Đang xử lý.....

Giải phóng tiềm năng dữ liệu mở ở UAE  

Các chính sách, chương trình và sáng kiến về Dữ liệu mở của Chính phủ (Open Government Data - OGD) có khả năng cung cấp nhiều lợi ích theo quan điểm quản trị công và kinh tế xã hội...
Chủ Nhật, 15/12/2019 319
|

Được ca ngợi và ủng hộ bởi những người yêu thích sự minh bạch của chính phủ, việc cung cấp dữ liệu mở cũng có nghĩa là để phát triển các giải pháp mới - được xây dựng dựa trên dữ liệu chính phủ ở định dạng có thể đọc được bằng máy, có thể được tận dụng để cải tiến các quy trình công và việc cung cấp dịch vụ công. Những dữ liệu này thường được gọi là “dữ liệu chất lỏng“, có nghĩa là mở, có sẵn ở phạm vi rộng và theo các định dạng có thể chia sẻ. Dữ liệu mở có thể dẫn đến một phương pháp tiếp cận mang tính cách mạng về cách nghĩ các chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ cho công dân và đo lường hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ và sự hài lòng của người dân.

Một lượng lớn sự cải tiến đang diễn ra trên khắp các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD) và cả các quốc gia không thuộc tổ chức này, đó là tính sẵn sàng của dữ liệu mở chính phủ. Thực tế cho thấy các chính phủ ngày càng tiếp thu ý tưởng cải tiến này nhằm kết hợp sức mạnh của các bên liên quan như khu vực tư nhân, các tổ chức học thuật, phi lợi nhuận cũng như công chúng nói chung, để hoàn thành nhiều việc hơn so với việc mà chính phủ có thể làm một mình. Dữ liệu mở của chính phủ đưa ra cơ hội thực sự để thu hút các nhà cải cách chính phủ từ bên trong và bên ngoài để tạo ra những cách thức sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề cũ và mới. Việc này có khả năng tăng hiệu suất và hiệu quả làm việc của chính phủ cũng như để cải tiến việc cung cấp dịch vụ và các hoạt động nội bộ của khu vực công. Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ mới và phân tích dữ liệu trong khu vực công, tích hợp phân tích trong hoạch định chính sách và thiết kế dịch vụ công, có thể thúc đẩy cung cấp dịch vụ tích hợp và sáng tạo hơn.

Vai trò của các chính phủ đang thay đổi, vì chính phủ không còn là người hồi đáp và cung cấp giải pháp duy nhất cho các vấn đề xấu, đòi hỏi các câu trả lời có tính liên kết. Điều này nghĩa là chính phủ sẽ hoạt động như một người hỗ trợ, cung cấp nền tảng cho các chủ thể hợp tác để cùng nhau tạo ra các giải pháp chung.

Cải tiến trải nghiệm thông thường của người dân

Các chương trình Dữ liệu mở của chính phủ và các ứng dụng mà chúng tạo ra, cung cấp rất nhiều cách thức hữu ích để thúc đẩy cách tiếp cận mới cho các vấn đề cũ và duy trì việc áp dụng các công nghệ mới trong việc cung cấp dịch vụ sáng tạo. Khi web 2.0 được sử dụng để cải thiện cung cấp dịch vụ và trải nghiệm của người dùng, dữ liệu mở được coi là sự bổ sung tự nhiên của các phương pháp tiếp cận tập trung vào thiết kế hướng đến công dân. Thập kỷ vừa qua đã mang lại rất nhiều lợi ích và càng ngày có thêm nhiều lợi ích cho các công dân thông qua các ứng dụng được xây dựng trên dữ liệu mở. Lượng dữ liệu ngày càng có gia tăng và chúng không chỉ được truy cập mà còn được sử dụng lại, đã thực sự cho phép thiết kế cải thiện trải nghiệm cho người dân.

Tuy nhiên, dữ liệu mở của chính phủ hiếm khi được sử dụng bởi các công dân bình thường ở lần đầu tiên công bố. Việc công bố dữ liệu chính phủ ở các định dạng mở là một bước quan trọng, nhưng đây chỉ là bước đầu tiên để tối đa hóa tính hữu dụng và các tác động của dữ liệu mở cho công dân bình thường. Dữ liệu chứa thông tin liên quan về cuộc sống của họ cần phải được cung cấp và truy cập cho tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là cần phải công bố các thông tin mà chính phủ đang nắm giữ và cho phép các cá nhân tương tác với chính phủ và kết hợp thông tin đó vào thói quen và cuộc sống hàng ngày của họ.

