1. Mở đầu
Estonia là quốc gia có trình độ phát triển Chính phủ số tiên tiến với 99% dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ngành giáo dục của Estonia đã số hóa nhanh chóng. Tất cả các trường học ở Estonia đều sử dụng các hệ thống trường học điện tử như: tài liệu học tập kỹ thuật số, phần mềm quản lý trường học. Bộ Giáo dục của nước này đã làm rất tốt trong việc hợp tác với các công ty tư nhân để xây dựng, cung cấp rất nhiều công cụ trực tuyến cho ngành giáo dục.
Một hệ thống nền tảng giáo dục khá quan trọng ở đất nước này là Hệ thống thông tin giáo dục Estonia (Eesti hariduse infosüsteem, EHIS).
2. Nội dung
Một trong những bước ngoặt có ảnh hưởng lớn nhất với ngành giáo dục Estonia và ứng dụng CNTT trong hoạt động giáo dục là dự án Tiger Leap (Tiigrihüpe). Đây là dự án nhằm thiết lập một cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại cho đất nước, đặc biệt chú trọng đến trường học, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện hệ thống giáo dục.
Chương trình Tiger Leap được chính phủ Estonia phát động vào năm 1996 và được thể chế hóa với việc thành lập Tiger Leap Foundation vào năm 1997, hoạt động cho đến năm 2000. Chương trình Tiger Leap được tài trợ bởi Bộ Giáo dục (được đổi tên thành Bộ Giáo dục và Nghiên cứu vào năm 2003). Mục tiêu của nó là nâng cao chất lượng giáo dục ở Estonia với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Chương trình Tiger Leap nhằm mục đích:
- Cung cấp cho mỗi trường học ở Estonia máy tính và truy cập Internet.
- Tập huấn cho giáo viên cách sử dụng máy tính trong trường học và trong giảng dạy.
- Phát triển phần mềm giáo dục để cho phép học tập kỹ thuật số.
- Bồi dưỡng kỹ năng CNTT cho sinh viên.
- Hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển cơ sở hạ tầng CNTT-TT.
Chương trình được tài trợ phần lớn bởi nhà nước với số tiền khoảng 10 triệu USD từ năm 1997 đến năm 2000. Số tiền này được bổ sung thêm khoảng 2 triệu USD từ Liên minh Châu Âu (EU). Hơn 2/3 kinh phí dành cho cơ sở hạ tầng CNTT-TT. Đến cuối năm 2000, tất cả các trường đều có Internet và được trang bị máy vi tính, cứ 25 học sinh thì có một máy tính và 65% giáo viên đã được đào tạo về cách sử dụng máy tính. Chương trình Tiger Leap được tiếp nối bởi chương trình Tiger Leap Plus ra mắt vào năm 2001.
Trước khi có chương trình Tiger Leap, các trường học không sử dụng máy tính hoặc chỉ ở một mức độ rất hạn chế. Đến năm 2001, tất cả các trường đều được trang bị máy vi tính và kết nối Internet. Tiger Leap Foundation đã hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương bằng cách tương xứng với các khoản đóng góp tài chính của họ. Tuy nhiên, bản thân thiết bị không mang lại sự thay đổi. Quan trọng là người dùng cũng cần được đào tạo về cách xử lý máy tính và sử dụng Internet, từ đó họ có động lực để sử dụng các thiết bị công nghệ mới. Với mục đích này, Tiger Leap Foundation đã tổ chức các khóa đào tạo máy tính cơ bản cho giáo viên trong 40 giờ đào tạo/năm. Năm 1997, gần 4.000 giáo viên đã hoàn thành khóa đào tạo này, chương trình đào tạo này được kéo dài nhiều năm sau đó. Vào đầu những năm 2000, tài liệu giáo dục điện tử được phát triển và chia sẻ thông qua cổng thông tin giáo dục SchoolLife, được thành lập vào năm 2001.
