Chuyển đổi số trong xã hội đang thay đổi không gian sống của người dân, xóa bỏ mọi khoảng cách vật lý về không gian và thời gian, tạo ra không gian ảo – thực thể ảo để mọi người có thể liên kết, tập hợp, thể hiện bản thân... Công nghệ số cũng cung cấp những cách thức mới để người dân có thể thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân, biểu đạt hòa bình… Song hành với mặt tích cực, chuyển đổi số cũng mang lại những rủi ro và mối đe dọa mới làm suy yếu không gian riêng tư, quyền tự do của công dân…
Có thể nói xã hội số là nền tảng không gian mới, là thử thách cho các nỗ lực của chính phủ và xã hội dân sự về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của công dân. Sự trưởng thành của chính phủ điện tử - phát triển chính phủ số, chính sách dữ liệu mở và nhận thức – kỹ năng số của người dân là môi trường thuận lợi cho CivicTech (công nghệ dân sự) phát triển.
CivicTech là gì?
CivicTech (công nghệ dân sự) được coi là đại diện cho những công nghệ mới được thiết kế triển khai cùng với một quy trình sử dụng dữ liệu để tăng cường khả năng kết nối, nâng cao mối quan hệ giữa người dân và người dân, giữa người dân và chính phủ, giữa người dân và các thực thể khác (doanh nghiệp, tổ chức xã hội…).
Hình 1. Hệ sinh thái CivicTech
- Đối với quan hệ giữa người dân và chính phủ, CivicTech được coi là một công cụ kết nối để từ đó trao quyền cho công dân và thúc đẩy sự tham gia của người dân cũng như là cầu nối giữa chính phủ và người dân để tăng hiệu quả của các dịch vụ hành chính công.
- Đối với quan hệ cộng đồng, giữa người dân và người dân: Civic Tech được coi là những công cụ kết nối mà mọi người thông qua nó có thể xây dựng các mối quan hệ ảo – thật với những người khác. Bao gồm các quan hệ xã hội như: có chung tính cách, sở thích, nghề nghiệp, kinh doanh hoặc với cả những người có mối quan hệ ngoài đời thực…
- Đối với mối quan hệ giữa người dân và các thực thể khác (doanh nghiệp, tổ chức xã hội…), CivicTech bao gồm các công cụ kết nối cho các hoạt động trao đổi thông tin giữa người dân và các doanh nghiệp, tổ chức dân sự… Nó có thể là công cụ thăm dò ý kiến, đánh giá xu hướng khách hàng, tạo sự kiện…
Nói chung, CivicTech là một tập hợp công nghệ số, cung cấp các chức năng số hỗ trợ các khía cạnh khác nhau của đời sống người dân trong xã hội, đặc biệt được nhấn mạnh là hỗ trợ sự tham gia của người dân trong quản trị công và giải quyết vấn đề liên quan. Thông qua tận dụng dữ liệu mở từ các tổ chức của chính phủ hay tổ chức phi chính phủ, CivicTech có thể tạo ra các công cụ phân tích dữ liệu, trực quan hóa và chuyển tải thông tin hướng tới mục tiêu tăng cường tính minh bạch, công khai hóa thông tin và hỗ trợ giải quyết các vấn đề của cộng đồng
Một số trường hợp điển hình triển khai CivicTech
CivicTech được coi là công nghệ lấy người dân làm trung tâm, thiết kế theo xu hướng tăng cường sự tham gia của người dân, mang lại lợi ích cho người dân đã thúc đẩy đổi mới qui trình quản trị kinh tế, xã hội của các tổ chức liên quan.
- Thủ đô Paris của Pháp, nền tảng CitizenLab cho phép người dùng đề xuất và thực hiện các sáng kiến có ý nghĩa xã hội. Ở đó, các sáng kiến đang được thực hiện đều cung cấp các kế hoạch chi tiết và báo cáo thực hiện để người dân luôn có thể theo dõi tiến độ của các dự án đang diễn ra. Ngoài ra, tất cả các dự án có thể hiển thị trên bản đồ, giúp dễ dàng đánh giá mức độ hoạt động của các khu vực khác nhau trong thành phố.
