Đang xử lý.....

Đưa dữ liệu vào trái tim của Chính phủ số - Kinh nghiệm từ Singapore  

Singapore khởi động sáng kiến xây dựng Quốc gia thông minh vào cuối năm 2014. Từ năm 2014 đến năm 2019, Singapore đã ứng dụng việc phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và các công nghệ số khác để cung cấp các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ Ba, 17/11/2020 769
|

Khát vọng Quốc gia thông minh của Singapore xoay quanh việc xây dựng Chính phủ số. Chính phủ Singapore đã đặt ra chương trình, tốc độ đổi mới và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số về phía những công dân số, những người muốn hợp tác với chính phủ để mang lại sự thay đổi. Theo quan điểm của Singapore, để trở thành một chính phủ “kỹ thuật số từ cốt lõi”, thì khu vực công phải có khả năng khai thác dữ liệu như là một tài sản chiến lược.

Dữ liệu là trái tim của Chính phủ số

Chính phủ số là chính phủ phải vượt qua quá trình số hóa các quy trình và cung cấp các dịch vụ trực tuyến của chính phủ, khai thác triệt để tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số để đưa dữ liệu vào trung trâm của chính phủ.

Chính phủ số về cơ bản là tư duy lại cách thức chính phủ sẽ làm việc và tương tác với người dân trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đồng thời tái thiết kế lại cách làm việc hướng tới dữ liệu nhiều hơn ở mọi khía cạnh như: xây dựng chính sách, lập kế hoạch, hoạt động, cung cấp dịch vụ hoặc sự tham gia của người dân. Điều đó có nghĩa là việc thừa nhận rằng dữ liệu là tài sản chiến lược, làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số. Qua đó, các chính sách sẽ được điều chỉnh và hiệu chỉnh lặp đi lặp lại dựa trên dữ liệu; các hoạt động sẽ chủ động và phối hợp hơn thay vì mang tính phản ứng và phân tán; các dịch vụ được cá nhân hóa hơn thay vì đáp ứng sự phù hợp.

Chính phủ số có nghĩa là việc sắp xếp, tổ chức mô hình nghiệp vụ của chính phủ dựa trên dữ liệu số

Chính phủ số là đòi hỏi phải kết hợp và số hóa các dữ liệu với nhau. Số hóa là việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thay đổi cách làm việc của chúng ta và cung cấp cho chúng ta cơ sở hạ tầng để thu thập và quản lý tài sản dữ liệu của mình một cách chiến lược. Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI là những công cụ để số hóa dữ liệu, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật số.

Trong tương lai, việc kết hợp chặt chẽ giữa dữ liệu với số hóa thì chính phủ số sẽ tập trung vào mức độ hài lòng của người dân hơn là việc cung cấp nhiều dịch vụ.

Hình 1. Mô hình trưởng thành của dữ liệu

Nguồn: Quốc gia thông minh & Văn phòng chính phủ số của Singapore

- Đối với người dân và doanh nghiệp: Chính phủ tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ số để tăng khả năng giao tiếp, giải quyết các vấn đề và các dịch vụ nhanh hơn cho người dân.

- Đối với các cán bộ công chức: Chính phủ tập trung vào việc cung cấp cho người dân các nền tảng số, dịch vụ số và các giải pháp để giải quyết thủ tục hành chính để người dân có thể tiếp cận dữ liệu và thông tin một cách hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn thay vì tốn thời gian điền vào các thủ tục giấy tờ.

Văn phòng Dịch vụ thành phố MSO (Municipal Services Office) tận dụng và số hóa dữ liệu để chuyển đổi quy trình báo cáo phản hồi của thành phố. Các dữ liệu như văn bản, hình ảnh và vị trí địa lý được thu thập nhờ công nghệ Trí tuệ nhân tạo AI sẽ được tự động chuyển đến các cơ quan liên quan; người dân gặp phải vấn đề về dữ liệu, các điểm nóng của thành phố có thể chụp ảnh và gửi lên Ứng dụng dịch vụ một cửa OneService của MSO.

