Ngoài ra, việc phát triển nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/20022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực
Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách phát triển nguồn nhân lực là một trong 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với quan điểm “Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo” và chính sách phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị xác định việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phải gắn với phát triển NNL chất lượng cao và đặt mục tiêu “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng, có khả năng cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cho khu vực và thế giới” và giải pháp “Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các chương trình, kế hoạch, dự án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin… Đổi mới chính sách thu hút và đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức công nghệ thông tin. Hoàn thiện hệ thống chức danh, chế độ lương, thưởng, phụ cấp phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức công nghệ thông tin, người có đóng góp sáng chế, phát minh, cải tiến có giá trị”.
Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, một trong 04 chính sách của Nhà nước về an toàn thông tin mạng là “Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật an toàn thông tin mạng đáp ứng yêu cầu ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020 (Đề án 99). Tiếp nối sau khi Đề án 99 kết thúc, ngày 06/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 21/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”
Quyết định số 392/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó có nhóm nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin: Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đào tạo công nghệ thông tin cho các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin , ưu tiên các cơ sở đào tạo trọng điểm; Gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với tổ chức, doanh nghiệp; Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ năng quản lý, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cho nhân lực; Xây dựng và triển khai áp dụng chuẩn kỹ năng nhân lực công nghệ thông tin .
Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 01/07/2014 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó bao gồm phát triển nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới và xây dựng chính sách thu hút và đãi ngộ, chế độ phụ cấp đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Nghị quyết trên đã cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển nhân lực công nghệ thông tin là một trong những yêu cầu chủ chốt nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển và tăng trưởng ngành công nghệ thông tin cũng như muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Lực lượng lao động công nghệ thông tin được đào tạo bài bản cũng sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế tiên tiến dựa trên tri thức.
Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam đưa giải pháp chính sách ưu đãi thuế “Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin …”.
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những giải pháp quan trọng là tập trung thúc đẩy nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông và thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học, dạy nghề; thí điểm quy định về đào tạo nghề, đào tạo đại học đối với một số ngành đặc thù. Biến thách thức dân số cùng giá trị dân số vàng thành lợi thế trong hội nhập và phân công lao động quốc tế.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ “Lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ tối thiểu 1000 chuyên gia về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.
Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số tại Việt Nam
1. Nhân lực công nghiệp công nghệ thông tin
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin nước ta có tốc độ tăng trưởng cao, đến năm 2020, tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin gần 1,1 triệu người, tăng bình quân 13,4%/năm trong giai đoạn 2011-2020.
Năm 2020, lao động công nghệ thông tin chiếm tới gần 2% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2020. Năng suất lao động của ngành công nghệ thông tin đạt 13.872 USD/lao động cao gấp 2,7 lần so với năng suất lao động của cả nước năm 2020. (Năng suất lao động trung bình của người Việt Nam năm 2020 là 117,94 triệu đồng tương đương 5.081 USD/lao động).
Cơ cấu nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam cũng được hình thành theo các lĩnh vực phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm các nhóm chính như: nhân lực công nghiệp phần cứng và điện tử; nhân lực công nghiệp phần mềm; nhân lực công nghiệp nội dung số và nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin. Về cơ cấu cụ thể như sau:
(i) Lao động ngành công nghiệp phần cứng, điện tử năm 2020 đạt 842.000 người, chiếm 78% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Tốc độ tăng trưởng bình quân/năm giai đoạn 2011-2020 đạt 17,5%, trong đó lao động trình độ trung cấp hoặc phổ thông trung học chiếm đa số.
(ii) Lao động ngành công nghiệp phần mềm và và dịch vụ công nghệ thông tinlà 204.000 người, chiếm 19% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp công nghệ thông tin, tốc độ tăng trưởng bình quân/năm giai đoạn 2011-2020 đạt 10,1%. Nhân lực làm phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tinchủ yếu có trình độ đại học và cao đẳng.
(iii) Lao động ngành công nghiệp nội dung số hơn 57.000, chiếm 5,5% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp công nghệ thông tin; So với năm 2011, lao động ngành công nghiệp nội dung số có xu hướng suy giảm với tốc độ tăng trưởng âm bình quân/năm giai đoạn 2011-2020 khoảng -5,4%.
