Đang xử lý.....

Giải pháp xây dựng Làng thông minh tại Ấn Độ và một số trường hợp nghiên cứu điển hình  

Theo Nghị viện Châu Âu thì Làng thông minh được định nghĩa là: “Làng thông minh là cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp sáng tạo dựa trên các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển và thực hiện chiến lược nhằm cải thiện kinh tế, xã hội và môi trường thông qua việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số. (http://www.pilotproject-smartvillages.eu/)
Thứ Tư, 02/12/2020 937
|

Quá trình đô thị hóa của Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng, theo dự đoán của Liên Hợp quốc thì đến năm 2050, gần 814 triệu người Ấn Độ sẽ sống ở các thị trấn và thành phố, gấp đôi so với hiện nay (Haya, 2016). Năm 2020, Ấn Độ xây dựng sáng kiến Làng thông minh Ấn Độ (Indian Smart Village Initiative, Smart Villages, 2020) nhằm khai thác lợi ích của công nghệ thông tin và truyền thông cho người dân sống ở các vùng nông thôn. Giải pháp xây dựng Làng thông minh Ấn Độ sẽ cung cấp một khung cơ bản để tăng cường sự tham gia của người dân ở vùng nông thôn và cải thiện kinh tế, xã hội, tạo nên một đất nước Ấn Độ mạnh hơn và linh hoạt hơn đối với các thách thức của thế giới bên ngoài.

1. Nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng Làng thông minh ở Ấn Độ

Như chúng ta đã biết, qua nhiều chương trình phim truyền hình Ấn Độ thì trong số 6.50.000 ngôi làng ở Ấn Độ hầu hết đều có cơ sở hạ tầng thiếu thốn và thô sơ, cơ sở vật chất giáo dục kém, cấp nước không thường xuyên, cấp điện, vệ sinh môi trường, giao thông, kết nối đường bộ, cơ sở hạ tầng không phù hợp và không đáp ứng được nhu cầu chính của người dân. Ấn Độ là một quốc gia có tỷ lệ số dân dưới 30 tuổi là 68,84% nhưng không được sử dụng hiệu quả dẫn đến tình trạng mức sống kém, lãng phí nguồn lực. Tất cả những yếu tố này thúc đẩy những người dân trong làng di cư đến các thị trấn và thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm và chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Trong tổng sản phẩm nội địa GDP của Ấn Độ thì nền nông nghiệp cũng có những đóng góp lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang giảm qua từng năm từ 45,48% năm 1950 xuống còn 15,79% năm 2013 (“Đóng góp theo ngành trong GDP của Ấn Độ”, 2017) do thiếu các chính sách mạnh mẽ và việc thực thi những chính sách ở cấp cơ sở. Đối với việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp của Ấn Độ cũng giảm từ 60% năm 1994 xuống còn 50% năm 2013 (Báo cáo Phát triển Thế giới, 2013).

Người dân từ hầu hết các bang lạc hậu như Bihar, Orissa, Jharkhand, Uttar Pradesh, Rajasthan và Uttar Pradesh di cư đến các thành phố lớn như Kolkata, Delhi, Pune và Mumbai để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Điều này đang gây thêm gánh nặng cho các thành phố về việc thiếu cơ hội việc làm, hạn chế hoạt động kinh tế, không có giáo dục tốt và không đủ kinh phí hỗ trợ từ chính phủ. Điều tra dân số Ấn Độ năm 2011 đã xác định Uttar Pradesh là bang có lượng người xuất cư nhiều nhất (26,9 lakh), tiếp theo là Bihar với 17,2 lakh.

Sự phát triển toàn diện của vùng nông thôn Ấn Độ vẫn chưa thành hình vì sản lượng nông nghiệp giảm và thiếu các tiện nghi cơ bản. Điều này đã khiến các ngôi làng trở nên hoang vắng cùng với sự gia tăng các khu ổ chuột ở các khu đô thị dẫn đến điều kiện sức khỏe và mức sống kém, sự mất cân đối này sẽ tạo ra tác động tiêu cực lâu dài.

Sáng kiến xây dựng “Làng thông minh” ở Ấn Độ mang lại sự phát triển tổng thể, các tiện ích bền vững, giá cả phải chăng, tiếp cận với giáo dục tốt, nước uống sạch, vệ sinh và dinh dưỡng.

Hình 1. Giải pháp xây dựng Làng thông minh

SMART được viết tắt từ:

S - Bền vững

M - Có thể đo lường

A - Giá cả phải chăng

R - Có thể tái tạo

T - Công nghệ

Các thuộc tính chính của Làng thông minh bao gồm:

• Nhà có toilet, nước uống sạch, điện vừa túi tiền.

• Đa dạng cơ hội sinh kế.

• Kế hoạch phát triển con người, tài sản, thông tin dịch vụ làm trọng tâm, tạo doanh thu, duy trì bản sắc và di sản văn hóa của nó.

• Tương tác với chính phủ, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia, doanh nhân xã hội,...

