Chỉ số Dữ liệu mở (OGDI) bắt nguồn từ một trong ba chỉ số phụ của Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI), Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI). Do đó, nó là một chỉ số bổ sung của EGDI. OGDI lần đầu tiên được giới thiệu như một chỉ số thí điểm trong một bài báo nghiên cứu năm 2019 và trong Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020. Phương pháp luận năm 2022 về bản chất vẫn giống với Phương pháp đã thực hiện thí điểm năm 2020 nhưng có mở rộng thêm 12 câu hỏi. Cụ thể, năm 2022, OGDI được đánh giá qua 26 câu hỏi của UN DESA về các cổng chính phủ điện tử quốc gia để xây dựng OSI.
Hầu hết các câu hỏi để tính toán OGDI đều được đánh giá theo thang điểm 0 và 1, trong đó 0 điểm là không có và 1 điểm là đã có khi đánh giá một tính năng cụ thể. Tuy nhiên, có một số câu hỏi liên quan đến tính khả dụng của một số loại dữ liệu mở nhất định thì đánh giá theo thang điểm 1 và 2 tùy thuộc vào mức độ chi tiết, ví dụ: điểm 1 cho biết dữ liệu có sẵn ở bất kỳ định dạng nào, trong khi điểm 2 có nghĩa là dữ liệu có sẵn theo tiêu chuẩn mở như XML. Đối với mục đích tính toán, chúng được điều chỉnh thành 0,5 và 1 tương ứng. Theo cách tính toán tương tự đối với OSI, điểm tổng hợp của OGDI cho mỗi quốc gia thành viên đã được chuẩn hóa để nằm trong phạm vi từ 0 đến 1 bằng cách sử dụng công thức chuẩn hóa.
Khung để đánh giá OGDI dựa trên ba trụ cột chính, gồm: Chính sách, Nền tảng và Tác động. Để xây dựng chỉ số, các lĩnh vực (câu hỏi) được đánh giá đã được tổng hợp trên ba trụ cột chính của Khung OGDI hiện tại bằng cách sử dụng phương pháp tổng trọng số và xem xét hai tiêu chí: (i) trọng số tương đối theo kết quả đánh giá thí điểm đã hoàn thành vào năm 2020, dựa trên dữ liệu năm 2018; và (ii) số lượng tương đối các lĩnh vực và câu hỏi được đánh giá – bao gồm cả những vấn đề mới được giới thiệu, đối với mỗi trụ cột.
Trọng số điều chỉnh của từng trụ cột là Chính sách chiếm 30%, Nền tảng chiếm 50% và Tác động chiếm 20%. Như vậy, OGDI được tính toán dựa trên mức trung bình có trọng số của các điểm chuẩn hóa cho mỗi quốc gia thành viên.
Với mục đích đánh giá, các quốc gia sau đó được nhóm thành các cấp độ OGDI dựa trên điểm số OGDI tổng hợp tương ứng của họ. Năm 2022, các mức OGDI đã được xác định lại để phù hợp với mức xếp loại EGDI, nghĩa là xếp hạng các nhóm theo 4 mức như sau: Rất cao: Chỉ số lớn hơn 0,75; Cao: Chỉ số từ 0,5 đến 0,75; Trung bình: Chỉ số từ 0,25 đến 0,5; Thấp: Chỉ số nhỏ hơn 0,25. Đây là một thay đổi so với năm 2020 khi đánh giá thử nghiệm OGDI.
1. Xếp hạng của các nước trên thế giới
Đối với xếp hạng chỉ số OGDI ở góc độ châu lục, Châu Âu cũng dẫn đầu về chỉ số OGDI với giá trị trung bình là 0,8221 (mức cao); tiếp theo lần lượt là Châu Á với giá trị trung bình là 0,6353; Châu Mỹ với giá trị trung bình là 0,5728; Châu Đại Dương với giá trị trung bình là 0,3984; và cuối cùng là Châu Phi với giá trị trung bình là 0,3733.
