Đang xử lý.....

ĐAN MẠCH ĐỨNG ĐẦU TRONG PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ SỐ  

Các quốc gia ở Châu Âu đang trong cuộc đua chuyển đổi chính phủ số và phát triển công nghệ kỹ thuật số. Rất nhiều chương trình hỗ trợ được liên minh Châu Âu khởi động nhằm hỗ trợ về nguồn lực, chuyên môn để giúp đỡ các quốc gia có thể thực hiện chuyển đổi số, bắt kịp với công nghệ hiện đại của toàn Châu Âu.
Thứ Sáu, 28/10/2022 280
|

Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban Châu Âu, năm 2021, Đan Mạch được xếp hạng là quốc gia có xã hội số hóa phát triển nhất trong 27 thành viên của Liên minh châu Âu. Quốc gia này cũng là một trong những nước có mức sống cao nhất châu Âu và người dân được hưởng những dịch vụ công số hóa chưa từng có trước đây. 

Đan Mạch đứng đầu trong phát triển chính phủ số

Đan Mạch là một quốc gia Bắc Âu, thuộc vùng Scandinavia có diện tích khoảng 43.000 km² với hơn 443 hòn đảo lớn nhỏ. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hổn hợp của Đan Mạch được xếp đứng đầu thế giới về bình đẳng thu nhập. Đan Mạch có một nền kinh tế hiện đại và một nền công nghiệp phát triển, chuyên môn hóa, có sức cạnh tranh cao. Vì có thị trường nội địa nhỏ bé, nên kinh tế Đan Mạch phần lớn phụ thuộc vào việc kinh doanh với nước ngoài. Với khoảng 70% đối tác đến từ Liên minh châu Âu (EU) và Đức là đối tác lớn nhất. Đây vừa là thách thức, vừa là động lực để Đan Mạch thực hiện chuyển đổi số các dịch vụ công để nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đan Mạch hiện đang xếp hạng nhất trong danh sách các quốc gia Châu Âu có xã hội số hóa nhiều nhất, với 94% hộ gia đình sử dụng mạng với dung lượng rất cao. Ngoài ra, theo “Báo cáo điểm chuẩn chính phủ số” – “eGovernment Benchmark Reports 2021” của Ủy ban Châu Âu về các dịch vụ chính phủ số, Đan Mạch cũng là nước đứng thứ 3 về đất nước có điểm số dịch vụ công số hóa tốt nhất Châu Âu. Trong khi điểm trung bình chung của toàn Châu Âu là 68%, Đan Mạch bỏ xa nhiều quốc gia với số điểm 85% theo 4 tiêu chí hiệu suất mà Ủy ban Châu Âu đề ra.

Để có thể đạt được thứ hạng đó, Đan Mạch đã phải tập trung mọi nguồn lực để phát triển chính phủ số và công nghệ số. Vào năm 2011, Chính phủ Đan Mạch đã thành lập Trung tâm số hóa (thuộc Bộ Tài chính Đan Mạch), đây là nhân tố chính giúp đất nước này đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình. Với mục đích đổi mới nhà nước, cải thiện phúc lợi của Đan Mạch, cơ quan này chịu trách nhiệm về các chính sách số hóa của chính phủ, thực hiện các tham vọng kỹ thuật số của chính phủ và việc sử dụng công nghệ vào phúc lợi xã hội nói riêng và dịch vụ công nói chung. Độ phủ sóng của các dịch vụ công đã được số hóa của Đan Mạch là rất cao, mật độ người dùng đông đảo, nhờ đó mà các dịch vụ công do chính phủ số cung cấp phát triển rất mạnh mẽ ở quốc gia này.

Chiến lược Chính phủ số của Đan Mạch chính thức ra đời vào tháng 8 năm 2011, lấy tên chiến dịch là “Chiến lược kỹ thuật số toàn dân: Con đường kỹ thuật số đến tương lai Thịnh vượng 2011-2015 “. Mục tiêu chính của chiến lược là đến năm 2015, các dịch vụ công sẽ được số hóa nhằm giúp người dân có thể tự thực hiện các thủ tục mà không cần sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, qua đó giúp công dân tương tác được trực tiếp với khu vực công một cách dễ dàng, nhanh chóng và thường xuyên hơn so với thủ tục bàn giấy trước đây. Chiến lược kỹ thuật số chung mới này tập trung vào việc áp dụng kỹ thuật số vào các công việc của chính phủ, các thành phố trực thuộc trung ương và các quận để đổi mới cách thức làm việc và giúp các hoạt động diễn ra ở khu vực công được hiệu quả hơn. Chiến lược được chia thành ba phần chính, mỗi phần bao gồm các lĩnh vực và nhóm đối tượng khác nhau. Đầu tiên là loại bỏ giấy tờ. Đầu tiên là loại bỏ các biểu mẫu bằng giấy. Theo đó, từ năm 2015, công dân bắt buộc phải sử dụng các biểu mẫu điện tử khi phát sinh các nhu cầu với dịch vụ công quyền. Chính phủ sẽ loại bỏ các loại giấy tờ bằng giấy để người dân có thể tự phục vụ mình trên hệ thống trực tuyến. Ngoài ra, chính phủ yêu cầu mọi người dân phải có hộp thư điện tử riêng để có thể tiếp nhận các thông báo quan trọng của chính phủ qua nền tảng kỹ thuật số. Đối với cá nhân công dân, việc quản lý các giao dịch của họ trở nên dễ dàng và linh hoạt hơn với việc nhận thông báo qua hộp thư điện tử, người dân có thể thuận tiện hơn trong việc sắp xếp công việc, không còn gò bó chỉ trong giờ hành chính như trước đây nữa. Đặc biệt, các dịch vụ trợ giúp sẽ được thực hiện nhằm hỗ trợ cho những công dân cảm thấy khó sử dụng các giải pháp kỹ thuật số mới. Mục tiêu đến năm 2015, 80% dịch vụ công sẽ được chuyển sang thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số thay vì các biểu mẫu giấy.

