Chuyển đổi số là: Quá trình áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, công việc, cách vận hành của một hay nhiều tổ chức. Đây là quá trình chuyển đổi đa dạng, không có con đường hay hình mẫu chung nào cả, mỗi quốc gia đều phải chọn cho mình một hướng đi phù hợp và hiệu quả nhất. Nó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hành trình công nghệ đưa Singapore trở thành quốc gia thông minh.
Singapore – quốc gia được mệnh danh là con rồng của Đông Nam Á. Với tham vọng đưa quốc gia mình trở thành quốc gia thông minh với những dịch vụ công được số hóa hoàn toàn, chính phủ Singapore đã bắt đầu tận dụng nền tảng công nghệ sẵn có để chuyển đổi số tòan bộ đất nước. Không chỉ thế, chính phủ nước này còn liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế để cung cấp các giải pháp kỹ thuật số nhằm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trên toàn cầu.
Không chỉ thế, Singapore liên tục đưa ra các chiến lược phát triển nhằm củng cố cho việc xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó yêu cầu mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi cơ quan của chính phủ phải đẩy mạnh chuyển đổi số để có thể thích nghi kịp với định hướng phát triển mới này. Nó đòi hỏi một xã hội luôn trong trạng thái sẵn sàng thay đổi, thích nghi và sẵn sàng đón nhận những dịch vụ số hiện đại trong thời đại cách mạng 4.0 này. Sự chuyển đổi rộng rãi này được thể hiện thông qua các dự án quốc gia lớn, trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và cung cấp dịch vụ, cũng như liên quan đến khu vực nhà nước, tư nhân và người dân.
Quốc gia thông minh là mục tiêu phát triển hiện nay của Singapore. Từ những năm 90, chính phủ đã cho xây dựng những hệ thống dữ liệu số, cho đến năm 2000, các dịch vụ công đã được số hóa đến 90%. Số hóa mang lại cho Singapore những cơ hội để nâng cao chất lượng sống của người dân Singapore, giúp giải quyết các hạn chế về nguồn lực hoặc dân số già, cũng như mang lại những lợi thế cạnh tranh mới cho Singapore.
Chính phủ Singapore tiếp tục xây dựng chiến lược trở thành một trong những quốc gia có nền chính phủ số hàng đầu trong việc phục vụ người dân và đất nước. Kế hoạch được đặt ra trong ba năm, từ 2000 đến 2003. Chính phủ đã chi 1.5 tỷ đô la Sing để phát triển các chương trình khác nhau trong việc chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin. Các mục tiêu chiến lược được đề ra trong bản sửa đổi ngày 6 tháng 9 năm 2000. Đầu tiên, chính phủ Singapore muốn tạo ra các dịch vụ công được tích hợp trong cùng một hệ thống. Điều này giúp việc vận hành, quản lý của các cơ quan có thẩm quyền trở nên dễ dàng hơn. Người dân có thể sử dụng được nhiều dịch vụ khác nhau trên cùng một nền tảng. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi chính phủ phải xây dựng được một hệ thống thực sự mạnh và đa diện, phải hết sức chú trọng trong việc phân cấp phân quyền, tránh để thông tin của người dân bị lẫn lộn hoặc bị rò rỉ và bị sử dụng một cách lãng phí. Thứ hai, chính phủ Singapore đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ Infocomm để xây dựng các tính năng mới cho dịch vụ công. Infocomm (Information and Communications technology) là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là thuật ngữ chuyên chỉ tất cả các thiết bị, thành phần mạng, ứng dụng và hệ thống kết hợp cho phép người dân và chính phủ tương tác trong thế giới kỹ thuật số. Thứ ba, chính phủ muốn người dân tiếp nhận và sử dụng các dịch vụ công một cách chủ động và có trách nhiệm hơn. Khi người dân chủ động sử dụng các dịch vụ công, việc chuyển đổi số toàn bộ đất nước sẽ diễn ra nhanh hơn. Việc người dân cung cấp các dữ liệu một cách có trách nhiệm sẽ giúp làm giảm thiểu thời gian kiểm duyệt của cơ quan chức năng, giúp hệ thống dễ dàng tiếp nhận và xử lý thông tin hơn. Và cuối cùng, Chính phủ Singapore cũng tự đặt mục tiêu đổi mới chính phủ trong nền kinh tế số. Phát triển kinh tế vẫn luôn là một trong các vấn đề cần ưu tiên hàng đầu.
