Đang xử lý.....

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi nông nghiệp số - Kinh nghiệm từ Cộng hòa Liên bang Nga  

Nếu nói Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, thì chuyển đổi số cũng song hành với việc chúng ta dám chấp nhận những mô hình hoạt động mới, văn hoá tổ chức mới, những công nghệ mới, những dịch vụ mới. Chuyển đổi số mang tính phá hủy các mô hình cũ và tạo ra nhiều thách thức mới. Một trong những thách thức và cũng là chìa khóa để thành công trong quá trình chuyển đổi số chính là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ Ba, 06/09/2022 232
|

Chuyển đổi nông nghiệp số đang tác động sâu sắc tới thị trường lao động, với sự thay đổi cấu trúc số lượng công việc, gia tăng yêu cầu và kỹ năng sử dụng các công nghệ số liên quan tới số hóa nông nghiệp. Để phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi nông nghiệp số, thời gian qua đã có nhiều giải pháp được thực hiện bởi các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nga. Bài viết này sẽ thảo luận một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi nông nghiệp số của Liên bang Nga.

Giới thiệu

Chuyển đổi nông nghiệp số là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế - xã hội thông qua những thay đổi cơ bản về chất lượng quản lý các quy trình công nghệ và quy trình ra quyết định ở tất cả các cấp dựa trên phương pháp sản xuất hiện đại, sử dụng nhiều thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước và dự báo những thay đổi có thể xảy ra cũng như các điều kiện kinh tế trong nông nghiệp.

Các biện pháp số hóa nông nghiệp ở Nga có thể đạt được các mục tiêu sau: (1) đột phá về công nghệ trong khu liên hợp nông - công nghiệp nhằm tăng năng suất lao động tại các doanh nghiệp nông nghiệp số sử dụng công nghệ tự động hóa, tin học hóa hiện đại ở tất cả các khâu sản xuất và chế biến nông sản; (2) chuyển đổi quy trình hành chính công trong lĩnh vực nông nghiệp và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong việc ra quyết định trên cơ sở hình thành một không gian thông tin duy nhất sử dụng công nghệ số hiện đại.

Nga là một quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và sự thịnh vượng của quốc gia phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển của nông nghiệp. Vào đầu thế kỷ XXI, khi tổ hợp công nghệ nông nghiệp Nga bước vào thời kỳ phát triển mới, trình độ và năng lực của các chuyên gia nông nghiệp phụ thuộc phần lớn vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, lương thực của đất nước, bảo tồn và hồi sinh vùng nông thôn Nga.

Hiện tại, nền kinh tế hiện đại của Nga phải đối mặt với những thách thức cấp bách bao gồm việc thực hiện chính sách thay thế nhập khẩu và phát triển các cơ chế nhằm kích thích và hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Sự hỗ trợ của nhà nước đối với ngành nông nghiệp là một hướng ưu tiên do tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề an ninh lương thực và chủ quyền lương thực của đất nước. Sự thành công của việc thực hiện các kế hoạch chiến lược được chỉ định trong Học thuyết An ninh lương thực của Liên bang Nga phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả sự sẵn có của nguồn lao động với số lượng cần thiết và chất lượng phù hợp.

Cộng hòa Liên bang Nga đã đưa ra mô hình đánh giá năng lực nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp bao gồm cả các chỉ số định lượng và định tính về nguồn nhân lực của các tổ chức nông nghiệp như sau:

Hình 1. Mô hình khối đề xuất để đánh giá năng lực nguồn nhân lực của khu vực nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân

Mô hình này có thể được áp dụng để đánh giá năng lực nguồn nhân lực của các ngành khác nhau liên quan đến lĩnh vực nông sản thực phẩm (bao gồm nông nghiệp, quả cầu nông nghiệp, chợ nông sản thực phẩm, khu liên hợp công - nông nghiệp). Khu liên hợp công - nông nghiệp là một hệ thống rộng, bao gồm các tổ chức sản xuất và chế biến nông sản, các công ty chế biến thực phẩm. Thị trường nông sản thậm chí còn là mạng lưới các tổ chức phức hợp bao gồm các tổ chức liên hợp nông nghiệp - công nghiệp và các tổ chức trung gian (người bán nông sản và thực phẩm).

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi nông nghiệp số ở Cộng hòa Liên bang Nga

Thứ nhất, Nga có sự hợp tác, điều phối lẫn nhau giữa các cơ quan liên quan trong việc lên kế hoạch và phát triển đào tạo nghề cho ngành nông nghiệp. Để công tác đào tạo cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, Nga đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, khuyến khích, vận động lao động trẻ tham gia học nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ.