- Đài Loan là nơi được xếp hạng cao trên thế giới về đổi mới công nghệ bao gồm dữ liệu mở, chuyển đổi số và phổ cập rộng rãi của internet. Chính việc sử dụng rộng rãi internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia, bày tỏ ý kiến chính trị trực tuyến và có thể liên hệ trực tiếp, bày tỏ ý kiến công khai với các nhân vật chính trị thông qua các công cụ trực tuyến.
Nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân, thông qua cách tiếp cận của CivicTech. Một mạng lưới trực tuyến với sự tham gia của người dân và các chuyên viên, lãnh đạo các bộ ngành chính phủ được xây dựng với mục tiêu: cùng nhau hợp tác giữa khu vực công và người dân để xây dựng các chính sách mới của Chính phủ. Bên cạnh đó, các chính sách mới của chính quyền đã thúc đẩy tiến bộ công nghệ: Đạo luật Thử nghiệm Sáng tạo và Phát triển Công nghệ Tài chính được thông qua vào năm 2017, để hỗ trợ sự phát triển của FinTech ở Đài Loan…
Trong hai năm vừa qua, khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới, CivicTech đã trở thành một thành phần quan trọng trong trong công tác phòng, chống đại dịch. Hợp tác với Chính quyền, cộng đồng CivicTech đã sử dụng dữ liệu mở để tạo các bản đồ dịch bệnh có sẵn cho người dân. Phân tích dữ liệu lớn và quét mã QR cho phép cơ quan phòng chống dịch bệnh gửi cảnh báo thời gian thực, theo dõi lịch sử đi lại và các triệu chứng sức khỏe của người dân… Chính những ứng dụng này giúp chính quyền và người dân có những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong xử lý và đối phó với đại dịch.
- Tại Nhật Bản, CivicTech phát triển nhanh chóng kể từ khoảng năm 2013. Ban đầu, các sáng kiến CivicTech của Nhật Bản chủ yếu do người dân khởi xướng với mục tiêu giáo dục dân chúng sử dụng công nghệ như một công cụ dân chủ hóa và tiếp cận thông tin công cộng. Mặc dù năm 2013 được đánh dấu cho sự phát triển của CivicTech, nhưng CivicTech lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2011, sau trận động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân Fukushima. ứng dụng Safecast do người dân quản lý ra đời, cho phép người dân thu thập, phân phối dữ liệu và cảnh báo mức độ bức xạ.
Xuất phát từ sáng kiến “Người dân lãnh đạo”, sự ra đời của Bộ luật “Code for All- Mã cho tất cả” với mục tiêu làm cho dữ liệu dễ tiếp cận hơn với công chúng và khuyến khích việc sử dụng công nghệ để dân chủ hóa quản trị đất nươc. Chính điều này đã tạo ra nên tảng để phát triển nhiều ứng dụng CivicTech. Trong đại dịch COVID-19, ứng dụng “Stopcovid19” được phát triển cho Chính quyền Thủ đô Tokyo để thông báo cho công chúng về số ca nhiễm COVID-19 và việc giảm thiểu việc sử dụng tàu điện ngầm ở đô thị. Một dự án khác thuộc sáng kiến “Người dân lãnh đạo”, do JP-Mirai đứng đầu, phát hành một ứng dụng cho phép người lao động nhập cư gửi đơn khiếu nại về các vấn đề liên quan đến các hạng mục như thị thực và thuế.
Bên cạnh đó, chính đại dịch COVID-19 là động lực thúc đẩy chính phủ Nhật Bản chuyển đổi số một cách mạnh mẽ với trọng tâm tập trung số hóa đồng bộ vào các khía cạnh trong các chức năng của mình từ chính quyền trung ương và địa phương…
- Tại Úc, một nền tảng liên quan đến chính trị có tên MiVote với ứng dụng được cài trên thiết bị di động để người dân có thể tìm hiểu về chính sách và bỏ phiếu cho các chính sách mà họ ủng hộ. Các chính trị gia được bầu thông qua MiVote sẽ trở thành người đại diện bỏ phiếu ủng hộ lập trường cho đa số của những người sử dụng ứng dụng.
Ngoài ra, một ứng dụng di động khác là Snap Send Solve cho phép người dân dễ dàng phản ánh, báo cáo các vấn đề an sinh, xã hội… với hội đồng địa phương hay với các cơ quan chức năng có liên quan một cách nhanh chóng. Theo thông kê, vào năm 2020, có tới 430.000 báo cáo được gửi qua ứng dụng.
