vụ trung gian thực hiện kết nối thông qua nền tảng điện tử giữa người thuê nhà tiềm năng với các chủ nhà chuyên nghiêp và không chuyên, cho thuê chỗ ở trong ngắn hạn đồng thời cung cấp cho một số dịch vụ phụ trợ”. Với việc được coi là nền tảng trực tuyến, Airbnb không phải tuân thủ các quy định khắt khe trong lĩnh vực bất động sản tại Châu Âu.

Luxstay là một Star-up của Việt Nam, ra đời muộn hơn, vào năm 2016, nền tảng chia sẻ nhà ở này được xem là số 1 tại Việt Nam hoạt động theo mô hình chia sẻ căn hộ và đang sở hữu hơn 15.000 chỗ nghỉ tập trung chủ yếu vào các khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các điểm du lịch như Nha Trang, Sapa, Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt. Quy mô thị trường kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú hiện nay của Việt Nam khoảng 174 triệu USD, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 2% trong thị trường lưu trú du lịch 8 tỷ USD của Việt Nam (tại các nước phát triển của mô hình này còn lớn. Theo nghiên cứu thị trường của AirDNA, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển du lịch, giảm mạnh các thủ tục và điều kiện về cấp thị thực cho du khách quốc tế, giúp Việt Nam trở thành điểm nóng thu hút khách du lịch. Người Việt Nam cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh này, phát triển mô hình homesharing, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các khu du lịch trên cả nước.

Hình 1. Quy mô thị trường và doanh thu KTCS trong lĩnh vực lưu trú tại một số địa phương

Cùng với xu hướng chuyển đổi số sang mục đích kinh doanh của KTCS nói chung, lĩnh vực chia sẻ phòng ở tại Viêt Nam những năm gần đây đang dịch chuyển theo xu hướng này. Đã xuất hiện nhiều cá nhân, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mua nhiều căn hộ rồi sau đó thay vì cho thuê dài hạn đã chuyển sang cho thuê lại dưới hình thức ngắn hạn có thể tạo thêm 20-50% doanh thu mỗi tháng so với các hợp đồng cho thuê dài hạn. Chủ kinh doanh căn hộ cho thuê nhờ đó tận dụng được cơ hội nguồn cung căn hộ dồi dào tại các thành phố, đáp ứng nhu cầu phân khúc thị trường cho thuê ngắn hạn, rút ngắn thời gian trả nợ ngân hàng, quay vòng vốn nhanh để mở rộng kinh doanh qua mua và đưa thêm căn hộ mới vào kinh doanh. Các sản phẩm cho thuê theo mô hình KTCS trong lĩnh vực lưu trú của Việt Nam khá đa dạng, bao gồm: cho thuê toàn bộ ngôi nhà (entire home), cho thuê một số phòng riêng (private room) và phòng ghép. Cơ cấu phòng ở cho thuê nên trên cho thấy, phần lớn phòng ở cho thuê trên Airbnb là thuê nguyên căn hoặc phòng riêng, điều này phù hợp với mục đích kinh doanh. Các loại cơ sở đang được chủ nhà cho thuê phổ biến là căn hộ dịch vụ, homestay và các căn hộ, biệt thự tại các tổ hợp condotel.

Cũng theo Outbox, trong tổng số 18.230 chủ nhà cho thuê trên Airbnb, có tới 69% chủ nhà có nhiều phòng/căn hộ cho thuê, chỉ có 31% số chủ nhà có một phòng cho thuê. Hiện tượng đăng ký nhiều phòng/căn hộ cho thuê trên Airbnb trở nên phổ biến cho thấy KTCS trong lĩnh vực lưu trú không còn đơn thuần là nguồn tăng thu nhập cho những cá nhân có nhà hoặc phòng ở nhà rỗi mà trở thành sản phẩm kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận.

Phân bố theo vùng địa lý, mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng Airbnb tại Việt Nam tập trung chính ở miền Nam với 42,3%, miền Bắc chiếm 27,2%, con số này ở khu vực miền Trung là 26,2% và Tây Nguyên là 4,3%. Về thu nhập, có tới 68% chủ hộ tham gia Airbnb tại Tp. Hồ Chí Minh sở hữu 2 căn hộ trở lên, thu nhập trung bình hàng tháng 14 triệu đồng/căn hộ. Trong khi đó, tại Hà Nội, doanh thu các chủ nhà nhận được cho mỗi căn hộ đạt mức 8-9 triệu đồng/tháng.