Với những chiến lược trên, người dân sẽ có thể tiếp cận với nhiều dịch vụ công hơn ở mọi lúc, mọi nơi thông qua công nghệ internet. Khu vực công sẽ liên tục đổi mới và thay thế các quy trình hoạt động truyền thống bằng cách triển khai các dịch vụ công điện tử, thay vì tiếp nhận giấy tờ bản cứng, các cơ quan chức năng cho phép người dân thực hiện cung cấp thông tin qua các hệ thống điện tử trực tuyến. Chính phủ cũng đặt ra phương châm liên tục đổi mới, chú ý nắm bắt, đón đầu những xu hướng mới để bắt kịp các quốc gia đang có thành tích cao trong chuyển đổi chính phủ số. Ngoài ra, chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải liên tục điều chỉnh quy trình số sao cho phù hợp với nhu cầu của người dân. Đặc biệt, chính phủ Singapore cũng nhận thức được rằng họ cần phải trau dồi liên tục về các tác động của công nghệ thông tin mạng và khai thác liên tục các lợi ích của công nghệ thông tin điện tử trong quy trình thực hiện các dịch vụ công.
Ngay sau kế hoạch 2000 – 2003, kế hoạch Chính phủ điện tử thứ hai ngay lập tức được đưa ra với tên gọi “Chính phủ điện tử đến năm 2006”. Mục tiêu chính của kế hoạch ba năm lần này là làm hài lòng khách hàng, công dân được kết nối và chính phủ được nối mạng. Một trong những thách thức chính của Singapore là cung cấp các dịch vụ chất lượng mà công chúng coi trọng, tin tưởng. Các cơ quan chính phủ bắt đầu triển khai phủ sóng Internet toàn khu vực lãnh thổ nhằm cung cấp các trải nghiệm trực tuyến, liền mạch cho mọi người dân khi tương tác với chính phủ.
Tính đến tháng 6 năm 2002, việc triển khai các chiến lược chuyển đổi số vẫn tương đối hiệu quả khi 77% các dịch vụ công do chính phủ cung cấp nhận được phản hồi tương đối tích cực. Dịch vụ chuyển phát nhanh đã được cung cấp trực tuyến cho phép người dùng dễ dàng theo dõi tình trạng vận chuyển. Cổng thông tin điện tử một cửa “eCitizen” được thành lập vào tháng 5 năm 1999, cung cấp một điểm truy cập duy nhất tới các thông tin và dịch vụ khác nhau của chính phủ. Lưu lượng truy cập trung bình vào trang web này đạt 14,4 triệu mỗi tháng tính đến tháng 6 năm 2003. Vào năm 2002, 1.600 dịch vụ công trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã được cung cấp dưới dạng số hóa. Trong số này, 1.300 dịch vụ đạt cấp độ tương tác và giao dịch. Điều đó có nghĩa là, nền tảng eCitizen không chỉ cung cấp thông tin tĩnh mà còn có các chức năng giao dịch tương tác cho mọi người.
Cho đến những năm 2015, Thủ tướng Lý Hiển Long đã đưa ra kế hoạch chính phủ số với mục đích tận dụng kho dữ liệu một cách triệt để hơn, khai thác các công nghệ mới và xây dựng một nền kinh tế xã hội kỹ thuật số. Đến những năm 2017, Singapore đã áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào trong hoạt động kinh tế xã hội, khi một loạt các dịch vụ công trực tuyến ra đời như: Gobusiness – một nền tảng cho phép các doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công của chính phủ; Thanh toán điện tử - một nền tảng giúp cho các giao dịch tiền tệ trở nên nhanh chòng, đơn giản và hiệu quả hơn cho người dân; Hay LifeSG – cho phép người dân truy cập các dịch vụ công của chính phủ, giúp cập nhật và theo dõi các ứng dụng đang hoạt động.
Cuối cùng, đến năm 2019, năm Trung tâm năng lực (CapCens) được thành lập với chức năng nhiệm vụ chính là nghiên cứu và phát triển công nghệ Infocomm và Hệ thống thông minh (ICT & SS) - Thiết kế, phát triển và triển khai ứng dụng, An ninh mạng, Dữ liệu Khoa học & Trí tuệ nhân tạo, Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông của Chính phủ, và cuối cùng là cảm biến & Internet vạn vật. Năm lĩnh vực này không thể thiếu trong chương trình nghị sự của Chính phủ về kỹ thuật số và Quốc gia Thông minh. Ngoài ra, các nhóm chuyên gia gồm các chuyên gia kỹ thuật trong Chính phủ, những người đã quen thuộc với các kế hoạch số hóa của chính phủ và có thể truy cập được trên toàn bộ WOG được phát triển. GovTech cũng giám sát sự phát triển của hệ thống công nghệ dùng chung của chính phủ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin & truyền thông chính của chính phủ, mua sắm, bảo vệ dữ liệu.