Việc số hóa tạo ra nhiều dữ liệu hơn, mở rộng khả năng được khai thác để mang lại những cải tiến lớn hơn. Dữ liệu được thu thập từ các cảm biến và thiết bị IoT được ghép với các phản hồi của thành phố để phát triển các mô hình, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các phản hồi của thành phố, tăng khả năng tương tác giữa chính phủ với công dân.

Trọng tâm của dữ liệu là yếu tố xác định động lực chuyển đổi hiện tại của Chính phủ, sẽ đưa ra các chính sách, quy trình, hệ thống cho phép khu vực công thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu ở quy mô công nghiệp một cách có hệ thống.

Dữ liệu là nhiên liệu cho chuyển đổi kỹ thuật số

Lượng dữ liệu được tạo ra đang tăng lên theo cấp số nhân. Từ buổi bình minh của nền văn minh đến năm 2003, Google tính toán con người đã tạo ra 5 exabyte dữ liệu (1 exabyte bằng 1018 byte). Hiện nay con người đã tạo ra 2,5 exabyte dữ liệu mỗi ngày và Trung tâm dữ liệu quốc tế IDC (International Data Corporation) ước tính rằng lượng dữ liệu sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm đến năm 2020!

Dữ liệu rất đa dạng, được tạo ra bởi hàng tỷ người sử dụng mạng xã hội hoặc công nghệ số, bởi các doanh nghiệp, nhà cung cấp và khách hàng thông qua nền tảng kỹ thuật số và bởi hàng triệu cảm biến, đối tượng được kết nối và thiết bị truyền thông gửi và nhận dữ liệu qua internet.

Trong thế kỷ 21, toàn cầu hóa được xác định bởi các luồng dữ liệu và thông tin. Luồng dữ liệu xuyên biên giới đang tăng vọt, tăng 45 lần từ năm 2005 đến năm 2014, hiện đứng đầu là các luồng dữ liệu trong lĩnh vực thương mại và tài chính toàn cầu. Vì vậy, để đạt được xã hội toàn cầu hóa thì chìa khóa chính là thu thập đúng dữ liệu chính xác và đáng tin cậy, đồng thời khai thác dữ liệu đó tạo ra giá trị kinh tế.

Trong một cuộc khảo sát về các công ty sử dụng dữ liệu lớn trên 19 quốc gia, phân tích nổi bật cho thấy khoảng 2/3 số công ty trên toàn thế giới đã hoàn thành ít nhất một lần triển khai dữ liệu lớn cho đến nay, thường bắt đầu với các sáng kiến tập trung cải thiện cá nhân hóa (ví dụ: nguồn cấp dữ liệu thông tin chi tiết theo hướng dữ liệu dịch vụ dựa trên vị trí, chẳng hạn như ưu đãi đặc biệt cho khách hàng) hoặc để tối ưu hóa hoạt động (ví dụ: dữ liệu được khai thác từ các thiết bị thông minh cho phép bảo trì dự đoán và tối ưu hóa tài sản).

Đại đa số các giám đốc điều hành cho rằng dữ liệu lớn sẽ cách mạng hóa cách họ kinh doanh và các công ty không nắm bắt dữ liệu lớn sẽ mất vị thế cạnh tranh. Tiềm năng tăng trưởng toàn diện thông qua việc tiếp cận dữ liệu mới và khả năng kỹ thuật số của Doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất lớn.

Các công ty lớn hơn có xu hướng dẫn đầu trong việc khai thác dữ liệu lớn và công nghệ kỹ thuật số, với các yêu cầu đầu tư liên quan như: kỹ năng, cơ sở hạ tầng và công nghệ. Ví dụ, thương mại điện tử đang chứng tỏ là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với sự tham gia của các Doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong nghiên cứu chung, Accenture và Alibaba Group ước tính rằng giá trị của Thương mại điện tử B2C (Hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng_Business to customer) xuyên biên giới sẽ tăng từ 230 tỷ USD năm 2014 lên 994 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 29,3% thị trường Thương mại điện tử B2C toàn cầu và 13,9% người tiêu dùng toàn cầu. Thương mại điện tử giúp tăng khả năng tiếp cận của Doanh nghiệp vừa và nhỏ SME (Small and medium-sized enterprises) với khách hàng ở nước ngoài, cho phép họ quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình và xử lý thanh toán hiệu quả hơn.

