Nền tảng số hiện diện trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế số và là tác nhân quan trọng của nền kinh tế. Amazon, Alibaba, eBay, Taobao và Rakuten là những nền tảng tạo thuận lợi cho giao dịch giữa người mua và người bán thương mại điện tử; Airbnb kết nối chủ sở hữu bất động sản với người thuê; Uber cho phép tài xế tiếp xúc với hành khách cho các chuyến đi; Facebook liên kết người dùng với nhau và với các nhà quảng cáo, nhà phát triển nội dung và các chi nhánh của bên thứ ba; IOS của Apple liên kết các nhà phát triển ứng dụng với người dùng của chúng; Android của Google giúp các nhà sản xuất thiết bị, nhà phát triển ứng dụng và người dùng liên hệ với nhau; Máy chơi game Sony PlayStation và Microsoft Xbox tạo điều kiện tương tác giữa nhà phát triển trò chơi và người dùng; American Express, Paypal và Square kết nối người bán với người dùng thông qua hệ thống thanh toán kỹ thuật số.
Vào năm 2017, 5 tổ chức hàng đầu theo vốn hóa thị trường như Apple, Google/Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook đã có những đóng góp lớn cho nền kinh tế, vì chúng tạo ra các kết nối mới giữa nhu cầu cung và cầu đối với hàng hóa hoặc dịch vụ trên các thị trường khác nhau, giúp sử dụng tài sản hiệu quả hơn và mở ra cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ( MSME - Micro, Small and Medium-sized Enterprises).
Tổng quan về sự phát triển của nền tảng số những năm gần đây
Nền tảng số giữ vị trí trung tâm trong kế hoạch kinh doanh của một số công ty lớn hiện nay như Facebook, Google, Alibaba và Apple. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2015 đã xác định 176 công ty nền tảng trên thế giới, với giá trị vốn hóa thị trường toàn cầu ước tính là 4,3 tỷ đô la, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của Đức. Theo báo cáo khảo sát, 9 nền tảng số có nguồn gốc từ Hoa Kỳ đã được trao 11.585 bằng sáng chế vào năm 2014. Bằng cách giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, chúng trở thành yếu tố không thể thiếu trong các lĩnh vực như vận tải, lưu trú, ngân hàng, giáo dục và truyền thông…
Trung tâm Doanh nghiệp toàn cầu đã thực hiện một cuộc khảo sát với 176 công ty nền tảng đại diện cho 5 châu lục và nhận thấy rằng tổng giá trị kết hợp của họ vượt quá 4,3 nghìn tỷ đô la Mỹ. Các nền tảng được tập trung nhiều ở Hoa Kỳ và Châu Á nhiều hơn so với các khu vực khác. Trong khi Hoa Kỳ là quê hương của 64 nền tảng với giá trị thị trường là 3,12 nghìn tỷ USD (chiếm 72% giá trị toàn cầu) và châu Á là nơi có 82 nền tảng với giá trị 930 tỷ USD (chiếm 22% giá trị toàn cầu), Châu Mỹ Latinh và Châu Phi chỉ tạo ra 3 nền tảng, với giá trị chỉ chiếm 2% giá trị toàn cầu.
Nền tảng số là tác nhân trung tâm của nền kinh tế số, nền tảng số được định nghĩa là tập hợp các tài nguyên kỹ thuật số, cho phép người dùng và nhà sản xuất tương tác với nhau. Nền tảng số được chia làm 3 loại đó là: nền tảng giao dịch, nền tảng đổi mới và nền tảng tích hợp. Mỗi một nền tảng sẽ có các chức năng chính và cơ chế quản trị riêng. Vì nền tảng tích hợp là sự kết hợp của hai nền tảng trên nên hình dưới đây sẽ mô tả hai loại nền tảng chính là: nền tảng giao dịch và nền tảng đổi mới.
