Đang xử lý.....

Giới thiệu về Chỉ số Kinh tế số và Xã hội số của Ủy ban châu Âu  

Chỉ số Kinh tế số và Xã hội số (Digital Economy and Society Index - DESI) giám sát tổng thể hiệu suất và theo dõi tiến trình của các nước châu Âu về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số. Bằng cách cung cấp dữ liệu về trạng thái số của từng quốc gia thành viên, giúp họ xác định các lĩnh vực cần đầu tư và đưa ra những hành động ưu tiên...
Thứ Hai, 16/11/2020 655
|

1. Giới thiệu chung

Chỉ số Kinh tế số và Xã hội số (Digital Economy and Society Index - DESI) giám sát tổng thể hiệu suất và theo dõi tiến trình của các nước châu Âu về khả năng cạnh tranh kỹ thuật số. Bằng cách cung cấp dữ liệu về trạng thái số của từng quốc gia thành viên, giúp họ xác định các lĩnh vực cần đầu tư và đưa ra những hành động ưu tiên.

Vào tháng 2 năm 2020, Ủy ban châu Âu đã đưa ra tầm nhìn về chuyển đổi số trong thông điệp “Định hình tương lai số cho châu Âu” để cung cấp việc sử dụng toàn diện các công nghệ cho người dân và tôn trọng các giá trị cơ bản của châu Âu. Sách trắng về Trí tuệ nhân tạo và Chiến lược dữ liệu của châu Âu là hai trụ cột đầu tiên về chiến lược số của Ủy ban. Vào ngày 10 tháng 3 năm 2020, Ủy ban đã công bố chiến lược mới của doanh nghiệp vừa và nhỏ (small and medium enterprises - SME) cho một châu Âu số hóa và bền vững. DESI sẽ được sử dụng để theo dõi tiến trình số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng năm.

2. Các chỉ số chính của DESI

Các báo cáo của DESI 2020 dựa trên dữ liệu năm 2019 và đánh giá tình trạng của nền kinh tế số và xã hội số trước đại dịch. Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 hiện nay đang có tác động to lớn đến các chỉ số xã hội quan trọng, liên quan đến việc sử dụng dịch vụ Internet của công dân. Điều này không hiển thị trong số liệu thống kê chính thức mới nhất của năm 2019 (như được báo cáo trong DESI). Do đó, kết quả nghiên cứu DESI 2020 cần phải được cập nhật và bổ sung nhiều biện pháp kỹ thuật số mà Ủy ban và các quốc gia thành viên đã thực hiện để kiểm soát đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Các quốc gia thành viên đã ngay lập tức hành động để giảm thiểu lây nhiễm dịch bệnh và hỗ trợ hệ thống y tế, chẳng hạn như phát triển các ứng dụng, nền tảng để tạo điều kiện khám chữa bệnh từ xa và điều phối các nguồn lực y tế. Nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp củng cố cơ sở hạ tầng số để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong đại dịch. Trong nhiều trường hợp, chính phủ nhiều nước đã cải thiện việc số hóa nhằm cung cấp các dịch vụ giáo dục trực tuyến và các dịch vụ số của khu vực công. Tương tự như vậy, nhiều chính phủ cũng đã hỗ trợ việc số hóa của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, làm việc từ xa hoặc đào tạo trực tuyến. Một vấn đề ưu tiên khác mà Ủy ban châu Âu cũng đang nỗ lực thực hiện, đó là bảo đảm an ninh mạng và cuộc chiến chống lại tin tức giả mạo hoặc lừa đảo mua sắm trực tuyến. Những nỗ lực cũng tập trung vào việc thúc đẩy và tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu sử dụng các công nghệ và cơ sở hạ tầng số tiên tiến.

DESI được tạo thành từ 5 chỉ số chính (Hình 1).