Một số trường hợp thành công về dữ liệu mở đối với công dân lớn nhất đến từ lĩnh vực “transit“ (chuyển tuyến) thuộc khu vực công, nơi có nhiều ứng dụng di động hữu ích được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu chuyển tuyến được cung cấp bởi chính phủ theo các định dạng mở. Những ứng dụng này đã thay đổi căn bản thói quen của người lái trong việc sử dụng dữ liệu trên phương tiện công cộng. Tuy nhiên, các ứng dụng chuyển tuyến theo thời gian thực hữu ích được xây dựng trên dữ liệu mở của chính phủ sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn là việc cung cấp một nguồn dữ liệu thô cho các vị trí giao thông công cộng. Ví dụ: nhiều ứng dụng cho phép người lái tìm kiếm khách đến trên nhiều tuyến và điều chỉnh kế hoạch đi lại của họ để phù hợp hơn.

Xây dựng thế hệ cán bộ công chức kế cận

Sự cải tiến trong cung cấp dịch vụ đạt được thông qua dữ liệu mở không chỉ là kết quả của việc sử dụng lại dữ liệu của các chủ thể thuộc khu vực tư nhân hoặc bởi các tổ chức xã hội dân sự. Sự cải tiến này cũng có thể được tạo ra nhờ việc tái sử dụng dữ liệu chính phủ của chính đội ngũ cán bộ công chức, những người đã chủ động phát triển ứng dụng di động mới. Việc sử dụng công nghệ và phân tích dữ liệu trong khu vực công, tích hợp phân tích trong hoạch định chính sách và thiết kế các dịch vụ công, có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc cung cấp các dịch vụ sáng tạo, tích hợp hơn. Điều này đòi hỏi tính sẵn sàng về năng lực cụ thể của đội ngũ cán bộ công chức ở tất cả các cấp.

Vấn đề không kém phần quan trọng chính là trao quyền cho công dân, thực tế là trao quyền cho lực lượng lao động thuộc khu vực công. Dữ liệu mở của chính phủ có thể cho phép cán bộ công chức tham gia trực tiếp vào việc hỗ trợ chính phủ cải tiến và phát triển các ứng dụng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng. Nhiều cán bộ công chức nhìn thấy hiệu suất thời gian thực và tác động của dịch vụ công, chính sách công đối với người dân. Cán bộ công chức có thể tạo dữ liệu và các thông tin đầu vào khác phù hợp, hoặc sử dụng các thông tin có sẵn để cải thiện trải nghiệm dịch vụ nếu được cung cấp các công cụ hỗ trợ.

Trao quyền cho cán bộ công chức với OGD đòi hỏi các chiến lược và chương trình để xây dựng thế hệ cán bộ công chức kế cận. Các kỹ năng mới là cần thiết và không chỉ liên quan đến CNTT, chúng bao gồm: khoa học dữ liệu; phân tích dự đoán để xác định các mẫu và tạo mô hình; trang bị kiến ​​thức tốt hơn về cách sử dụng các công nghệ web 2.0 để tham gia đàm thoại và kết nối với mọi người; và trang bị hiểu biết tốt hơn về các vấn đề đang được quan tâm và việc sử dụng CNTT để giải quyết chúng. Ví dụ, lực lượng cảnh sát của Hà Lan đã phối hợp với Deloitte (một mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia được thành lập ở Anh) và một chuyên gia tư vấn (ForensicPlaza), cùng nhau sản xuất một chương trình được gọi là Nhận thức & Số hóa. Chương trình này nhằm cung cấp một cách thức linh hoạt, sáng tạo để nâng cao nhận thức của lực lượng cảnh sát về các cơ hội, rủi ro trong môi trường mạng và giúp họ phát triển kỹ năng trong việc đối phó với những vấn đề có thể xảy ra của một xã hội ngày càng số hóa.

Cải tiến mua sắm công

Dữ liệu mở của chính phủ không chỉ mở đường cho các hình thức cung cấp dịch vụ mới mà còn giúp làm nổi bật các thiếu sót trong các quy trình mua sắm của các giải pháp hiện tại mà chính phủ cung cấp. OGD và những thay đổi mà nó mang lại về mặt cung cấp dịch vụ, đã tác động đáng kể đến cách thức mua sắm các phần mềm và giải pháp công nghệ của khu vực công. Thay vì mua phần mềm, chính phủ đi vòng quy trình mua sắm truyền thống bằng cách cung cấp dữ liệu để thu hút các nhà cung cấp bên ngoài phát triển ứng dụng, ví dụ như thông qua các cuộc thi để so sánh giữa các ứng dụng. Điều này cực kỳ hữu ích để nắm bắt các giải pháp công nghệ tối ưu và nắm bắt suy nghĩ mới nhất về cách thức phát triển và triển khai phần mềm, dịch vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng dịch vụ công. Kết quả là các dịch vụ có thể không đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng nhưng mang lại nhiều hiệu suất hơn và tạo ra lợi ích cho cả khu vực công và người dùng cuối.

