Đang xử lý.....

CÔNG NGHỆ ICT HỖ TRỢ GẮN KẾT CHÍNH QUYỀN VÀ NGƯỜI DÂN  

Mỗi người dân Việt Nam hiện nay đang tham gia ngày càng nhiều vào không gian số. Số mối quan hệ tăng lên làm cho mọi người bị phân tâm hơn, các thông tin từ cơ qan nhà nước trước đây gần như độc tôn thì hiện nay đang dần giảm sự hiện diện cũng như ảnh hưởng tới người dân...
Thứ Ba, 28/12/2021 319
|

1. Mở đầu

Mỗi người dân Việt Nam hiện nay đang tham gia ngày càng nhiều vào không gian số. Số mối quan hệ tăng lên làm cho mọi người bị phân tâm hơn, các thông tin từ cơ qan nhà nước trước đây gần như độc tôn thì hiện nay đang dần giảm sự hiện diện cũng như ảnh hưởng tới người dân. Điều đó có nghĩa là mức độ gắn kết giữa cơ quan nhà nước với người dân theo cách truyền thống đang có chiều hướng giảm dần.

Việt Nam đã đầu tư nhiều vào các hoạt động gắn kết này và rõ rệt nhất ở các hoạt động ở tuyến cơ sở. Các chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã tìm cách cải thiện các phương thức giao tiếp với người dân như đầu tư Cổng TTĐT chính quyền để cung cấp thông tin, sử dụng các mạng xã hội để giao tiếp với các nhóm cư dân, sử dụng AI để lắng nghe thông tin từ mạng xã hội, …

2. Nội dung

Lấy người dân làm trung tâm

Các hoạt động chuyển đổi số hiện nay dù ở mức cao hay thấp cũng cần đặt người dân trong bức tranh tổng thể và là trung tâm của các thiết kế chiến lược. Chuyển đổi số phải có sự đồng bộ cả phía chính quyền và người dân, có chính quyền số thì phải có công dân số.

Một trong những đặc điểm của chính phủ số, chính quyền số là cho phép sự tham gia nhiều hơn của người dân và doanh nghiệp. Đó là sự chuyển đổi về cách thức tương tác giữa người dân và cơ quan chính quyền, từ việc người dân chỉ thụ động nhận kết quả đến việc người dân có thể tham gia vào việc làm cho chất lượng dịch vụ trở nên tốt hơn, từ việc doanh nghiệp chỉ tham gia vào thiết lập các hệ thống kỹ thuật công nghệ để cung cấp dịch vụ đến việc doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho người dân trên cơ sở dữ liệu mở của Chính phủ. 

Trong sự chuyển đổi này, Chính phủ không chỉ cung cấp dịch vụ công, mà còn trở thành nhà cung cấp nền tảng lớn cho phép bên thứ 3 kết nối, ví dụ, dữ liệu mở hoặc các hệ thống phân tích dữ liệu, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Ví dụ, các dịch vụ triển khai giai đoạn COVID-19 như dịch vụ khai báo tình trạng sức khỏe bản thân, khai báo trường hợp nghi nhiễm,… hay dịch vụ phản ánh hiện trường trong đô thị thông minh.

Những đặc điểm của “lấy người dân làm trung tâm” bao gồm:

- Chính phủ điều chỉnh các tiêu chuẩn và quy trình của chính phủ xung quanh nhu cầu của công dân, không phải các nhu cầu của chính phủ.

- Nhận dạng kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa.

- Sử dụng dữ liệu để xác định, dự báo chính xác nhu cầu của người dân.

- Phối hợp trong và giữa các cơ quan để chia sẻ dữ liệu công dân và cung cấp các dịch vụ thông suốt.

- Đầu tư vào các nền tảng trải nghiệm kỹ thuật số để hỗ trợ trải nghiệm kinh doanh và công dân được cá nhân hóa.

- Áp dụng các hệ thống quản lý dữ liệu tích hợp để thúc đẩy nguyên tắc “chỉ một lần” nhằm đảm bảo công dân và doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho chính phủ để tận dụng nhiều dịch vụ.

- Thiết kế lại quy trình cung cấp dịch vụ và quy trình làm việc để tích hợp các công nghệ mới nổi như AI.

