Đang xử lý.....

GIẢI PHÁP THANH TOÁN QR CODE TRONG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ  

Hiện nay, sự bùng nổ của thanh toán điện tử và các thiết bị thông minh là nền tảng cho thanh toán bằng QR code ngày càng trở nên phổ biến hơn trên thế giới. Theo các chuyên gia trên thế giới, QR code đang được xem là một hình thức thanh toán thuận tiện, việc ứng dụng QR code giúp thương mại điện tử phát triển nhanh và đều khắp hơn vì khâu thanh toán được thực hiện nhanh chóng và an toàn...
Thứ Năm, 27/12/2018 3848
|

Vậy tại sao QR code lại đang là phương thức thanh được sử dụng nhiều trong giao dịch điện tử trên thế giới hiện nay, vai trò của nó như thế nào trong giao dịch điện tử. Theo wikipedia, QR Code (Quick response code) là một mã vạch hai chiều, dùng để mã hóa một dạng thông tin nào đó. Một mã QR code có thể chứa nhiều nội dung thông tin khác nhau, do chúng ta đặt ra, hiện QR code phổ biến và được dùng trong nhiều lĩnh vực ngành khác nhau, như: trong sản xuất dùng để phân biệt hàng giả, hàng thật; trong ngân hàng dùng để thanh toán các giao dịch điện tử;...

          Ngày nay, với việc các thiết bị di động thông minh đang rất phổ biến trên toàn thế giới, thì việc sử dụng QR code tương đối dễ dàng thông qua các ứng dụng được cung cấp trên cả hệ điều hành iOS và Android. Trước đây các nhãn mác thường dùng ký hiệu vã vạch dùng để nhận biết sản phẩm, còn hiện nay việc dùng QR code để thay thế được nhiều đơn vị sản xuất sử dụng. Vài năm trở lại đây, QR code thậm chí còn trở thành một phương tiện thanh toán được triển khai rộng rãi trên khắp thế giới.

Trong xu hướng này, các doanh nghiệp và ngân hàng đã ứng dụng nhanh chóng giải pháp thanh toán QR Code và thu hút lượng người dùng đáng kể thời gian qua. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Mỹ Forrester Research Inc ước tính thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019. Công ty tư vấn tài chính Mỹ Javelin và công ty kiểm toán Ernst & Young cũng dự đoán tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động sẽ đạt mức 319 tỷ USD vào năm 2020. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thanh toán bằng QR Code đã trở nên thông dụng. Theo thống kê của Penguin Intelligence, tại Trung quốc hai ứng dụng hỗ trợ thanh toán QR Code là WeChat Pay của Tencent đã vượt 900 triệu người dùng, Alibaba Alipay là hơn 500 triệu người dùng, tổng tài khoản kích hoạt đã ngang bằng dân số Trung Quốc. Tại Nhật Bản, QR Code cũng phát triển mạnh, nhiều cửa hàng đứng trước lựa chọn hoặc chấp nhận thanh toán bằng QR Code hoặc mất doanh thu do không tạo được sự tiện dụng trong thanh toán. Ấn độ cũng đã triển khai dự án IndiaQR - dự án hỗ trợ người dân không dùng tiền mặt thông qua QR Code do chính phủ Ấn Độ tài trợ. Với ứng dụng này, người dân Ấn Độ có thể đi chợ mua rau và thanh toán bằng điện thoại. Còn tại Hàn Quốc, quét mã QR, thanh toán di động được áp dụng trên cả những chuyến xe buýt ngắn.

          Điểm nổi bật của QR Code là giải quyết được bài toán về mất an toàn khi thanh toán qua thẻ tín dụng. Với hình thức thanh toán qua QR Code, các đơn vị kinh doanh sẽ tuyệt đối an toàn trước vấn nạn “giao dịch đen" như hình thức thanh toán thẻ tín dụng thông thường. Với giao dịch thẻ tín dụng thông thường, các hacker có thể chiếm đoạt thông tin thẻ của nạn nhân và sử dụng để mua sắm toàn cầu, tuy nhiên với QR Code được định danh cá nhân 100% giữa thẻ tín dụng, chủ tài khoản ngân hàng và số điện thoại, ứng dụng trên thiết bị thông minh ...nên việc ăn cắp thông tin thẻ để giao dịch không thể xảy ra.