- Tại Estonia, bắt đầu vào năm 2002, khi chính quyền địa phương và trung ương bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng để cho phép các cơ sở dữ liệu liên thông, tích hợp với nhau. Estonia đưa ra hệ thống số hóa mã định danh (ID) quốc gia được tích hợp với chữ ký số cho phép người dân nộp thuế trực tuyến, bỏ phiếu trực tuyến, giao dịch ngân hàng trực tuyến, truy cập hồ sơ chăm sóc sức khỏe cũng như xử lý 99% dịch vụ công trực tuyến 24/7. Năm 2014, Estonia đã ra mắt ứng dụng e-Residency, cho phép người dùng từ bất kỳ nơi nào trên thế giới tạo và quản lý một doanh nghiệp ảo trực tuyến tại Estonia cùng với hệ thống cấp thị thực nhập cư cho những người “du mục số”.
Ngoài ra, một số ứng dụng CivicTech do người dân thiết kế đã ra mắt. Điển hình, nền tảng trực tuyến Hội đồng nhân dân (Rahvakogu) đã được ra mắt vào năm 2013 để lấy ý tưởng từ cộng đồng người dân, đề xuất sửa đổi luật bầu cử, luật đảng phái chính trị và các vấn đề khác liên quan đến dân chủ của Estonia. Ứng dụng Citizen OS là một nền tảng nguồn mở và miễn phí khác được tạo ra với mục tiêu cho phép người dân Estonia tham gia vào quá trình ra quyết định, khuyến khích người dùng đưa ra các kiến nghị và tham gia thảo luận có ý nghĩa về các vấn đề trong xã hội nói chung.
- Tại Hoa Kỳ, chính quyền của các thời kỳ Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush và Tổng thống Obama đã tăng cường tìm kiếm và sử dụng các sáng kiến công nghệ mở trong thể chế chính trị, nhằm nâng cao tính hiệu quả và tăng cường sự tham gia của người dân. Chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi “Sáng kiến Chính phủ Mở” dựa trên các nguyên tắc về tính minh bạch và sự tham gia của người dân, mở đường cho việc tăng cường tính minh bạch của chính phủ vì lợi ích của người dân và cho phép người dân tham gia nhiều hơn vào chính trị. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức International Data Corporation (IDC), ước tính khoảng 6,4 tỷ USD được chi cho CivicTech vào năm 2015 trong số 25,5 tỷ USD mà chính phủ ở Hoa Kỳ tài trợ cho các dự án công nghệ bên ngoài.
Song song với chính phủ, CivicTech cũng được phát triển bởi nhiều công ty, tổ chức và nhóm tình nguyện. Một ví dụ nổi bật là Code for America - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco, đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa chính phủ và người dân. Trường hợp khác đến từ các sinh viên đại học Đại học Harvard đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận quốc gia “Coding it Forward” với mục tiêu tạo ra các khóa thực tập về khoa học và công nghệ dữ liệu cho sinh viên đại học và sau đại học trong các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ. Một ví dụ khác về tổ chức công nghệ dân sự là Chi Hack Night, có trụ sở tại Chicago với sự tổ chức của các tình nguyện viên chuyên tổ chức các sự kiện hàng tuần nhằm xây dựng, chia sẻ và học hỏi về CivicTech. Hay hội trường hành chính của thành phố New York là một không gian tổ chức sự kiện và làm việc chung dành cho những người muốn đóng góp vào các dự án công nghệ số phục vụ cộng đồng.
Một số ứng dụng điển hình CivicTech như: Ứng dụng di động OneBusAway sử dụng dữ liệu mở của CivicTech để hiển thị thông tin chuyển tuyến của hệ thống xe buýt theo thời gian thực. Nó được duy trì bởi các tình nguyện viên với tiện ích giúp mọi người di chuyển theo cách của họ qua các thành phố.
