Hiện nay, dịch vụ Chăm sóc sức khỏe từ xa không chỉ là nhu cầu của phần lớn số lượng người dân mà còn là xu hướng phát triển của tất cả các hệ thống, cơ sở y tế, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và các nhu cầu thiết yếu của người dân. Với sự ra đời của một số nền tảng ứng dụng Chăm sóc sức khỏe từ xa Telehealth đã giúp kết nối các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới để tư vấn, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, hỗ trợ phẫu thuật, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo từ xa… Dựa trên một số nghiên cứu của tác giả, bài viết này sẽ giới thiệu một số nền tảng ứng dụng Chăm sóc sức khỏe từ xa Telehealth được sử dụng rộng rãi hiện nay trên thế giới.
Theo wikipedia, Telehealth được hiểu theo nghĩa là Chăm sóc sức khỏe từ xa, Telehealth là một xu hướng mới trên thế giới trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp thân thiện với công nghệ thông tin. Bệnh nhân được TeleHealth theo dõi hằng ngày các chỉ số đo mà không cần thường xuyên đến phòng khám của bác sĩ.
Chăm sóc sức khỏe từ xa Telehealth đang bắt kịp với những tiến bộ của các công nghệ mới. Telehealth có thể tiếp cận với nhiều người hơn trên khắp thế giới, dù họ ở đâu; cũng như giúp kết nối rộng hơn với cộng đồng nhằm hỗ trợ việc chăm sóc, điều trị sức khỏe cho bệnh nhân.
Hình 1. Telehealth cho chăm sóc sức khỏe từ xa: Khả năng, tính năng, rào cản và ứng dụng
Một số nền tảng ứng dụng Chăm sóc sức khỏe từ xa phổ biến hiện nay đó là:
1. Nền tảng ứng dụng Webex
Webex là nền tảng ứng dụng hỗ trợ các cuộc trò chuyện không giới hạn giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ngoài ra Webex còn có nhiều điểm nổi bật như:
- Tích hợp công nghệ AI;
- Cung cấp thông tin chi tiết về người tham gia cuộc trò chuyện;
- Phát hiện và giảm tiếng ồn gây phiền nhiễu;
- Chia sẻ và lưu nội dung cuộc nói chuyện, giúp bệnh nhân duy trì chất lượng chăm sóc sức khỏe cao nhất.
Những tính năng nổi bật của Webex:
- Loại bỏ tiếng ổn trong cuộc trò chuyện: giảm phiền nhiễu và gián đoạn với tính năng loại bỏ tiếng ồn tiên tiến và cải thiện giọng nói của cuộc trò chuyện.
- Nhận diện cử chỉ thông minh: bệnh nhân có thể sử dụng cử chỉ tay đơn giản để thể hiện cảm xúc cho cuộc trò chuyện với bác sĩ mà không cần nói lời nào.
- Phiên âm lời nói tự động: bệnh nhân có thể tận hưởng những cuộc trò chuyện hiệu quả bằng cách để lại phần ghi chú cho Webex một cách hoàn toàn tự động và chính xác.
- Tùy chỉnh bố cục hiển thị: Bệnh nhân có thể quyết định muốn tập trung vào điều gì bằng cách tùy chỉnh chế độ xem trên màn hình.
- Tính bảo mật cao: Webex sở hữu tính năng bảo mật nâng cao từ việc bảo mật vật lý, mã hóa đầu cuối…
- Tích hợp dịch vụ thoại thông minh: Webex sử dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo AI để tương tác nhằm ghi chú, đánh dấu, theo dõi cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân.
2. Zoom for Healthcare
Các tổ chức Chăm sóc sức khỏe đang áp dụng các mô hình Chăm sóc kỹ thuật số Zoom for Healthcare để cung cấp trải nghiệm hợp lý cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Zoom for Healthcare là một giải pháp điện thoại đám mây có đầy đủ tính năng, cung cấp một nền tảng an toàn để liên lạc trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe đáp ứng các yêu cầu và tuân thủ Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin y tế liên bang HIPAA. Đây là một dịch vụ tích hợp bao gồm quản lý quy trình làm việc, gọi điện video, tạo lịch cuộc hẹn tích hợp với nhắc nhở cuộc hẹn tự động.
Nền tảng này được trang bị một phòng chờ ảo, nơi bệnh nhân có thể làm thủ tục số và có một nơi dành riêng để đợi cho đến khi cuộc hẹn giữa bệnh nhân với bác sĩ được bắt đầu, giống như các cuộc hẹn khám chữa bệnh trực tiếp. Zoom for Healthcare được cung cấp trong một số tùy chọn chương trình khác nhau, hoặc được tích hợp với nhiều chương trình quản lý hành nghề và hồ sơ sức khỏe điện tử.