Hình 1 - OGDI trung bình năm 2022 của các châu lục
Ở góc độ quốc gia, có 72 quốc gia có OGDI ở mức Rất cao (chiếm 37,31%), 36 quốc gia có OGDI ở mức Cao (18,65%), 50 quốc gia có OGDI ở mức Trung bình (25,91%) và vẫn còn tới 35 quốc gia ở mức Thấp (18,13%).
Hình 2 –Số lượng các quốc gia xếp hạng theo mức về Dữ liệu mở năm 2022
Trong số 25 quốc gia đứng đầu về OGDI, có 12 quốc gia ở Châu Á, 7 quốc gia ở Châu Âu, 4 quốc gia ở Châu Mỹ, 2 quốc gia ở Châu Đại Dương và không có quốc gia nào ở Châu Phi. 11 quốc gia có giá trị OGDI đạt điểm tuyệt đối (1 điểm) và cùng xếp hạng thứ nhất về OGDI bao gồm: Australia, Estonia, Singapore, Netherlands, New Zealand, Peru, Spain, Sweden, Portugal, Switzerland, Saudi Arabia.
Quốc gia
|
Thuộc châu lục
|
Xếp nhóm EGDI
|
OGDI
|
Xếp hạng OGDI
|
Australia
|
Châu Đại Dương
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Estonia
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Singapore
|
Châu Á
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Netherlands
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
New Zealand
|
Châu Đại Dương
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Peru
|
Châu Mỹ
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Spain
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Sweden
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Portugal
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Switzerland
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Saudi Arabia
|
Châu Á
|
Rất cao
|
1.0000
|
1
|
Japan
|
Châu Á
|
Rất cao
|
0.9859
|
12
|
Denmark
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
0.9859
|
12
|
Luxembourg
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
0.9859
|
12
|
Italy
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
0.9859
|
12
|
France
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
0.9859
|
12
|
India
|
Châu Á
|
Cao
|
0.9859
|
12
|
Uruguay
|
Châu Mỹ
|
Rất cao
|
0.9859
|
12
|
Republic of Korea
|
Châu Á
|
Rất cao
|
0.9718
|
19
|
Canada
|
Châu Mỹ
|
Rất cao
|
0.9718
|
19
|
United Arab Emirates
|
Châu Á
|
Rất cao
|
0.9718
|
19
|
Cyprus
|
Châu Á
|
Rất cao
|
0.9718
|
19
|
Latvia
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
0.9718
|
19
|
Czech Republic
|
Châu Âu
|
Rất cao
|
0.9718
|
19
|
Brazil
|
Châu Mỹ
|
Rất cao
|
0.9493
|
25
|
Bảng 1 – Top 25 quốc gia về xếp hạng OGDI năm 2022
2. Xếp hạng của Việt Nam
Năm nay là năm thứ hai Liên Hợp Quốc đánh giá Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ (OGDI). Giá trị Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ Việt Nam năm 2022 là 0,6423, thuộc nhóm mức Cao, xếp hạng 87/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2020. Giá trị chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ Việt Nam cao hơn giá trị trung bình của thế giới (0,5732), của khu vực Châu Á (0,6353), nhưng thấp hơn trung bình của khu vực Đông Nam Á (0,6676).
Bảng 2 - Xếp hạng Dữ liệu mở (OGDI) Việt Nam giai đoạn 2020 - 2022
So với khu vực Đông Nam Á, vị trí xếp hạng Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ Việt Nam đứng thứ 7/11 quốc gia, sau 6 quốc gia Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei Darussalam, trong đó Singapore có Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ đạt điểm tuyệt đối.