Dựa trên việc ứng dụng các công nghệ và cơ chế chấm điểm tín dụng mới dựa trên dữ liệu giao dịch giữa người bán và người mua đang làm tăng đáng kể khả năng tiếp cận tài chính, giảm rủi ro và chi phí phục vụ các Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những thách thức đối với việc sử dụng dữ liệu trong chính phủ

Dữ liệu là nhiên liệu cho chuyển đổi số. Kiến trúc dữ liệu chính phủ GDA (Government Data Architecture) tốt sẽ cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu chất lượng, nhanh chóng và an toàn. Hiện tại, Kiến trúc dữ liệu chính phủ của Singapore dựa trên hoạt động “chia sẻ dữ liệu theo mặc định” tức là các cơ quan, cá nhân được yêu cầu chia sẻ dữ liệu với nhau khi có yêu cầu hợp pháp.

Việc chia sẻ dữ liệu phải thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương. Các cơ quan công quyền thu thập dữ liệu để phục vụ nhu cầu riêng của họ và chia sẻ dữ liệu thông qua Giao diện lập trình ứng dụng APIs (Application Programming Interfaces). Vì vậy, tất cả các cơ quan phải thống nhất định dạng dữ liệu của người dùng và tích hợp, chia sẻ trong phạm vi hoạt động của mình.

Chiến lược dữ liệu mới của chính phủ

Vào tháng 6 năm 2018, Chiến lược dữ liệu của chính phủ GDS (Government Data Strategy) đã được Văn phòng dữ liệu chính phủ GDO (Government Data Office) giới thiệu để giải quyết các vấn đề với Kiến trúc dữ liệu chính phủ hiện tại. Chiến lược dữ liệu tập trung vào Khu vực công tự tổ chức lại theo Khung quản lý dữ liệu tích hợp mới IDMF (Integrated Data Management Framework). IDMF thiết lập một khái niệm hoạt động mới để quản lý và sử dụng dữ liệu theo 5 giai đoạn trong vòng đời, đó là: (1) Tuyên bố vấn đề, (2) Thu thập, (3) Kết hợp, (4) Truy cập và phân phối và (5) Khai thác, chia sẻ.

Chiến lược dữ liệu của chính phủ GDS được thực hiện thông qua 4 yếu tố chính:

- Kiến trúc dữ liệu;

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số;

- Giáo dục dữ liệu;

- Đối tượng người dùng (Use case).

(1) Kiến trúc dữ liệu

Xây dựng kiến trúc dữ liệu chính phủ mới mà trong đó dữ liệu gốc phải được định dạng thống nhất thông qua Giao diện lập trình ứng dụng API để phục vụ người dân và doanh nghiệp truy cập vào dữ liệu một cách nhanh chóng và an toàn. Kiến trúc dữ liệu chính phủ mới giới thiệu hai cấu trúc tổ chức mới là: Nguồn dữ liệu xác thực duy nhất SSOT (Single Sources of Truth) và Trung tâm tin cậy TCs (Trusted Centres).

Hình 2. Tổng quan về Kiến trúc dữ liệu chính phủ mới

Nguồn dữ liệu xác thực duy nhất là nguồn có các trường dữ liệu gốc có bản quyền. Nguồn dữ liệu xác thực duy nhất có nhiệm vụ duy trì, làm sạch và phân phối các trường dữ liệu này cho các cơ quan liên quan trong vòng 7 (bảy) ngày làm việc. Ví dụ: trước đây không có Nguồn dữ liệu xác thực duy nhất cho dữ liệu về mối quan hệ gia đình thì các cơ quan muốn có thông tin về dữ liệu mối quan hệ gia đình thì phải gửi các yêu cầu riêng để trích xuất dữ liệu từ sổ đăng ký kết hôn, ly hôn và khai sinh, đồng thời xây dựng trường dữ liệu mối quan hệ gia đình theo các cách thủ công trong vòng vài tháng. Vì vậy, kể từ đó, Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình (Ministry of Social and Family Development) đã được chỉ định là Nguồn dữ liệu xác thực duy nhất cho dữ liệu về mối quan hệ gia đình, sẽ có nhiệm vụ duy trì và phân phối dữ liệu đó khi được yêu cầu.