Hình 1-Các chỉ số chính của DESI

Chi tiết được trình bày trong Bảng 1

Bảng 1- Cấu trúc của DESI

TT

Tên tiêu chí

Giải thích

1

Kết nối

Băng thông rộng cố định, phủ sóng băng thông rộng cố định, băng thông rộng di động và giá băng thông rộng

2

Nguồn nhân lực

Kỹ năng sử dụng Internet và kỹ năng nâng cao

3

Sử dụng Internet

Việc sử dụng các dịch vụ Internet và giao dịch trực tuyến của người dân

4

Tích hợp các công nghệ số

Số hóa nghiệp vụ và thương mại điện tử

5

Các dịch vụ Chính phủ số

Dịch vụ số của khu vực công

Kết nối – Kết nối băng thông rộng

Truy cập vào một kết nối băng thông rộng tin cậy và tốc độ nhanh (bao gồm cả kết nối cố định và di động) là rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là đối với việc cung cấp trực tuyến các dịch vụ kinh tế và xã hội quan trọng. Do đó, các quốc gia thành viên cần phải có cơ sở hạ tầng số hiện đại và mạnh mẽ cung cấp mức độ phủ sóng cần thiết cho các dịch vụ này. Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch, các nhà cung cấp dịch vụ mạng đang phải đối mặt với nhu cầu gia tăng đáng kể, đồng thời phải cung cấp các dịch vụ hỗ trợ băng thông rộng.

Kết nối tổng thể đã được cải thiện, cả về cung và cầu. Năm 2019, phạm vi phủ sóng của Truy cập thế hệ mới (Next Generation Access - NGA) đã tăng lên 86% hộ gia đình so với 83% của năm trước, trong khi mạng cố định công suất rất cao (fixed very high capacity networks) có sẵn cho 44% hộ gia đình. Các mạng công suất rất cao (very high capacity networks -VHCN) được cung cấp trên các mạng cáp FTTP hoặc DOCSIS 3.1 (Thông số kỹ thuật giao diện dịch vụ cáp). Malta, Đan Mạch và Luxembourg dẫn đầu về VHCN với độ bao phủ ít nhất 90%. Trên khắp châu Âu, 78% hộ gia đình đã đăng ký băng thông rộng cố định vào năm 2019, tăng 8% so với 5 năm trước (70%). Trong khoảng thời gian 5 năm, có thể thấy rằng ngày càng có nhiều người sử dụng dịch vụ băng rộng ít nhất 100 Mbps: tỷ lệ truy cập đạt 26% hộ gia đình, cao gấp 5 lần so với thời điểm 5 năm trước. Mạng 4G bao phủ gần như toàn bộ dân số châu Âu, nhưng mạng 5G vẫn còn chậm phát triển. Mới chỉ có 17 quốc gia thành viên tiên phong phát triển mạng 5G, trong đó Phần Lan, Đức, Hungary và Ý là những nước tiên tiến nhất về mức độ sẵn sàng 5G. Trong khía cạnh Kết nối tổng thể, Đan Mạch, Thụy Điển và Luxembourg có điểm số cao nhất.

 

Nguồn nhân lực – kỹ năng số

Nguồn nhân lực hay Kỹ năng số được coi là xương sống của xã hội số. Kỹ năng số cho phép mọi người sử dụng các dịch vụ số và tham gia vào các dịch vụ trực tuyến cơ bản, đặc biệt là khi con người bị hạn chế khả năng di chuyển. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã chỉ ra rằng việc trang bị các kỹ năng số đầy đủ cho người dân là rất quan trọng để giúp họ tiếp cận thông tin và dịch vụ một cách dễ dàng, đặc biệt là các đối tượng như nhân viên trong hệ thống y tế, các nhân viên chính phủ, giáo viên/giảng viên và học sinh/sinh viên. Do đó, các kỹ năng số cơ bản và nâng cao cần phải được cung cấp trong các chương trình giảng dạy của nhà trường và các chương trình học ở các nước châu Âu.