Hình 3 – Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ năm 2022 của khu vực Đông Nam Á
3. Hiện trạng triển khai dữ liệu số tại Việt Nam
Tính đến tháng 12/2022, việc triển khai dữ liệu số tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả như sau:
Phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL):
Năm 2015, Thủ tướng Ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử (tại Quyết định số 714/QĐ-TTg), gồm 6 CSDL như sau: dân cư, đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm, Thống kê về tổng hợp dân số. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai xây dựng các CSDLQG. Tính đến nay, một số CSDLQG đã được hình thành và bắt đầu được khai thác như:
- CSDL quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Tích hợp thử nghiệm về mặt kỹ thuật, giải pháp đối với việc xác thực danh tính qua thẻ CCCD gắn chip điện tử được trang bị tại các quầy giao dịch của 05 Ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, PVcombank); Triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của 03 ngân hàng lớn (BIDV, Vietinbank, Vietcombank) tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh; tính đến ngày 28/11/2022, có thể sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh ở 11.923/13.506 cơ sở khám chữa bệnh (đạt tỷ lệ 91,32%); Kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ ngành và 25 địa phương để làm giàu dữ liệu, đồng bộ thông tin với dữ liệu dân cư, 04 doanh nghiệp nhà nước; Kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) của 03 doanh nghiệp viễn thông lớn (VNPT, Viettel, Mobiphone) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực 63,4 triệu dữ liệu người dùng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác.
- CSDL quốc gia về Bảo hiểm quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân.
- CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử.
- CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp bao gồm thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu:
Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Bộ TTTT đã hỗ trợ xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh trên hạ tầng của Bộ TTTT.
Đến nay, 100% các Bộ, tỉnh có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), bước đầu đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu của mình. Hiện tại, NDXP đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; 10 Cơ sở dữ liệu (trong đó có 03 CSDL ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển CPĐT: dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm), 09 hệ thống thông tin của các bộ, ngành: Tư pháp, Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn điện lực Việt Nam. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 20/12/2022 là: 834 triệu giao dịch, tăng gấp hơn 4,5 lần so với cả năm 2021 (khoảng 182 triệu giao dịch). Tính từ đầu năm 2022, trung bình hàng ngày có khoảng 2,38 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Dự kiến năm 2022 đạt hơn 860 triệu giao dịch, gấp 4.8 lần năm 2021. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay: hơn 1 tỷ giao dịch.
Mở dữ liệu:
- Năm 2020, triển khai cổng dữ liệu mở quốc gia tại địa chỉ: data.gov.vn, đầu mối công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước.
- Tính đến thời điểm hiện tại, Cổng dữ liệu quốc gia có hơn 10.605 tập dữ liệu. Trong đó, chủ đề có nhiều tập dữ liệu nhất lần lượt là xã hội với 9.989 tập dữ liệu, công nghệ
Tồn tại, hạn chế:
- Tỷ lệ các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt 9%. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc, do mức độ sẵn sàng từ phía hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương là khác nhau, dẫn đến chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
- Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm.
Kết luận
Như vậy, chỉ số Dữ liệu mở năm 2022 của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2020, đứng thứ 87/193 quốc gia. Để góp phần đạt được mục tiêu top 50 thế giới đến năm 2025 theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, Chỉ số Dữ liệu mở của Việt Nam cũng cần phải có sự đột phá trong xếp hạng, đó là lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số này.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông lấy Chủ đề là: ‘Năm dữ liệu số”, là năm phải quyết tâm thúc đẩy dữ liệu số, chuyển đổi số, mang lại các giá trị thực chất. Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 để phát triển dữ liệu số gồm:
- Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, khai thác triệt để các cơ sở dữ liệu quốc gia, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; Nền tảng giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số, Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân (VNFORM) và một số hệ thống thông tin, nền tảng số quan trọng khác; Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) tạo cơ sở phát triển điện toán đám mây trong các cơ quan nhà nước.
- Phát triển các nền tảng quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương; phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu; phát triển dữ liệu lớn; cung cấp dữ liệu mở. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, mô hình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Với quan điểm, Dữ liệu là tài nguyên mới, cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, các bộ, ngành, địa phương đang quyết tâm thúc đẩy dữ liệu số, chuyển đổi số, mang lại các giá trị thực chất cho người dân, doanh nghiệp; qua đó, góp phần cải thiện Chỉ số OGDI của Việt Nam trong các lần đánh giá tiếp theo của Liên Hợp Quốc.
Thu Hương