(2) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số

Việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm mục đích hỗ trợ và mở rộng các sáng kiến chuyển đổi dữ liệu; quản lý, quản trị và sử dụng dữ liệu để hiểu rõ hơn các mô hình dữ liệu được triển khai vào các sản phẩm và tích hợp vào các quy trình nghiệp vụ.

Một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm:

(a) Vault.Gov.SG: nền tảng cho phép tất cả cán bộ duyệt danh mục dữ liệu meta, tải xuống bộ dữ liệu mẫu một cách an toàn;

(b) Kho lưu trữ mã: được lưu trữ trên một nền tảng chung cho phép các nhà khoa học dữ liệu chia sẻ mã của họ với cộng đồng dữ liệu khu vực công;

(c) Nền tảng phân tích của toàn chính phủ cho phép phát triển nhanh chóng các mô hình dữ liệu, bảo mật dữ liệu và trí tuệ nhân tạo AI.

(3) Đào tạo về việc sử dụng dữ liệu

Là việc nâng cao hiểu biết về dữ liệu ở các cấp độ khác nhau và trang bị cho tất cả các cán bộ công chức kiến thức và kỹ năng để đưa dữ liệu vào công việc hàng ngày của họ.

Đối với đa số cán bộ công chức, trọng tâm là phát triển kiến thức về dữ liệu: khả năng phân chia các trường hợp sử dụng dữ liệu để giải quyết các nhu cầu nghiệp vụ, sử dụng các công cụ phân tích và trực quan hóa dữ liệu đơn giản.

Đối với các viên chức mà tính chất công việc yêu cầu làm việc với dữ liệu thì trọng tâm là đào sâu các kỹ năng kỹ thuật, nâng cao khả năng liên kết các giải pháp phân tích với nhu cầu nghiệp vụ, phát triển kỹ năng phần mềm và kỹ thuật dữ liệu để chuyển các thông tin chi tiết thành các sản phẩm được tích hợp vào hoạt động nghiệp vụ.

(4) Đối tượng người dùng

Singapore hợp tác với các cơ quan chính phủ và các công ty để xác định đối tượng người dùng dữ liệu và tạo điều kiện truy cập vào dữ liệu cần thiết. Văn phòng dữ liệu chính phủ GDO đã hợp tác với các cơ quan liên quan để xác định các dự án dữ liệu theo Kế hoạch số hóa gia đình của họ và làm việc với các nhà nghiên cứu và các công ty tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu. Nhóm Chiến lược của Văn phòng Chính phủ làm việc với các cơ quan để thực hiện các dự án khoa học dữ liệu.

Kết luận

Trong 5 năm qua, Singapore đã đạt được những tiến bộ trong tầm nhìn Quốc gia Thông minh và Chính phủ số (Smart Nation and Digital Government). Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thì quan điểm của Singapore là chính phủ phải dựa trên dữ liệu để ra quyết định và làm việc với công dân một cách khác biệt, đưa dữ liệu vào trái tim của chính phủ số.

Từ quan điểm của Singapore ta nhận thấy rằng, để chuyển đổi số thành công thì không chỉ dựa vào việc giải quyết một trong các lĩnh vực như “chính sách”, “công nghệ”, “vận hành” hoặc “kỹ thuật”, mà còn dựa vào “dữ liệu”. Dữ liệu đang trở thành một trong những tài sản quan trọng nhất của chính phủ, là cơ sở cần thiết để bật lên trong tiếng thúc giục liên hồi của cuộc đua chuyển đổi số.

Lê Thị Thùy Trang

Tài liệu tham khảo

1. Ethos, Digital Government, Smart Nation: Pursuing Singapore’s Tech Imperative

https://www.csc.gov.sg/docs/default-source/default-document-library/ethos_is21cd7ac43cfe724e49a7ed3b7211a31477.pdf

2. https://www.accenture.com/_acnmedia/PDF-29/Accenture-Data-The-Fuel-Of-The-Digital-Economy-And-SME-Growth.pdf