Một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số này là công nghệ điện toán đám mây, giúp cung cấp các dịch vụ của chính phủ một cách linh hoạt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thống. Việc dịch chuyển các hệ thống của Chính phủ sang môi trường đám mây và tích hợp đầy đủ các khả năng của nó vào các giải pháp số mới có thể giúp dịch vụ công trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, việc áp dụng điện toán đám mây vẫn gặp phải những rào cản trong khu vực công. Điều này kêu gọi các điều chỉnh chính sách của Chính phủ để tạo ra các điều kiện quản lý thuận lợi và đảm bảo một chiến lược đám mây rõ ràng và mạnh mẽ.
Vậy Điện toán đám mây là gì?
- Theo wikipedia: “Điện toán đám mây (tiếng Anh: cloud computing), còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet”.
- Theo IEEE: "Nó là hình mẫu trong đó thông tin được lưu trữ thường trực tại các máy chủ trên Internet và chỉ được được lưu trữ tạm thời ở các máy khách, bao gồm máy tính cá nhân, trung tâm giải trí, máy tính trong doanh nghiệp, các phương tiện máy tính cầm tay,...".
Điện toán đám mây có những mô hình triển khai dịch vụ cơ bản nào?
Các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây theo ba mô hình cơ bản, bao gồm:
SaaS - Software as a Service: Phần mềm như một dịch vụ;
PaaS - Platform as a Service: Nền tảng như một dịch vụ;
IaaS - Infrastructure as a Service: Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ.
Trong đó:
a) Phần mềm như một dịch vụ SaaS: Loại hình dịch vụ này cung cấp các ứng dụng chạy trên cơ sở hạ tầng đám mây. Các ứng dụng có thể truy cập được từ các thiết bị khác nhau như: PC, smartphone, laptop, tablet…thông qua giao diện ứng dụng, giao diện web (ví dụ: email dựa trên web) hoặc giao diện chương trình. Ở đây sử dụng dịch vụ không phải quản lý hoặc kiểm soát cơ sở hạ tầng đám mây cơ bản như mạng, máy chủ, hệ điều hành, khả năng lưu trữ hoặc thậm chí ứng dụng riêng lẻ trừ trường hợp có thể có của các cài đặt hoặc cấu hình ứng dụng dành riêng cho đối tượng người dùng cụ thể. Đối tượng người dùng thường là End-users (người dùng cuối). Ví dụ điển hình các dịch phụ ở dạng này: Slack, Trello, Office 365, Salesforce, Dropbox.
b) Nền tảng như một dịch vụ PaaS: Loại hình dịch vụ này được triển khai trên cơ sở hạ tầng đám mây, các ứng dụng do người sử dụng dịch vụ tạo ra hoặc mua lại được tạo bằng ngôn ngữ lập trình, thư viện, dịch vụ và công cụ do nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Người sử dụng dịch vụ không phải quản lý hoặc kiểm soát cơ sở hạ tầng đám mây cơ bản bao gồm mạng, máy chủ, hệ điều hành hoặc bộ nhớ, nhưng có quyền kiểm soát các ứng dụng đã triển khai và có thể thiết lập cấu hình cho môi trường lưu trữ ứng dụng. Đối tượng người dùng thường là các nhà phát triển và kỹ sư phần mềm. Ví dụ điển hình các dịch phụ ở dạng này: Cloud Foundry, Heroku, Github, Kubernetes, Docker.
c) Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ IaaS: Loại hình dịch vụ này được triển khai cung cấp hạ tầng CNTT dưới dạng dịch vụ đáp ứng quá trình xử lý, lưu trữ, mạng và các tài nguyên máy tính cơ bản khác, nơi người sử dụng dịch vụ có thể triển khai, cài đặt và chạy các phần mềm tùy ý, có thể bao gồm hệ điều hành và ứng dụng. Người sử dụng dịch vụ không phải quản lý hoặc kiểm soát cơ sở hạ tầng đám mây bên dưới nhưng có quyền kiểm soát hệ điều hành, bộ nhớ và các ứng dụng đã triển khai và có thể hạn chế kiểm soát các thành phần mạng được chọn. Đối tượng người dùng thường là kiến trúc sư mạng và quản trị viên công nghệ. Ví dụ điển hình các dịch vụ ở dạng này: AWS, Google Cloud Platform, Azure, VMware, OpenStack.
Những lợi ích mà điện toán đám mây mang lại cho Chính phủ là gì?
a) Giảm gánh nặng chi phí khi triển khai nâng cấp hệ thống CNTT từ các công nghệ cũ của hệ thống có sẵn.