Tổng số lượt khách đặt phòng qua Airbnb tới Việt Nam năm 2017 khoảng 400 ngàn người, trong đó 84% là khách nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Singapore, Úc, Hàn quốc, một tỷ lệ nhỏ (dưới 10% đến từ Hồng Kông và các quốc gia khác). Khách nội địa chiếm khoảng 16% và chủ yếu đến từ 3 thành phố lớn Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Khác với khách du lịch theo các kênh truyền thống, khách du lịch sử dụng Airbnb muốn trải nghiệm theo một cách riêng, để có cuộc sống như người dân địa phương, khám phá những giá trị đích thực kết hợp cơ hội thúc đẩy các kết nối văn hóa, phong tục khác nhau. Ngoài ra nền tảng này còn có hữu ích cho khách du lịch nhưng với ngân sách giới hạn.

Về điều chỉnh pháp luật về thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú. Bộ Tài chính đã có Công văn số 848/BTC-TCT ngày 18/01/2017 về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến, trong đó quy định vụ thuế của các chủ thể tham gia mô hình chia sẻ phòng ở. Mặc dù trong văn bản đã nêu rõ cơ sở lưu trú (bên Việt Nam) sẽ nộp thay cho các chủ cung ứng dịch vụ chia sẻ.

Do thị trường của KTCS trong lĩnh vực lưu trú là phục vụ khách du lịch, nhưng lĩnh vực này lại bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, khi mà các hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, làm ngưng trệ thị trường cho thuê phòng ở trong lĩnh vực này thìmột số chủ đầu tư vào mô hình KTCS trong lĩnh vực lưu trú kinh doanh, không có doanh thu trong khi tiền lãi vay ngân hàng và các khoản chi phí khác không giảm hoặc giảm không đáng kể, thì việc thua lỗ, thậm chí phá sản là khó tránh khỏi.

c) Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ cho vay ngang hàng (peer to peer Lending - P2P)

Trên thế giới, mô hình P2P lending lần đầu tiên xuất hiện ở Anh (Zopa Funding Circle), sau đó phát triển ở một số quốc gia khác như tại thị trường Mỹ (Lending Club, Prosper, SoFi, OnDeck, Avant), tại thị trường Trung Quốc (Lufax, JimuBox, Dianrong, Ppdai, Renrendai). Theo báo cáo của Adroit Market Research, quy mô hoạt động P2P lending toàn cầu năm 2017 đạt 231,1 tỷ USD và theo báo cáo BIS Quarter Review 2018 của Ngân hàng thanh toán quốc tế, thị trường P2P lending lớn nhất hiện nay là Trung Quốc (năm 2015 là 99,7 tỷ USD, 2016 là 240,9 tỷ USD), tiếp theo là Mỹ (năm 2015 là 34,3 tỷ USD, năm 2016 là 32,4 tỷ USD) và Anh (năm 2015 là 4,1 tỷ USD, năm 2016 là 6 tỷ USD). Báo cáo của Transperancey Market Research về quy mô và xu hướng phá triển thị trường P2P lending có thể tăng trưởng lên đến 897,9 tỷ USD vào năm 2024.