Hình 1. Phân loại các nền tảng số
1. Nền tảng giao dịch
Nền tảng giao dịch đôi khi còn được gọi là thị trường đa mặt hoặc nền tảng trao đổi, nó cung cấp cơ sở hạ tầng, tài nguyên trực tuyến hỗ trợ giao dịch, trao đổi giữa các bên. Mục đích chính của nền tảng này là giúp các đại lý tìm thấy nhau dễ dàng hơn, giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa các tổ chức, thực thể và cá nhân, chẳng hạn như kết nối giữa người mua với người bán, tài xế với hành khách, nhà soạn nhạc với công ty âm nhạc…
Các nền tảng giao dịch phổ biến được tìm thấy trên phương tiện truyền thông xã hội (ví dụ: Facebook), thương mại điện tử (Mercado Libre), nền tảng kinh tế “gig” (Upwork) hoặc những nền tảng được xây dựng dựa trên khái niệm nền kinh tế chia sẻ (Airbnb). Nền tảng giao dịch có tiềm năng tạo ra các tác động xã hội ở các nước đang phát triển. Khi công nghệ phát triển thì sẽ tạo ra các ứng dụng để tiếp cận với người dân với tốc độ ngày càng tăng kéo theo đó là tác động của xã hội cũng tăng lên.
Ví dụ điển hình về nền tảng giao dịch:
WhatsApp Messenger: WhatsApp Messenger là một ứng dụng nhắn tin và điện thoại, cho phép người dùng gửi tin nhắn văn bản, thực hiện cuộc gọi thoại và video, chia sẻ hình ảnh, các phương tiện, tài liệu khác và vị trí của người dùng với những người dùng khác trên nền tảng. Ứng dụng này có thể chạy từ các thiết bị di động cũng như máy tính để bàn và máy tính xách tay. Năm 2017, dịch vụ này có 1,2 tỷ người dùng (Wikipedia, 2018b). WhatsApp là một ví dụ điển hình về một loại nền tảng giao dịch số được mô tả trong Hình 2. Càng có nhiều người sử dụng WhatsApp, nó càng mang lại nhiều lợi ích bởi vì đơn thuần càng nhiều người biết đến nền tảng này thì sẽ càng làm tăng số lượng mọi người kết nối với nhau. WhatsApp là ứng dụng nhắn tin di động phổ biến nhất, mức sử dụng dữ liệu tương đối thấp, hoạt động trong môi trường băng thông thấp ở hầu hết các quốc gia châu Phi cận Sahara, Nam Mỹ và Ấn Độ.
Hình 2. Nền tảng giao dịch số kết nối người dùng từ cùng một nhóm
Airbnb: Airbnb là một thị trường trực tuyến chủ yếu có chức năng kết nối người thuê hoặc người cho thuê chỗ ở ngắn hạn. Airbnb như là nhà môi giới trực tuyến kết nối người thuê với chủ sở hữu nhà ở và nhận phần trăm phí dịch vụ từ việc đặt chỗ. Năm 2018, Airbnb có hơn 5 triệu danh sách chỗ ở tại 81.000 thành phố và 191 quốc gia và đã tạo điều kiện cho hơn 300 triệu giao dịch lưu trú. Hình 3 mô tả nền tảng Airbnb, trong đó giá trị của nền tảng đối với người dùng trong nhóm chủ sở hữu nhà ở phụ thuộc vào lượng người dùng trong một nhóm khác mà nền tảng hướng tới. kết nối (những người muốn thuê tài sản của họ). Airbnb đang tìm cách mở rộng ở các nước đang phát triển với ý định tăng thêm thu thập cho các hộ gia đình địa phương bằng cách cho khách du lịch thuê phòng trong nhà của họ.
Hình 3. Nền tảng giao dịch số kết nối người dùng từ các nhóm khác nhau
2. Nền tảng đổi mới
Nền tảng đổi mới đôi khi được gọi là nền tảng kỹ thuật hoặc công nghệ, được hình thành từ các khối công nghệ, tạo cơ sở phát triển các dịch vụ và sản phẩm. Ví dụ điển hình về nền tảng đổi mới là hệ điều hành di động của Google, Android, cho phép các nhà phát triển bên thứ ba xây dựng các ứng dụng trên hệ điều hành. Nền tảng đổi mới tạo thuận lợi cho các quá trình đổi mới. Trung tâm Doanh nghiệp toàn cầu mô tả nền tảng đổi mới là các khối xây dựng công nghệ được sử dụng làm nền tảng, trên đó một số lượng lớn các nhà đổi mới có thể phát triển các dịch vụ hoặc sản phẩm bổ sung, tạo thành một hệ sinh thái đổi mới xung quanh nền tảng. Ví dụ iPhone: các nhà đổi mới phát triển hàng trăm nghìn ứng dụng (app) sử dụng công nghệ của Apple mà tổ chức cung cấp thông qua các giao diện lập trình ứng dụng API.