Tiếp theo, phát triển các dịch vụ phúc lợi theo hướng số hóa. Đan Mạch đã dùng 1,5 tỷ DKK để đưa vào phát triển công nghệ thông tin ở trường học với mong muốn phổ cập kỹ thuật số cho toàn dân, đặc biệt là cho trẻ em để thiết lập nền móng kỹ thuật số toàn diện trong tương lai. Ngoài ra, Đan Mạch đang thực hiện dịch vụ điều trị các bệnh mãn tính ngoài bệnh viện, thu hút bệnh nhân tham gia vào quá trình điều trị của chính họ để giảm tải khối lượng công việc của bệnh viện và cũng giúp người bệnh có không gian điều trị tốt hơn. Chính phủ cũng đặt ra các mục tiêu áp dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ y tế, ngay trong những hoạt động hàng ngày của bệnh nhân để giảm thiểu lượng hồ sơ bằng giấy, giúp việc tiếp nhận thông tin được nhanh chóng, hiệu quả và chính xác hơn.

Phần thứ ba của chiến lược là hợp tác chặt chẽ toàn quốc gia trong việc phát triển kỹ thuật số. Các giải pháp kỹ thuật số chung được thúc đẩy bởi Nhà nước, các khu vực và thành phố cùng nhau phối hợp tạo thành nền tảng chung cho các cơ quan chức năng trong nỗ lực số hóa toàn chính phủ. Mỗi cơ quan hoặc cơ quan công quyền không nên phát triển các hệ thống của riêng mình. Để làm được điều đó, Đan Mạch cần thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chung, đủ an toàn và mạnh mẽ để vận hành trong tương lai. Ngoài ra, việc chia sẻ hiệu quả dữ liệu cơ sở đáng tin cậy giữa các cơ quan quản lý và sự phối hợp trong việc nỗ lực số hóa công cộng là vô cùng cần thiết. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu nỗ lực số hóa công cộng được phối hợp hiệu quả giữa các tiểu bang, chính quyền khu vực và thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức.

Không chỉ đứng đầu trong lĩnh vực dịch vụ công kỹ thuật số với sự tương tác mạnh mẽ giữa doanh nghiệp, công chúng và các cấp chính quyền, mà hơn một nửa doanh nghiệp ở Đan Mạch sử dụng hóa đơn điện tử và dịch vụ đám mây. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình chính phủ số của Chính phủ, khi mà người dân và các doanh nghiệp đã quen với việc cung cấp và sử dụng dữ liệu số.

Ngoài ra, chìa khóa cho sự thành công của Đan Mạch là do chính phủ Đan Mạch biết tận dụng các nguồn lực có sẵn như kết hợp với các doanh nghiệp tư và các bên liên quan để đưa ra hướng chuyển đổi số tốt nhất. Mùa xuân năm 2021, cơ quan có thẩm quyền của Đan Mạch đã khởi động Quan hệ đối tác số hóa. Các thành viên bao gồm các giám đốc điều hành cấp cao và các chuyên gia từ cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng nghiên cứu, xã hội dân sự và các đối tác xã hội, và chính quyền địa phương. Chương trình ​​này đã đưa ra 46 khuyến nghị để Đan Mạch có thể tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong chuyển đổi số.

Chiến lược chính phủ số của Đan Mạch có quy mô lớn và bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực, với sự tham gia của toàn xã hội, từ chính quyền các cấp đến công chúng và các công ty tư nhân, từ bệnh viện đến các trường học, trường đại học. Việc đề ra mục tiêu rõ ràng cũng là một yếu tố góp phần tạo nên thành công của Đan Mạch trong việc xây dựng chính phủ số. Trong chiến lược kỹ thuật số giai đoạn 2016-2020 của cơ quan Số hóa Đan Mạch (Danish Agency for Digitisation’s Digital Strategy 2016-2020) Chính phủ Đan Mạch đã hoạch định rõ bốn mục tiêu chính, cụ thể:

  • Việc sử dụng dịch vụ công số hóa phải thật dễ dàng, nhanh chóng, với chất lượng cao.
  • Xây dựng chính phủ số phải tạo ra điều kiện tốt cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của xã hội.
  • Bảo mật thông tin và niềm tin của người dân về dịch vụ công phải được đặt lên hàng đầu.
  • Vượt qua các thách thức để đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công số.

