Đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
Trước năm 2013, việc xác định đơn giá nhân công trên cơ sở thang, bảng lương được quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/02/2004 của Chính phủ quy định về hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp trong các công ty nhà nước.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 theo đó hệ thống thang, bảng lương như quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp phải tự xây dựng thang, bảng lương. Nghị định 49/2013/NĐ-CP cũng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu thực hiện xây dựng thang, bảng lương. Năm 2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu theo nghị định số 49/2013/nđ-cp ngày 14 tháng 5 năm 2013 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về tiền lương, Thông tư này không có thang, bảng lương cụ thể như Nghị định 205/2004/NĐ-CP, do đó, việc xác định đơn giá nhân công lúng túng và không đồng bộ, vướng mắc trong các cơ quan.
Đơn giá nhân công ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay được xác định căn cứ vào định mức lao động (hao phí nhân công) thuộc các định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Hình 1: Các yếu tố cấu thành đơn giá ứng dụng CNTT đầy đủ
Tại văn bản số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ, quy định giá trị phần mềm (G) được tính theo công thức sau:
G = 1,4 x E x P x H
Trong đó:
E: Giá trị nỗ lực;
P: Thời gian lao động để thực hiện 01 điểm trường hợp sử dụng (use-case) sau hiệu chỉnh;
H: Mức lương lao động bình quân;
1,4: Hệ số nỗ lực cho điều chỉnh, sửa lỗi
Mức lương lao động bình quân (H) trong công thức này được xác định căn cứ theo mặt bằng giá của thị trường lao động phổ biến của từng khu vực trên cơ sở thang bảng lương do các đơn vị có chức năng phát triển, nâng cấp phần mềm đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động của địa phương hoặc mức tiền lương được cơ quan nhà nước, địa phương công bố và các khoản lương phụ, phụ cấp lương (kể cả các khoản hỗ trợ lương) tại thời điểm tính toán theo công thức:
H = g nc x (1+f)
Trong đó:
g nc : Mức đơn giá tiền lương giờ công trực tiếp bình quân tương ứng với cấp bậc lương phù hợp với từng khu vực và đặc thù của môi trường lao động. Tuỳ theo tính chất, điều kiện, các yêu cầu cụ thể về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm mà xác định bậc lương lao động bình quân cho phù hợp;
f: Tổng các khoản phụ cấp lương, lương phụ có tính chất ổn định, tính theo công thức sau: f = f1 + f 2
Trong đó:
f1 : Tổng các khoản phụ cấp lương có tính chất ổn định (kể cả các khoản hỗ trợ lương);
f 2 : Lương phụ và một số chi phí có thể trả trực tiếp cho người lao động. Lương phụ tính bằng 12% lương cơ bản; một số chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động tính bằng 4% lương cơ bản;
Ngoài ra, mức lương lao động bình quân (H) còn có thể được xác định bằng các phương pháp khác như:
- Phương pháp so sánh;
- Phương pháp chuyên gia;
- Phương pháp kết hợp sử dụng số liệu theo công bố của các cơ quan khác có chức năng…
Như vậy, trong công thức xác định giờ công (H) này có thể thấy, mức lương lao động bình quân phụ thuộc vào đơn giá tiền lương giờ công trực tiếp. Văn bản hướng dẫn này cũng nêu mức lương lao động bình quân cần được tính đúng, tính đủ tiền lương, các khoản lương phụ và phụ cấp lương (kể cả các khoản hỗ trợ lương).
Văn bản này không xác định rõ mức tiền lương là mức lương cơ sở hay mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, dẫn đến các cơ quan áp dụng khác nhau, không thống nhất.
Tại văn bản số 2519/BTTTT-KHTC ngày 04/9/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về đơn giá lắp đặt phần cứng và cài đặt ứng dụng công nghệ thông tin, đối với chi phí nhân công đã hướng dẫn cụ thể như sau:
Chi phí nhân công trong đơn giá bao gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp có tính chất lương và các chi phí theo chế độ đối với người lao động mà có thể khoán trực tiếp cho người lao động để tính cho một ngày công. Theo nguyên tắc này chi phí nhân công trong đơn giá được xác định như sau:
- Mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định số 66/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ.
- Hệ số cấp bậc Kỹ sư và Công nhân được tính như sau: Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013 của Chính phủ đã thay thế Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, trong đó theo khoản 2, Điều 10 tại nghị định trên quy định “Doanh nghiệp tổ chức xây dựng hoặc rà soát sửa đổi bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động và gửi cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để theo dõi, kiểm tra theo quy định tại Nghị định này”. Đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn xác định thang lương đối với người lao động, vì vậy tiếp tục vận dụng Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước. Cụ thể, đối với chức danh Kỹ sư áp dụng bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ ở các công ty Nhà nước, đối với chức danh Công nhân áp dụng bảng A.1.7 (thang lương 7 bậc, ngành số 7) Kỹ thuật Viễn thông nhóm II.