P2P lending là mô hình kinh doanh sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn. Nền tảng P2P giúp người có nhu cầu mượn tiền từ nhà đầu tư không cần thông qua một tổ chức trung gian truyền thống (tổ chức tín dụng). Đây là phương thức hoàn toàn khác biệt với mô hình cho vay truyền thống, được thiết kế và xây dựng trên nền tảng trực tuyến cùng với hệ thống công nghệ tài chính tiên tiến mà không thông qua trung gian tài chính. Lãi suất được thiết lập bởi hệ thống đánh giá của công ty P2P trên cơ sở phân tích các thông tin tài khoản tín dụng, thông tin mạng xã hội và rất nhiều nguồn thông tin khác tùy theo ngân hàng. Trên thế giới hiện tồn tại nhiều mô hình P2P lending khác nhau, tùy thuộc vào từng mô hình, có thể xét theo hai khía cạnh là cho vay và đầu tư. Nói cách khác, P2P lending như một sản phẩm giao thoa giữa hoạt động cho vay và hoạt động đầu tư tài chính. Trên thế giới, hoạt động của P2P lending cũng rất đa dạng, bên cạnh chức năng trung gian thông tin truyền thống (chỉ đơn thuần cung cấp thông tin trên nền tảng giao dịch trực tuyến để người đi vay kết nối với người cho vay và trực tiếp quyết định thực hiện giao dịch), nhiều công ty P2P Lending có thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ người đi vay và cho vay như: định danh khách hàng; xếp hạng tín nhiệm; định giá khoản vay và tài sản đảm bảo; mua/bán tại khoản vay; thu hồi nợ; bảo lãnh khoản vay; lưu ký, đăng ký tài sản đảm bảo; ví điện tử…

Ở Việt Nam, hoạt động cho vay ngân hàng bắt đầu xuất hiện từ năm 2016. Theo Ngân hàng Nhà nước, số lượng công ty P2P lending hiện nay vào khoảng 100 công ty (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan,…) trong đó, có một số công ty P2P lending có nguồn gốc từ Trưng Quốc, Nga, Singapore, Indonesia… Tuy mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, nhưng các công ty P2P lending có sự tăng trưởng mạnh về số lượng công ty tham gia thị trường, số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và số phí dịch vụ thu được cho vay tiêu dùng ở Việt Nam và nhìn nhận đây là thị trường có tiềm năng cho P2P lending phá triển.

Do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam hện nay chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P lending, các công ty hoạt động trong lĩnh vực đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính… cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Các tác nhân tham gia trong mô hình P2P lending gồm có: Công ty P2P Lending; người đi vay; người cho vay; ngân hàng; công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử), công ty bảo hiểm, thu hồi nợ,…

- Công ty P2P lending phát triển nền tảng trực tuyến (trên website hoặc ứng dụng trên app), sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống chấm điểm tín nhiệm tín dụng để đánh giá người đi vay, trung gian kết nối giữa người đi vay và người cho vay, tư vấn khoản vay, thực hiện xác thực thông tin khách hàng và hỗ trợ việc ký hợp đồng, hỗ trợ chăm sóc khách hàng (tư vấn, giải quyết khiếu nại), hỗ trợ công tác nhắc nợ, mua bảo hiểm đầu tư cho người đi vay theo ủy quyền.

- Người đi vay, sử dụng dịch vụ do hệ thống P2P Lending cung cấp, cung cấp các thông tin theo yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin do mình cung cấp, trả gốc tiền vay, tiền lãi, và phí (nếu có) đúng hạn.

- Người cho vay, sử dụng dịch vụ do hệ thống P2P Lending cung cấp, cung cấp các thông tin theo yêu cầu, chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin cung cấp, được hưởng lãi, phí theo thỏa thuận với người vay.

- Trung gian thanh toán (ngân hàng, công ty thanh toán ví điện tử), hợp tác với công ty P2P Lending để cung cấp dịch vụ thanh toán giữa các bên vay và cho vay, giúp luận chuyển, thanh toán tiền giữa các bên thông qua nghiệp vụ ví điện tử.

- Công ty bảo hiểm, cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho người vay và người đi vay, thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm, chi trả bảo hiểm đối với các trường hợp sự kiện bảo hiểm xảy ra phù hợp với các quy tắc bảo hiểm đã thỏa thuận.

- Công ty thu hồi nợ, thực hiện thu hồi nợ khi khoản nợ bị quá hạn có trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng do công ty P2P Lending cung cấp, được hưởng phí thu hồi nợ.