Với những mục tiêu cụ thể, chính phủ đã đưa ra những chiến lược hợp lý nhằm cải thiện cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ công đang được cung cấp.

Trong nỗ lực chuyển đổi số của Đan Mạch, Chính phủ đã xác định rõ nhiệm vụ chính là xây dựng tư duy kỹ thuật số, hoạch định tầm nhìn về kỹ thuật số trong dịch vụ công với người dân và các doanh nghiệp tư nhân là những nhân tố chính. Chính phủ Đan Mạch muốn biến cuộc sống hàng ngày trở thành kỹ thuật số, mọi dịch vụ đều được số hóa. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ đang được chuyển đổi số và đây là điều kiện kiên quyết cho việc hiện đại hóa xã hội, hiện đại hóa phúc lợi, tạo ra một môi trường gắn kế, dễ tiếp cận và lấy người dân là trung tâm.

Sau những nỗ lực chuyển đổi số chính phủ, Đan Mạch đã đạt được những thành công nhất định. Một trong số đó có thể kể đến việc Chính phủ Đan Mạch đã xây dựng được một nền tảng kỹ thuật số chính thức mà ở đó, việc gửi yêu cầu và nhận thông tin về dịch vụ công đều phải được thực hiện bằng các công cụ kỹ thuật số. Ví dụ như, khi người dân cần gửi một yêu cầu đến cơ quan chức năng, người dân cần truy cập vào các công cụ số như phần mềm trên điện thoại thông minh, trang web của chính phủ để gửi yêu cầu, sau đó những phản hồi của chính quyền sẽ được gửi đến người dân thông qua những công cụ số kể trên. Điều này giúp giảm thiểu thời gian đi lại của người dân và cũng giúp cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin được nhanh hơn, có chọn lọc hơn.

Ngày nay, chính phủ Đan Mạch đã và đang cung cấp hơn 250 dịch vụ công số tới người dân. Những giải pháp kỹ thuật số này đang dần thay thế cách cung cấp dịch vụ công truyền thống và mở ra tương lại cho những dịch vụ công mới, góp phần vào công cuộc xây dựng chính phủ điện tử tại Đan Mạch.

Một ví dụ về cổng thông tin y tế điện tử của Đan Mạch - Sundhed.dk, trang web dành riêng cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nó cho phép cả người dân và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tìm thấy dữ liệu, thông tin và giao tiếp với bệnh nhân. Tại cổng thông tin này, người dân có thể tra cứu các triệu chứng bệnh, đơn thuốc và có thể nhận được các trợ giúp từ chuyên gia y tế. Ngoài ra, người dân có thể lưu trữ hồ sơ sức khỏe của mình trên hệ thống và tiếp nhận hỗ trợ khi có nhu cầu một cách nhanh chóng. Trong đại dịch covid, cổng thông tin này cũng thiết lập sổ tay Covid – hay còn gọi là Coronapas – nơi lưu trữ các thông tin về việc tiêm vaccine và các kết quả xét nghiệm.  

Cổng thông tin y tế điện tử của Đan Mạch - Sundhed.dk

Một ví dụ khác là Borger.dk, cổng thông tin quốc gia một cửa, nơi công dân có thể tra cứu các quy trình thủ tục hành chính như: khai sinh, nhận con nuôi, tiêm phòng,… tại mọi nơi mọi lúc, do đó giảm chi phí hành chính và cải thiện dịch vụ công. Trang điện tử Skat-dmr là nền tảng của Cơ quan Đăng ký Phương tiện Cơ giới Đan Mạch. Cổng thông tin này cung cấp cách xử lý các đơn xin cấp giấy phép lái xe, phân phối biển số xe và thu thuế.    

Kết luận

Chính phủ số không phải là chiến dịch thực hiện một lần mà là một hành trình dài và đòi hỏi ở các quốc gia sự phát triển công nghệ không ngừng. Đối với Đan Mạch – quốc gia đang đứng đầu trong phát triển Chính phủ số, để có thể tiếp tục giữ thứ hạng này, Chính phủ cần phải liên tục phát triển công nghệ số, nâng cao trình độ nguồn nhân lực và giải quyết được các thách thức, hạn chế tồn đọng. Với tầm nhìn như hiện nay, chắc chắn chính phủ số của Đan Mạch sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đỗ Thị Thảo Hiền

Tài liệu tham khảo:

https://www.openaccessgovernment.org/denmark-a-blueprint-for-becoming-a-digitised-society/135569/