- Phụ cấp lưu động, lương phụ, lương khoán được xác định như sau:
+ Phụ cấp lưu động được xác định bằng 20% mức lương cơ sở.
+ Lương phụ xác định bằng 12% lương cơ bản; lương khoán trực tiếp xác định bằng 4% lương cơ bản (lương cơ sở nhân với hệ số cấp bậc).
Đối với các công trình xây dựng được hưởng thêm khoản lương phụ, phụ cấp lương và các chế độ chính sách khác chưa tính trong đơn giá đã nêu ở trên hoặc phụ cấp lưu động ở mức cao hơn 20% theo quy định tại Thông tư số 05/2005/TT-BLĐTBXH thì được bổ sung thêm các khoản này vào chi phí nhân công trong bảng tổng hợp giá trị dự toán.
Như vậy, tại văn bản này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định cụ thể chi phí nhân công khi tính đơn giá lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng công nghệ thông tin (Đơn giá) để các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Các yếu tố cấu thành chi phí nhân công được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của văn bản này chỉ đối với các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Văn bản 1595/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu trong hạng mục công nghệ thông tin không có hướng dẫn xác định đơn giá nhân công (hao phí lao động công nghệ) và chỉ hướng dẫn mức hao phí lao động công nghệ (gọi tắt là mức hao phí lao động) là số lượng ngày công lao động trực tiếp của một cá nhân hay của một nhóm chuyên gia công nghệ cần thiết để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc tạo lập cơ sở dữ liệu. Lao động trực tiếp trong Quyết định này được xác định là kỹ sư công nghệ thông tin.
Văn bản 1235/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1601/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 về việc công bố định mức lắp đặt phần cứng và cài đặt phần mềm trong ứng dụng công nghệ thông tin, quy định hao phí lao động là số ngày công lao động tương ứng với cấp bậc công việc qui định để hoàn thành khối lượng công tác lắp đặt, cài đặt, trong mức đã bao gồm công của lao động trực tiếp thực hiện công việc và công của lao động phục vụ (vận chuyển bốc dỡ vật liệu, lắp đặt, cài đặt, đo thử trong phạm vi mặt bằng thực hiện công việc). Mức hao phí lao động trong bảng định mức (tính theo cấp bậc thợ, kỹ sư bình quân) đã bao gồm cả lao động chính, phụ (kể cả công tác chuẩn bị, kết thúc, thu dọn hiện trường thi công). Như vậy, định mức này cũng không có hướng dẫn xác định đơn giá nhân công (hao phí lao động). Lao động trực tiếp trong định mức này được xác định là kỹ sư và công nhân công nghệ thông tin.
Từ các phân tích trên cho thấy, cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất về xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chủ đầu tư xem xét quyết định việc áp dụng, vận dụng hướng dẫn này để xác định đơn giá nhân công công nghệ thông tin. Dự thảo văn bản hướng dẫn đã được gửi lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành công nghệ thông tin, các tổ chức, cá nhân.
Trong dự thảo văn bản hướng dẫn này, đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin là đơn giá nhân công công nghệ thông tin trong nước, làm việc 01 ngày là 08 giờ và 01 tháng là 26 ngày. Các thành phần chi phí trong đơn giá nhân công được xác định phù hợp với từng loại nhân công công nghệ thông tin bao gồm công nhân và kỹ sư trực tiếp.
Đơn giá nhân công công nghệ thông tin trực tiếp nêu tại dự thảo văn bản hướng dẫn này được xác định trên cơ sở các yếu tố: lượng lao động thuộc định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước ban hành hoặc số ngày công của nhân công thực hiện một khối lượng công việc trong dự toán chi phí (Tổng mức đầu tư, dự toán) tại các văn bản hướng dẫn lập, quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và giá ngày công.
Trong đó, các yếu tố cấu thành khi xác định giá ngày công của nhân công trực tiếp bao gồm:
+ Hệ số lương theo cấp bậc của nhân công công nghệ thông tin trực tiếp.
+ Hệ số phụ cấp lương của nhân công công nghệ thông tin trực tiếp (nếu có) xác định theo quy định của pháp luật lao động và các văn bản có liên quan.
+ Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ.
+ Hệ số điều chỉnh tăng thêm tiền lương đối với các vùng tương ứng.
+ Các chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động được xác định theo quy định của pháp luật.
+ Số ngày làm việc trong tháng.
Kết luận
Việc ban hành văn bản hướng dẫn xác định đơn giá nhân công công nghệ thông tin trực tiếp sẽ giúp hoàn thiện hơn hệ thống văn bản quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt trong việc lập dự toán, xác định các chi phí có liên quan tới nhân công công nghệ thông tin.
Trịnh Thị Trang