Một trường hợp đặc biệt của nền tảng đổi mới là nền tảng cho sự tham gia hoặc dịch vụ mở trong sáng kiến của chính phủ số hoặc thành phố thông minh. Nghị viện Châu Âu năm 2014 mô tả nền tảng đổi mới có sự tham gia của người dân thông qua công cụ hỗ trợ là công nghệ thông tin và truyền thông, với mục đích phát triển các dịch vụ công tốt hơn. Thông qua các nền tảng dữ liệu mở, công dân sẽ được trình bày ý tưởng của mình và chính phủ sẽ tạo ra một giao diện mở mở ra dữ liệu và dịch vụ của chính phủ, đồng thời mời các doanh nghiệp hoặc công dân phát triển ứng dụng và các giải pháp khác để cải thiện dịch vụ công.
Ví dụ điển hình về nền tảng đổi mới số
Linux OS: Linux là một hệ điều hành đồng thời hoạt động như một nền tảng đổi mới số cho phép tạo ra các ứng dụng trên nhiều thiết bị khác nhau. Do tính di động của nó, Linux với tư cách là một hệ điều hành đã tìm đường đến điện thoại di động, máy tính để bàn và máy tính xách tay, ti vi, hệ thống giải trí trên chuyến bay và nhiều hệ thống và tiện ích khác. Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ ứng dụng nào được phát triển cho các thiết bị này đều lấy tài nguyên công nghệ từ Linux và xây dựng theo các tiêu chuẩn và giao thức được xác định trong hệ điều hành Linux (Wikipedia, 2018a). Do đặc điểm và bản chất Linux là nguồn mở nên nhiều tổ chức, tập đoàn đã lấy Linux và định hình hệ điều hành này để phục vụ nhu cầu của họ, ví dụ Google với Android. Nhìn chung, Linux có thể được coi là một ví dụ về loại nền tảng đổi mới số được mô tả trong Hình 4. Là mã nguồn mở, Linux đã được coi là một giải pháp thay thế hợp lý cho nhiều hệ điều hành khác ở những nước đang phát triển.
Hình 4. Mối quan hệ giữa nền tảng đổi mới số và các bộ phận bổ sung của nền tảng
Do đó, khi nghiên cứu nền tảng đổi mới số thì ta cần phải hiểu mối quan hệ cốt lõi (là nền tảng) và các thành phần ngoại vi (là các nhà phát triển bên thứ ba hoặc thành phần bổ sung) được cấu trúc như thế nào, những loại tài nguyên nào đang được cung cấp cho các thành phần bổ sung và việc sử dụng các tài nguyên đó ra sao. Đối với chủ sở hữu nền tảng thì cần cân bằng giữa việc tạo ra phần đổi mới và hạn chế phần bổ sung, vì chủ sở hữu nền tảng cần cung cấp cho phần bổ sung các tài nguyên cần thiết để chúng xây dựng các dịch vụ, đồng thời kiểm soát và giữ ổn định cho nền tảng.
3. Nền tảng tích hợp
Nền tảng tích hợp là sự kết hợp các khía cạnh của hai loại nển tảng trên. Bởi vì bất kỳ một nền tảng giao dịch số nào cũng yêu cầu một nền tảng đổi mới, vì nền tảng giao dịch được xây dựng trên một nền tảng đổi mới. Ví dụ, nền tảng tích hợp là hệ điều hành Apple iOS, Apple iOS cung cấp một nền tảng đổi mới cho các nhà phát triển bên thứ ba, nhưng nó cũng hoạt động như một nền tảng giao dịch để các nhà phát triển bán các ứng dụng của nó cho người dùng (được mô tả trong hình 3 phía trên).
Kết luận
Xây dựng và phát triển các nền tảng số đang trở nên phổ biến tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là “Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả”. Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp ra mắt nhiều nền tảng số cho phép chia sẻ dữ liệu; kết nối cộng đồng; hướng đến hiện thực hóa nguyên tắc “Lấy người dân làm trung tâm”; cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội; góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
1. Development Implications of Digital Economies
https://diodeweb.files.wordpress.com/2018/10/digital-platforms-diode-paper.pdf
2. Data, algorithms and policies
https://repositorio.cepal.org/bitstream/handle/11362/43515/4/S1800052_en.pdf