Quá trình mua sắm công truyền thống thường cồng kềnh và phức tạp nên rất khó để có thể tận dụng các công nghệ mới, thúc đẩy các giải pháp công nghệ mới để cải tiến hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc công bố dữ liệu mở và liên quan đến các nhà phát triển bên ngoài để dần dần phát triển các giải pháp có thể là cách tiếp cận chưa đúng trong việc phát triển toàn bộ các hệ thống CNTT của chính phủ. Cách tiếp cận này có thể hỗ trợ hiệu quả cho các ứng dụng mới nổi hướng tới khách hàng nhưng nó không thể thay thế việc mua sắm tiêu chuẩn khi Chính phủ có nhu cầu cụ thể hoặc yêu cầu chi tiết về cách thức xây dựng, vận hành giải pháp hoặc ứng dụng.

Phát triển tính năng động trong nội bộ khu vực công

OGD có khả năng cải tiến hiệu suất, hiệu quả làm việc của chính phủ và cải tiến việc cung cấp dịch vụ công, hoạt động nội bộ của khu vực công. Việc công bố trực tuyến dữ liệu của chính phủ có thể tác động tích cực đến các hoạt động của chính phủ mà trước đây đòi hỏi cần phải có nhiều thời gian để giải quyết như làm giảm đáng kể các câu hỏi và thời gian trả lời các câu hỏi này của các cơ quan công quyền. Thêm nữa, cán bộ công chức sẽ không phải mất nhiều công sức trong việc trả lời các câu hỏi khác về cung cấp dịch vụ công vì các thông tin liên quan có thể dễ dàng được tìm thấy. Các lợi ích tiếp theo mà chính phủ có thể nhận được như giảm khối lượng công việc, giảm giấy tờ và giảm chi phí giao dịch. Các dịch vụ cũng được cải tiến khi mọi người có thể dễ dàng tìm thấy và thực hiện các yêu cầu của mình, khu vực công có thể điều chỉnh các dịch vụ sao cho phù hợp hơn với nhu cầu và hành vi của các cá nhân.

Một ví dụ minh họa cho trường hợp này, Bộ Văn hóa của Hà Lan đang tích cực công bố các dữ liệu của họ và hợp tác với các nhóm lịch sử nghiệp dư như Tổ chức Wikimedia Foundation để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn. Điều này có thể dẫn đến cải thiện chất lượng dữ liệu, đồng thời khuyến khích các đầu vào dữ liệu bên ngoài và các nguồn tri ​​thức mới để giúp thông tin trở nên phong phú và và toàn diện hơn. Hơn nữa, việc cùng nhau xây dựng tri thức trong trường hợp này không chỉ làm tăng chất lượng thực hiện công việc mà còn tăng cường nhận thức của các cơ quan công quyền của Hà Lan.

Phân tích dữ liệu hỗ trợ phát hiện các nhu cầu của chính phủ và xã hội

Khả năng kết hợp các bộ dữ liệu khác nhau có thể giúp phát triển các sản phẩm, dịch vụ bổ sung, sáng tạo hơn và tốt hơn. Việc gộp các dữ liệu công với dữ liệu đầu vào của xã hội và người dân, gộp và chia sẻ với dữ liệu của các cơ quan công khác và/hoặc các cấp chính phủ (tức là chia sẻ dữ liệu để phát triển nội dung, dịch vụ và chính sách được chia sẻ giữa các thành phố hoặc các quốc gia) là việc làm tiềm năng tạo ra nhiều giá trị cho khu vực công. Cơ quan chức năng chỉ ra nhu cầu tương lai, không chỉ tạo dữ liệu lớn đối với đầu vào của công dân và dễ dàng phân tích, ví dụ như phát triển và mô phỏng các chính sách, các dịch vụ công mục tiêu tốt hơn, mà còn là một phương pháp tiếp cận chất lượng hơn gồm cả việc khảo sát dân tộc học. Do đó, nhu cầu cần dự báo cả dữ liệu định lượng để cung cấp bằng chứng rõ ràng cho các hoạt động của khu vực công và cả dữ liệu khảo sát định tính, phù hợp với bối cảnh dữ liệu lớn để cung cấp bằng chứng ngầm định và chưa được xác minh. Khu vực công vẫn đang vất vả đối phó với sự phát triển của các kỹ năng cần thiết để tiến hành phân tích dữ liệu, sử dụng chúng tốt nhất cũng như liên kết dữ liệu và nguồn dữ liệu với nhau. Đây là điều cần thiết để thúc đẩy sử dụng dữ liệu mở của khu vực công để hỗ trợ việc ra quyết định tốt hơn, thông báo chính sách, hỗ trợ phát triển các quy trình, dịch vụ dựa trên dữ liệu và các dịch vụ sáng tạo hơn.