- Mang đến sự thay đổi văn hóa để cung cấp dịch vụ mang tính cá nhân hóa và không tiếp xúc bằng cách đưa tư duy “người dân” lên hàng đầu trong khu vực công. Một phần của điều này có nghĩa là phải thay đổi kỹ năng của cán bộ công chức viên chức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã đi qua những chặng đường phát triển khác nhau. Ban đầu thì doanh nghiệp công nghệ có giải pháp, có ứng dụng đến chào giải pháp cho chính quyền, chính quyền xem xét mua và ứng dụng. Đây là giai đoạn mà nhà công nghệ, doanh nghiệp là người dẫn dắt. Tiếp theo là chính quyền hiểu công nghệ hơn, tin vào công nghệ hơn và bắt đầu đặt ra các bài toán của chính quyền cho doanh nghiệp công nghệ để họ giải quyết bằng công nghệ. Người dẫn dắt là chính quyền. Bước ba là lấy người dân làm trung tâm, các bài toán chính quyền đặt ra là lắng nghe từ người dân, xuất phát từ nhu cầu của người dân, mang lại giá trị cho người dân. Chính quyền đưa người dân vào trung tâm. Bước bốn là sự tham gia của 4 bên ngay từ đầu, đó là người dân, chính quyền, nhà chuyên gia và doanh nghiệp. 4 bên này sẽ cùng bàn xem cái gì và cách nào để giải quyết các nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp, của chính quyền. Vậy cách tiếp cận đúng là, tất cả là vì sự phát triển bền vững của tỉnh, mọi việc luôn có sự bàn bạc của cả 4 bên ngay từ đầu.

Sự cần thiết của việc sử dụng các tiện tích, công cụ ICT hỗ trợ gắn kết chính quyền với người dân

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc cung cấp thông tin cho người dân cần nhanh hơn, đầy đủ và minh bạch hơn, có tính cá nhân hóa và đến đúng người đúng việc. Chính quyền phải thật sự cầu thị trong trao đổi tương tác. Khi người dân hiểu thì các vấn đề phát sinh sẽ được người dân chia sẻ sớm và sẽ dễ giải quyết hơn. Chính quyền cần trang bị các công cụ công nghệ thông tin hỗ trợ cho các hoạt động gắn kết người dân và chính quyền, bên cạnh các công cụ giao tiếp truyền thống để càng nhiều người dân có điều kiện tham gia nhiều hơn các hoạt động của chính quyền. Với sự phát triển của viễn thông, công nghệ thông tin, thời điểm hiện nay đã sẵn sàng cho việc tạo ra các công cụ giao tiếp mạnh mẽ cho chính quyền và người dân. Công cụ giao tiếp sử dụng công nghệ ICT cũng giúp hình thành dữ liệu giúp chính quyền có được thông tin tức thời cũng như thông tin dự báo giúp phản ứng kịp thời, đưa ra các quyết dựa trên dữ liệu.

Hiện nay, trong các đề án, dự án của các địa phương, đã có các thành phần ứng dụng có chức năng hỗ trợ giao tiếp, gắn kết chính quyền và người dân như: hệ thống phản ánh hiện trường (huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Tp. HCM, …), hệ thống cung cấp thông tin tới người dân (như các công cụ của Hà Nội, Quảng Ninh, …). Các ứng dụng này ngày càng xuất hiện dày hơn trong các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, các đề án du lịch thông minh, đô thị thông minh và trong các dự án, chương trình chuyển đổi số. Một điểm chung có thể thấy là: các ứng dụng giao tiếp với người dân được thiết kế riêng cho từng địa phương. Mỗi địa phương xây dựng một hoặc nhiều ứng dụng di động của riêng địa phương đó. Ví dụ, Bà Rịa – Vũng Tàu trong tháng 12/202 đã thí điểm phần mềm ứng dụng VUNGTAUIOC trên điện thoại thông minh Smartphone (AppStore và CHPlay). Hiện nay đã có gần 10.000 lượt người tải ứng "Vungtauioc", trong đó có gần 5.000 người đã đăng ký tài khoản.

Đà Nẵng với Hệ thống phản ánh hiện trường được triển khai thông qua Mobile App Kuuho (Cứu hộ) ho phép người dùng thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp, gửi đề nghị giúp đỡ như sửa chữa xe máy, ô tô, hỗ trợ y tế,...; gửi kiến nghị, phản ánh với các cơ quan chính quyền (kết nối với ứng dụng Góp ý), Cổng góp ý, ứng dụng Cho và Nhận; hình thành 130.000 tài khoản công dân, doanh nghiệp đã tham gia đăng ký thông tin và sử dụng dịch vụ trên mạng của Chính quyền thành phố.

Điều cũng dễ nhận thấy là các ứng dụng này thường được thiết kế và triển khai theo hướng từ trên xuống. Các tiện ích hỗ trợ giao tiếp, gắn kết và chi sẻ giữa người dân và chính quyền mang tính phổ quát, lặp lại; mang tính xã hội và thiết thực cho công tác quản trị của Chính quyền, có khả năng ứng dụng trên mọi cấp chính quyền và mang tính lâu dài.

Một số nền tảng có khả năng giúp triển khai các công cụ giao tiếp giữa chính quyền và người dân dễ dàng hơn.

