Thực hiện Nghị định số 64/QĐ-TTg ngày 10/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 về chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương năm 2017. Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Bài viết sau đây đánh giá việc triển khai về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3 với đăng ký khai sinh trên địa bàn huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai chiến lược, lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt Kế hoạch triển khai mở rộng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 xuống các cấp Sở, cấp quận/huyện/thị xã và cấp xã/phường/thị trấn, các TTHC liên quan đến người dân (khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn); doanh nghiệp (cấp phép đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng,…). Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết TTHC của UBND các cấp, công tác CCHC của thành phố tiếp tục được đẩy mạnh. Theo báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016, thành phố Hà Nội đứng thứ hạng 1 về xếp hạng theo số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến (hồ sơ trực tuyến) mức độ 3, mức độ 4 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3 là 54 dịch vụ có tổng số hồ sơ được xử lý trong năm là 669.504, trong đó 42 dịch vụ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến trong năm là 340.027.
Ngày 31/12/2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố Hà Nội năm 2017, với mục tiêu “phấn đấu cung cấp tối thiểu 40% thủ tục hành chính của Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trực tuyến mức độ 3, 4; 100% các đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối cổng DCVTT thống nhất toàn thành phố và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4”. Để thực hiện Kế hoạch trên, ngày 12/6/2017 UBND thành phố Hà Nội có Công văn số 2847/UBND-KGVX về ban hành danh mục các DVCTT mức độ 3, 4 Đợt 1 năm 2017. Theo đó, danh mục các DVCTT mức độ 3, 4 Đợt 1 năm 2017, bao gồm: 375 DVCTT với 306 DVCTT cấp sở, 44 DVCTT cấp huyện và 25 DVCTT cấp xã được triển khai tại các phường thuộc quận trong nội thành và 416 xã thuộc 18 huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội và được đăng tải tại địa chỉ https://egov.hanoi.gov.vn. Trong đó, DVCTT mức độ 3 về lĩnh vực tư pháp được triển khai nhiều nhất và đến nay thành phố vẫn đang tiếp tục triển khai mở rộng danh mục DVCTT mức độ 3 đến 584 xã, phường, thị trấn, điển hình như: huyện Hoài Đức đã triển khai tại 20 xã, huyện Ba Vì đang triển khai tại 30 xã, huyện Sóc Sơn triển khai tại 26 xã và đang triển khai trên 22 xã trực thuộc huyện Gia Lâm,… Phấn đấu 100% giao dịch TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp được áp dụng DVCTT mức độ 3, tiến tới sử dụng trực tuyến mức độ 4, góp phần tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân trong các giao dịch hành chính, cụ thể hóa ba tiêu chí trong công tác cải cách hành chính đó là giảm thời gian giải quyết, giảm số lượt đi lại của công dân, doanh nghiệp và giảm hồ sơ giấy tờ.
Thực trạng triển khai
Việc triển khai DVCTT mức độ 3 với các dịch vụ như: đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn đã thực hiện tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhằm đảm bảo hạ tầng cho việc triển khai các DVCTT, đến nay đã hoàn thành cài đặt cho 38/40 máy tính của 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Theo cán bộ tại bộ phận một cửa xã Kim Chung, huyện Hoài Đức chia sẻ: “Do khả năng về công nghệ thông tin của nhiều công dân, đặc biệt là các bác lớn tuổi còn hạn chế nên vẫn ra xã làm các thủ tục theo thói quen, tạo cảm giác tâm hơn; cùng với đó là những công dân ít tiếp xúc với máy tính hoặc các thiết bị thông minh khác để có thể kê khai hoặc nhận thông tin cũng gặp những khó khăn nhất định. Nhưng sau khi được cán bộ hướng dẫn về các bước đăng ký trực tuyến, các bác nhận thấy không hề khó và vui vẻ sử dụng dịch vụ, thậm chí có bác còn nhiệt tình hướng dẫn cho những người khác chưa biết thực hiện thao tác trên máy tính được nhanh chóng. Công dân đến bộ phận một cửa sau khi được giới thiệu, hướng dẫn về các DVCTT đã nhận ra được nhiều tiện ích nên cũng sử dụng nhiều hơn”, cán bộ này nhấn mạnh. Tuy vậy, vẫn còn một số tình trạng người dân chưa tìm hiểu các hướng dẫn nên đã thao tác nhầm phải đăng ký lại từ đầu hoặc trong quá