Việc điện toán đám mây hóa các hệ thống CNTT chỉ yêu cầu chuyển đổi công nghệ một lần, nâng cấp từ công nghệ cũ mang lại sự hợp lý và hiệu quả đáp ứng đáng kể việc cải thiện, nâng cấp hệ thống CNTT từ các nguồn lực hạ tầng có sẵn. Ví dụ điển hình là Cục Giao thông Vận tải đường bộ Singapore (LTA) đã cho biết họ đã tiết kiệm 60% chi phí khi chuyển sang đám mây so với giải pháp hạ tầng trước đây. Hay Viện Brookings Institute Mỹ ước tính tiết kiệm tổng thể từ giải pháp đám mây có thể lên tới 25 đến 50%, những chi phí tiết kiệm gồm: đầu tư và vận hành cơ sở hạ tầng, nhân sự và điện lực…).
b) Cho phép Chính phủ các quốc gia triển khai các dịch vụ số phục vụ nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng
Các nền tảng điện toán đám mây cho phép Chính phủ rút ngắn các quy trình và tối ưu hóa hoạt động, cải thiện năng lực phục vụ của các cơ quan hành chính, đẩy mạnh giao tiếp, tương tác với người dân từ xa trên môi trường mạng, gia tăng việc trao đổi thông tin giữa nhiều bên liên quan. Với việc Chính phủ triển khai các dịch vụ số một cách thuận tiện, nhanh chóng điện toán đám mây đang trở nên là một phần không thể thiếu của các quốc gia trên toàn thế giới hiện nay. Người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở bất kỳ đâu miễn là nơi đó có kết nối internet.
Một trong những ví dụ điển hình tiếp theo đó là: Vào năm 2017, Bộ CNTT và Truyền thông Philippines đã triển khai giải pháp dựa trên đám mây trong hệ thống cấp phép của quốc gia này để tự động hóa việc cấp giấy phép kinh doanh. Với việc triển khai này đã cho phép các cơ quan chuyên môn xử lý các hồ sơ xin giấy phép kinh doanh trực tuyến, giảm bớt các quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xuống còn 30 phút (tối đa không quá 12h đối với trường hợp phức tạp), trong khi việc xử lý hồ sơ này trước đây phải mất ít nhất là 2-3 ngày.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế Công cộng của quốc gia này đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI dựa trên điện toán đám mây để xác định các nguy cơ sức khỏe trong cộng đồng từ các dữ liệu thu thập được tại các điểm nóng dịch bệnh. Hệ thống này chia sẻ thông tin cho người dân thông qua một ứng dụng được cài trên thiết bị di động với tỷ lệ chính xác lên tới 90%.
c) Cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi của khu vực công trong thời kỳ khủng hoảng.
Việc Chính phủ cần thiết lập, triển khai các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ trên môi trường số để phục vụ cho người dân trong thời kỳ đại dịch COVID -19 nói riêng và các rủi ro đến từ các thời kỳ khủng hoảng khác có thể xảy ra trong tương lai nói chung là cần thiết.Việc thích ứng mềm dẻo để vượt qua thảm họa và phục hồi nền kinh tế luôn là bài toán thường trực của Chính phủ các quốc gia hiện nay, điện toán đám mây là một trong những lời giải để giúp các quốc gia giải bài toán đó, với sự ưu việt về khả năng đáp ứng, tính linh hoạt trong triển khai là điểm cộng của công nghệ này hỗ trợ các cơ quan chức năng thích ứng kịp thời với các yêu cầu đặt ra trong thời kỳ khủng hoảng. Ví dụ: Trong thời gian giãn cách do đại dịch COVID-19, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thiết lập một nền tảng giáo dục từ xa dựa trên đám mây cho phép sinh viên tiếp tục việc học của mình tại nhà. Tháng 3/2020, Chính quyền thành phố Osaka của Nhật Bản đã sử dụng chuyển đổi tức thời đạt các hoạt động tương tác lên đám mây Microsoft Office 365 hỗ trợ 2.000 nhân viên sang làm việc từ xa khi bắt đầu thực hiện giãn cách do COVID-19 trên toàn thành phố.
d) Tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công.
Xây dựng các giải pháp khu vực công với các công cụ và tài nguyên điện toán đám mây mới nhất đảm bảo rằng Chính phủ các quốc gia có thể thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao phù hợp với ngành và những người muốn phục vụ trong khu vực công. Việc phải duy trì một nền tảng công nghệ cũ kỹ hoặc lạc hậu là động lực và sẽ đẩy nhanh sự suy giảm chất lượng dịch vụ so với các lĩnh vực khác.