Giáo dục không phải là lĩnh vực duy nhất trải qua một quá trình thích ứng nhanh chóng và đáng kể với số hóa, các lĩnh vực quản trị công khác như thuế, bầu cử và y tế cũng trải qua sự thay đổi nhanh chóng. Năm 2002, ID kỹ thuật số, một thẻ ID có chứa một con chip lưu trữ thông tin cá nhân quan trọng, đã được giới thiệu ở Estonia. Thẻ có chức năng như chìa khóa cho các dịch vụ điện tử. Hầu hết mọi người dân đều có thẻ căn cước riêng. Hầu hết các máy tính xách tay đều có một khe cắm thẻ ID cho phép người dùng sử dụng mật khẩu làm định dạng cá nhân để truy cập các dịch vụ điện tử. Hơn nữa, Mobile ID - một thẻ SIM di động đặc biệt - và Smart ID - một ứng dụng trên điện thoại thông minh - cho phép nhận dạng mà không cần đầu đọc thẻ vì trong khu vực công, không thể đăng nhập "chỉ" với tên người dùng và mật khẩu, mà còn yêu cầu thẻ ID, ID di động hoặc ID thông minh.
Kể từ giữa những năm 2000, chương trình Learning Tiger đã thúc đẩy học tập điện tử, chẳng hạn như thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý học tập dựa trên web. Các chương trình cụ thể theo chủ đề được phát triển nhằm vào các lĩnh vực cụ thể trong giáo dục và các dự án đào tạo tập trung vào giáo viên như DigiTiger đã hướng dẫn cho giáo viên về cách sử dụng công nghệ thông tin trong học tập. TechnoTiger nhắm mục tiêu hỗ trợ giáo viên về công nghệ thông tin, nghệ thuật và hướng dẫn nghề nghiệp với mục đích tăng số lượng học sinh tiếp tục theo học ngành công nghệ. Ngày nay, cứ 10 sinh viên giáo dục đại học thì có một người chọn học ngành CNTT.
Việc thành lập EHIS diễn ra trong bối cảnh xã hội số hóa nhanh chóng, đặc biệt là hệ thống giáo dục. Trước đây, việc thu thập dữ liệu từ các trường học cũng đã có nhưng nó ít cụ thể và ít chi tiết hơn; những thông tin, dữ liệu về giáo dục này được viết ra bản giấy, được chuyển cho các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, sau đó tổng hợp gửi cho Bộ Giáo dục và Nghiên cứu. Quá trình này bao gồm nhiều thao tác sao chép thủ công, do đó rất mất nhiều thời gian và dễ xảy ra sai sót. Dữ liệu chỉ được thu thập mỗi năm một lần (báo cáo định kỳ hàng năm).
Chương trình Tiger Leap nhằm cung cấp cho tất cả các trường học máy tính và truy cập Internet. Nhiệm vụ này đòi hỏi nhóm Tiger Leap phải có một cái nhìn tổng thể, từ các dữ liệu đáng tin cậy về tất cả các trường học, bao gồm số lượng học sinh, giáo viên, lớp học và các thiết bị kỹ thuật hiện có. Việc cung cấp máy tính và truy cập Internet cho các trường học đã mở ra một cơ hội lớn để đặt nền móng cho một hệ thống thông tin kỹ thuật số toàn diện. Sáng kiến xây dựng EHIS do một nhóm nhỏ đề xuất và trình bày ý tưởng của họ với Bộ Giáo dục. Bộ trưởng đã ủng hộ và quyết định thay thế thu thập dữ liệu trên giấy bằng hệ thống thông tin giáo dục kỹ thuật số. Do đó, việc xây dựng và triển khai EHIS là một quyết định từ trên xuống.