Công ty P2P Lending thực hiện hoạt động kết nối giữa người vay và người cho vay trên nền tảng công nghệ số. Bên vay và bên cho vay được kết nối với nhau để thực hiện vay tiền. Trường hợp bên cho vay đồng ý cho vay tiền thì bên vay và bên cho vay sẽ giao kết thỏa thuận tài chính, trong đó thống nhất với nhau về lãi suất, nghĩa vụ giải ngân của bên cho vay, nghĩa vụ thanh toán khoản vay, tiền lãi và phí (nếu có) của bên vay,… Trong mô hình kết nối này, mặc dù các chủ thể tham gia là độc lập nhưngmỗi chủ thể đều có vai trò, quyền lợi và trách nhiệm riêng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến của các công ty P2P Lending là khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo, thời hạn vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay. Điều đó cho thấy, các công ty P2P Lending ở Việt Nam hiện nay hầu như không phải hoạt động theo mô hình P2P Lending truyền thống (với các đặc điểm như đã nêu ở trên). Đối với các khoản vay cá nhân, các công ty đưa ra các gói sản phẩm rất đa dạng như vay tín chấp theo lương, vay theo sổ hộ khẩu, vay theo đăng ký xe máy, vay trả góp, vay theo hóa đơn điện nước, vay theo đăng ký xe ô tô, cầm ô tô, cầm sổ đỏ…. Đối với các tài khoản vay SME như: Tài trợ các khoản phải thu, tài trợ bên mua hàng, tài trợ vốn lưu động, tài trợ thương mại điện tử, …

Đối tượng vay vốn trong mô hình P2P Lending chủ yếu là nhóm người lao động trẻ tuổi, có thu nhập thấp, không tiếp cận được tín dụng chính thức. Theo thông tin của Công ty Tima, người đi vay từ P2P Lending thường là lao động trẻ tuổi (86% khách hàng có độ tuổi 20-39 tuổi, 14% có độ tuổi 40-60); có thu nhập thấp (từ 3 - dưới 7 triệu VNĐ/tháng), chưa tiếp cận được vay vốn ngân hàng.

Hoạt động của mô hình P2P Lending thời gian qua đã mang lại nhiều các ảnh hưởng tích cực như: Cung cấp thêm giải pháp tiếp cận nguồn vốn cho người có nhu cầu vay và đáp ứng nhu cầu vay linh hoạt của người vay; Đa dạng hóa kênh đầu tư với nguồn thu nhập hấp dẫn; góp phần mạnh mẽ đẩy lùi tín dụng đen; Đẩy mạnh cải cách chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực tài chính cũng như góp phần vào cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình P2P Lending nếu như không được quản lý, giám sát chặt chẽ thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội. Nếu không được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đúng mức thì chỉ có thể gia tăng rủi ro về các sự cố liên quan đến công nghệ thông tin. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ các chỉ số đảm bảo an toàn hoạt động thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.

Nhiệm vụ đặt ra là vừa hỗ trợ thúc đẩy sáng tạo đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng vừa phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong khi hiện nay chúng ta hầu như chưa có các quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh hoạt động P2P Lending, do đó chưa có căn cứ kiểm soát được các rủi ro có thể phát sinh.

3. Kết luận

Kinh tế chia sẻ ở Việt Nam đã tồn tại và được chú ý phát triển từ rất sớm với mô hình kinh tế hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã sản xuất nông, lâm ngư, nghiệp, hợp tác xã dịch vụ, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước qua các thời kỳ. Trong thời gian vừa qua, nhờ ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ số, internet vạn vật, điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo v.v., kinh tế chia sẻ đã có những bước phát triển đột phá với các mô hình kinh doanh mới như mô hình hợp tác, chia sẻ về vận tải hành khách công cộng, mô hình chia sẻ địa điểm lưu trú, mô hình cho vay tài chính ngang hàng. Chất lượng truyền tải thông tin ngày càng được tăng cường đi kèm với tốc độ xử lý thông tin ngày càng có những bước tiến đột phá là tiền đề quan trọng bảo đảm sự nở rộ, thăng hoa về hợp tác, chia sẻ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù mới ở giai đoạn khởi đầu tăng tốc phát triển, kinh tế chia sẻ chắc chắn sẽ mang đến nhiều cơ hội cho kinh tế số Việt Nam.

Trịnh Thị Trang

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

2. Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

3. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.

4. http://vibonline.com.vn/du_thao/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-mot-dieu-cua-nghi-dinh-522013nd-cp-ve-thuong-mai-dien-tu