Về năng lực và kỹ năng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam lĩnh vực phần mềm được đánh giá khá cao trên bình diện quốc tế. Việt Nam xếp hạng 29 trên toàn thế giới trong bảng xếp hạng kỹ năng lập trình viên của Skillvalue report năm 2018. Năm 2017, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC).
(2) Nhân lực an toàn thông tin
Ước tính tổng số nhân lực chuyên môn về an toàn thông tin của Việt Nam vào khoảng 37.500 người. Trong đó, các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng có khoảng 2.800 người; các doanh nghiệp công nghệ số là 25.000 người; các cơ quan chức năng và các bộ, ngành, địa phương vào khoảng 9.200 người; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (không tính Viettel và VNPT) là 110 người; còn lại là các tổ chức khác.
Năm 2021, Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin trên cả nước đã có 219 thành viên, trong đó có đầy đủ các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp (năm 2020 là 216 thành viên, 2019 là 174 thành viên).
Thách thức, tồn tại, hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số
1. Chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin không đồng đều
Mặc dù số lượng cơ sở đào tạo công nghệ thông tin nhiều (158 trường đại học và 422 trường dạy nghề có đào tạo công nghệ thông tin) nhưng chất lượng không đồng đều. Nhiều trường có quy mô nhỏ, năng lực yếu, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không đủ cả về số lượng và chất lượng dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, sinh viên đào tạo ra không đáp ứng yêu cầu phải đào tạo lại hoặc chuyển nghề, gây lãng phí lớn đến nguồn lực xã hội. Chưa có nhiều cơ sở đào tạo có đủ năng lực, trang thiết bị, phương pháp đào tạo đạt chuẩn quốc tế, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.
2. Thiếu kỹ năng số đáp ứng nhu cầu của ngành
Chủ yếu nằm ở bộ phận sinh viên mới ra trường thiếu các kỹ năng mềm, tiếng Anh, tư duy mở, kỹ năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm...
3. Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp công nghệ số trong việc thu hút nhân lực
Các doanh nghiệp công nghệ số thường xuyên cạnh tranh gay gắt trong thu hút nguồn nhân lực bằng cách trả lương cao đẩy mặt bằng lương nhân lực về công nghệ thông tin tăng cao. Điều này dẫn đến tình trạng lao động nhảy việc, doanh nghiệp thiếu người khi triển khai các dự án, làm giảm năng lực cạnh tranh của nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam so với các nước trong khu vực.
4. Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hợp tác quốc tế chưa được chú trọng
Ngoài một số trường đại học hàng đầu thì hoạt động nghiên cứu, giảng dậy trong trường đại học còn hạn chế, chưa gắn với thực tế, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hóa, đưa ra thị trường, kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học của các trường còn hạn chế.
Hợp tác quốc tế của các trường về nghiên cứu và giảng dạy còn mang tính hình thức, ít hiệu quả. Hầu hết các trường còn thiếu vắng các nhà khoa học quốc tế.
5. Chưa thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao
Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đúng mức trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tạo được nguồn nhân lực số trong chuyển đổi số chất lượng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Việc phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các địa phương. Điều này một mặt đến từ môi trường nhà nước chưa tạo được sự hấp dẫn thu hút đối với nguồn nhân lực số chất lượng cao. Mặt khác, nguồn thu nhập và chế độ đãi ngộ cho nhân lực tại các cơ quan nhà nước rất thấp so với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù tại các Nghị quyết 36-NQ/TW của Đảng và Nghị quyết 41/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra giải pháp đãi ngộ nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, đến nay các giải pháp này vẫn chưa được cụ thể hóa bằng các chính sách, quy định của Nhà nước.
6. Thiếu nguồn nhân lực về an toàn thông tin
Nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng thuộc Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin còn hạn chế. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên, kinh phí hàng năm vẫn còn thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc cử giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tại nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù, số lượng sinh viên ra trường hàng năm khá lớn, tuy nhiên, chất lượng là vấn đề đáng lưu tâm. Điều này đến từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Chất lượng đào tạo và việc kiểm soát chất lượng sinh viên ra trường chưa có sự đồng nhất; các công nghệ liên tục thay đổi, đòi hỏi công tác đào tạo an toàn thông tin cũng cần thay đổi theo để đáp ứng; chưa có sự gắn kết giữa đủ lớn giữa các cơ sở đào tạo và các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực; để đào tạo an toàn thông tin chất lượng cao, các trường cần được đầu tư hệ thống công nghệ, phòng Lab đòi hỏi chi phí cao.