Trong thời đại ngày nay, việc thu thập dữ liệu cá nhân nhạy cảm của nhà nước đang được tranh luận sôi nổi ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, Estonia đang ở giữa quá trình số hóa mạnh mẽ mang lại rất nhiều lợi thế, việc làm, cơ hội giáo dục mới và viễn cảnh tương lai tươi sáng cho đất nước. Vào thời điểm này, bảo mật dữ liệu không còn quá quan trọng vì Internet chưa được phát triển quá nóng và việc rò rỉ, hack dữ liệu không được coi là mối đe dọa tiềm tàng. Trong bối cảnh đó, xã hội điện tử của Estonia đã được phát triển và EHIS là một trong nhiều hệ thống được hưởng lợi từ những lợi thế đó. Điểm đặc biệt trong cách tiếp cận số hóa của Estonia là tính chất phi tập trung của hệ thống. Dữ liệu được lưu trữ trong nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau thay vì được gộp chung trong một. Tất cả các cơ sở dữ liệu, ví dụ sổ đăng ký dân số hoặc cơ quan thuế, hoạt động độc lập với nhau nhưng được kết nối qua X-Road (khoảng 151 tổ chức khu vực công được kết nối trực tiếp với X-road, 487 doanh nghiệp và khoảng 52.000 tổ chức kết nối gián tiếp).
Ngày nay, nhiều công cụ trực tuyến kỹ thuật số được sử dụng ở Estonia để hỗ trợ việc phát triển ngành giáo dục. Các công cụ và nền tảng này được kết nối với EHIS thông qua X-Road để bổ sung cho dữ liệu trong EHIS. Một số công cụ được phát triển bởi các nhà cung cấp tư nhân và một số do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu cung cấp. Một số cơ sở dữ liệu và nền tảng quan trọng nhất:
* eKool (eSchool) : eKool được thành lập vào năm 2002 bởi Tổ chức Look @ World Foundation và được điều hành bởi một doanh nghiệp. eKool là một hệ thống liên lạc và quản lý trường học trực tuyến dành cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và các cơ quan chính phủ. Nó được sử dụng như một nền tảng giao tiếp, để quản lý tài liệu học tập hoặc giáo viên có thể sử dụng nó để giao bài tập về nhà, theo dõi điểm số hoặc theo dõi nghỉ phép của học sinh. Các tính năng cơ bản được miễn phí cho học sinh và phụ huynh, nhưng các trường học và cơ quan chính phủ phải trả một khoản phí để sử dụng hệ thống này.
* Studium : Tương tự như eKool, Studium là một công cụ quản lý và giao tiếp, tương tác giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nó được thiết kế cho các trường học, trường mẫu giáo và trường năng khiếu. Học sinh và phụ huynh được sử dụng miễn phí, nhưng các trường học trả tiền để sử dụng.
* e-koolikot (e-schoolbag) : e-schoolbag là một cổng thông tin trực tuyến do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu điều hành để thu thập tài liệu học tập. Cổng thông tin bao gồm các tài liệu như văn bản chính sách, các hoạt động giải trí, thể theo và các kỳ thi trong chương trình giáo dục cơ bản, giáo dục phổ thông và dạy nghề. Người dùng có thể tìm kiếm tài liệu theo từ khóa, dựa trên chương trình giảng dạy. Giáo viên có thể tạo bộ sưu tập tài liệu học tập cá nhân và chia sẻ chúng với những người khác.
* Hệ thống thông tin nghiên cứu ( Õppeinfosüsteem , ÕIS) : Sinh viên phải đăng ký sử dụng hệ thống này sau khi họ đã đăng ký vào một cơ sở giáo dục nào đó. Nó chứa thông tin về chương trình học và thời khóa biểu, đồng thời cho phép đăng ký kỳ thi. Nó được sử dụng bởi các trường dạy nghề và các cơ sở giáo dục đại học ứng dụng. Các trường đại học đầu tiên có kế hoạch tham gia sớm.
