Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây khủng hoảng toàn cầu. Thay vì bị ảnh hưởng, công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số lại diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tận dụng chính dịch bệnh để vươn lên mạnh mẽ. Đó là thay đổi công nghệ cũ bằng công nghệ số, là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet… và nó sẽ là nền kinh tế "bình thường mới" hậu Covid.
Bối cảnh doanh nghiệp cần chuyển đổi số hậu Covid-19
Dịch vụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay là một quả bom bùng nổ trong tương lai sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc cách mạng công nghệ của toàn cầu. Với sự gia tăng của IoT và dữ liệu. Hay chính xác là Big Data – các ngành công nghiệp khác nhau hiện đang hoạt động ở mức độ hiệu quả và năng suất cao hơn. Đó là lý do tại sao 88% các công ty đang nỗ lực hướng tới chuyển đổi số.
Là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhờ vào định hướng phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đứng thứ 22/60 về tốc độ số hóa và thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số nhanh trên thế giới (2020).
Sự dịch chuyển và thay đổi theo hướng số hóa nhanh giúp Việt Nam phát triển kinh tế số ngày càng mạnh. Dịch Covid-19 tạo thêm cú hích cộng hưởng để hành trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Phát triển kinh tế số được xem là sự thay đổi thông minh, là động lực tăng trưởng mới của Việt Nam. Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đề ra nhiệm vụ tận dụng CMCN 4.0 và kinh tế số để đạt mục tiêu thoát “bẫy thu nhập trung bình”, phát triển bền vững, đưa Việt Nam vào nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Doanh nghiệp Việt “vượt bão” Covid
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đề ra các nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế số, như xây dựng giải pháp phát triển nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0.
Ngoài ra, thực hiện phát triển bứt phá hạ tầng viễn thông, internet băng rộng và mạng di động 5G, xây dựng Đề án chuyển đổi số quốc gia, từng bước tạo môi trường pháp lý để triển khai kế hoạch chuyển đổi số; thay đổi mô hình quản trị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, môi trường, đô thị thông minh… cũng được trú trọng.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, nhằm thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW. Tất cả những điểm trên đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước về việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đã thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi, nỗ lực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy kinh tế số phát triển. Quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển kinh tế số của Việt Nam về cơ bản trong tư duy phát triển thể hiện sự nhất quán với kinh nghiệm quốc tế.
Thứ nhất, hành lang chính sách phát triển kinh tế số được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai, Chính phủ nói riêng và khu vực kinh tế nhà nước nói chung đã giữ vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số. Thứ ba, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.
Cũng theo các đại biểu, hướng tới phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp gồm: Bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho kinh tế số, hoàn thiện chính sách cạnh tranh đối với kinh tế số, bổ sung, sửa đổi các quy định về thuế để điều chỉnh các hoạt động trên nền tảng số và tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt gắn với thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA), điều chỉnh các quy định liên quan đến thị trường lao động và an sinh xã hội trong bối cảnh số và phát triển hạ tầng số.
Ngoài ra, để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt ngoài việc chú trọng phát triển các sản phẩm "Make in Vietnam" ứng dụng rộng trong đời sống, việc triển khai nền tảng kết nối cơ sở dữ liệu, sản xuất điện thoại thông minh Việt nam giá rẻ dưới 1 triệu đồng để mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh và thương mại hoá thiết bị 5G... sẽ được ngành Thông tin và Truyền thông đặc biệt chú trọng.
Chuyển đổi sang một xã hội số hóa là một xu hướng không thể đảo ngược. Như Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã nhận định, chuyển đổi số ở Việt nam dựa trên 3 trụ cột, đó là xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Theo một nghiên cứu gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, vào quý IV năm 2020, nhiều công ty sẽ tập trung hơn vào hướng nghiên cứu mô hình hành vi của người tiêu dùng nhờ các nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, các công ty có thể đưa ra các quyết định kinh doanh nhắm tới khách hàng hiệu quả hơn. Các công ty có đủ nguồn lực để số hóa sớm hơn, có khả năng phục hồi nhanh hơn khi dịch bệnh kết thúc.
Hình 1: Giải pháp phát triển kinh tế số cho các doanh nghiệp
Kết quả chuyển đổi số của doanh nghiệp
Nhờ chính sách phổ cập Internet thành công đã giúp cho thương mại điện tử phát triển bùng nổ tại Việt Nam. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế số Việt Nam đạt 8 tỷ USD (năm 2017).
Về thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng trung bình 35%/năm, là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất, nhanh hơn gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.
Việt Nam có 48 công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Năm 2017, có 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện được năng lực công nghệ số, thực hiện nhiều dự án công nghệ cao như: Xe tự lái, Robot, AI.
Năm 2021 được coi là năm vàng của thương mại điện tử Việt Nam khi thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD năm 2025.
Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 sẽ là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử đạt 52 tỷ USD.
Triển vọng của Việt Nam trong nền kinh tế số hóa và lĩnh vực thương mại điện tử rất lớn. Với một quốc gia có 70% dân số sử dụng Internet và gần 50 triệu thuê bao điện thoại thông minh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử cũng là bước tiến mới giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên sân công nghệ số.
Được biết Chính phủ điện tử là sự ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để các cơ quan chính phủ đổi mới, làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong tham gia quản lý Nhà nước.
Mục đích của Chính phủ điện tử là cung cấp hiệu quả hơn các dịch vụ hành chính cho người dân. Càng nhiều dịch vụ cung cấp online thì càng có nhiều người sử dụng các dịch vụ và Chính phủ điện tử càng có ảnh hưởng lớn hơn.
Kết quả là nhờ việc áp dụng những tiến bộ công nghệ trong nhiều năm qua đã tác động vào các ngành kinh doanh cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống. Công nghệ số thúc đẩy nhiều ngành kinh doanh cải tiến mô hình phát triển, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và xóa mờ đường biên giới địa lý.
Trong giai đoạn 2000-2010, nhiều ông lớn đã xuất hiện và thành danh nhờ nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy kinh tế số, tiêu biểu như: Google, Amazon, Facebook, Apple. Theo sau Mỹ, châu Âu tiếp bước với tầm nhìn và kế hoạch cho một “Single Digital Market”, Úc có “Digital Australia”, và Singapore nêu cao khẩu hiệu “Smart Nation”.
Quốc gia số trở thành tầm nhìn và mục tiêu, để từ đó các chính phủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế, hòng không bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên một thị trường toàn cầu.
Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Nhiều doanh nghiệp đã tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới.
Trong đó, không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào, mà cần kết hợp với chuẩn hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị doanh nghiệp bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp với sự hỗ trợ của công nghệ, doanh nghiệp không những có thể thực hiện bán hàng theo các kênh vật lý truyền thống một cách hiệu quả hơn mà còn có thể triển khai đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến bao gồm website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh tiếp thị liên kết, mạng lưới cộng tác viên.
Cũng nhờ có kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến giao thông vận tải (Uber, Grab), phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppee)... châu Á - Thái Bình Dương cũng đã và đang trở thành khu vực kinh tế sản sinh ra nhiều doanh nghiệp dựa trên kinh tế số tiêu biểu như WeChat, TikTok, Grab, LINE, Go-Jek.
Chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi số với chương trình phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản và sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Thành Công - đại diện VNPT cho biết, chi phí cho một hợp đồng giấy từ 50.000 - 110.000 đồng thì khi ứng dụng công nghệ sẽ giảm còn 10.000 - 20.000 đồng.
Không chỉ lĩnh vực giải trí, ứng dụng di chuyển mà cả du lịch cũng được phục hồi mạnh mẽ sau dịch nhờ ứng dụng chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á năm 2019 đạt khoảng 29,7 tỷ USD và ước tính sẽ đạt 78 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, trong các loại hình hàng hóa/dịch vụ, du lịch trực tuyến chiếm 6% tổng số lượng sản phẩm dịch vụ được giao dịch phổ biến trên các website, ứng dụng di động, tỉ lệ người mua sắm trực tuyến đã từng đặt chỗ khách sạn/tour du lịch chiếm đến 31%. Nổi bật trong đó là các trang Agoda, Booking.com, Tripadvisor, Traveloka, Ivivu, chudu24.com....
Một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2018 cho thấy có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên internet, 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỉ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới.
Kết luận
Đây là lĩnh vực mà các quốc gia hoàn toàn có thể tạo ra bứt phá để tiến về phía trước, vượt qua cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu hiện nay. Trong những chiến lược tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 mà các quốc gia đưa ra gần đây, có thể thấy phát triển nền kinh tế số và chuyển đổi số được coi như chìa khóa của sự phát triển.
Kinh tế số là một quá trình chuyển đổi lâu dài, là quá trình thay đổi số trên bình diện quốc gia ở mọi lĩnh vực khác nhau, mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân đều có thể sử dụng công nghệ số làm tốt hơn công việc, giúp tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, giúp tăng trưởng bền vững, bao trùm và tăng cơ hội cho nhiều người hơn tham gia vào nền kinh tế.
Nguyễn Trung Kiên
Tài liệu tham khảo:
1. https://thitruongtaichinhtiente.vn/kinh-te-so-viet-nam-nhung-diem-nghen-can-thao-go-va-cac-giai-phap-co-ban-phat-trien-kinh-te-so-theo-huong-ben-vung-38538.html
2. https://tapchinganhang.gov.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-so-o-viet-Nam-trong-boi-canh-covid-19.htm