Trong năm qua, đã có sự cải thiện cả về kỹ năng sử dụng Internet (ít nhất là kỹ năng số cơ bản) và kỹ năng nâng cao (sinh viên tốt nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và chuyên gia CNTT-TT). Năm 2019, tỷ lệ người dân có kỹ năng số cơ bản tối thiểu đạt 58%, tăng 3% so với năm 2015 (55%). Tuy nhiên, một phần lớn dân số châu Âu vẫn thiếu các kỹ năng số cơ bản, mặc dù hầu hết các công việc đều yêu cầu những kỹ năng như vậy. Vào năm 2018, khoảng 9,1 triệu người đã làm việc với tư cách là chuyên gia CNTT-TT trên toàn châu Âu, nhiều hơn 1,6 triệu người so với 4 năm trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu nhiều chuyên gia CNTT-TT trên thị trường lao động: 64% doanh nghiệp lớn và 56% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tuyển dụng chuyên gia CNTT-TT trong năm 2018 gặp khó khăn khi tuyển dụng các vị trí là chuyên gia CNTT-TT. Ở Romania và Cộng hòa Séc, việc thiếu chuyên gia CNTT-TT còn xảy ra nghiêm trọng hơn khi có ít nhất 80% doanh nghiệp đã gặp phải khó khăn trong việc tuyển dụng lao động CNTT-TT. Ngoài ra, còn có một vấn đề mất cân bằng giới tính của lao động về CNTT-TT khi chỉ có 1/6 chuyên gia CNTT-TT là nữ. Nhìn chung, theo đánh giá DESI,  Phần Lan, Thụy Điển và Estonia là những nước tiên tiến nhất về Nguồn nhân lực.

Sử dụng Internet

Việc sử dụng Internet của các cá nhân đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 diễn ra. Sự hạn chế di chuyển (gặp mặt) của người dân đã được chuyển thành truy cập thường xuyên vào các nền tảng giải trí và truyền thông xã hội cũng như các dịch vụ từ xa, thương mại điện tử và chính phủ điện tử.

Xu hướng này đã có trước đại dịch, khi việc sử dụng Internet tiếp tục tăng với 85% người châu Âu lướt Internet ít nhất một lần mỗi tuần (năm 2014 là 75%). Trong đó, tỷ lệ sử dụng Internet dao động từ 67% ở Bulgaria đến 95% ở Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan. Việc sử dụng các cuộc gọi video đã tăng mạnh nhất, từ 49% người dùng Internet vào năm 2018 lên 60% vào năm 2019. Sử dụng ngân hàng và mua sắm qua Internet cũng phổ biến hơn khi tỷ lệ lần lượt đạt 66% và 71% người dùng Internet. Tuy nhiên, tỷ lệ người dùng Internet để hoàn thành khóa học trực tuyến vẫn còn ở mức thấp khi chỉ đạt 11%.

Tích hợp các công nghệ số

Khi các chính phủ hành động để giảm tương tác trực tiếp của xã hội, các doanh nghiệp phải thích ứng bằng cách đưa ra các cơ chế làm việc thay thế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ) với mức độ số hóa thấp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp khả năng làm việc tại nhà cho nhân viên. Một trong những trở ngại chính đối với việc số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khoảng cách kiến ​​thức số, nguyên nhân là do trình độ hiểu biết kỹ thuật số của các chủ sở hữu, người quản lý và nhân viên còn thấp. Giải quyết những thiếu sót này sẽ rất quan trọng để đảm bảo khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Ngay trước đại dịch, việc tích hợp các công nghệ số của các doanh nghiệp đã cho thấy sự khác biệt lớn theo quy mô công ty, lĩnh vực và cả quốc gia thành viên. Các doanh nghiệp ngày càng trở nên số hóa hơn, đặc biệt các công ty lớn vẫn dẫn đầu về mức độ số hóa. 38,5% các công ty lớn đã dựa vào các dịch vụ đám mây tiên tiến và 32,7% đang sử dụng phân tích dữ liệu lớn. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tận dụng được những công nghệ này, với chỉ 17% trong số họ sử dụng dịch vụ đám mây và chỉ 12% phân tích dữ liệu lớn. Các chỉ số tốt nhất trong nhóm là: Malta với 24% công ty sử dụng dữ liệu lớn và Phần Lan với 50% dựa vào dịch vụ đám mây. Đối với thương mại điện tử, chỉ có 17,5% doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng trực tuyến trong năm 2019, sau khi tăng rất nhẹ 1,4 % so với năm 2016. Ngược lại, 39% doanh nghiệp lớn sử dụng bán hàng trực tuyến trong năm 2019. Các doanh nghiệp hàng đầu châu Âu hoạt động số hóa các doanh nghiệp là Ireland, Phần Lan, Bỉ và Hà Lan.