* Cổng Nghiên cứu Estonian ( Eesti Teadusinfosüsteem, ETIS) : Bộ Giáo dục và Nghiên cứu chịu trách nhiệm xây dựng/đầu tư cổng này. Hội đồng Nghiên cứu Estonia là cơ quan được giao quản trị, vận hành . Nó chứa thông tin về tất cả các nhà nghiên cứu ở Estonia, bao gồm các dự án nghiên cứu, bằng cấp và ấn phẩm. Tất cả các cơ sở giáo dục đại học đã được đăng ký và cổng thông tin có thể được tìm kiếm bằng các từ khóa.
* Hệ thống Thông tin Tuyển sinh ( SisseAstumise InfoSüsteem , SAIS) : Hệ thống này được quản lý bởi Tổ chức Công nghệ Thông tin cho Giáo dục (HITSA). Ứng dụng sử dụng cho các tổ chức giáo dục, cho phép tải lên thông tin cần thiết và có thể thu thập dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu khác.
* Hệ thống thông tin kiểm tra, ( Eksamite infosüsteem , EIS) : Cổng thông tin điện tử EIS là một công cụ để thực hiện và đánh giá các kỳ thi và bài kiểm tra. Nó được thiết kế cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia của trung tâm khảo thí.
* Đăng ký Chứng chỉ nghề nghiệp ( Kutseregister ) : Sổ đăng ký trực tuyến này được điều hành bởi Cơ quan cấp chứng chỉ Estonian (Kutsekoda) và thuộc sở hữu của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu. Được thành lập vào năm 2001, tổ chức này tập hợp thông tin về các tiêu chuẩn trình độ nghề nghiệp, các hội đồng chuyên môn và các cơ quan cấp chứng chỉ, chứng nhận. Sổ đăng ký cung cấp thông tin về các chứng chỉ chuyên môn kết nối với EHIS qua X-Road.
EHIS được triển khai thí điểm trong năm 2004 và năm 2005 bắt đầu đưa vào sử dụng bắt buộc cho tất cả các trường học ở Estonia. Cơ sở dữ liệu EHIS đã thu thập dữ liệu về học sinh, trường học, tài liệu học tập, thi cử, chương trình giảng dạy và đội ngũ giảng viên. Các trường được yêu cầu nhập dữ liệu trực tiếp vào hệ thống nên dữ liệu được coi là đáng tin cậy. EHIS là một cơ sở dữ liệu dựa trên danh tính cá nhân, có nghĩa là mỗi người được đăng ký với một số định dạng cá nhân. Tất cả các sự kiện liên quan đến học tập, ví dụ như điểm số và các chứng chỉ, kết quả học tập được lưu trữ trong EHIS. Dữ liệu dựa trên cá nhân này cho phép theo dõi sự phát triển của từng học sinh theo thời gian thực. Cơ sở dữ liệu được quản lý bởi Bộ Giáo dục. Các trường học có thể truy cập dữ liệu dành riêng cho trường học của họ. Quan trọng hơn nữa là các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu EHIS.
Cách nhập dữ liệu vào EHIS
EHIS kết hợp dữ liệu trực tiếp từ tất cả các trường học ở Estonia và tất cả các tổ chức giáo áp dụng chương trình giảng dạy quốc gia. Tổng cộng, có khoảng 2.000 tổ chức nhập dữ liệu vào EHIS. Theo luật, tất cả các trường học được yêu cầu nhập dữ liệu và cập nhật dữ liệu ngay lập tức, ví dụ như thông tin khi một học sinh chuyển trường được cập nhật ngay khi hoàn tất hồ sơ chuyển trường của học sinh đó. Các trường chỉ nhận được ngân sách bố trí nếu dữ liệu đầy đủ. Các hiệu trưởng phải chỉ định ít nhất hai nhân viên (bộ phận hành chính) chịu trách nhiệm nhập dữ liệu EHIS.