trình kê khai thông tin bắt buộc phải có thư điện tử để nhận thông tin liên lạc dẫn đến lúng túng đối với người chưa có tài khoản thư điện tử. Vì vậy, cán bộ nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa mất nhiều thời gian hơn trong việc hướng dẫn kê khai thực hiện dịch vụ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện trong việc nâng cao hiệu quả triển khai hệ thống DVCTT mức độ 3 đến cấp xã đối với lĩnh vực tư pháp, ngày 28/02/2017, phòng Tư pháp huyện và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có Kế hoạch số 03-KHLN/PTP-HĐ về việc triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp, trong đó hướng dẫn quy trình thực hiện cho hơn 100 đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn cơ sở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Do đã được thí điểm trước khi vận hành chính thức trên toàn huyện nên việc triển khai các dịch vụ này ở xã cơ bản ổn định và thuận lợi, đến nay xã đã nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ trực tuyến. Để đông đảo người dân được thụ hưởng các tiện ích từ những DVCTT này, huyện Hoài Đức đã tích cực làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để toàn dân hiểu rõ về chủ trương xây dựng chiến lược, lộ trình xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 nói chung và huyện Hoài Đức nói riêng xác định đây là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân. Với quyết tâm chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện và sự đồng tình, chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng.
Thuận tiện với người dân
Là một người dân đi làm thủ tục khai sinh cho con, khi đến bộ phận một cửa xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, tôi được cán bộ hướng dẫn kê khai thông tin đăng ký khai sinh qua mạng một cách cụ thể. Mới nhìn biểu mẫu kê khai thông tin tưởng phức tạp nhưng đều là những thông tin cá nhân cơ bản của bố, mẹ, con. Việc kê khai thông tin đối với khai sinh thông thường chỉ mất chưa đến 30 phút, biểu mẫu kê khai đơn giản, từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu và ngay khi thực hiện thành công kết quả báo về hộp thư điện tử của tôi là đã đăng ký thành công, báo mã hồ sơ và ngày hẹn trả kết quả.
Hình 1- Biểu mẫu đăng ký khai sinh thông thường trên hệ thống
dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội (https://egov.hanoi.gov.vn)
Người dân chỉ phải đến duy nhất một lần để thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại bộ phận một cửa của UBND xã. Trong thời gian chờ kết quả, cán bộ một cửa gọi điện thông báo và hướng dẫn cụ thể cho tôi thêm một số thông tin liên quan khi khai sinh cho con đó là việc đăng ký hộ khẩu thường trú và yêu cầu cấp thẻ bảo hiểm cho con. Kết quả sau 03 ngày tôi đã nhận được giấy khai sinh của con và được hỗ trợ thông tin nhanh để hoàn thiện hồ sơ còn thiếu khác liên quan. Tôi đã rất hài lòng với dịch vụ nên thấy rất phấn khởi và sẽ tuyên truyền để nhiều người biết đến dịch vụ tiện ích này hơn.
Một số hình ảnh thông báo từ dịch vụ công Hà Nội vào hộp thư điện tử
Kết luận
Đối với công tác quản lý nhà nước, việc triển khai DVCTT mức 3 đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hoá các thủ tục, tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Riêng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về lĩnh vực tư pháp triển khai trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện nay đã mang lại hiệu quả nhất định đối với đời sống xã hội, đặc biệt thay đổi phương thức làm việc, cách thức tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ và người dân trên địa bàn huyện một cách tích cực.
Tài liệu tham khảo:
1) Văn bản số 17032/BC-VPCP ngày 10/10/2017 của Văn phòng Chính phủ Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử Quý III năm 2017.
2) Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 31/12/2016 của UBND Thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước Thành phố Hà Nội năm 2017.
3) Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 26/10/2016 của UBND thành phố Hà Nội triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
4) Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.
5) Cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố Hà Nội: https://egov.hanoi.gov.vn.
6) Cổng thông tin điện tử huyện Hoài Đức, Hà Nội: http://hoaiduc.hanoi.gov.vn.
Phan Thúy Trinh