Dịch vụ số của khu vực công

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo duy trì các hoạt động của chính phủ khi các biện pháp giãn cách xã hội (hạn chế tiếp xúc gần) được áp dụng. Do đó, cần thiết đưa ra một chiến lược chung nhằm thoát khỏi đại dịch bằng cách yêu cầu các quốc gia thành viên phải tăng cường cung cấp dịch vụ số của khu vực công, bao gồm y tế điện tử (như y tế từ xa, kê đơn điện tử và trao đổi dữ liệu y tế) và việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng của các dịch vụ này (chẳng hạn bằng cách sử dụng dữ liệu lớn hoặc AI).

Trước đại dịch đã có một xu hướng đi lên trong các dịch vụ số của khu vực công. Năm 2019, cả chất lượng và mức độ sử dụng các dịch vụ số của khu vực công đều tăng, cụ thể 67% người sử dụng Internet đã nộp biểu mẫu cho cơ quan hành chính nhà nước bằng cách sử dụng kênh trực tuyến (năm 2014 là 57%). Kết quả này cũng cho thấy sự tiện lợi của thủ tục trực tuyến so với thủ tục trên giấy. Các quốc gia có thành tích hàng đầu trong lĩnh vực này là Estonia, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Phần Lan và Latvia.

3. Kết luận

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tính thiết yếu của các tài sản số đối với nền kinh tế của thế giới và cách thức các mạng lưới, kết nối, dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI) và siêu máy tính cũng như các kỹ năng số đã duy trì nền kinh tế, xã hội như thế nào để chúng ta tiếp tục làm việc, theo dõi sự lây lan của virus và đẩy nhanh quá trình tìm kiếm thuốc và vắc-xin.

Ủy ban châu Âu đã phản ứng nhanh chóng với thách thức mới bằng cách đưa ra một số biện pháp trong lĩnh vực kỹ thuật số, cụ thể như: Vào ngày 19 tháng 3 năm 2020, Ủy ban và Cơ quan quản lý truyền thông điện tử châu Âu (the Body of European Regulators of Electronic Communications - BEREC) đã thiết lập một cơ chế báo cáo đặc biệt để theo dõi tình hình internet ở mỗi quốc gia thành viên để có thể đáp ứng các vấn đề về dung lượng; Vào ngày 25 tháng 3 năm 2020, Ủy ban cũng đã đề xuất sáng kiến thu thập ý tưởng về các giải pháp AI và robot cũng như các giải pháp khác có thể giúp châu Âu đối phó với đại dịch; Vào ngày 8 tháng 4 năm 2020, Ủy ban đưa ra khuyến nghị để phát triển một cách tiếp cận chung của châu Âu đối với việc sử dụng các ứng dụng di động và dữ liệu di động để đối phó với đại dịch COVID-19. Liên minh Việc làm và Kỹ năng số (The Digital Skills and Jobs Coalition) tổ chức các hội thảo trực tuyến theo chủ đề với Liên minh quốc gia và các thành viên của họ nhằm chia sẻ những thách thức, giải pháp và kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu về kỹ năng số của người châu Âu trong những tình huống khẩn cấp.

Tại cuộc họp ngày 20 tháng 3 năm 2020, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các nước thành viên chuẩn bị để đưa xã hội và nền kinh tế châu Âu trở lại trên đường đua tăng trưởng bền vững, tích hợp quá trình chuyển đổi xanh (bảo vệ môi trường) và chuyển đổi số. Ngày 27 tháng 5 năm 2020, Ủy ban đã thông qua kế hoạch phục hồi châu Âu thế hệ tiếp theo nhằm cung cấp cho các quốc gia thành viên các khoản đầu tư để phát triển nền kinh tế của họ trở nên bền vững hơn. Mỗi quốc gia thành viên sẽ thiết kế một kế hoạch phục hồi quốc gia riêng phù hợp với các ưu tiên đầu tư và cải cách của họ. Do đó, DESI sẽ là công cụ hữu ích để cung cấp phân tích cụ thể của từng quốc gia nhằm hỗ trợ đưa ra khuyến nghị chuyển đổi số, cho phép các quốc gia thành viên hướng đến các mục tiêu và đề xuất các ưu tiên về cải cách và đầu tư.

Đặng Thị Thu Hương.

Tài liệu tham khảo

- Digital Economy and Society Index (DESI) 2020, Eurou Commission.