Khi dữ liệu được nhập bởi các trường riêng lẻ, EHIS thực hiện kiểm tra tính nhất quán lôgic. Ví dụ, trường hợp một học sinh chỉ đăng ký vào học ở một trường, trường mới này muốn nhập học sinh mới vào hệ thống của họ nhưng trường “cũ” không hủy đăng ký học sinh đó, trường mới sẽ nhận được thông báo lỗi và sẽ không thể đăng ký học sinh đó. Cơ chế này giúp đảm bảo rằng mỗi người chỉ học tại một trường, tránh tình trạng dữ liệu trùng lặp sẽ không phản ánh đúng thông tin hiện trạng về số lượng học sinh trong cả nước.
Một ví dụ khác về cơ chế kiểm soát nội bộ là việc kiểm tra các nhu cầu hỗ trợ/trợ cấp đặc biệt. Cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin về nhu cầu hỗ trợ/trợ cấp đặc biệt của từng học sinh và có thể so sánh nhu cầu của học sinh với thông tin về họ từ những năm trước. Nếu nhu cầu đột ngột giảm từ cao xuống 0, hệ thống điện tử sẽ gửi tin nhắn tự động đến trường để kiểm tra xem thông tin này có chính xác hay không. Tính năng này được triển khai từ năm 2020 trở đi. Các kiểm tra tính nhất quán, logic của thông tin này cho phép kiểm tra giữa các trường khác nhau cũng như theo thời gian thực ở cấp độ cá nhân học sinh, làm cho dữ liệu rất đáng tin cậy và chính xác.
Trường học có thể nhập dữ liệu vào EHIS ba cách. Đầu tiên, các trường học ở Estonia sử dụng một số công cụ kỹ thuật số và ứng dụng trực tuyến trong công việc hàng ngày của họ, hiện tại tất cả các trường học đều sử dụng phần mềm quản lý trường học. Hai chương trình phổ biến nhất là eKool và Studium, dữ liệu từ 2 hệ thống này được kết nối với EHIS, và tự động được chuyển từ 2 hệ thống này sang EHIS mà không cần thực hiện thêm bất kỳ hành động nào. Do đó, ngoài việc yêu cầu các trường nhập dữ liệu vào EHIS ngay từ đầu, cơ sở hạ tầng được thiết kế để làm cho quá trình này trở nên dễ dàng và thuận tiện nhất có thể. Thứ hai, các trường có thể tạo trang tính Excel dựa trên dữ liệu trong hệ thống quản lý trường học của họ và tải các tệp XML lên EHIS. Thứ ba, dữ liệu có thể được nhập thủ công từ giao diện người dùng EHIS.
Bộ Giáo dục và Nghiên cứu muốn các trường kết nối hệ thống quản lý trường học của họ với EHIS để tất cả thông tin được tự động cập nhật. Hiện tại, Bộ này đang phát triển phiên bản tiếp theo của EHIS, trong đó việc trao đổi dữ liệu hoàn toàn tự động và việc truyền dữ liệu không yêu cầu cũng như không cho phép các trường can thiệp. Một số trường học vẫn muốn bảo lưu hình thức nhập thủ công vì hình thức này cho phép dữ liệu được xem xét và xác minh. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu lo ngại rằng quy trình như vậy cũng có thể cho phép các trường học thao túng dữ liệu để có lợi cho họ. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra ở quy mô rất nhỏ vì các kiểm tra tính nhất quán logic đảm bảo chất lượng và độ chính xác cao của dữ liệu. Cho dù về lý thuyết, các trường học có động cơ để làm sai lệch dữ liệu, ví dụ trong trường hợp để cải thiện hình ảnh của nhà trường. Về lý thuyết, họ cũng có thể báo cáo số lượng học sinh có nhu cầu hỗ trợ đặc biệt cao hơn để nhận được nhiều tài trợ hơn.