• Nhận thức về các công nghệ mới được thực hiện trong làng để nâng cao trình độ và phát triển toàn diện.

Dựa trên những thuộc tính và nguyên nhân này, Ấn Độ đã đề xuất xây dựng các giải pháp Làng thông minh như sau:

2. Giải pháp xây dựng Làng thông minh ở Ấn Độ

(i) Thứ nhất là, tiếp cận điện năng được coi là nền tảng cho Làng thông minh vì nó giúp cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của các làng, thay đổi cuộc sống ở nông thôn. Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tiến hành điện khí hóa tất cả các ngôi làng của Ấn Độ. Các hoạt động hàng ngày của người dân sống ở vùng nông thôn sẽ được diễn ra vào ban ngày và các công việc của gia đình được thực hiện vào buổi tối muộn. Trẻ em dùng đèn năng lượng mặt trời để học tập vào ban đêm. Hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời cung cấp giải pháp chiếu sáng bền vững cho những người dân không có lưới điện thông thường. Chính phủ Ấn Độ đã thông qua chính sách và khuôn khổ quy định để thiết lập hệ thống năng lượng mặt trời gia đình.

(ii) Thứ hai là, cơ sở hạ tầng như đường xá sẽ đảm bảo kết nối thích hợp giữa làng với thế giới bên ngoài, cải thiện giao thông và phương tiện kinh doanh. Các trường tiểu học được phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp. Với sự ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục tiểu học có thể trở nên thông minh hơn và số hóa hơn. Việc tiếp cận Internet sẽ tạo ra bước nhảy vọt trong giáo dục làng xã cũng như một số công việc hàng ngày khác. Các bữa ăn giữa ngày và việc đi học hàng ngày phải được theo dõi để khuyến khích học sinh theo đuổi việc học, giúp giảm tỷ lệ bỏ học ở các trường tiểu học.

(iii) Thứ ba là, hầu hết người dân ở làng thường đến thị trấn hoặc thành phố lớn để điều trị sức khỏe. Vì vậy, cần phải xây dựng trung tâm y tế với đầy đủ cơ sở vật chất để có cơ sở y tế cơ bản. Các trạm tiêm chủng kết hợp cùng với việc tuyên truyền được tiến hành sẽ nâng cao nhận thức của người dân trong làng về sức khỏe và qua đó có thể tránh được nghiện rượu và ma túy.

(iv) Thứ tư là, các thiên tai như hạn hán, lũ lụt, động đất,... rất phổ biến ở các làng quê, vì vậy Ấn Độ cần xây dựng Kế hoạch ứng phó với thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDP - Community Based Disaster Preparedness) ở tất cả các khu vực để ngăn ngừa thiệt hại về người, sinh kế và tài sản trong trường hợp xảy ra thảm họa.

(v) Thứ năm là, hứng nước mưa được thúc đẩy để bảo tồn nước ở cấp làng. Kênh và ao có thể được sử dụng để lưu trữ nước. Các đập kiểm tra được sử dụng làm hồ chứa để đảm bảo quá trình tưới tiêu và giữ gìn nguồn nước sạch. Tránh truyền nước thải lẫn với các khu chứa nước ngọt. Xây dựng nhà vệ sinh công cộng và vệ sinh hợp lý sẽ tránh được tình trạng vệ sinh lộ liễu và ngăn ngừa dịch bệnh.

(vi) Thứ sáu là, đào tạo nghề cải thiện cơ hội việc làm và cũng tạo nền tảng cho tinh thần kinh doanh cho người dân trong làng.

(vii) Thứ bẩy là, thành lập Trung tâm cộng đồng ở các làng. Trung tâm cộng đồng này có thể hoạt động như một trung tâm cho các dịch vụ y tế cơ bản, cơ sở hạ tầng, ứng phó khẩn cấp, nông nghiệp, thương mại địa phương, ngân hàng và tài chính để đảm bảo sự phát triển chung của làng.

 Hình 2. Khung xây dựng Làng thông minh cho khu vực nông thôn

3. Những trường hợp nghiên cứu điển hình

(1) Làng Punsari

Punsari là một ngôi làng nằm ở huyện Sabarkantha thuộc bang Gujarat, Ấn Độ. Punsari được chính quyền bang mệnh danh là “ngôi làng kiểu mẫu” (“Inside Punsari: Ngôi làng kiểu mẫu ở Ấn Độ”, 2014). Ngôi làng này có 6.000 dân.

• Có một trạm phụ 66 kV cấp điện cho thôn. Ngôi làng đang tự sản xuất điện từ rác thải được thu gom. Mục đích của việc tự sản xuất điện là tạo ra thặng dư để bán cho chính phủ và tạo ra nguồn thu phục vụ vào việc sử dụng cho phúc lợi của người dân (“Punsari để tạo ra năng lượng xanh”, 2014).

• Sarpanch đã cung cấp kết nối Wi-Fi trong toàn bộ ngôi làng (Sarpanch là người điều hành ngôi làng).

• Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của các trường học đã được cải thiện với bàn ghế, máy lạnh, máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy và camera quan sát để giám sát. Đề án bữa ăn giữa ngày đã được quy định rất tốt và lợi ích của đề án đã đến được với trẻ em một cách hợp lý. Họ đã thành công trong việc ngăn chặn sự di cư của trẻ em đến các trường học ở các thị trấn gần đó. Tất cả những điều này đã làm cho tỷ lệ học sinh bỏ học là 0%.

• Ngoài trường học đã có 25 camera quan sát được lắp đặt tại các điểm công cộng để giám sát.

• Xe buýt nhỏ được sử dụng cho mục đích vận chuyển người dân trong phạm vi làng.

• Về mục đích truyền thông, 120 loa chống nước đã được lắp đặt mà người điều hành ngôi làng sẽ sử dụng để thông báo cho mọi người về các kế hoạch và sáng kiến mới.

• Panchayat đã lắp đặt một nhà máy thẩm thấu ngược (RO - Reverse Osmosis) vào năm 2010 để cung cấp nước sạch cho người dân trong làng (“Ngôi Làng thông minh ở Gujarat này đã từ không có điện thành có Wifi, lọc nước RO và đèn đường năng lượng mặt trời”, 2016) (Panchayat là hội đồng làng).

• Làng có hệ thống vệ sinh và thoát nước hoàn toàn dưới lòng đất.

• Mỗi hộ gia đình đều có nhà vệ sinh để hoàn thành các mục tiêu của Sứ mệnh dọn dẹp ấn độ (Swachh Bharat).

• Thông qua chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân trong làng, có hai ngân hàng trong làng đã thành công trong việc mở tài khoản cho mỗi hộ gia đình.

• Cung cấp máy ATM để rút tiền mặt, các cơ sở ngân hàng và tài chính ở cấp thôn bản để khuyến khích người dân trong thôn tham gia vào các công việc kinh tế.

• Đưa các trung tâm phát triển kỹ năng, trung tâm chăm sóc sức khỏe và thậm chí cả trung tâm thú y phục vụ người dân.

• Làng đã thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và tỷ lệ tử vong của bà mẹ xuống 0%. Đây là một thành tựu mang tính bước ngoặt.

• Có cửa thu gom rác thải hai lần một ngày.

• Làng đã thành lập một tờ báo hàng tháng có tên là báo Kalam Sandesh để giúp người dân trong làng cập nhật về sự phát triển trong làng cũng như trên toàn thế giới.

• Thực hiện đào tạo nghề cho người dân.

• Sáu năm qua không có tội phạm nào.

(2) Làng Akodara

Làng Akodara gần Ahmedabad là một ngôi làng kỹ thuật số hoàn toàn. Ngôi làng có khoảng 1.200 người.

• Giải pháp đầu tiên trong số những biện pháp can thiệp là hòa nhập tài chính và tiếp cận với ngân hàng hiện đại.

• Số hóa đã thúc đẩy người dân trong làng sử dụng công nghệ trong giáo dục.

• Các thiết bị nghe nhìn, máy tính, máy tính bảng và sự tham gia điện tử của học sinh được sử dụng trong các trường học trong toàn làng (“Tại Akodara, ngôi làng kỹ thuật số đầu tiên của Ấn Độ”, 2015).

• Tất cả các giao dịch thông thường của ngân hàng được thực hiện bằng điện thoại di động thông qua ngân hàng trực tuyến.

• Có một nhà máy xử lý nước RO do cộng đồng sở hữu.

• Wi-Fi để kết nối Internet đã được lắp đặt trong làng (“Giấc mơ kinh tế không dùng tiền mặt của Modi đã thành hiện thực ở ngôi làng nhỏ bé này”, 2016).

Tuy nhiên, Làng Akodara vẫn thiếu một số cơ sở như chăm sóc sức khỏe, bảo tồn nước và quản lý chất thải, phát triển kỹ năng, nhận thức cộng đồng, an ninh, tích hợp năng lượng sạch và ứng phó khẩn cấp.

Kết luận

Vì mỗi làng tại Ấn Độ sẽ có một số đặc điểm và tính chất khác nhau nên việc nghiên cứu và sử dụng đúng tiềm năng kinh tế xã hội của từng làng sẽ dẫn đến một làng thông minh bền vững, giảm thiểu việc di cư từ các làng mạc đến các thị trấn và thành phố. Giải pháp xây dựng Làng thông minh sẽ tạo ra một nền tảng phù hợp để trao đổi kỹ thuật số, giúp người dân có một cuộc sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp tăng trưởng kinh tế xã hội. “Làng thông minh” là một trong những điều kiện cơ bản trong việc chuyển đổi số đối với các khu vực nông thôn.

Học tập kinh nghiệm xây dựng Làng thông minh từ một số nước trên thế giới và từ kinh nghiệm của Ấn Độ, tại Việt Nam, tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn Xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo ra các sáng kiến về công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng gắn kết sự tham gia của cộng đồng, việc làm, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững; tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

1.https://www.pdpu.ac.in/downloads/SPM%20JEM%20Oct18-Editorial%20Chap4.pdf