          Ứng dụng QR code trên điện thoại thông minh

          QR code ứng dụng trên các thiết bị di động thông minh thông qua các ứng dụng, việc sử dụng QR code mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và cho người dung cấp dịch vụ trong các giao dịch thanh toán và dùng để nhận biết thông tin, nguồn gốc về sản phẩm. Hiện nay, người tiêu dùng đi mua sắm không cần phải mang tiền mặt, thẻ tín dụng mà họ chỉ cần mang chiếc điện thoại thông minh có ứng dụng thành toán QR code là có thể thoải mái mua sắm.

Để thực hiện giao dịch thanh toán, người dùng bắt buộc phải cài ứng dụng thanh toán có QR code. Các tính năng của ứng dụng sẽ giúp người dùng thuận tiện hơn trong thanh toán, tính năng của QR code có phép người dùng sử dụng camera trên điện thoại thông minh quét mã QR để thực hiện một giao dịch thanh toán hoặc chuyển khoản và thời gian thực hiện cũng sẽ nhanh hơn so với phương thức thanh toán truyền thống.

Tại Trung Quốc, thanh toán bằng điện thoại thông minh đang rất phổ biến do số người dùng thẻ thanh toán rất ít và có ít sự lựa chọn. Hiện QR code được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc đến mức những người ăn xin cũng dùng QR code để xin tiền. Vào các dịp Tết cổ truyền người Trung Quốc cũng lì xì cho người thân, bạn bè thông qua hình thức QR code, còn tại các của hàng thì cơ bản là thanh toán bằng QR code. Theo báo cáo của The Wall Street Journal, lượng tiền mặt sử dụng để thanh toán tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm 10% từ năm 2015-2017.

Giải pháp thanh toán bằng QR Code

          Hiện nay QR code đã được tích hợp với nhiều ngân hàng, thông qua ứng dụng Mobile Banking được cài trên các thiết bị thông minh của người tiêu dùng. Với ưu điểm thanh toán nhanh, tiện lợi trên di động thông qua ứng dụng Mobile Banking, người dùng có thể mua hàng từ bất cứ đâu, bất kỳ thời điểm nào mà không cần phải tới cửa hàng trực tiếp.

Để có thể ứng dụng QR Code trong giao dịch thanh toán, người dùng cần có một tài khoản ngân hàng đăng ký dùng Mobile Banking hoặc có đăng ký tài khoản với các tổ chức thanh toán trung gian. Khi đăng ký sử dụng thì tài khoản thanh toán của người dùng sẽ được gán với một mã thẻ và người dùng chỉ cần chụp mã QR này là có thể thanh toán được.

Thanh toán bằng QR code đặc biệt hữu ích với doanh nghiệp bán lẻ, từ các cửa hàng tiện lợi, nhà hàng ăn uống, các shop thời trang... đến các đơn vị kinh doanh trực tuyến trên website, Facebook.

Doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của hình thức thanh toán này để bán hàng bằng nhiều phương thức khác nhau như: online trên website, mạng xã hội hay bằng tờ rơi, catalogue, quảng cáo trên báo, biển bảng ở khu vực công cộng như nhà chờ xe bus, nhà ga, sân bay, bến tàu,… Mọi kênh quảng cáo của doanh nghiệp đều có thể biến thành kênh bán hàng hiệu quả.

Quy trình sử dụng QR code trong thanh toán (Nguồn: napas)

          Mô hình sử dụng QR code trong thanh toán điện tử của napas nêu trên đề cập đến 02 đối tượng là người tiêu dùng và người bán hàng, mỗi đối tượng có quy trình sử dụng QR code trong giao dịch điện tử khác nhau, cụ thể:

          - Người tiêu dùng: Khi tham gia vào mua hàng và dùng hình thức thanh toán có sử dụng QR code thì phải thực thiện theo các bước sau: (1) Xuất trình QR code trên thiết bị thông minh của mình, (2) Thực hiện quét QR code thông qua máy đọc QR code của cửa hàng, (3) Nhập số tiền phải thanh toán, (4) Thông tin được xác thực, (5) Thực hiện thanh toán và (6) Thông báo thanh toán thực hiện thành công.