Những rào cản đối với việc triển khai đám mây trong khu vực công?
Việc thiết lập các chính sách bảo mật và bảo vệ dữ liệu vẫn là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách. Một số Chính phủ đã đưa ra các hạn chế, chẳng hạn như nội địa hóa dữ liệu cản trở việc áp dụng đám mây. Một số nước khác đã phát triển nhiều chính sách kỹ thuật và bảo mật trùng lặp với các tiêu chuẩn quốc tế hiện có, tạo ra một mạng lưới phức tạp gồm các chính sách xung đột.
Nhu cầu cập nhật cấu trúc chi phí và mô hình mua sắm hiện có cũng cản trở việc áp dụng đám mây. Trong nhiều trường hợp, các cơ quan Chính phủ có thể muốn mua dịch vụ đám mây, nhưng các quy định về mua hiện tại có thể không cho phép mua các mặt hàng có chi phí biến đổi dựa trên tiện ích, chẳng hạn như dịch vụ đám mây. Việc cập nhật các chính sách như vậy có thể yêu cầu những thay đổi về luật pháp, điều này sẽ mất nhiều thời gian để được đề xuất và thông qua chính thức.
Hơn nữa, nhân viên có kiến thức kỹ thuật về các yêu cầu cụ thể trong khu vực công được yêu cầu bắt đầu thiết kế hệ thống và các quy trình ước tính chi phí. Trong một số trường hợp, những việc này không phải lúc nào cũng có sẵn nguồn lực và có thể cần phải sử dụng các nguồn lực bên ngoài.
Làm cách nào để các Chính phủ có thể cho phép áp dụng đám mây khu vực công nhiều hơn?
Đầu tiên, các cChính phủ nên thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi hỗ trợ việc áp dụng điện toán đám mây trong khu vực công bằng cách: Hạn chế các chính sách bản địa hóa dữ liệu có thể được áp dụng, thiết lập cơ chế truyền dữ liệu xuyên biên giới (ví dụ: thông qua hệ thống Quy tắc bảo mật xuyên biên giới (CBPR) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), triển khai khung phân loại dữ liệu cho phép các loại dữ liệu khác nhau được quản lý theo cách khác nhau, và tạo ra một hệ thống đám mây tương thích cho Chính phủ.
Thứ hai, các Chính phủ nên thiết lập một chiến lược đám mây và kế hoạch áp dụng rõ ràng và mạnh mẽ. Điều này sẽ bao gồm các chi tiết về phương pháp di chuyển và/hoặc triển khai dự định của họ, được củng cố bởi chính sách đám mây tổng thể của Chính phủ, chẳng hạn như chiến lược "Cloud First" (Ưu tiên đám mây trước tiên).
Điện toán đám mây và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó các nhiệm vụ liên quan đến điện toán đám mây được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện bao gồm: Xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud) với các mô hình triển khai (đám mây công cộng, đám mây dùng riêng, đám mây lai) và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội; xây dựng hệ thống điện toán có năng lực đủ mạnh để xử lý, phân tích dữ liệu, huy động được sự tham gia của cộng đồng, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp cùng khai thác phục vụ phát triển hệ sinh thái sản phẩm sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định và hiệu quả; Hàng năm tuyển sinh đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing); Xây dựng các mã ngành đào tạo mới và cập nhật chương trình đào tạo nhân lực chuyên nghiệp ở đại học và các trường cao đẳng, dạy nghề với các nội dung liên quan đến dữ liệu và công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, điện toán đám mây, Internet vạn vật, chuỗi khối, dữ liệu lớn. Đã thể hiện sự tầm nhìn chiến lược của Chính phủ đối với công nghệ này.
Kết luận: Có thể thấy vai trò của Điện toán đám mây là tất yếu trong công cuộc xây dựng phát triển Chính phủ số của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng. Việc bắt kịp xu thế công nghệ kịp thời là cần thiết, nhưng việc nhận định, lựa chọn công nghệ để triển khai công nghệ cụ thể phục vụ đổi mới sáng tạo, đáp ứng với điều kiện đặc thù của quốc gia, thích ứng với thách thức khó khăn từ dịch bệnh, thảm họa luôn đòi hỏi các cơ quan chức năng, cơ quan tham mưu xây dựng chính sách cần quan tâm kịp thời, thỏa đáng.
Bùi Trung Hiếu
Nguồn tham khảo: https://development.asia/explainer/why-cloud-computing-key-enabler-digital-government#:~:text=Facilitates%20human%20resource%20development%20in,serve%20in%20the%20public%20sector.