Tại Houston, SeeClickFix là một hệ thống có thêm ứng dụng dành cho thiết bị di động cung cấp trải nghiệm người dùng, được đơn giản hóa, cho phép người dân báo cáo các vấn đề trực tiếp với các cơ quan trách nhiệm địa phương và cho các dịch vụ có liên quan. Với hệ thống này, người dân có thể nêu vấn đề của khu phố, như ổ gà trên đường hoặc vấn đề với cơ sở hạ tầng khác. Có nhiều bên có liên quan được kết nối đồng thời với nền tảng cho phép những vấn đề phát sinh được báo cáo sẽ ngay lập tức được gửi đến tổ chức có trách nhiệm trực tiếp để được giải quyết.
Hình 2. Hệ thống SeeClickFix
Có thể nói các ứng dụng di động cho các dịch vụ của chính phủ, các công cụ truyền thông xã hội để kết nối mọi người dân hay các ứng dụng giao thông vận tải để theo dõi xe buýt và xe lửa… là những ví dụ về CivicTech. Không gian CivicTech có bước phát triển đáng kể kể từ năm 2012, dưới sự thúc đẩy của chính người dân, chính phủ và các tổ chức xã hội phi lợi nhuận. CivicTech đã tạo ra một số ảnh hưởng lớn đến xã hội, kinh tế và chính trị của nhiều quốc gia. Những tiện ích mà CivicTech mang lại đã đưa đến những lợi ích cũng như những ảnh hưởng có thể có đối với hành vi xã hội và sự tham gia của công dân. Công nghệ tạo ra phương thức kết nối và giao tiếp mới, cũng như thay đổi cách tương tác với các vấn đề trong bối cảnh của mỗi con người. CivicTech mang lại sự minh bạch trong chính phủ, dữ liệu chính phủ mở cho phép nhiều người thuộc các cấp độ kinh tế xã hội khác nhau có thể xây dựng và tham gia vào các vấn đề dân sự theo cách mới hoàn toàn.
Với sự gia tăng của tương tác mới trên không gian ảo thông qua các phương tiện truyền thông xã hội làm giảm tương tác trực tiếp của xã hội truyền thống. Sự thay đổi này đem mang tính hai mặt “tích cực và tiêu cực” cho xã hội con người.
Lời kết
Nền tảng CivicTech giúp chính phủ cởi mở, gần gũi với người dân của mình hơn. Thông qua cho phép, cấp quyền cho người dân truy cập mở vào thông tin hoạt động của các cơ quan chức năng đã làm tăng lòng tin của người dân đối với nhà nước. Cho phép truy cập dữ liệu về cuộc sống của địa phương và sử dụng dữ liệu đó để tối ưu hóa quá trình ra quyết định sẽ tạo ra các giải pháp có thể đóng vai trò như một nền tảng để người dân bày tỏ ý kiến về các sáng kiến công và tạo cơ hội cho việc ra quyết định tập thể. Hơn nữa, đây là cách để nhà nước tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân và giải đáp những thắc mắc của họ.
Đối với người dân, nền tảng CivicTech cung cấp cho công dân nhiều cơ hội để tương tác với nhau cũng như với các cơ quan chức năng. Thông tin, dữ liệu thu thập từ cộng đồng cho phép người dân có thể xác định, đóng góp các sáng kiến hay giải pháp … của bản thân đối với các vấn đề cấp bách của địa phương, chính điều này sẽ tạo thành một cộng đồng công dân tích cực.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội… nền tảng CivicTech cung cấp nhiều cơ hội xã hội khác nhau, từ những nguồn tài trợ cho các dự án xã hội cho đến sự tham gia đầy đủ vào các sáng kiến do người dân đề xuất. Các doanh nghiệp, tổ chức xã hội… có thể khởi động và thực hiện các dự án xã hội với sự giúp đỡ của người dân và các quan chức chính phủ. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng các nền tảng CivicTech để đánh giá xu hướng, sở thích người dùng hoặc tìm kiếm, xác định và phân tích các xu hướng mới, đồng thời tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, phát triển trong tương lai.
Lê Việt Hưng
Tài liệu tham khảo:
https://www.hellolamppost.co.uk/blog/100-faqs-on-civic-tech-citizen-participatory-technology-and-everything-in-between
https://idatosabiertos.org/wp-content/uploads/2020/09/IL_DOC_Mapeotecnologi%CC%81a3-1.pdf
https://www.forbes.com/sites/quora/2017/09/19/what-is-civic-technology/?sh=61bfbc373ecc
https://codeforall.org/about-civic-tech/