3. Nền tảng ứng dụng Vsee
VSee không chỉ là một nền tảng Chăm sóc sức khỏe từ xa hàng đầu mà nó còn cung cấp tất cả các công cụ cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở mức độ chăm sóc ảo cao nhất cho bệnh nhân. VSee tuân thủ các quy định của Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin y tế liên bang HIPAA (Federal Health Insurance Portability and Accountability Act) do Chính phủ liên bang Hoa Kỳ ban hành vào năm 1996 nhằm thiết lập các quy tắc cho việc truy cập, xác thực, lưu trữ, kiểm toán và chuyển hồ sơ y tế điện tử. Nền tảng này cho phép thực hiện các cuộc hẹn video, khám sức khỏe ảo, theo dõi bệnh nhân và hơn thế nữa. VSee hiện phục vụ hơn 1.000 tổ chức chăm sóc sức khỏe khác nhau, bao gồm Walgreens, MDLIVE, Trinity, DaVita, HCA, Seton, McKesson-US Oncology, từ các nhà cung cấp cá nhân đến các tập đoàn cấp doanh nghiệp. Đặc biệt trong nền tảng ứng dụng này, các nhà cung cấp có thể tổ chức các cuộc hẹn giao tiếp video và tích hợp với một số thiết bị y tế nhất định như Fitbit hoặc AppleWatch để nhận dữ liệu tự động theo dõi bệnh nhân. Bệnh nhân cũng có thể tải lên hình ảnh, nhật ký thực phẩm hoặc biểu đồ để bác sĩ của họ có thể theo dõi việc tuân thủ kế hoạch chăm sóc sức khỏe theo quy định. Trong cuộc gọi hội nghị truyền hình tiêu chuẩn, các nhà cung cấp có thể sử dụng tính năng phòng chờ để mô phỏng quy trình đăng ký trực tiếp truyền thống với phòng chờ mang thương hiệu công ty, các mẫu đơn đăng ký sẵn sàng điền, biểu mẫu chấp thuận để ký ảo, video giáo dục bắt buộc để xem và truy cập hỗ trợ trò chuyện trực tiếp nếu cần.
VSee là nền tảng duy nhất trên thị trường cho phép bệnh nhân sử dụng hệ thống máy tính hiện có của họ để truyền hình ảnh đến nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe trong khi vẫn trực tiếp trong cuộc gọi. Ngoài ra, các nhà cung cấp của VSee có thể điều khiển camera từ phía bệnh nhân để tiến hành khám từ xa. Ngoài công cụ này, có nhiều công cụ khác có sẵn để các nhà cung cấp sử dụng như thanh toán thẻ tín dụng tích hợp, nhắc nhở cuộc hẹn tự động, kết quả phòng thí nghiệm được chia sẻ hoặc Bản ghi sức khỏe điện tử HER (Electronic Health Record),...
4. Ứng dụng Doxy.me
Doxy.me là một trong những công cụ truyền hình hoặc hội nghị truyền hình tuân thủ Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin y tế liên bang HIPAA phổ biến nhất. Một trong những lợi thế của Doxy.me là bệnh nhân không cần tạo tài khoản hoặc tải xuống bất kỳ phần mềm cụ thể nào để tham dự cuộc hẹn từ xa trên các thiết bị thông minh.
Doxy.me được thiết kế để chăm sóc sức khỏe
Doxy cũng được biết đến với tính năng phòng chờ cho phép bệnh nhân “làm thủ tục” ảo, thông báo cho bác sĩ về yêu cầu đến khám bệnh của bệnh nhân và đợi để bắt đầu cuộc hẹn với bác sĩ. Trong khi người dùng ở trong phòng chờ, họ có thể xem bất kỳ hình ảnh, video hoặc tài liệu đọc nào do bác sĩ cung cấp cho họ. Tất cả những tính năng này và đều có trong phiên bản Doxy.me miễn phí.
Doxy.me rất đơn giản
Tất cả những gì bệnh nhân cần để bắt đầu khám bệnh từ xa là một liên kết web tới phòng Doxy.me của bác sĩ bằng máy tính hoặc ứng dụng Doxy.me trên thiết bị di động mà không cần đến phần cứng hoặc phần mềm đặc biệt.
Doxy.me miễn phí
Tính năng Doxy.me miễn phí cung cấp dịch vụ y tế từ xa cho tất cả mọi người. Giờ đây, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng y học từ xa mà không phải trả thêm chi phí.