Nếu nhân viên nhà trường gặp sự cố với EHIS, có một bộ phận trợ giúp kỹ thuật 24/7. Nếu bộ phận kỹ thuật không thể xử lý câu hỏi, câu hỏi sẽ được chuyển đến Bộ Giáo dục và Nghiên cứu.
Các nhóm người dùng và quyền truy cập của họ vào dữ liệu
Những người dùng quan trọng nhất của EHIS có thể được phân loại thành sáu nhóm chính:
Mỗi nhóm có một cách sử dụng dữ liệu EHIS khác nhau. Mỗi trường có quyền truy cập trực tuyến riêng vào EHIS thông qua tài khoản người được cấp để nhập dữ liệu. Tài khoản người dùng cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về thông tin của từng học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, các trường không thể xem thông tin về từng học sinh từ các trường khác. Thông qua Educational Eye, nền tảng trực tuyến này cung cấp dữ liệu EHIS cho công chúng, các trường có thể so sánh thành tích của mình với tất cả các trường khác ở Estonia, chẳng hạn như điểm trung bình trong các kỳ thi của bang. Một trong những mục đích chính của EHIS là thống kê (cùng với dữ liệu từ các nguồn khác) và đưa ra các chỉ số cho phép các trường tự so sánh mình với các trường khác. Sự so sánh này được cho là nhằm khuyến khích các trường học cải thiện thành tích của họ.Hình: Các nhóm người dùng EHIS
Hình: Ví dụ về xếp loại học sinh và kết quả (giả định) của kỳ thi tiểu bang so với điểm trung bình cả nước
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác liên quan đến giáo dục cũng có quyền truy cập vào dữ liệu EHIS, việc truy cập và sử dụng dữ liệu của nhóm người dùng này được quy định chặt chẽ bởi các thỏa thuận pháp lý giữa Bộ Giáo dục và Nghiên cứu và nhà cung cấp dịch vụ. Chỉ những dữ liệu được quy định trong hợp đồng mới có thể được chia sẻ và mỗi truy vấn được theo dõi và ghi lại. Hợp đồng cũng quy định tần suất dữ liệu có thể được truy cập. Các ví dụ khác về các truy vấn thường xuyên đối với dữ liệu EHIS bao gồm các ngân hàng kiểm tra tình trạng của học sinh, sinh viên khi nhận được đơn đăng ký khoản vay dành cho học sinu, sinh viên hoặc các khoản trợ cấp học tập do nhà nước tài trợ. Để xin trợ cấp học tập, sinh viên phải tham gia một ứng dụng cho phép nhận thông tin cá nhân từ các cơ sở dữ liệu khác. Khi EHIS nhận được thông tin cần thiết, nó sẽ đưa ra quyết định tự động dựa trên các yêu cầu được xác định trước. Trong trường hợp có phản hồi tích cực, EHIS sẽ gửi yêu cầu thanh toán đến Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ Tiểu bang và tiền sẽ tự động được chuyển vào tài khoản ngân hàng của học sinh.
Ngoài các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, EHIS được kết nối với hơn 20 hệ thống thông tin khác do nhà nước quản lý như: sổ đăng ký dân số và sổ đăng ký thuế. EHIS cần dữ liệu từ sổ đăng ký dân số để hoàn thành thông tin về nơi cư trú của học sinh, và sổ đăng ký dân số cần thông tin về trình độ học vấn của công dân để bổ sung thông tin về dân số chung. Bằng cách này, có sự cộng tác chặt chẽ và trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin khác nhau do nhà nước điều hành.