# Nền tảng GIS

Nền tảng này cung cấp tiện ích nhận dạng địa danh cơ quan hành chính cấp cơ sở quanh điểm đứng thông qua tọa độ GPS, cung cấp một kết nối liên tục giữa người dân và chính quyền địa phương đến tận phường, xã tại bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Từ mỗi liên kết này, tất cả các thông tin, các giao tiếp chia sẻ sẽ được thực hiện dễ dàng. Các dữ liệu được sử dụng trong nền tảng này là dữ liệu bộ mã và mô hình tổ chức phân cấp hành chính của Việt Nam; dữ liệu GIS đường bound các địa bàn hành chính và dữ liệu về các thông tin bộ máy cũng như thông tin liên hệ của các cơ quan chính quyền các cấp.

 Hình 1. Gợi ý cấu trúc nền tảng định danh hành chính Việt Nam

# Nền tảng tạo và quản lý nhóm trao đổi thông tin

Chức năng này tương tự với việc tạo các nhóm trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, các nhóm ở đây là các nhóm cư dân hay các nhóm cán bộ thuộc các tổ chức chính trị xã hội và được các chính quyền cơ sở tạo ra nhằm cung cấp thông tin phù hợp. Các nhóm này có thể nhận thông tin dù ở bất kỳ đâu, thời điểm nào mà không bị gián đoạn. Nền tảng này cũng giúp thu thập dữ liệu riêng, không bị phụ thuộc vào các mạng xã hội, việc tổ chức các nhóm cư dân cũng linh hoạt và có sự đồng bộ với tổ chức bộ máy hành chính và địa bàn sinh sống.

# Nền tảng khảo sát thăm dò ý kiến

Nền tảng này là công cụ chia sẻ thông tin, hỏi đáp thăm dò ý kiến (về mức độ hài lòng hay các khảo sát sâu) để dùng cho các hoạt động mà các cấp chính quyền cần sự phản hồi của người dân. Với công cụ này, chính quyền các cơ sở có thể tạo ra các bộ khảo sát, các chiến dịch khảo sát cho các nhóm cư dân khác nhau ở nhiều thời điểm và mọi phản hồi của người dân được thống kê gần như ngay lập tức.

# Nền tảng phản ánh hiện trường

Nền tảng này cung cấp tiện ích thu hút người dân chia sẻ thông tin về các vấn đề xung quanh điểm đứng với chính quyền. Khác với các hệ thống phản ánh hiện trường hiện nay khi mà các dữ liệu phản ánh tập trung về tỉnh/thành phố, nền tảng này kết hợp với nền tảng định danh sẽ định tuyến các dữ liệu phản ánh tới các chính quyền phường/xã nơi trực tiếp xử lý. Với tiện ích này, chính quyền đã tạo ra được cách thức đơn giản nhất để người dân thể hiện trách nhiệm làm chủ của mình. Nguồn dữ liệu, thông tin do người dân cung cấp cũng giúp cơ quan nhà nước mở rộng “tai”, “mắt” mà không cần tăng quy mô bộ máy.

Trong 4 nền tảng này, nền tảng thứ nhất được sử dụng như điểm neo liên kết các nền tảng khác khi xây dựng ứng dụng trên đó đồng bộ với các tổ chức hành chính của Việt Nam.

Hình 2. Xây dựng ứng dụng kết nối, giao tiếp dựa trên tích hợp các nền tảng

Việc tách các chức năng riêng rẽ và thực hiện theo mô hình nền tảng cho phép tạo các các tiện ích, chức năng độc lập, linh hoạt tích hợp vào các ứng dụng khác nhau nhưng quan trọng là dễ dàng trong thiết kế để dễ dàng hoạt động ở phạm vi địa lý toàn quốc và năng lực xử lý mạnh cũng như tổ chức kho dữ liệu lớn, tập trung. Các nền tảng này, với sự cho phép của chính quyền, có thể từng bước được cung cấp theo giao diện mở, để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác, tạo lập và cung cấp thêm các dịch vụ, tiện ích, ứng dụng ngày càng tốt hơn cho người dân.Dựa trên các nền tảng tiện ích này, các ứng dụng (web, app) có thể dễ dàng xây dựng mới hoặc tích hợp vào các ứng dụng đã có.

3. Kết luận

Việt Nam đã xác định chuyển đổi số quốc gia là giải pháp giúp Việt Nam phát triển và vượt lên trong giai đoạn tới. Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 943/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định quan điểm “Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.” Đồng thời xác định mục tiêu huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội, trong đó, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan nhà nước, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình.

Chính vì vậy, việc gắn kết chính quyền và người dân trở thành một yếu tố quan trọng trong quản trị công của các cơ quan nhà nước, nhất là ở các cấp cơ sở. Việc sử dụng các công cụ, nền tảng số để giao tiếp, kết nối người dân và chính quyền góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chiến lược phát triển Chính phủ số, hướng đến một chính phủ số mạnh mẽ bên cạnh các công dân số có trách nhiệm xã hội./.

Trịnh Thị Trang

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

2. Báo cáo của Đà Nẵng về kết quả, tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.