Trong thập kỷ qua, khu vực tư nhân đã sử dụng phân tích dữ liệu cho mục tiêu cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Các chính phủ có thể học hỏi từ khu vực tư nhân về cách kết hợp việc sử dụng dữ liệu với các công nghệ mới nhất để đạt được tính thời đại và cá nhân hóa dịch vụ hướng đến nhu cầu của người dùng. Ví dụ, mô hình Facebook xây dựng trên sự tương tác giữa các cá nhân tương tác thông qua tin nhắn. Bài học rút ra ở đây là việc thiết lập các kênh (về cơ bản là các cơ chế đẩy hoặc truy xuất cơ thông tin, đóng góp ý kiến) là rất quan trọng, có thể giúp cải thiện đáng kể hiệu suất của chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết là thiếu các cuộc đối thoại giữa các công dân cá nhân và chính phủ. Điều này đòi hỏi các câu trả lời phải có cấu trúc, được theo dõi và cá nhân hóa đối với câu hỏi mà các quan chức địa phương nhận được chứ không phải bởi một cơ quan hoặc bộ ẩn danh. Đây là việc đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng lại mang lại nhiều kết quả tích cực cho công dân cũng như cho chính phủ.

Thúc đẩy học tập tập thể, trí tuệ tập thể và sự tham gia của xã hội trong việc cung cấp dịch vụ và xây dựng chính sách

Khuyến khích bổ sung thêm các tính năng nâng cao, ngoài việc cung cấp dữ liệu đơn giản, có thể thúc đẩy một quá trình học tập tập thể. Đối với những người mong muốn xây dựng các trang web tương tác, các rào cản sẽ bị giảm đi nhiều khi dữ liệu chính phủ có sẵn và truy cập thuận tiện. Việc lưu trữ web không tốn kém chi phí, các khối xây dựng phần mềm thường là nguồn mở và miễn phí, các trang web mới có thể lặp lại thiết kế của chúng một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc tăng cường sử dụng các công nghệ mới kết hợp với sự xuất hiện của phong trào OGD, đang trở thành yếu tố chính thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của công chúng vào việc cung cấp dịch vụ. Các sáng kiến OGD, đặc biệt khi chúng được hỗ trợ bởi Web 2.0 và các ứng dụng truyền thông xã hội, đang tạo ra một kiến trúc cho phép người dùng không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển sáng tạo về nội dung và ứng dụng mà còn hợp tác với các cơ quan công trong việc cung cấp dịch vụ.

Kết luận

Dữ liệu mở của chính phủ là trung tâm của sự thay đổi đang diễn ra ở nhiều quốc gia. Kể từ khi ra đời cho đến nay, Internet đóng vai trò quan trọng trong cách thức các chính phủ cung cấp dịch vụ và thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Các chính phủ đã sử dụng dữ liệu làm đầu vào cho các “sản phẩm“ đầu ra khác. Dữ liệu chính phủ có sẵn như là dữ liệu mở hiện được cung cấp cho các chủ thể phi tổ chức có thể sử dụng chúng để phát triển ra các giải pháp mới, sáng tạo và có giá trị, góp phần cải tiến khu vực công. Đây là một hình thức cải tiến khu vực công mở và có tính tập thể. Do đó, dữ liệu trở thành nền tảng được sử dụng để khuyến khích phát triển các ứng dụng và giải pháp hữu ích mới.

Trần Thị Duyên

Tài liệu tham khảo

[1] Rebooting public service delivery: How can open government data help to drive innovation?, Barbara Ubaldi, Digital Government Project Manager, Reform of the Public Sector Division - Public Governance and Territorial Development Directorate, 2013.