Một nhóm người dùng khác của EHIS là các nhà nghiên cứu từ các trường đại học Estonia và các trường đại học quốc tế, từ các tổ chức quốc tế như OECD, và từ các cơ quan và tổ chức khác nhau của EU. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng nền tảng trực tuyến công cộng Education Eye để truy cập dữ liệu, nhưng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu cũng có thể cấp tài khoản người dùng cho những đối tượng này để cấp quyền truy cập vào dữ liệu chi tiết hơn cho mục đích nghiên cứu. Tương tự như các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà nghiên cứu phải gửi một yêu cầu nêu rõ mục đích và mức độ của dữ liệu được yêu cầu, kèm theo kế hoạch nghiên cứu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu cấp quyền truy cập, một hợp đồng sẽ được ký kết và dữ liệu có thể được truy cập. Bộ cũng có thể chỉ định cách thức truy cập dữ liệu trong trường hợp dữ liệu rất nhạy cảm, ví dụ như thông tin về học sinh có nhu cầu trợ cấp đặc biệt.
Vai trò trung tâm của EHIS là tạo điều kiện cho việc hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu. Dữ liệu EHIS là cơ sở cho tất cả các quyết định về chính sách giáo dục, các quy trình tài chính, kiểm soát chất lượng và giám sát giáo dục đều dựa vào dữ liệu EHIS. Ví dụ: tiểu bang sử dụng dữ liệu EHIS để tính toán phân bổ cho các địa phương và cơ sở giáo dục tiểu bang. Các địa phương sử dụng dữ liệu EHIS để tính toán ngân sách cần thiết cho các trường học trực thuộc và để theo dõi, lập kế hoạch phát triển mạng lưới trường học của họ; hoặc sử dụng dữ liệu về số lượng học sinh và giáo viên để xác định tình trạng thiếu giáo viên.
Những lợi ích do EHIS mang lại cho giáo dục quốc gia
EHIS là một cơ sở dữ liệu phức tạp, nhưng cũng là một phần không thể thiếu của xã hội điện tử ở Estonia.
Một trong những điểm mạnh lớn nhất của EHIS là tính chính xác của dữ liệu. EHIS dựa trên dữ liệu trực tiếp từ các nguồn, do đó, dữ liệu EHIS luôn được cập nhật. Ngoài ra, các cơ chế tra soát tính logic đảm bảo rằng dữ liệu rất chính xác. Ví dụ, một học sinh không thể được tính hai lần vì EHIS xác định từng học sinh với sự trợ giúp của số nhận dạng của học sinh và gửi thông báo lỗi nếu một trường cố gắng đăng ký một học sinh vẫn đăng ký với trường khác. EHIS được kết nối với các cơ sở dữ liệu khác của nhà nước, chẳng hạn như cơ sở dữ liệu dân số, cho phép thu thập và hiển thị nhiều loại dữ liệu cho người dùng mà không cần yêu cầu các trường học nhập các dữ liệu đã có sẵn ở các CSDL khác.
Thứ hai, dữ liệu và cấu trúc của EHIS cho phép các phân tích rất chi tiết và đa dạng, hỗ trợ phát triển nhiều tính năng đổi mới trong giáo dục mà ở các quốc gia khác khó có thể thực hiện được ở cùng mức độ, chẳng hạn như theo dõi theo thời gian thực kết quả học tập của từng học sinh. Hơn nữa, cấu trúc của cơ sở dữ liệu cho phép dữ liệu giáo dục được kết nối với các hệ thống thông tin khác, ví dụ sổ đăng ký thuế, chứa thông tin về thu nhập chịu thuế. Điều này cho phép phân tích tác động của nghề nghiệp giáo dục đối với thu nhập. Những dữ liệu này là các dữ liệu cá nhân nhạy cảm, đo dó được giám sát chặt chẽ bởi các chuyên gia trong Bộ Giáo dục và Nghiên cứu và Cục Thống kê Estonia để bảo vệ an toàn cho dữ liệu cá nhân. Dữ liệu được cá nhân hóa trong EHIS cũng cho phép phân tích quá trình học tập của từng cá nhân. Ví dụ: Hệ thống HITSA cho phép so sánh giữa việc sử dụng tài liệu học tập và kết quả học tập của từng cá nhân. Tại Estonia, giáo viên và học sinh có thể chọn nhiều nguồn học liệu trực tuyến và ứng dụng học tập điện tử; tuy nhiên, khối lượng có thể quá tải và giáo viên không phải lúc nào cũng có đủ thời gian để tìm tài liệu tốt nhất cho bài giảng của họ. Thông tin về tài liệu tương ứng với các chương trình học tập, giảng dạy được sử dụng để cung cấp thông tin về việc phát triển các bộ sưu tập tài liệu giảng dạy với sự trợ giúp của việc sử dụng chéo dữ liệu được thu thập trong EHIS và các nguồn khác. Điều này sẽ cho phép giáo viên tìm tài liệu nghiên cứu nhanh hơn và nhận các đề xuất tự động về các tài liệu khác liên quan đến cùng chủ đề hoặc trình độ kỹ năng của học sinh. EHIS là nền tảng cho cá nhân hóa dữ liệu cho phép thực hiện các loại phân tích này và học sâu.