Thứ hai, Nga đưa hệ thống khuyến nông và hệ thống giáo dục nghề nghiệp gần nhau hơn. Tạo các cơ hội nâng cao mức độ giáo dục bằng cách cấp chứng chỉ, chấm điểm cho người làm nông nghiệp và quản lý nông nghiệp thông qua hệ thống công nhận kỹ năng. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong việc thực hiện giáo dục nghề nghiệp trong các khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động; chủ động hoàn thiện nội dung giáo trình, bài giảng, đảm bảo chất lượng dạy và học phù hợp.

Thứ ba, Nga tổ chức nhân rộng mô hình hiệu quả gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, gắn với doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời, đổi mới nội dung, phương pháp linh hoạt, gắn với nhu cầu thực tế, vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực tại các khu công nghiệp.

Thứ tư, Nga mở rộng chính sách khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư nhằm thu hút lao động sản xuất nông nghiệp.

Thứ năm, Nga tập trung nguồn lực đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp. Thời gian gần đây, ở Nga phát triển mạng lưới rộng khắp các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp sơ cấp để đào tạo công nhân nông nghiệp có tay nghề cao cho tổ hợp công - nông nghiệp. Do yêu cầu của kinh tế thị trường, trong hệ thống đào tạo chuyên nghiệp sơ cấp cho nông dân có 280 ngành nghề khác nhau, từ kỹ năng nuôi trồng sản phẩm nông nghiệp, tới thương mại, dịch vụ, kỹ thuật, giao thông trong nông nghiệp.

Thứ sáu, Nga đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nhân lực nông nghiệp hằng năm qua việc đào tạo. Để thực hiện được việc này, cần có sự chung tay của các cơ sở đào tạo, các tổ chức, người nông dân và cơ quan quản lý trong việc nỗ lực cải thiện trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực nông nghiệp.

Thứ bảy, Nga tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện tại các vùng nông thôn.

Thứ tám, bên cạnh việc tập trung nâng cao khả năng nguồn nhân lực, Nga cũng xem xét phát triển công nghệ để nâng cao năng suất công việc. Các công nghệ mới cần thiết cho nông nghiệp thông minh tại Nga, chẳng hạn như: công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, cơ khí chính xác và vật liệu mới nên được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học.

Nguồn nhân lực trong chuyển đổi nông nghiệp số tại Việt Nam

Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống, đi lên từ nông nghiệp. Nông nghiệp là lĩnh vực chiếm 14% GDP Việt Nam, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Nông nghiệp đã phát triển vượt bậc, đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Và trong Đại dịch COVID-19 hiện nay càng thấy rõ vai trò vốn có của nông nghiệp trong việc duy trì sự sinh tồn của xã hội. Phát triển nông nghiệp là nền tảng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì lĩnh vực nông nghiệp là một trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Một số mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp được đưa ra gồm:

(1) Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

(2) Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

(3) Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ, ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

(4) Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…

Các mục tiêu trên có tác động mạnh mẽ tới cấu trúc nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Cải thiện chất lượng lao động được coi là một trong ba trụ cột tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đối với chuyển đổi số, để giải quyết vấn đề về lao động, Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Để thực hiện mục tiêu trên, các giải pháp tương ứng được đưa ra gồm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng chuyển đổi số, và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

Kết luận

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, liên tục và không ngừng thì nguồn nhân lực chuyển đổi số nói chung và nhân lực trong số hóa nông nghiệp nói riêng được xem là tài sản quan trọng nhất của bất kỳ quốc gia nào, có thể nhìn vào sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, một đất nước để hiểu được sự quan tâm, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực của quốc gia đó. Vì vậy, mỗi quốc gia trên thế giới đều xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia và Cộng hòa Liên bang Nga cũng không ngoại lệ, đều thông qua một hệ thống các chính sách, các kế hoạch, chương trình hoạt động dựa trên những nguồn lực hiện có để hướng đến việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số và nhân lực trong bối cảnh số hóa nông nghiệp, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong dài hạn. Có nguồn nhân lực chuyển đổi số, đồng nghĩa có nguồn nhân lực đã chuyển đổi về nhận thức, đã có kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, và đã có điều kiện cơ bản để đáp ứng các nhu cầu trong thời đại số.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

[1] Human resources in the context of digitalization of agriculture

https://www.bio-conferences.org/articles/bioconf/full_html/2020/11/bioconf_fies-20_00020/bioconf_fies-20_00020.html#T1 

[2] Assessment and Development of Human Resources Capacity in the Agricultural Sector of the National Economy

file:///C:/Users/TRANG%20CSHTTT/Downloads/125936449.pdf