Doxy.me an toàn
Truyền dữ liệu an toàn và quyền riêng tư của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu. Doxy.me sử dụng các giao thức mã hóa và bảo mật hiện đại nhất, làm cho Doxy.me đáp ứng các yêu cầu về sử dụng công nghệ cao HITECH (High Technology) và tuân thủ Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin y tế liên bang HIPAA.
5. Nền tảng Khám chữa bệnh từ xa Viettel Telehealth tại Việt Nam
Viettel Telehealth là một nền tảng Make in Viet Nam được phát triển bởi Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là nền tảng Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh đầu tiên do người Việt làm chủ và tự phát triển. Điểm vượt trội của nền tảng Telehealth là giúp kết nối các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới để tư vấn chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, hỗ trợ phẫu thuật, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo từ xa. Kết hợp với các phần mềm tư vấn người bệnh từ xa, đặt khám online, mạng xã hội bác sĩ, đào tạo trực tuyến, giải pháp hội nghị truyền hình, quản lý và chia sẻ hình ảnh y tế, kênh truyền… tạo thành hệ sinh thái tổng thể Viettel Telehealth.
Thông qua nền tảng này, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại. Đồng thời việc quản lý các dữ liệu nhạy cảm (như bệnh án) đảm bảo mức độ an toàn và bảo mật.
Viettel Telehealth đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành, gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Viettel Telehealth gồm 3 nhóm ứng dụng: (1) Nhóm theo dõi từ xa, (2) Nhóm tương tác thời gian thực, (3) Nhóm lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh.
(1) Nhóm theo dõi từ xa cho phép theo dõi các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân thông qua các thiết bị công nghệ gắn trên người để theo dõi sức khỏe, hỗ trợ hiệu quả quản lý các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, tiểu đường…
(2) Nhóm tương tác thời gian thực giúp người bệnh có thể trao đổi, tương tác trực tiếp với bác sĩ và được tư vấn chuyên môn từ xa với bác sĩ chuyên khoa.
(3) Nhóm lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh cho phép kết nối tất cả dữ liệu từ nhiều loại máy chụp chiếu kỹ thuật số, dùng công nghệ xử lý, nén ảnh, lưu trữ và truyền tải hình ảnh đặc biệt do các kỹ sư Việt Nam xây dựng để chuyển dữ liệu hình ảnh đến bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán từ xa. Giải pháp cũng ứng dụng công nghệ xử lý ảnh hiện đại nhất đang được các quốc gia phát triển nhất thế giới áp dụng về ảnh 2D, 3D, đọc ảnh theo chuẩn DICOM để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ lâm sàng, kỹ thuật viên; bảo đảm an toàn thông tin tuyệt đối.
Với việc xây dựng và ứng dụng nền tảng Khám chữa bệnh từ xa Viettel Telehealth ngày càng rộng khắp trên toàn quốc, những kỳ vọng về hiệu quả mà nền tảng sẽ mang lại là:
- Giảm các chi phí liên quan tới in và lưu trữ film;
- Giảm chi phí phục vụ đi lên tuyến trên để khám chữa bệnh cho người dân;
- Giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh;
- Nâng cao hiệu quả và phát triển chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt tại khoa Chẩn đoán hình ảnh;
- Củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế;
- Bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở địa phương;
- Tránh lây nhiễm chéo trong thời kỳ dịch bệnh;
- Tránh lãng phí cơ sở vật chất của tuyến dưới khi người dân vượt tuyến lên tuyến trên.
Kết luận
Sự ra đời của một số nền tảng Chăm sóc sức khỏe từ xa không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân là: kết nối với bác sỹ 24/7 ngay khi có nhu cầu; có thể đặt khám trực tuyến để tiết kiệm thời gian; giảm thời gian chờ đợi, chi phí khám, không phải chụp chiếu lại; được thăm khám bởi các bác sĩ giỏi mà không phải di chuyển xa; có thể quản lý hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử, tra cứu và tìm kiếm bác sĩ, đánh giá bác sĩ, tương tác với những người cùng bệnh. Mà còn mang đến những lợi ích thiết thực cho các cơ sở y tế: có thể tư vấn khám chữa bệnh cho người dân từ xa; có hệ thống hỗ trợ chẩn đoán, khám chữa bệnh; có thể tương tác với các cơ sở y tế khác trực tuyến để hội chẩn, học tập, nghiên cứu khoa học; đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tập trung chuyên môn; duy trì khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng giảm số lượng bệnh nhân đến trực tiếp cơ sở y tế.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đưa ra một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, trong đó có mục tiêu “Phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ người dân được khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế”.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo
[1] Telehealth information and resource sheet.
[2] Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.