          - Người bán hàng: Thực hiện thanh toán cho khách hàng có sử dụng QR code theo quy trình sau, (1) Xuất trình mã QR code (2) Người dùng quét mã QR code trên thiết bị thông minh của mình, (3) Nhập số tiền cần thanh toán, (4) Xác thực thông tin khách hàng thông quan QR code, (5) thực hiện thanh toán, (6) Nhận thông báo về giao dịch thanh toán.

Hiện trạng thanh toán bằng QR Code tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê của ITU (International Telecommunication Union) cho thấy, lượng thuê bao 3G phát sinh lưu lượng là 41,8 triệu và trên 55% dân số Việt Nam đang sử dụng điện thoại thông minh. Đây là cơ sở để tạo ra sự ảnh hưởng rộng và sâu trong thói quen thanh toán của người Việt. Theo đó, ngoài việc có nhiều người dân sử dụng công nghệ mới và đông đảo nhà cung cấp dịch vụ thì việc tạo điều kiện để người dùng có thể thanh toán bằng QR Code ở mọi thời gian và địa điểm được xem là yếu tố tiên quyết. Cùng với đó, Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 trong đó có đề xuất một số mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và một số nội dung quy định liên quan, điều đó đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, ngân hàng triển khai nhiều giải pháp thanh toán điện tử trong các giao dịch điện tử, trong đó giải pháp thanh toán bằng QR code cũng là giải pháp được ưa chuộng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Tính năng thanh toán bằng QR code thông qua các ứng dụng Mobile Banking hiện được nhiều ngân hàng tại Việt Nam đưa vào để phục vụ khách hàng của mình. Điều này, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra xu hướng thanh toán di động là các loại ví điện tử. Hiện tại các doanh nghiệp điển hình tại Việt Nam đang cung cấp giải pháp thanh toán bằng QR code như: VNPay, Payoo, VTCPay, ViettelPay,…Trong đó, Payoo đã chinh phục được không ít người dùng trẻ khi triển khai thanh toán QRCode theo chuẩn Masterpass trên các máy PayTouch. Các máy này được đặt tại chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị như: B’Smart, Ministop, FamilyMart, Satra, Lotte Mart, Aeon,… giúp người dùng thanh toán dịch vụ vé xem phim, vé máy bay, e-voucher…

Đầu năm 2018, VNPay đã ký thỏa thuận hợp tác với 12 ngân hàng tại Việt Nam để kết nối hệ thống thanh toán bằng QR code, trong đó 08 ngân hàng đã chính thức triển khai, 04 ngân hàng khác đang trong giai đoạn rà soát các yếu tố về kỹ thuật. VNPay cũng đặt mục tiêu sẽ tiếp tục mở rộng triển khai kết nối thanh toán bằng QR code với các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán khác.

Việc triển khai hình thức thanh toán thông qua QR code sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai công nghệ này hiện vẫn còn một số rào cản nhất định vì Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chung về thanh toán qua QR code. Việc triển khai hình thức thanh toán QR code được thực hiện riêng rẽ bởi các đơn vị, mô hình xử lý giao dịch và quy trình nghiệp vụ không có sự đồng nhất. Điều này gây ra sự thiếu hiệu quả cho việc phát triển thanh toán qua hình thức QR code chung của toàn thị trường. Để thúc đẩy hình thức giao dịch thanh toán điện tử bằng phương thức QR code thì trong thời gian tới Chính phủ cần xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho phương thức thanh toán bằng QR code và các quy trình nghiệp vụ liên quan, phục vụ cho việc liên thông thanh toán giữa các đơn vị, tổ chức với nhau.

Dương Tôn Bảo

Nguồn tài liệu:

- Báo cáo của ITU 01/2018.

- Kết quả nghiên cứu năm 2018 của Forrester Research Inc.

- Báo cáo của EMVCom 2017 (Tổ chức toàn cầu quản lý thông số kỹ thuật EMV)

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Internet.