An toàn thông tin là lĩnh vực khó, để trở thành kỹ sư, cử nhân chất lượng cao thì học viên cần có năng lực và nền tảng tốt. Ngoài ra, các sinh viên chuyên ngành này nếu không được định hướng nghề nghiệp sớm, không được giáo dục về đạo đức nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực sự sự quan tâm đúng mức trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để tạo được nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng, đồng bộ từ Trung ướng đến địa phương.
Việc phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước còn hạn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các địa phương. Điều này một mặt đến từ môi trường nhà nước chưa tạo được sự hấp dẫn thu hút đối với lực lượng lao động chất lượng cao. Mặt khác, nguồn thu nhập tại các cơ quan nhà nước còn thấp so với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, mức đãi ngộ cho đội ngũ nhân lực an toàn thông tin tại các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước tương đối cao.
Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số
Để Việt Nam bắt kịp với công cuộc chuyển đổi số trên thế giới để tăng năng lực cạnh tranh và để theo kịp sự phát triển của công nghệ toàn cầu, thì cần xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chiến lược cho phát triển nguồn nhân lực theo các định hướng sau:
Hình 1. Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số
Đầu tiên, nâng cao chất lượng đào tạo các kỹ năng về công nghệ thông tin, công nghệ số để bảo đảm phát triển xã hội số và liên kết số. Chú trọng công tác nghiên cứu phát triển tại các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin để phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.
Thứ hai, xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo lại công nghệ thông tin. Cần có chính sách hỗ trợ và thiết kế các chương trình đào tạo cho các đối tượng khi tham gia đào tạo lại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn và kỹ năng cho người lao động. Đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị các kiến thức kỹ năng công nghệ mới cho các đối tượng sinh viên đang học tại các cơ sở đào tạo, sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa kiếm được việc làm và những người đang làm tại các doanh nghiệp, tổ chức để nhanh chóng tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đào tạo kỹ năng mềm và đào tạo ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế cho nhân lực trong chuyển đổi số, bao gồm các hoạt động như: (1) Chuẩn bị lực lượng dự bị và đào tạo hướng nghiệp cho nền kinh tế số và xã hội số, theo hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM, kỹ năng số, tiếng Anh, tăng cường đào tạo hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng công nghệ tại các trường phổ thông; (2) Cần có chính sách thu hút lao động công nghệ thông tin bằng các cơ chế đãi ngộ, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân. Thu hút chuyên gia công nghệ số là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo theo chuẩn quốc tế. Cần thiết lập các mạng lưới toàn cầu kết nối với công nghệ thế giới bằng cách nhập khẩu công nghệ cao, mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, tiến hành các hoạt động liên doanh đào tạo và nghiên cứu, phát triển…. Cần có chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các trường đào tạo nổi tiếng của thế giới (khuyến khích tự túc du học, Nhà nước cung cấp kinh phí để đào tạo lao động chuyên môn, kỹ thuật cao ở nước ngoài...) gắn với nhu cầu của đất nước.
Thứ năm, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực toàn diện và chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu nhân lực ở các cấp bậc, trình độ khác nhau theo mô hình từ cao đến thấp, nhằm đáp ứng với nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin từng thời kỳ.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giáo dục đào tạo công nghệ thông tin. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số vào trong các hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu công nghệ thông tin. Khẩn trương triển khai xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” tại một số trường đại học phù hợp. Xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.
Lê Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2020/ (Lực lượng lao động trên 15 tuổi cuối năm 2020 là:55,1 triệu người, số lao động công nghiệp CNTT là 1.081.268).
[2] https://dangcongsan.vn/kinh-te/viet-nam-no-luc-cai-thien-nang-suat-lao-dong-579443.html.
[3] Nghiên cứu về thực trạng nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và đề xuất, kiến nghị.