Bên cạnh 4 lực đẩy chiến lược nêu trên, 6 chương trình cũng đã được quy định trong kế hoạch hành động để chuyển ba lĩnh vực quan trọng - G2C, G2B và G2E, hướng tới tầm nhìn Chính phủ điện tử. Đó là nơi làm việc dựa trên tri thức, cung cấp dịch vụ điện tử, thử nghiệm công nghệ, cải thiện hiệu quả hoạt động, cơ sở hạ tầng infocomm thích ứng và mạnh mẽ và giáo dục infocomm.
Để có được những thành công trong chuyển đổi số như hiện nay, Singapore đã phải trải qua hai lần chuyển đổi trên phạm vi toàn quốc để đối phó với sự gián đoạn kỹ thuật số. Lần thứ nhất, mục tiêu của chính phủ là biến Singapore thành một trung tâm khu vực về phát triển phần mềm máy tính và các dịch vụ điện tử. Lần thứ hai, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông thông tin từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2010, mục tiêu của chính phủ là biến Singapore thành một trung tâm dịch vụ toàn cầu, siêu mạng.
Mặc dù mỗi kế hoạch tổng thể đều có trọng tâm khác nhau nhằm giải quyết những thách thức trong giai đoạn này tuy nhiên mục tiêu chung nhất vẫn là hướng dẫn toàn dân sử dụng CNTT-TT để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế của Singapore, từ đó nâng cao kỹ năng của người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, cải thiện chất lượng dịch vụ công, và thu hút các hoạt động về kiến thức chuyên sâu.
Trong hành trình đưa Singapore trở thành quốc gia thông minh. Trước tiên, chính phủ cần thực hiện chuyển đổi số nền kinh tế. Đây là mục tiêu của quốc gia với mong muốn mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Singapore bằng cách tạo điều kiện cho các tiềm lực mới trên toàn nền kinh tế. Nhờ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn. Nắm bắt được những cơ hội này sẽ là tiền đề cho Singapore phát triển những lợi thế cạnh tranh mới và vẫn là một quốc gia thông minh và phát triển mạnh mẽ, liên tục thu hút các khoản đầu tư và nhân tài đến với quốc gia mình.
Tại sân bay Changi của Singapore, công nghệ nhận diện khuôn mặt và mống mắt đã thay thế nhận diện bằng vân tay ở các cổng xuất nhập cảnh nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc.
Tiếp theo đó là chương trình chính phủ kỹ thuật số. Chính phủ Singapore nỗ lực xây dựng các cơ quan công quyền gọn gàng hơn và mạnh mẽ hơn, lấy cốt lõi là kỹ thuật số, ở vị trí dẫn đầu toàn cầu về cung cấp, chuyển đổi và đổi mới các dịch vụ công. Chính phủ sẽ trao quyền cho các công chức tiếp tục phục vụ người dân bằng trái tim, bằng lòng tin và ủng hộ mạnh mẽ của công chúng.
Cuối cùng là xã hội số. Trong một quốc gia thông minh, người dân Singapore được trao quyền tối đa và tận dụng các tiện ích của một xã hội kỹ thuật số để có thể sống một cuộc sống ý nghĩa. Chính phủ đã làm cho các dịch vụ công dễ tiếp cận hơn, nâng cao kiến thức kỹ thuật số của người dân và khuyến khích mọi người tham gia vào các cộng đồng và nền tảng kỹ thuật số. Để hỗ trợ điều này, Bộ Truyền thông và Thông tin đã kiểm tra chi tiết về mức độ sẵn sàng của người dân đối với việc xã hội số.
Như vậy, cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể đem đến những điểm tích cực cũng như những điều hạn chế, hoặc cả hai. Nó phụ thuộc vào việc chúng ta đã sẵn sàng hay chưa và có thể làm được đến đâu, làm như thế nào. Nhờ việc tận dụng các tiềm lực một cách hợp lý và có những nước đi trước thời đại, Singapore đã và đang trở tành một quốc gia thông minh.
Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới nhất và tạo điều kiện cho người dân tiếp nhận những công nghệ mới.
Đỗ Thị Thảo Hiền
Tài liệu tham khảo
-
-
https://danviet.vn/hanh-trinh-cong-nghe-dua-singapore-tro-thanh-quoc-gia-thong-minh-2022012008225877.htm
-
https://www.smartnation.gov.sg/media-hub/press-releases/singpass-factsheet-02032022
-
https://www.edb.gov.sg/en/business-insights/insights/singapore-drives-digital-transformation-in-traditional-sectors.html
-
https://www.edb.gov.sg/en/business-insights/insights/singapore-drives-digital-transformation-in-traditional-sectors.html
-
https://www.edb.gov.sg/en/business-insights/insights/singapore-drives-digital-transformation-in-traditional-sectors.html
-
https://www.smartnation.gov.sg/about-smart-nation/transforming-singapore
-
https://www.businesstimes.com.sg/opinion/defining-digital-transformation-embrace-long-term-evolution