Thứ ba, EHIS cho phép ra quyết định dựa trên dữ liệu - không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách mà còn cho người dân. Công chúng có thể truy cập dữ liệu EHIS thông qua nền tảng trực tuyến Education Eye. Dựa trên các thông tin này, người dân có thể đưa ra các quyết định sáng suốt liên quan đến giáo dục của chính họ hoặc của con cái họ. Ví dụ, thông tin về tỷ lệ việc làm và mức thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp các ngành, nghề; thông tin về trường học hoặc trường đại học cung cấp loại hình đào tạo nào cũng được thu thập và cung cấp trực tuyến. Education Eye cho phép công chúng tham gia vào việc giám sát hệ thống giáo dục quốc gia. EHIS cũng là một công cụ quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và cho phép họ đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu. Các nhà hoạch định chính sách nhận được các phân tích và báo cáo từ các chuyên gia của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu.
Thứ tư, năng lực quản trị EHIS được xác định rõ ràng, cho phép ra quyết định hiệu quả. EHIS do nhà nước quản lý và được cung cấp tài chính từ nhà nước. Bộ Giáo dục và Nghiên cứu sở hữu cơ sở dữ liệu và là cơ quan duy nhất mà người dùng có thể ký hợp đồng để truy cập dữ liệu. Điều này giúp các bên liên quan dễ dàng nộp đơn đăng ký để nhận quyền truy cập vào dữ liệu. Các nhiệm vụ chính liên quan đến EHIS, chẳng hạn như phát triển kỹ thuật và các quy định liên quan được thực hiện bởi Bộ Giáo dục và Nghiên cứu. Mặc dù các bên liên quan như các công ty tư nhân hoặc trường học không tham gia trực tiếp vào việc quản lý EHIS nhưng thông qua các kênh phản hồi cho phép họ nêu ý kiến và mối quan tâm của họ liên quan đến hệ thống.
3. Kết luận
Hệ thống giáo dục của Estonia không chỉ là một trong những hệ thống số hóa tốt nhất mà còn là một trong những hệ thống thành công nhất, thể hiện ở thành tích hàng đầu trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA). Theo đánh giá PISA năm 2018, so sánh khoa học, toán học và kỹ năng đọc của học sinh, Estonia đứng đầu về khoa học và văn học, đứng thứ ba về toán trong số tất cả các nước tham gia. Hệ thống EHIS của Estonia cũng chính là một điển hình thành công về một hệ thống thu thập được thông tin của tất cả các bên liên quan trong hệ thống giáo dục.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là “Phát triển dữ liệu về giáo dục và đào tạo”. Nghiên cứu điển hình về Hệ thống thông tin và CSDL giáo dục (EHIS) của Estonia là bài học tốt cho Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển dữ liệu về giáo dục và đào tạo./.
Trịnh Thị Trang
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
2. https://scoop4c.eu/cases/estonian-education-information-system-ehis